Đi & Ở

Xem trình diễn thư pháp vỉa hè 2013 26. 02. 13 - 9:03 am

Trịnh Tuấn

 

Lâu nay, công chúng Việt Nam ít biết nhiều đến khái niệm “trình diễn thư pháp” hay “trình hiện thư pháp” (Calligraphy Performance) qua các phương tiện truyền thông quốc nội (đa phần là những báo đài lá cải), nhưng nhờ đó mà hoạt động hành vi này cũng đã đến được với công chúng phần nào, mặc dù hầu hết số công chúng này, khi tiếp cận cũng chỉ là kiểu tiếp cận và nhận biết theo kiểu “cởi ngựa xem hoa”. Song, dù là ít ỏi, dù là manh mún, dù là bộc phát nơi vỉa hè, hay đôi lúc là nghiêm túc, chỉnh tề, có tổ chức trong các triển lãm ở các gallery, nhưng với việc đã tạo nên một câu chuyện mới, câu chuyện của thư pháp đương tại Việt Nam trong bối cảnh “ấu lão đồng tân” cá mè một lứa của giới viết chữ; hay trọng già khinh trẻ, sủng nhục bất phân của đám đông công chúng mù chữ (Hán) mỗi khi tết đến xuân về ra vỉa hè Miếu Văn xin/mua/ăn mày/cướp chữ.
 
Từ trình diễn nghiệp dư… nơi qua đường không ai hay
 
Mấy năm trở lại đây, hoạt động trình diễn thư pháp ở vỉa hè Văn Miếu mỗi khi kết thúc chợ chữ (rằm tháng Giêng) đã gần như có nếp. Những năm trước, hoạt động này còn nằm trong phạm vi hoạch định của một số người, có mong muốn phô bày chính kiến của mình, thông qua hành động trình diễn và tặng chữ tùy tâm cho khách, nhằm phản đối việc các ông già vừa giảo mạo thánh thần vừa làm con buôn có hạng. Nhưng qua năm nay, câu chuyện ấy đã tiến xa hơn một bước, từ việc tuyển chọn các thư gia cũng như nội dung trình hiện tác phẩm, đến việc tổ chức trình diễn đã có phần long trọng, chỉn chu, nghiêm túc cũng như công tác hậu cần cho buổi trình diễn đã dần tiệm cận với cụm từ “chuyên nghiệp”.
 
Năm nay, tham gia trình diễn có 17 tác giả trẻ. Người lớn tuổi nhất sinh năm 1969 là Lê Thanh Hải, ngưởi trẻ nhất thuộc thế hệ cuối 8X. Gần hết trong số các tác giả đều đã tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học. Họ từng là cán bộ các viện, các câu lạc bộ có chuyên ngành liên quan đến văn tự học và thư pháp, như viện Hán Nôm, viện KHXH&NV, viện Văn học v.v… Họ có những người từng du học tại hải ngoại các chuyên ngành về ngôn ngữ học, văn bản học, hội họa v.v… Nói một cách ngắn gọn là, họ là những người Thực Học. Họ say mê thư pháp, có ước mơ trong sáng và đầy nghiêm túc về phân môn mình đang theo đuổi. Lại phải nói một cách khác, họ có ước mơ của một danh gia. Ước mơ đó thể hiện qua việc họ đã âm thầm tiếp nhận di sản của ông cha, rồi truy cầu cái cổ vận của thư pháp cổ điển, tiếp cận các thể chữ đã thành tựu của thư pháp Trung Hoa như triện, lệ, khải, hành thảo… Với những gì đã thể hiện trên 50 mét lụa màu vàng trải dọc tường Văn Miếu, người ta đã có dịp để nhìn vào kết quả quá trình học tập của các tác giả trẻ này. Mỗi người một lối, mỗi người một vẻ, mỗi người một thể, và hầu như họ đã nhiều ít định được cho mình cái thể tự trên con đường muốn đi xa hơn nữa. Về khải thư, đã xuất hiện lối viết của các nhà Nhan, Triệu; về Hành thư, đã xuất hiện lối viết của cha con nhà họ Vương, về Lệ thư đã thấy bóng dáng của Tào Toàn, về Thảo thư, đã thấp thoáng bóng hình của Hoài Tố, Chung Diêu, Bát Đại Sơn Nhân… Cái dải lụa ngắn củn như chiều dài học thuật về thư pháp nước nhà ấy, lại có thể phô diễn được nhiều đến thế! Thấy mà mừng rơi nước mắt!
 
Khi tấm lụa được trình hiện đến chữ cuối cùng, nhiều người ngẩn ngơ, nhiều người hoang mang, nhiều người thờ ơ, nhiều người hậm hực. Nhìn một lượt qua các ánh mắt của công chúng đứng vây quanh, cảm nhận bằng phân tâm học một chút thì cảm thấy buồn buồn. Nhưng cái buồn đó được xô đi nhanh chóng, để nhường chỗ cho một niềm vui nho nhỏ, đó chính là những gì đã được thể hiện trên cái dải lụa kia, nó ít nhiều đã trở thành ám tượng, chí ít trong lòng và trong đầu người viết bài này. Nhìn một cách tổng thể cả 50m lụa, một chương pháp lạ mà quen, một vô tình trong hữu ý, một “cố ý đâm xôi xôi lại hỏng”, một “vô tình buông bút bút đơm hoa”… Những trích đoạn nếu cắt nó ra khỏi chỉnh thể ấy thì sẽ hỏng, nhưng nó nằm đó lại là sa tế, lại là xiêm y, lại là xí quách cho cả một hỗn mang chữ, mà không hề rời rạc. Lại có những trích đoạn nếu cắt ra thì có thể làm thiếp cho nhiều người lâm tập, nhưng nằm trong đó thì… hơi phí! Nó giống như việc người ta kê sa-lông vào túp lều tranh và, người khó tính thì dễ buột mồm mà rằng, nó như bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu!
 
Trong buổi trình diễn, tôi ấn tượng bởi những câu phát biểu của các thư gia trẻ, trong đó có lời của họa sĩ Lê Quốc Việt rằng: “Hành động này nhằm phản đối việc bán chữ vô liêm sỉ của các đồ già trên vỉa hè, trả lại cho văn hóa tặng chữ đầu xuân tùy tâm hoan hỷ vẻ đẹp vốn có của nó!”. Câu nói như dao cứa vào những người có chữ “sĩ” trong đầu, nhưng nó quá cũ mèm và quá nhẹ với những người đã tự bán đi, chữ ấy để mua cơm và mua danh ngay tại cái vỉa hè đó rồi. Tôi đã định viết ra đây, trong cái bài này, câu ngạn ngữ “Chó cứ sủa và đoàn người cứ đi”, nhưng nghĩ ngợi rồi lại thôi không viết nữa…
 
Đến giáng một đòn thậm lực vào cái gọi là “Thư pháp mậu dịch”
 
Cụm từ “mậu dịch” lâu nay, tôi nghe đám văn sĩ hiện đại lẫn hậu hiện đại gọi đám văn nô hay đám văn sĩ viết thuê cho nhà nước là “văn chương mậu dịch”; lại nghe những người luyện tập võ công thực sự, gọi đám võ sư mở lớp chiêu sinh ồ ạt ở các cung nọ sân kia là “Võ mậu dịch”; nhân đó, tôi cũng muốn dùng khái niệm “Thư pháp mậu dịch” để chỉ những người bán giấy tặng chữ lừa bịp nơi vỉa hè Văn Miếu.
 
Việc bày tỏ thái độ gay gắt giữa các thư gia với các “ông đồ” già lẫn các “ông rồ trẻ” (mác bị phong và tự phong) xuất phát tự nhiều lý do. Tuy nhiên, tụm chung lại, nó chỉ xuất phát từ mấy việc mà thôi. Thứ nhất, công chúng Việt Nam cần phải biết các “ông đồ” già ngồi ngoài Văn Miếu họ là ai? Người biết chuyện, đi một vòng chỉ thấy gần như hầu hết các cụ ấy đều là học trò về thư pháp (tôi không nói là về chữ Hán) của các thư gia trẻ, ngày thường vẫn đang theo học ở các lớp với trình độ nhập môn cơ bản, thế nhưng, khi ra ngồi ngoài vỉa hè bán/cho chữ, thì bốc giời ăn vả, tự phong cho mình đủ loại tước hiệu, hoặc tự vẽ sử cho mình rằng là con nhà trâm anh thế phiệt, ăn học từ nhỏ v.v… Thứ hai, họ vu khống cho chữ Hán là thứ chữ tâm linh, đẩy câu chuyện ma mị vào trong chữ nghĩa để lừa phỉnh đám người ngu muội cả tin. Thứ ba là vịn danh giòng giống để lòe phỉnh người ngu dốt, như lấy mác của ông bà từng là tác giả nọ, nhà văn kia v.v… để tự phong cho mình cái nhãn tươi tốt, thêm vào đó là núp váy chính khách trong vài hình ảnh ở các hội chợ, chụp ảnh phóng to lên, oai và oách với công chúng mù chữ. Thứ tư là dựa vào cái mác được phong là một trong tứ trụ triều đình về thư pháp, để vẽ hưu vẽ vượn lên giấy rồi chặt chém khách hàng cả tin. (Nhân đây, tôi ân hận thú nhận về việc tạo ra cái gọi là “tứ trụ triều đình” ấy, chính tôi là tác giả. Ngày tôi còn làm ở báo TT&VH, tôi và nhà báo Đỗ Doãn Phương (nay là phóng viên tổng biên tập) đã gọi 4 người ấy là tứ trụ triều đình, bọn bồi bút sau này vơ vào đó và làm nhiều trò PR hợm hĩnh, nhưng nếu phải đày địa ngục thì tôi là người bị đày xuống trước). Với những lý do đó mà các thư pháp trẻ không muốn ngồi chung chiếu với họ, nói như Lê Quốc Việt là “trọng sĩ chứ không trọng nghiệp”, tuổi đời họ đáng tuổi cha chú, nhưng tuổi nghề, e là họ chỉ thấp chưa đến mắt cá nhiều thư gia trẻ mà thôi.
 
Đòn giáng này chưa biết có làm được gì hữu ích cho nền thư pháp non nớt và yếu đuối của nước nhà hay không, nhưng nó tựa hồ như phát pháo mở màn đầu tiên có trọng lực vào một mục tiêu khá rõ ràng. Đồng thời, nó cũng vén tấm màn thực về nghệ thuật thư pháp với công chúng Việt Nam, và hơn cả, cuộc trình diễn là tiếng nói của thời đại, là chiếc cầu nối giữa đương tại Việt Nam tân nho thanh niên với các bậc tiền bối thánh hiền, đang ngồi trong Văn Miếu và trong 82 văn bia tiến sĩ.
 
Mường tượng mơ hồ về một tương lai bên vỉa tường miếu Khổng…

 
Kết thúc cuộc trình diễn, tôi xin các thư gia trẻ mấy chữ về cho con trai năm nay vào lớp một, với sự tùy tâm hoan hỷ như đúng với khẩu hiệu các thư gia mong muốn. Thư gia Vũ Thanh Tùng cho con tôi bốn chữ “Anh hùng tuấn kiệt” với lời đề tặng “Cháu tôi giữ lấy“; thư gia Nguyễn Trung Hoàng Long cho con tôi chữ Chí với dòng để tặng “Tặng cháu Kiệt“; thư gia Nguyễn Đại Cồ Việt tặng con tôi bốn chữ “Bộ bộ đăng cao” với lời đề tặng tương tự. Tôi rước chữ về nhà tặng con, lòng vui và hân hoan khôn tả. Nếu như ai cũng như tôi, mỗi năm tết đến xuân về, ra hiên miếu Khổng, thỉnh chữ đầu xuân với lời đề lạc khoản chân thành của các thư gia, và tất nhiên với sự tùy tâm của mình trong hoan hỷ, thì xuân chắc sẽ tươi hơn, tết chắc sẽ đậm hơn, thi vị chữ nghĩa sẽ du dương hơn trong sắc mai vàng đào đỏ. Tôi vẩn vơ nghĩ thế và hình dung về một vỉa hè Văn Miếu trong mơ như thế. Cũng cần nói thêm một chút chỗ này về cái gọi là “tùy tâm hoan hỷ”. Công chúng cũng phải có tinh thần “tự sĩ” trong việc tùy tâm, đừng tự biến mình thành kẻ ăn mày! Giấy bút mực nghiên không phải là đồ từ thiện, và hơn nữa, cách cho quý hơn của đem cho, và cách nhận quý hơn đồ được nhận.
 
Tuy nhiên, mơ thì ai cũng có quyền, nhưng nếu như giấc mơ mang hình cái thớt (chữ của Trần Quang Quý) thì hiện thực đáng dao phay! (tác giả). Giấc mơ kia nó phụ thuộc quá nhiều vào tầm đón đợi của công chúng Nam Việt, phụ thuộc quá nhiều vào giới truyền thông có học (không phải đám bồi bút vô học), biết chuyên môn hoặc biết hỏi người có chuyên môn khi viết báo. Để những trẻ già khi ra Văn Miếu biết đâu là chân là ngụy, nhận ra đâu là đồ giả, đâu là đồ thật, đâu là kẻ què lại tự xây ngai… Phải đến lúc đó thì cái gọi là “nghệ thuật thư pháp” may ra có chỗ để mà “trình diễn”, và những tổ tiên ông bà của nhân dân (đã chết rồi) hằng năm không bị người nhà đi thỉnh rác về thờ. (Tôi tin nếu Diêm Vương là có thật, ông ấy sẽ cho nhiều người sống lại để chết thêm lần nữa, khi chính họ được cúng những chữ nghĩa cụt què, bẩn thỉu, nhớp nhúa đầy danh lợi lần mùi nước tiểu nơi vỉa hè).
 
Người viết bài này đứng trên lập trường và quan điểm cá nhân, ủng hộ sự thật và chấp nhận mọi phản biện (nếu có), kể cả chấp nhận cả việc sẽ tạo khẩu nghiệp để đày địa ngục nếu Phán Quan và Diêm Vương cũng mù như công chúng xin chữ ở vỉa hè kia…
 
Nguyên Tiêu 2013

 

*

Bài liên quan:

– “Thư pháp Hành vi đường phố”: Quyết thoát khỏi bóng “Ông đồ” 
– Mấy suy nghĩ sau buổi trình diễn thư pháp vỉa hè 2013

Ý kiến - Thảo luận

8:20 Wednesday,13.3.2013 Đăng bởi:  candid
@tinhhaysay: Em chủ yếu chụp bằng các máy cũ, có máy thậm chí trước cả chiến tranh thế giới I. Cái máy này không phải là Hasselblad mà là đối thủ của Hasselblad, nó là Rolleiflex.
...xem tiếp
8:20 Wednesday,13.3.2013 Đăng bởi:  candid
@tinhhaysay: Em chủ yếu chụp bằng các máy cũ, có máy thậm chí trước cả chiến tranh thế giới I. Cái máy này không phải là Hasselblad mà là đối thủ của Hasselblad, nó là Rolleiflex. 
22:05 Tuesday,12.3.2013 Đăng bởi:  Tỉnhhaysay
Các ông đồ ở phố ông đồ toàn mượn chữ thánh hiền để kiếm sống, làm hỏng hết ý nghĩa chữ.
@Candid, bộ ảnh của bác đẹp quá. Bác vẫn chụp được bằng máy từ hồi chiến tranh thế giới thứ 2 cơ à ? Có phải là hasenblat phải không ?
...xem tiếp
22:05 Tuesday,12.3.2013 Đăng bởi:  Tỉnhhaysay
Các ông đồ ở phố ông đồ toàn mượn chữ thánh hiền để kiếm sống, làm hỏng hết ý nghĩa chữ.
@Candid, bộ ảnh của bác đẹp quá. Bác vẫn chụp được bằng máy từ hồi chiến tranh thế giới thứ 2 cơ à ? Có phải là hasenblat phải không ? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả