Soi học

Bài học Chủ nhật: có tới ba mỹ nhân khỏa thân 28. 07. 13 - 6:58 am

Pha Lê

 

Sau khi thuộc bài về thần hoa Flora rồi, hãy nghiên cứu tiếp bộ ba nàng tiên duyên dáng (tiếng Anh gọi là the three graces), tượng trưng cho vẻ đẹp, lễ hội, sự sinh sôi.

Thực chất ba nàng này có tên gốc từ thời Hy Lạp là ba nàng phước (The charities), nhưng đến thời La Mã thì tên của các nàng cải thành duyên dáng. Thôi chúng ta cứ dùng duyên dáng đi, chứ ba nàng phước nghe hơi giống ba ông Phúc Lộc Thọ đầy râu của mình.

Gia phả của tích vốn loằng ngoằng, nên chúng ta hãy theo bản phổ biến nhất của Hesiod, viết rằng họ là con của Zeus và nữ thần Titan Eurynome (Eurynome là một trong những đứa đầu tiên của hàng ngàn đám con gái của thần biển Titan Oceanus. Nhưng vào thời mẫu hệ thì Eurynome là nữ thần tối cao tạo nên vũ trụ, sau đấy bị giáng chức từ từ thành như vầy). Bộ tam công chúa của Eurynome và Zeus rất xinh đẹp nên được phong làm nữ thần duyên dáng, và theo hầu Venus (chứ còn hầu ai vào đây).

Ba nữ thần này cũng có lắm tên, vậy chúng ta cũng theo bản phổ biến nhất của Hesiod, ghi chép rằng họ là: Aglaia, Euphrosyne, và Thaila. Do đó, họ chẳng dính gì đến cuộc thi hoa hậu cả, chỉ vì Athena, Venus, cũng như Hera đều xinh đẹp và cũng lẻ số 3 nên nhiều người hay nhầm 3 nữ thần này với 3 nàng duyên dáng.

Tranh vẽ tường thời La Mã với 3 nàng duyên dáng, khoảng năm 65-79 sau Công Nguyên. Nhiều họa sĩ về sau cũng lấy bố cục này cho tác phẩm 3 nàng duyên dáng của mình.

Bộ tam xinh đẹp hay lượn lờ quanh Venus, nhưng khôn khéo “né” những thảm họa tình ái của bà này nên cuộc đời họ chẳng có gì sóng gió. Họ chủ yếu tô điểm cho tích thêm đẹp. Ví dụ, nếu phải kể về một vùng đất màu mỡ, tác giả làm văn tả cảnh nọ kia, sau đó chêm vào một câu kiểu như “xa xa trên ngọn đồi xanh có ba nàng tiên duyên dáng đang nhảy múa”, để người đọc biết rằng chỗ đấy rất thơ mộng. 

Tác phẩm điêu khắc “Ba nàng tiên duyên dáng” nổi tiếng của Canova. Từ trái sang phải: Euphrosyne, Aglaia, và Thalia.

 

Với phong cách của đầu thời Phục Hưng là bức tranh “Ba nàng duyên dáng” của Lucas Cranach the elder, năm 1535.

 

Bức tranh sơn dầu vẽ 3 nàng vào năm 1636, bố cục trông rất đẹp, tuy thân hình của cả 3 như đã sinh tới mấy đứa con, nhưng thôi tiêu chuẩn đẹp thời xưa nó thế. Không thấy đề tác giả của bức này là ai, dù trông rất giống phong cách của Rubens, chẳng biết đây có phải tranh Rubens không? Bạn nào kiểm tra dùm nhé! (Đúng là của Rubens, cảm hơn bạn Nina)

Có rất nhiều tranh/tượng 3 nàng duyên dáng với bố cục hao hao các tác phẩm trên, một phần là vì ba nàng này chả có tích gì đi kèm cả, chủ yếu chỉ để tô điểm, nên họa sĩ không có nhiều để tài hòng bám vào. Tuy nhiên, một số người cũng ‘tự tưởng tượng’ ra tích.

Tác phẩm “Venus và ba nàng duyên dáng bị một gã người trần phát hiện”, Jacques Blanchard, 1633. Họa sĩ tưởng tượng ra cảnh Venus (đang ôm Cupid) lăn quay ra ngủ trưa, 3 nàng kia cũng lim dim; đùng một cái, gã người trần mắt thịt nào đó may mắn lọt vô lãnh địa của mấy nàng. Nếu mấy nữ thần mà tỉnh giấc vào lúc này thì gã ấy chắc chắn sẽ biến thành con/thành cây.

 

Antonio Gisbert thì vẽ cảnh họa sĩ… vẽ 3 nàng tiên. Phông nền là phòng vẽ ở một lâu đài của một quý tộc (làm nghề họa sĩ, chắn chắn anh chàng không phải nghệ sĩ nghèo rồi), anh đang nhờ 3 cô đứng mẫu để vẽ 3 nàng tiên. Nếu theo bức tranh (vẽ thời thế kỷ 19) thì đây là một trong số ít tranh vẽ 3 nàng có… mặc đồ.

 

Tác phẩm “Thiên nhiên tô điểm cho 3 nàng tiên”, Rubens, 1615. Thiên nhiên đem đến rất nhiều hoa quả quý cho bộ tam duyên dáng; trong khi đó, các nàng lại tô điểm cho tượng thờ thần sinh sản (có nhiều… vú). Ý nói thiên nhiên tô điểm cho duyên dáng, còn duyên dáng sẽ hỗ trợ cho sinh sản?

 

Dĩ nhiên, nếu nhắc tới 3 nàng duyên dáng thì không thể không nhắc tới bức này: 

Bức này là “Dụ ngôn mùa xuân” (tên khác: Primavera), của Sandro Botticelli, 1482. Trong bức này, Venus đứng ở vị trí trung tâm, tượng trưng cho cái đẹp. Cupid bịt mắt (tình yêu mù quáng), đang nhắm vào 3 nàng tiên (không hiểu Cupid tính cho các nàng yêu ai đây?). Bộ tam này đi theo Venus và cũng tượng trưng cho vẻ đẹp, lễ hội, nên có mặt trong tranh để mừng xuân là đúng rồi. Ngoài cùng bên trái là sứ giả Hermes, cầm cây trượng làm phép để khu vườn hoa được an toàn, ấm áp, không bị mưa giông. Còn bên phải là tích về Flora, trông hơi khó hiểu. Theo chú thích thì Chloris là cô đang bị thần gió (có màu tím, đang phồng miệng) bắt hiếp, miệng của Chloris thở ra hoa theo đúng với tích. Nhưng cô đang rải bông đứng cạnh Chloris, thể theo chú thích, lại là Flora – thần hoa, tượng trưng cho mùa xuân. Đã thuộc bài thì sẽ biết rằng Chloris với Flora thực chất chỉ là một thôi (Chloris là tên thời Hy Lạp, Flora là tên La Mã). Có thể họa sĩ muốn miêu tả lại việc nàng tiên bị thần gió hiếp, sau đó biến thành thần hoa. Tra Wikipedia thì lại đọc được rằng cái cô đang rải bông có thể không phải là Flora, mà là Primavera (cùng tên với tranh), cô là thần mùa xuân, bạn đồng hành của Flora. Thôi chẳng biết đường nào mà lần, không chừng Botticelli chẳng đọc kỹ tích, cho Chloris với Flora là hai người khác nhau cũng nên.

Bởi vậy, từ tích ra thành tranh cũng có nhiều kiểu cách khác nhau!

*

Bài liên quan:

– Bài học chủ Nhật: Nàng tiên hoa lên chức sau một tai nạn

Ý kiến - Thảo luận

8:16 Wednesday,23.5.2018 Đăng bởi:  Trần Quốc Hùng
Cô nàng mặc váy bông là thần mùa xuân Primavera thì phải
...xem tiếp
8:16 Wednesday,23.5.2018 Đăng bởi:  Trần Quốc Hùng
Cô nàng mặc váy bông là thần mùa xuân Primavera thì phải 
15:43 Friday,5.8.2016 Đăng bởi:  Khánh

Bức nữ thần nhiều vú là thần Artemis đấy ạ. Artemis ngoài làm chức cai quản mặt trăng và săn bắn còn bảo hộ trẻ em và gia súc (non) nữa ạ. Trong link là tượng thần tìm thấy ở đền Ephesus.


...xem tiếp
15:43 Friday,5.8.2016 Đăng bởi:  Khánh

Bức nữ thần nhiều vú là thần Artemis đấy ạ. Artemis ngoài làm chức cai quản mặt trăng và săn bắn còn bảo hộ trẻ em và gia súc (non) nữa ạ. Trong link là tượng thần tìm thấy ở đền Ephesus.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả