Gẫm & Bình

Phê bình mỹ thuật: nên có nhiều cách cùng tồn tại, tùy cá tính người viết 16. 03. 13 - 8:36 am

Ba Chấm (...)

Soi liên tục cập nhật bài mới – khiến những vấn đề vài bữa trước đã trở nên lạc hậu – nhưng vì vẫn cảm thấy có điều chưa thỏa đáng, nên mình comt tiếp ở loạt bài phê bình này vài điều.

Mình không phải là học trò, cũng không quen biết Nguyễn Quân, nhưng có đọc bài phê bình cũng như sách nghiên cứu mĩ thuật của ông, nên cũng coi là học gián tiếp. Mình nghĩ đa phần trong giới mĩ thuật, mọi người đều đọc qua sách của ông. Khen hay, thấy thích hay chê bai, phản đối cũng là lẽ thường khi hành ngôn, nhưng đóng góp của ông cần đánh giá nghiêm túc và đúng mực.

Có điều sau loạt 4 bài của họa sĩ Gia Hòa, vô hình chung nhiều người (trên Soi) có xu hướng cho rằng Nguyễn Quân là nguồn gốc của việc bình luận hoa mĩ, khiến cho cả nền mĩ thuật Việt Nam mắc “bệnh mãn tính”, cần phải phá bỏ để xây dựng “cái mới trong sáng hơn”. Mình có những nhận định thế này:

Bài đầu tiên: Phê phán về “anh Tuấn bình cô Mai” thì mình đồng ý là phồn vinh giả tạo – dùng quá nhiều từ màu mè – nhưng thực chất đây là bài quảng cáo nhằm giới thiệu triển lãm cá nhân, dùng như một công thức áp dụng dễ dãi cho nhiều trường hợp – ví dụ chỉ cần thay tên họa sĩ này bằng họa sĩ khác là được; cách viết này mình nghĩ là cách viết để hành nghề báo chứ không hẳn là phê bình.

Nhưng anh Tuấn chẳng kiệt xuất gì để phải quá quan tâm – mà anh Tuấn thì có liên quan gì đến Nguyễn Quân? Bác Hòa muốn đưa đẩy một mẫu diêm dúa để gợi nhớ đến Nguyễn Quân – ở đây theo cảm nhận của mình cái cốt căn của anh Tuấn còn non xa, không thể so sánh với một Nguyễn Quân có bề dày nghiên cứu trong nhiều năm và cả sự thiên bẩm lí luận. Cá nhân mình đánh giá ông là một nghệ sĩ tự học có năng lực. Việc bác Hòa đánh đồng anh Tuấn với Nguyễn Quân khiến nhiều bạn đọc “ngoại đạo” lại tưởng họ cùng một môn phái – nhưng chuyện Tây Thi và Đông Thi cùng nhăn thì cũng khác nhau đấy!

Bài 2: Về bài báo nhân ngày điêu khắc gia Nguyễn Hải khuất núi. Mình đã đọc nguyên bản: “Nguyễn Hải – cô đúc và hào sảng”. Thực chất đây cũng không hẳn là bài bình luận phong cách tượng Nguyễn Hải mà chỉ là một bài “điểm sách” như chính bác Hòa nhận định – trong khuôn khổ phải đánh giá được tầm vóc của điêu khắc gia và điểm mặt tương đối các công trình lớn trong đời ông. Việc Nguyễn Quân nhắc lại: “Nguyễn Hải nói về vẻ đẹp của khối: Đó là khi ta bóp hết sức bình sinh mà nó không ‘VÀO’, không thay đổi được nữa” cũng chính là nhắc đến tư duy tâm đắc của bác Hải. Mình thấy chỉ cần hai từ “cô đúc và hào sảng” đã nêu bật phong cách tượng Nguyễn Hải – cũng không có gì diêm dúa!

Tuy nhiên trước đó dựa vào câu “Đó là khi…” bác Hòa đã say sưa phân tích một loạt về vẻ đẹp của Khối cũng như định nghĩa về điêu khắc…. thực chất mình nghĩ bác đã lạc đề, vì nếu đề bài là viết luận về cuộc đời và thân thế sự nghiệp một nghệ sĩ, bác lại luận sang phong cách và tư duy của một nghệ sĩ.

Nếu đã gọi viết luận – dù hay mấy mà lạc đề thì mình nghĩ bác nên chuyển đề bằng cách tự viết một bài bình luận về Nguyễn Hải – không nhất thiết phải khiên cưỡng đem một bài điểm báo để minh họa cho một bài phê bình mĩ thuật. Việc này cần minh bạch vì “tầm chương trích cú ” để nắn công kích đối phương theo ý mình là không fair play!!! Có khi “vì chữ làm mất tỉnh táo”(chữ của bác)!

Bài 3 – Mình hoàn toàn tôn trọng cách viết cũng như luận về tượng của bác Hòa. Cứng hay mềm, duy lý hay duy tình là tự do văn phong và tư duy của mỗi cá nhân.

Riêng mình thấy bác phân tích tỉ mỉ theo cách giáo viên hướng dẫn sinh viên về việc thử tìm các giải pháp xử lý một tỉ lệ vàng với “vấn đề ở đây là liều lượng, cường độ và sự đúng chỗ của ngôn ngữ khối”– bài tập cơ bản cần rèn luyện với sinh viên mỹ thuật cho tượng người hay bố cục tranh – từ những bài hình họa đầu tiên. Duy đối với người ngoài ngành yêu nghệ thuật thì sẽ “à – ồ thú vị thật, nhờ thế mà thành ra thế”(!).

Còn đoạn: “Cách tạo khối chủ đạo của tượng Thánh Gióng có sự tương đồng với cách tạo khối của con vít (vis) …Dĩ nhiên nghệ sỹ Nguyễn Hải không sao chép ốc vít (ông thậm chí có được gợi hứng từ nó hay không, tôi cũng không dám tùy tiện kết luận, bởi điêu khắc gia đã quá cố). Tôi chỉ nói sự tương đồng. Tôi chỉ nói cái “tinh thần cấu tạo khối” của nó mà TÔI CẢM thấy…” cho thấy khi bình luận, việc để tình cảm giả thiết, suy diễn cá nhân là không tránh khỏi, sao bác Hòa lại trách chú Quân lạm dụng văn tả kiểu “Ông Gióng” trẻ thơ – phi phàm mà gần gũi NHƯ tượng đình làng vặn mình trên một tuấn mã bốc lửa ngang trời…”?!

Rồi bác đoán mò “tôi ngờ rằng tác giả viết bởi sự trực quan bất chợt” – thế nếu Nguyễn Quân không viết bởi “bất chợt” mà đã “cân nhắc” thì sao – tại bác “ngờ” thôi chứ có căn cứ nào chắc là người ta vô tình mà không hữu ý không?

Nếu phương pháp của bác Hòa tự đánh giá là “kiểu phê bình cơ giới” (mécanique – kiểu phê bình vận dụng các nguyên lý một cách máy móc, cứng nhắc, mổ xẻ quá có khi giết chết cảm xúc về tác phẩm)” và nhận định phương pháp của Nguyễn Quân là cách phê bình tư biện (suy lý riêng – đôi lúc suy nhiều, lý ít) – thì rõ ràng chúng cùng tồn tại đa phương do sự lựa chọn mang cá tính người viết.

Cá nhân bác đánh giá kiểu phê bình sau “hàm chứa sự vô bổ, có khi còn dẫn đến thảm họa sai lầm lâu dài về nhận thức (nếu nhà phê bình có ‘uy tín’) cho số đông”, nhưng quả thật trong thời gian dài chả ai viết cái gì cả ngoài mấy tên tuổi như chú Quân, anh Thượng, bác Vân… Việc “cứu giúp” đám đông “u minh” là việc nên làm nếu còn “đủ sức” – mà hiện nay diễn đàn phê bình còn rộng rãi, mời bác cứ viết thoải mái để mọi người cùng được vỡ vạc, chứ không ai chịu làm rồi lại trách người làm là gây thảm họa thì cũng là “xáo” lắm.

Cuối cùng, việc “Nhà phê bình nghiêm túc, có trình độ, có thể… tiên đoán được một sự phát triển tương lai của cả một nền nghệ thuật” thật sự theo mình là việc làm “quá sức” một nhà phê bình Việt Nam ở thời điểm này, hy vọng người nào đó “có kiến thức hội họa sâu rộng và có hệ thống từ Đông sang Tây đã góp phần tích cực vào sự phát triển trong sáng cho Mỹ thuật đương đại Việt Nam” (@LeTrinhNguyen) sẽ làm được điều đó!!!

Cám ơn Soi vì tốn đất quá.

 

*

Bài liên quan:

Tán về “Phê bình = Tán”, Bài 1 – Ông Tuấn bình cô Mai: không thấy hình, chỉ thấy chữ
– Bài 2 – Phê bình kiểu Nguyễn Quân: sự diêm dúa của từ ngữ

– Thử phân tích hai tác phẩm “Hòa Bình” và “Thánh Gióng” của Nguyễn Hải

– Phê bình mỹ thuật: là bạn hay là kẻ quấy nhiễu?
 
– Phê bình mỹ thuật: nên có nhiều cách cùng tồn tại, tùy cá tính người viết

Ý kiến - Thảo luận

23:38 Wednesday,20.3.2013 Đăng bởi:  bacham
... hi @ bạn Tomo ... mình chẳng yêu ghét cá nhân ai cả (vì chẳng quen biết gì 2 chú bác đó) - mình viết chỉ để thử xem mình có đủ kiên nhẫn viết một bài luận từ đầu đến cuối không thôi.(!)
Mình không nghĩ những điều mình nói lại biến thành cuộc đấu tranh châ
...xem tiếp
23:38 Wednesday,20.3.2013 Đăng bởi:  bacham
... hi @ bạn Tomo ... mình chẳng yêu ghét cá nhân ai cả (vì chẳng quen biết gì 2 chú bác đó) - mình viết chỉ để thử xem mình có đủ kiên nhẫn viết một bài luận từ đầu đến cuối không thôi.(!)
Mình không nghĩ những điều mình nói lại biến thành cuộc đấu tranh chân lí như bạn Coc, lại càng không nghĩ bị miệt thị là "An nam Mít". Nhưng quả thật mình rất thư giãn khi là người Việt Nam - vì chỉ sống ở Vn mới có thể vượt đèn đỏ, tranh luận chính trị ở vỉa hè, "vạch ra và phê phán những cái rởm cái nhảm nhí trong phê bình" nghệ thuật và đặc biệt là đeo gươm gỗ đi oánh nhau trên Soi... hic hic ...kàkà !:)!!! 
22:09 Wednesday,20.3.2013 Đăng bởi:  Tò mò
Bài của Gia Hòa viết mục đích vạch ra và phê phán những cái rởm cái nhảm nhí trong phê bình hiện nay được chứng minh bằng những dẫn chứng ví dụ cụ thể. Còn Ba Chấm lại viết để bênh vực cá nhân Nguyễn Quân, kể lể thành tích của ông ta. Như vậy là lạc đề và sa
...xem tiếp
22:09 Wednesday,20.3.2013 Đăng bởi:  Tò mò
Bài của Gia Hòa viết mục đích vạch ra và phê phán những cái rởm cái nhảm nhí trong phê bình hiện nay được chứng minh bằng những dẫn chứng ví dụ cụ thể. Còn Ba Chấm lại viết để bênh vực cá nhân Nguyễn Quân, kể lể thành tích của ông ta. Như vậy là lạc đề và sa vào cái tầm thường kiểu An nam Mít là đứng trên quan điểm yêu ghét cá nhân. Đến chán  

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Hà Nội: bạn cần biết địch biết ta...

Lê Thị Liên Hoan (đạo diễn Lê Hoàng)

LẦN HỒI: Phương tiện hay đam mê của người trẻ?

An Bàng thực hiện (Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả