Chính trị

Cyprus: mất chữ tín rồi liệu có mất hết? 07. 04. 13 - 4:39 pm

django - Noon dịch phần hí họa

Trong bài “Tai họa thành Pompeii, tai họa đồng Euro, bạn Noon có mở ngoặc đoạn nói về khủng hoảng ngân hàng ở Cyprus và đề nghị có ai biết thì giải thích… Các bạn đọc text trước rồi xem tranh minh họa ở dưới sau nhé.

Khủng hoảng tiền gửi nhà băng đảo Cyprus nó là thế này:

Cyprus chỉ là một hòn đảo nhỏ với khoảng 800 ngàn dân, kinh tế chỉ chiếm có 0,2% của eurozone (khu vực đồng euro), nhưng lại rất quan trọng với Tây Âu bởi vì các ngân hàng ở đây nắm giữ một lượng tiền gửi lớn của các nhà đầu tư ở khắp châu Âu (nghe đồn là có tới 1/3 thuộc về người Nga, trong đó có nhiều băng đảng gửi để rửa tiền…).

Lý do là Cyprus thi hành một chính sách ưu đãi tiền gửi rất hấp dẫn, lãi suất tiền gửi thì cao mà thuế đánh vào doanh nghiệp thì thấp, hệ thống kiểm tra nguồn gốc tiền lỏng lẻo nên hút được rất nhiều tiền gửi.

Nếu hệ thống ngân hàng Cyprus mà có hề hấn gì (kiểu như phá sản) thì do sự liên thông của các ngân hàng châu Âu, kiểu gì cũng xảy ra sụp đổ domino và như thế thì eurozone ốm nặng.

Vậy mà mấy năm trước, chính phủ cũng như các ngân hàng nhớn của Cyprus, không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào lại quyết định đi mua trái phiếu của Hy Lạp, một đồng minh chính trị của Cyprus (thường thì các quyết định kinh tế mà cứ có động cơ chính trị thì dễ sai lầm là vậy).

Đến năm ngoái, khi Hy Lạp lâm vào khủng hoảng và bị bắt buộc phải cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thì trái phiếu của nước này rớt thê thảm, kết cục là các ngân hàng Cyprus, chủ sở hữu các trái phiếu này “bỗng dưng” thấy tài sản của mình “bốc hơi” chừng 4,5 tỷ USD!

Đòn này quá nặng nên các ngân hàng của Cyprus chịu không nổi nhiệt và có nguy cơ sụp, khiến mấy ông kẹ tài chính là EU, IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB phải bàn chuyện giải cứu Cyprus, tức là cũng tự giải cứu mình.

Thoạt đầu, có lẽ do học hỏi kinh nghiệm của mấy ông Hiệp hội bất động sản ở Việt Nam nên ba ông kẹ nọ đề nghị Chính phủ Cyprus đánh thuế tiền gửi tiết kiệm của dân để lấy tiền bù vào khoản thiếu hụt.

Chưa kịp bàn luận gì thì dân Cyprus đã xuống đường ầm ầm, thế nên Quốc hội Cyprus bác bỏ thẳng cánh cái đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm nọ.

Vậy nên ba ông kẹ kia lại đưa ra một đề xuất mới, thực chất là tối hậu thư: Cyprus sẽ nhận được 10 tỷ euro cứu trợ cho các ngân hàng, nhưng để nhận được khoản tiền này, Cyprus buộc phải thực thi một loạt các biện pháp, trong đó ít nhất phải tự mình huy động được 5,8 tỷ euro để tái cấu trúc các ngân hàng.

Đang nghèo thì gặp eo, khoản tiền khủng 5,8 tỷ euro đó kiếm ở đâu ra?

Cyprus bèn thực thi một biện pháp có thể nói là không tiền khoáng hậu, ấy là”mượn tạm tiền (gửi ngân hàng) của bọn giàu” để giải quyết khó khăn của quốc gia!

Cụ thể là bác nào cứ có khoản tiền gửi ngân hàng trên 100.000 euro thì 40% số này bị chuyển thành cổ phiếu không kỳ hạn, 20% số này gửi nhưng không được tính lãi!

Ngay cả cái khoản 40% cổ phiếu không kỳ hạn kia dù có lãi suất nhưng chủ sử hữu cũng không được rút ra khỏi ngân hàng ngay, muốn rút cũng mất chừng vài năm!

Tóm lại là các bác có ngân khoản tiền gửi lớn hơn 100.000 euro ở các ngân hàng Cyprus sẽ có nguy cơ nhìn thấy một phần tiền của mình ra đi không hẹn ngày trở lại!

Do cái kiểu siết tiền gửi tiết kiệm khá bạo lực như trên nên Cyprus tạm thời có được khoản vốn đối ứng theo yêu cầu của mấy ông kẹ tài chính và nhận được khoản 10 tỷ euro cứu trợ bắt đầu từ tháng 5 tới, nên tạm thời vượt qua được khủng hoảng.

Nhưng từ đây, một cuộc khủng hoảng khác là khủng hoảng lòng tin thì khó mà vượt qua được.

Bởi, nói gì thì nói, tiền tôi gửi ngân hàng anh mà bỗng dưng anh lấy anh xài (dù vì bất cứ lý do gì) thì ai mà chịu nổi! Kiểu gì thì tôi cũng tìm cách rút tiền ra và cạch mặt không bao giờ gửi nữa!

Đại loại cuộc khủng hoảng tiền gửi ở Cyprus nó là như thế.

*

Bức hí họa này không rõ tác giả nào, vẽ thủ tướng Đức Angela Merkel, đứng đầu khối EU, với phán quyết: “Mọi lựa chọn cho Cyprus là trên bàn này đây!”. Mà trên bàn toàn là những thứ để Cyprus hoặc tự cắt cổ, hoặc tự chặt đầu.

 

Để tự cứu mình, Cyprus “móc túi” người gửi tiền ngân hàng. Bức này của Chapatte, làm ở tờ International Herald Tribune. Theo tin đồn thì 1/3 tiền gửi ở ngân hàng trên khắp Cyprus là từ Nga, và người ta (đặc biệt là Đức), nghi ngờ đây là tiền bẩn. Trong tranh, một “nhà đầu tư” Nga đứng trước cửa ngân hàng Cyprus, cầm một vali đầy ứ tiền, gọi điện thoại cho một ai đó tên Vladimir, rằng “máy giặt trục trặc rồi nhe!” (tức cỗ máy rửa tiền). Cái mũ lông và áo khoác của nhân vật trong tranh đặc Nga, cái tên của ông bạn Vladimir cũng đặc Nga (thí dụ, Vladimir Putin), lại đi cùng một người đẹp tóc vàng dắt theo chó xù với một con rắn quấn quanh cổ (bạn nào biết người đẹp Nga nào thế này không?) (Noon dịch)

 

Việc đánh thuế tiền gửi ngân hàng của Cyprus để có được gói cứu trợ của EU được coi như hành động ăn cướp. Trong bức hí họa này của Michael Ramirez, hai lần đoạt giải Pulitzer, hiện vẽ cho tờ Investors Business Daily, người thâu ngân với vai trò đảo ngược, lại giơ súng trấn lột của khách hàng. Trong tiếng Mỹ, nhân viên thâu ngân nhà băng gọi là “teller”. (Noon dịch)

 

Cyprus được cứu, nhưng hệ thống ngân hàng thì đã mất cái quý nhất của nàng ngân hàng, tức chữ tín. Bức này của Adams, vẽ cho tờ Daily Telegraph, dùng thời tiết Anh quốc để ẩn dụ cho cuộc khủng hoảng ngân hàng ở đảo Cyprus. Tháng Ba. 2012 là năm nóng thứ ba trong lịch sử Anh, trong khi tháng Ba. 2013 lại là năm lạnh nhất kể từ 1969. Cho đến cuối tháng Ba, nhiều làng nước Anh còn chìm trong tuyết phủ. Bức hí họa này vẽ một ngôi làng Cyprus ngày này năm ngoái và ngày này năm nay. Năm ngoái mọi việc còn tươi sáng, các ngân hàng Cyprus vẫn còn là điểm thu hút người gửi tiền (vì có lãi cao mà). Một năm sau, mọi việc đã đổi. Tuyết tượng trưng cho tai ương rơi xuống hệ thống ngân hàng (toàn những ẩn dụ kiểu làn gió lạnh của bất ổn kinh tế, cơn ớn lạnh của thảm họa tài chính…). Thỏa thuận đổi lấy cứu trợ của EU tại Brussels đã làm bao nhiêu người gửi tiền mất của, cũng như ngân hàng lớn thứ hai của đảo cũng đã phải đóng cửa. Thêm một mở ngoặc là thực ra ở đảo Cyprus gần như không có tuyết. Lần có tuyết gần nhất là 1997! (Noon dịch)

 

Kipper William giễu cợt ngân hàng của Cyprus là những điểm cắt tóc mới kiểu EU (chui vào là trụi luôn)

 

*

Bài liên quan:

– Hí họa: Tai họa thành Pompeii, tai họa đồng Euro 
– Cyprus: mất chữ tín rồi liệu có mất hết?

Ý kiến - Thảo luận

19:06 Sunday,7.4.2013 Đăng bởi:  Lưng thắt may so đầu đội áp suất

Moa cũng có người bạn (Việt) mua nhà ở Síp may bán rồi. Một số vị Nga thì chắc không may mắn bằng.
Lại nhớ mấy "quả" đổi tiền ở Việt Nam và Liên Xô ngày xưa. Dưới mặt trời này có lẽ chẳng có cái gì từng không xảy ra "ngày xưa".


...xem tiếp
19:06 Sunday,7.4.2013 Đăng bởi:  Lưng thắt may so đầu đội áp suất

Moa cũng có người bạn (Việt) mua nhà ở Síp may bán rồi. Một số vị Nga thì chắc không may mắn bằng.
Lại nhớ mấy "quả" đổi tiền ở Việt Nam và Liên Xô ngày xưa. Dưới mặt trời này có lẽ chẳng có cái gì từng không xảy ra "ngày xưa".

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả