Văn & Chữ

Nguyễn Lương Ngọc: mắt chưa no nê đã khép 18. 08. 13 - 3:51 am

SOI: Nguyễn Lương Ngọc sinh năm 1958 tại Sơn Tây, thuộc dòng dõi Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Được đào tạo là kỹ sư cơ điện, Nguyễn Lương Ngọc từng đi làm ở Nhà máy Thủy điện Sông Đà, rồi đậu thủ khoa trường Viết văn Nguyễn Du.

Anh Ngọc nổi tiếng với chuyến đi xuyên Việt cùng với Hòa Vang, Hoàng Cầm, Nguyễn Đình toán năm 1993. Ba năm sau, anh bị tai nạn xe máy, nằm liệt. Thời gian đầu anh còn làm thơ được, nhưng sau sống đời thực vật suốt đến 2001 thì mất. Chẳng ai ngờ Nguyễn Lương Ngọc lại mất trong tình cảnh đó. Anh lúc nào cũng đầy năng lượng, nụ cười rất rộng, trán cũng rất rộng, và đôi mắt trong veo, to đặc biệt, đôi lúc khiến ta tự hỏi: “Làm sao anh ngủ?”

Ảnh chụp trong chuyến xuyên Việt, từ trái sang: nhà văn Hòa Vang, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán, nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc, nhà thơ Hoàng Cầm

Ảnh chụp trong chuyến xuyên Việt, từ trái sang: nhà văn Hòa Vang, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán, nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc, nhà thơ Hoàng Cầm. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Thơ Nguyễn Lương Ngọc nhiều bài hay, và dù có bài chưa hay lắm thì cái kết cũng phải hay, như một nghĩa vụ phải có của một bài thơ.

Mời các bạn trước là đọc một số bài của Nguyễn Lương Ngọc (đặc biệt là bài Tìm Gặp), sau đó đọc đoạn trích của nhà thơ Dương Kiều Minh (anh cũng vừa mất năm 2012) để biết về sự gắn bó của Nguyễn Lương Ngọc với hội họa. 

Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc (áo xanh) và nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh trên phố Hà Nội

Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc (áo xanh) và nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh trên phố Hà Nội


TÌM GẶP

Sau đường bay gắng gỏi không cùng
Anh đậu trên cành tầm xuân xanh biếc

Anh tới khi nào, tôi không được biết
Bí mật chuyến bay cánh giấu đi rồi
Còn lại màng tơ đẫm nắng
Và dòng kiến ngược xuôi

Sức bao nhiêu ở cuối cuộc đời
Đủ chống những con kiến đói
Trong giống chuồn chuồn, anh còn trẻ thôi
Hay đã ngả chiều mệt mỏi

Anh không thể cất mình lên nổi
Hay chọn đây làm chỗ gửi thân
Đàn kiến đến khi anh vừa khuất
Hay đang mơ chao lượn giữa trời

Tôi đã rón rén từng bước, nín thở
Mong giữ được một cơ thể biết bay
Nhưng chỉ gặp chút nỗi niềm ngọn gió
Mát mát đầu ngón tay.

 

GỌI HẠC

Con cắt trắng
xếp cánh
khi gặp con khướu vàng

Con khướu vàng
khép mỏ
khi gặp con hạc đỏ

Con hạc đỏ
nức nở
nhìn
con hạc trắng

Hạc trắng!
Hạc trắng!
những con đã sinh ra thì đã chết
những con chưa chết thì chưa sinh ra.

 

NHỮNG QUY TẮC LÊN MEN

Khi mắt đã no nê
Những quy tắc lên men
Khi sự thật bị thay bằng cái giống như sự thật
Có gì không ổn
Có gì như bệnh tật
Khi mồ hôi vẫn ê a thiên chức nghệ sỹ
Anh không còn muốn nhìn những gì mình đã vẽ
Chính nước mắt, hay máu tứa từ cái nhìn bền bỉ
Đã cho anh chiếc lăng kính này đây
Để anh đủ sức đập vụn mình ra mà ghép lại
Nung chảy mình ra mà tìm lõi
Xé toang mình ra mà kết cấu

Em tặng anh cát
Đây nó là thủy tinh
Em tặng anh dòng sông
Đây nó là ánh sáng
Em tặng anh chính anh mà em vừa tìm được
Đấy là em.

 

Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc

Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc


Nguyễn Lương Ngọc với hội họa

Nguyễn Lương Ngọc từ bé đã có năng khiếu hội họa, nhưng rồi anh không tiếp tục con đường đó; có lẽ anh tự cho mình không đủ tư chất để theo con đường này chăng? Suốt thời gian tôi biết anh từ 1981 đến khi anh mất, tôi thấy Nguyễn Lương Ngọc cùng với công cuộc sáng tác thơ ca của mình, không khi nào anh không quan tâm đến hội họa. Các triển lãm tranh từ nhỏ đến lớn ở thủ đô Hà Nội của người trong nước hoặc người nước ngoài, anh không bỏ qua một triển lãm nào. Nguyễn Lương Ngọc là người luôn luôn cập nhật thông tin, tri thức về hai lĩnh vực Văn học và Mỹ thuật. Kiến thức của anh về mỹ thuật sắc sảo và tinh tường không kém về văn học. Cho đến lúc này, những ý kiến thẩm định của Nguyễn Lương Ngọc về thơ và mỹ thuật tôi thấy chưa có điều gì sai. Không những thế, anh là người có con mắt tinh tường sớm phát hiện nhân tài khi chưa ai để ý tới.

Tôi còn nhớ năm 1993 anh giới thiệu với tôi gần chục tấm ảnh chụp lại tranh của Lê Thiết Cương, những bức tranh vẽ trên vải gai thô – Nguyễn Lương Ngọc rất ca ngợi và đi các nơi quảng bá về họa sĩ trẻ này, vừa tốt nghiệp trường Mỹ thuật. Tôi thấy tranh là lạ hay hay, độc đáo và gợi cảm. Tôi bèn chọn một bức gợi nhất in trang bìa và một số bức in vào trong tập thơ Hồ của nhà thơ Thế Mạc.

Khoảng dăm năm sau, tranh Lê Thiết Cương được sủng mộ một cách kỳ lạ.

Nhà thờ, Lê Thiết Cương

Nhà thờ, Lê Thiết Cương

Một hôm, Nguyễn Lương Ngọc chuyển cho tôi bức ảnh chụp bức tranh vẽ chân dung nhà thơ Thế Mạc do anh vẽ. Nguyễn Lương Ngọc nói với tôi rằng màu đen trong bức tranh vẽ chân dung là nhọ nồi tức những bụi khói bếp bám vào đáy nồi, lý do vì không có màu, tôi thấy đó là bức tranh đã lột tả được tinh thần của nhà thơ Thế Mạc.

Chân dung nhà thơ Thế Mạc do Nguyễn Lương Ngọc vẽ

Chân dung nhà thơ Thế Mạc do Nguyễn Lương Ngọc vẽ

Khi Nguyễn Lương Ngọc gặp hiểm nạn, lúc gia đình đã đưa về chữa trị ở Sơn Tây, tôi có ghé thăm anh, anh được đặt trên một chiếc xe đẩy và cơ thể coi như đã tàn phế toàn bộ, anh nhận ra tôi, cười một cách khó khăn, làm ám hiệu hướng lên một bức tường, tôi nhận ra đó là một bức tranh của họa sĩ Nguyễn Quân tặng Nguyễn Lương Ngọc, ý Nguyễn Lương Ngọc muốn nói với tôi về bức tranh này. Khi anh còn khỏe, tôi biết, anh rất phục Nguyễn Quân trong lý luận hội họa và công cuộc cách tân hội họa, nhất là việc đề cao tôn vinh giới họa sĩ trẻ.

Nguyễn Lương Ngọc không bao giờ rời mối quan tâm đến nghệ thuật thơ ca và hội họa. Ngay cả lúc cơ thể đã tàn phế hoàn toàn, với sự sống hiếm hoi còn sót lại, anh vẫn dồn những nguồn lực cuối cùng cho nghệ thuật.

Tôi được biết có hai họa sĩ trẻ mà Nguyễn Lương Ngọc đề cao và quảng bá là Lê Thiết Cương và Nguyễn Xuân Tiệp, sau này hai họa sĩ đều là những họa sĩ thành đạt, đặc biệt là Lê Thiết Cương.

Vào một dịp cuối năm Đinh Dậu và Đầu Xuân Bính Tuất 2006, lần đầu tiên một cách vô tình qua một số bạn bè tôi mới gặp và biết mặt họa sĩ danh tiếng Lê Thiết Cương. Thực tế trong tôi vẫn giữ nguyên ấn tượng từ những bức tranh của họa sĩ trẻ Lê Thiết Cương khi vừa tốt nghiệp trường Mỹ thuật qua sự giới thiệu quảng bá của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc. Tôi có kể lại với Lê Thiết Cương về những điều tôi vừa nêu trên, và tôi nói rằng gặp Lê Thiết Cương là tôi lại nhớ đến Nguyễn Lương Ngọc.

Dương Kiều Minh – Trích từ bài “Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc, như tôi đã biết”

 

 

Ý kiến - Thảo luận

14:11 Thursday,29.8.2013 Đăng bởi:  Minh Ngọc

Phố xưa bụi cát mờ cơn nắng
Một chén men tràn, hơi thuốc cay
Người đến...đi...rồi... trong im ắng
Và những con đường...vương bước say !
 
Nhớ một lần gặp Nguyễn Lương Ngọc, tại T.Lãm nhóm 5 người của tôi ở 29 Hàng Bài (1993) !


...xem tiếp
14:11 Thursday,29.8.2013 Đăng bởi:  Minh Ngọc

Phố xưa bụi cát mờ cơn nắng
Một chén men tràn, hơi thuốc cay
Người đến...đi...rồi... trong im ắng
Và những con đường...vương bước say !
 
Nhớ một lần gặp Nguyễn Lương Ngọc, tại T.Lãm nhóm 5 người của tôi ở 29 Hàng Bài (1993) !

 
22:46 Monday,19.8.2013 Đăng bởi:  Hương
Thày Nguyễn Lương Ngọc đã có một thời gian giảng dạy môn Mỹ học tại trường Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, những năm 1995, 1996. Sinh viên khóa 24, 25 hẳn còn nhớ Thày. Chỉ được học Thày một thời gian ngắn nhưng tôi rất ngưỡng mộ Thày.
Cảm ơn Soi đã đăng một bài rất hay để tưởng nhớ đến T
...xem tiếp
22:46 Monday,19.8.2013 Đăng bởi:  Hương
Thày Nguyễn Lương Ngọc đã có một thời gian giảng dạy môn Mỹ học tại trường Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, những năm 1995, 1996. Sinh viên khóa 24, 25 hẳn còn nhớ Thày. Chỉ được học Thày một thời gian ngắn nhưng tôi rất ngưỡng mộ Thày.
Cảm ơn Soi đã đăng một bài rất hay để tưởng nhớ đến Thày! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả