Chính trị

Kẹo lạc cho họa sĩ: Bố con ông Zardari làm gì sau thất cử? 14. 05. 13 - 8:02 am

Sáng Ánh

Khi lên làm ứng viên Phó Tổng thống Hoa Kỳ thì Thống đốc bang Alaska, bà Sarah Palin, được coi như là một phụ nữ thiếu hiểu biết về quan hệ quốc tế, ngay cả đi ra ngoài Bắc Mỹ cũng chưa hề. Kinh nghiệm ngoại giao của bà được mang ra tấu hài với câu “Từ sau vườn nhà tôi nhìn thấy được nước Nga” (cách bang Alaska một eo biển Behring). Thời gian eo hẹp, không thể tổ chức cho bà đi thăm thế giới, đảng Cộng hòa bèn đưa bà sang New York, là nơi có trụ sở của Liên Hiệp Quốc, để bà gặp một số lãnh tụ nước ngoài, cốt là để quay phim chụp ảnh lấy oai. Một trong những vị này là Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari, người có nụ cười còn sáng hơn là bộ áo vét.

Bà Palin và ông Zardari

Ông Zardari nói ngay “Trông bà còn tuyệt vời (gorgeous) hơn là (trên truyền hình)”. Hàm răng chưa hết lấp lánh thì ông đã tiếp, “Giờ thì tôi hiểu tại sao cả nước Mỹ phải điên dại lên vì bà”. Một phụ tá nhắc hai người bắt tay thêm lần nữa cho các phóng viên thu hình, Zardari bảo, “Nếu anh đề nghị, tôi còn có thể ôm (bà)”.

Đàn ông Pakistan, ở vị trí lãnh đạo, thì dĩ nhiên đường đường nam tính. Zardari lúc đó lại chưa mãn tang vợ – bà vừa mới mất được có chín tháng. Mà cái duyên má lúm đồng tiền của ông phải thế nào mới lấy được bà “Anh thư của Dân chủ” là Benazir Bhutto. Năm 35 tuổi, bà là nữ Thủ tướng đầu tiên của một nước Hồi giáo và mặn mà đến nỗi, một nhà hoạt động thiên tả Mỹ phải thốt lên, “Chúng ta, tuy bất đồng với bà và chống đối, nhưng phải thú nhận là đã từng ước ao ôm bà ngồi (múa rốn) ở trên lòng”.

Vợ chồng bà Bhutto lúc ông Zardari chưa lên làm Tổng thống

Lấy được vợ vừa sắc vừa tài, con nhà quyền quí (địa chủ vùng Sindh, bố làm Thủ tướng*) và học giỏi (Oxford, Harvard) thì trong khi bà lo việc nước, ông lo việc nhà. Ông cần mẫn nội trợ đến nỗi mang danh “Phu quân 10%” và đi tù. Đến Thụy Sĩ mà còn phải kết án ông về tội hơi bị sạch sẽ, chẳng những rửa bếp, rửa cửa rửa nhà, mà còn rửa cả … tiền. Tuy theo một điều tra chi tiết của tờ New York Times (1998), tài sản bất chính của gia đình này lên đến 1.5 tỉ USD, tính của ông Zardari vốn chi li, bất kể lớn nhỏ, bạc lẻ ông cũng chẳng chừa.

Chuyện thậm thụt bất chính tiền chục triệu là chuyện đã phải cãi nhau năm này qua năm khác ở trước tòa. Sau khi tòa phán thì chưa hẳn đã là nghiêm minh công lý họ Bao. Sau đây là tường trình của ngân khố quốc gia (Toshakana) cho Thượng viện năm 2009, khi ông Zardari đang làm Tổng thống: thói thường các lãnh đạo thì khi viếng nước ngoài, phải mang theo tặng và phải nhận mang về quà các quốc gia, đại khái tranh sơn mài cô gái dệt lụa hay khăn vấn thổ cẩm gì đó. Theo luật định thì lãnh đạo Pakistan có thể giữ riêng làm lưu niệm sau khi trả một lệ phí là bao nhiêu (từ 5% đến 30%) giá trị của món quà. Trong một năm đầu làm Chủ tịch, Zardari đã phá kỉ lục của 30 năm Tổng thống và Thủ tướng tiền nhiệm (là 13 vị), mang về nhà 600.000 USD quà tặng quốc gia (trên tổng số 30 năm được uớc tính là 1,6 triệu). Viếng thăm Lybia, ông được Gaddafi tặng hai chiếc BMW và hai chiếc Toyota. Thay vì từ chối, cám ơn anh, việc di chuyển tôi đã có hợp đồng với hãng phi cơ Dassault tạm đủ, thì ông nhận mang về nhà riêng sau khi trả 90.000USD tiền phí. Trong khi xe con định giá không có vấn đề, thì các quà khác khó mà ước được.

Tổng thống Zardari trước di ảnh vợ

Vẫn theo tờ trình chính thức này, một người khác là Thủ tướng sát gái Shaukat Aziz (“Không có phụ nữ nào mà tôi không chinh phục được trong vòng hai phút”) **, đã mang về làm gia bảo hai cái khăn quàng lụa (quà của Thống đốc Nepal) được ước giá mỗi cái là 5.000 DVN (0,25 USD), một túi đầm (quà của phu nhân Thủ tướng Anh Tony Blair) ước giá là 60.000 DVN và một quà của Thái tử Anh Charles, ước giá là 40.000 DVN. Thảo nào ai mà ông chẳng chinh phục được, mang tặng lại cho gái (“Của Thái tử Charles đó em”) vừa oách vừa đỡ tốn kém hơn là dắt nàng đi ăn kem vỉa hè, mà ăn kem lại mất lâu hơn là hai phút. Ước giá kiểu trên , tổng số quà ông Shaukat Aziz giữ riêng là 1.126 món, chỉ lên đến có 260.000 USD, nếu có ít thì lỗi là tại Thống đốc Nepal bần tiện.

Kết quả sơ khởi của bầu cử ngày 11. 5. 2013 vừa qua, đảng Nhân Dân (People Party of Pakistan, PPP) của Zardari và do con trai ông, Bilawal, làm chủ tịch***, từ 121 ghế Quốc hội (trên 272), rớt xuống thê thảm còn khoảng 35 ghế****, chủ yếu là từ nông thôn vùng Sindh. Vào giờ này, chắc ông đang lang thang lái chiếc Toyota của Gaddafi tặng trên những đường làng vắng mà không có ý trở về nhà. Đây là nhà mới ở Lahore,  trên 10 héc ta đất, nghe đâu có bãi đáp chuyên cơ be bé và mở party tiếp được 10.000 người, nghe đồn do một nhà thầu xây dựng vào đầu năm có nhã ý muốn tặng và trị giá 50 triệu USD. Bầu cử thế này, biết đâu nó lại đổi ý và đòi lại.

Nhà mới ở Lahore

 

Chú thích có hình:

* Zulfikar Ali Bhutto (thân phụ của bà Bhutto): Chuyện đồn là khi ông này còn ngoại trưởng, Tổng thống Hoa Kỳ John Kennedy bảo, “Nếu ông là người Mỹ thì ông đã ở trong nội các của tôi” và Zulfikar đáp lễ, “Nếu tôi là người Mỹ, thì ông đã ở trong nội các của tôi”. Zulfikar bị quân phiệt treo cổ năm 1979. Lúc đó Gaddafi đã gửi Thủ tướng Lybia sang tận nơi nài nỉ xin tha, giữ chuyên cơ nguyên một tuần lễ tại Pakistan để đưa ông này đi lưu vong nhưng vô vọng.

Ảnh chụp ngày 28. 6. 1972, ở Simla, Ấn Độ: Tổng thống Pakistani Zulfikar Ali Bhutto bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi, bên cạnh là con gái ông – Benazir Bhutto. Học tại Oxford và Harvard, bà Bhutoo trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của một nước Hồi giáo, vào năm 1988. (Ảnh và chú thích: U.S. News)

 

** Thủ tướng Shaukat Aziz là người từng buông lời mây gió với ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice mà không thành sau hai phút rưỡi, mây bay mất tiệt về Mỹ để gió lùa gác trọ ngẩn ngơ. Nói rõ, Shaukat không phải là Thủ tướng của Zardari mà dưới thời tướng Pervez Musharaf.

Thủ tướng Shaukat Aziz và ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice

 

*** Bilawal, 25 tuổi, là con của ‘Nữ lưu Tự do’ Benazir. Đảng PPP thắng cử năm 2008 sau khi bà bị ám sát. Tương truyền trong dân gian là câu “Địa chủ vùng Sindh có đưa con chó ra ứng cử cũng được bầu vào Quốc hội”, nói gì con người.

Bilawal Zardari Bhutto – Chủ tịch đảng

 

**** Quan hệ của gia đình với Gaddafi không kể, ngoài việc nhũng lãm và bất tài, một lý do khiến đảng PPP đại bại là thừa hành chính sách của Hoa Kỳ ở khu vực (Afghanistan) cho phép máy bay không người lái bắn giết bừa bãi tại vùng sắc tộc biên giới.

 

Ý kiến - Thảo luận

14:37 Tuesday,14.5.2013 Đăng bởi:  SA

@ Candid, chẳng những du học mà còn học cùng trường với Tổng thống Pakistan!
Trường này mới đăng kí thành lập năm 2001, còn trường ông Zardari khai ra có thể là một nơi trùng tên trước đó vào thập niên 70, và nếu ngay cả nếu có trường dỏm này vào thời điểm đó, cũng
...xem tiếp

14:37 Tuesday,14.5.2013 Đăng bởi:  SA

@ Candid, chẳng những du học mà còn học cùng trường với Tổng thống Pakistan!
Trường này mới đăng kí thành lập năm 2001, còn trường ông Zardari khai ra có thể là một nơi trùng tên trước đó vào thập niên 70, và nếu ngay cả nếu có trường dỏm này vào thời điểm đó, cũng chẳng rõ là ông có học ở đó ngày nào không.
Nam Cali chẳng hạn, nếu có trường University of California, Irvine (UCI) thuộc hệ thống UC (như UC Berkeley, UCLA...), phân khoa Luật thì gọi là University of California Irvine School of Law (thật) và cũng có trường Irvine University College of Law, thì ở California cũng có California Irvine University College of Law (dỏm). Loại trường này vô khối, có hàng trăm, và ba năm hay bảy năm lại đổi tên, đóng cửa, khó mà có danh sách cập nhật được. Nhưng không phải trường nào thuộc dạng này (như Pedinton?) cũng có cựu sinh viên trở thành nguyên thủ quốc gia! Irvine University là nơi cấp bằng cho quan chức Việt Nam nào đó, tôi đã quên mất. Nhưng tất nhiên là để sinh sống, họ còn cấp cho khắp nơi, Nam Mỹ, Phi Châu...

 
10:58 Tuesday,14.5.2013 Đăng bởi:  candid
Cái trường London school of Business đấy rất nhiều dân VN qua du học vì dễ xin học. Đi học về cũng mác du học như ai. :D
...xem tiếp
10:58 Tuesday,14.5.2013 Đăng bởi:  candid
Cái trường London school of Business đấy rất nhiều dân VN qua du học vì dễ xin học. Đi học về cũng mác du học như ai. :D 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả