Nghệ sĩ thế giới

Zhang Xiaogang: Vật lộn tìm phong cách riêng để cuối cùng vẽ từ ảnh chụp 22. 01. 14 - 6:27 am

Minh Trí dịch

Cha mẹ Zhang Xiaogang (Trương Hiểu Cương) đều là viên chức nhà nước. Năm 1966, Zhang tròn 8 tuổi là lúc cuộc Cách mạng Văn hóa bắt đầu. Phần lớn thời thơ ấu Zhang chú mục vào vẽ tranh. Anh nhớ lại: “Mẹ tôi sợ tôi ra ngoài gặp chuyện không hay nên bà dạy tôi vẽ. Và tôi cứ thế mà làm thôi”. Năm 1976, không lâu trước khi Mao chết và Cách mạng Văn hóa kết thúc, Zhang bị chuyển về nông thôn để lao động giống như cha mẹ mình. Trong hình: tác phẩm “Mẹ tôi”, 2012, của Zang

 

Sau khi từ nông thôn trở về, Zhang ghi danh vào Học viện Mỹ thuật Tứ Xuyên vừa mở cửa hoạt động lại. Mặc dù học theo phong cách Nghệ thuật Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa – phong cách thống trị thời bấy giờ, anh nhớ lại mình “đã bị hút về phía nghệ thuật phương Tây, nhất là các tác phẩm của Van Gogh, Gauguin, và Dalí”. Trong hình: Zang tự họa, 1983

 

Sau thời gian làm công việc tạm bợ sau đại học, thiết kế trang phục và cảnh trí cho một đoàn múa, Zhang bắt đầu dạy vẽ và “tìm kiếm phong cách riêng cho mình”. Chẳng bao lâu sau khi tốt nghiệp trường mỹ thuật năm 1982, anh trở thành một “ngọn cờ đầu” của trường phái Tứ Xuyên. Trong hình: tác phẩm “Guishan-No.4-1982” của Zang.

 

Tốt nghiệp xong, Zhang trở về nhà do không nhận được một vị trí giảng dạy. Anh làm việc thời vụ tại công trường xây dựng trong khi chờ chính phủ phân nhiệm sở, thay vì níu giữ lấy chân thiết kế mỹ thuật cho một đoàn múa ở Vân Nam. Trong thời gian này, Zhang đọc triết học, đặc biệt là các tác phẩm của Jean-Paul Sartre, nhà triết học người Pháp của thuyết hiện sinh. Trong hình: Zang năm 1986

 

Zhang cũng thừa nhận mình từng bị trầm uất. Gặp rắc rối chuyện tình cảm, năm 1984 anh phải nhập viện vì nghiện rượu nặng. Phòng bệnh anh nằm sát bên nhà xác bệnh viện, và khoảng thời gian hai tháng nằm viện này tác động sâu sắc đến các tác phẩm về sau của Zhang. Suốt thập kỷ sau đó, tác phẩm của anh đa phần đều khai phá đề tài sự sống và cái chết. Tác phẩm “Quần xanh áo trắng” của Zang

 

Năm 1984, Zhang bắt đầu phác họa loạt tranh “Hồn ma giữa trắng và đen”, mô tả những đống củi hỏa táng, những bộ xương, hình ảnh thần chết và những linh hồn bị lưu đày xuống địa ngục. Trong hình: tác phẩm “Hồn ma giữa trắng và đen 6: Bác sĩ và bệnh nhân”.

 

Những tác phẩm tiếp sau đó cũng tăm tối tương tự: ngồn ngộn hồn ma, lưỡi hái, đoạn chi, xác chết và những bóng người thâm trầm hoặc vô thức. Hình ảnh Đức Phật và Chúa Jesus thỉnh thoảng cũng xuất hiện.Trong hình: tác phẩm “Một con ma mất ngủ – Giường trắng, đâu là mở đầu và kết thúc của bạn?”

 

Trong khoảng 1981-1985, Zhang cùng vài họa sĩ tự lập nên nhóm nghệ thuật mang tên “Nhóm nghiên cứu nghệ thuật Biểu trưng mới Tây Nam”, còn gọi là Trường phái Tứ Xuyên. Trường phái Tứ Xuyên đặc trưng bởi sự say mê vào trực quan và một không khí pha trộn của thuyết thần bí, thuyết siêu thực, nghệ thuật dân gian và cả tâm lý học. Zhang nhìn nhận nghệ thuật ở tỉnh Tứ Xuyên “khác rất xa với bầu không khí nghệ thuật nặng chính trị của thủ đô Bắc Kinh (và)… siêu thực hơn nhiều, tâm lý tinh tế hơn nhiều so với đối thủ phía Bắc của nó.” Trong hình: “Những giấc mơ bị quên 17: Những tạo vật đẹp”, 1987, sơn dầu trên bìa cứng, 18.5 x 26cm, tác phẩm của Zang theo trường phái Tứ Xuyên.

 

Một bài viết trong catalogue 2008 của nhà đấu giá Christie’s ở Hồng Kông khôn khéo mô tả tác phẩm của Zhang thời kỳ này là “một cuộc nổi loạn của phép ẩn dụ, biểu tượng và họa tiết”, được thể hiện bằng những sắc màu lạ thường của trần gian và nhục dục. Những hình dáng hữu cơ, những hình hài sinh vật và những cộng hưởng tâm lý của Chủ nghĩa Siêu thực với Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng sơ khai (không mang hơi hướng tâm lý của Freudian hoặc Jungian thuộc các trào lưu lịch sử phương Tây) hiển hiện trong những tác phẩm của Zhang – như tác phẩm “Côn Minh” năm 1987 (hình – sơn dầu trên giấy bồi trên bảng, 1987).

 

Năm 1989, Zhang thổ lộ, “Tôi thấy mất hy vọng. Tôi muốn tìm ai đó đồng cảm như mình. Tôi nghĩ xã hội không hiểu tôi hoặc người ta không ưa tôi. Tôi không thể tìm được chỗ đứng trong xã hội. Tôi đau khổ và u uất”. Trong hình: tác phẩm “Mở đến trang 135”, vẽ năm 1989.

 

Năm 1992 Zhang ngưng vẽ và du lịch đến Đức trong ba tháng, ở đó anh thăm viếng nhiều bảo tàng nghệ thuật của châu Âu và làm quen với tác phẩm của một số nghệ sĩ đương đại như Gerhard Richter. Tuy nhiên, anh dần vỡ mộng về sự sao chép phong cách mỹ thuật phương Tây của chính mình, nhận ra rằng không thể nào có được thỏa mãn thực sự đối với những họa sĩ của các thời đại trước, do ở anh có sự cô lập văn hóa với những bậc thầy đã khuất của phương Tây. Trong hình: một tác phẩm “kiểu phương Tây” của Zang.

 

Trở về Trung Quốc vào cuối năm 1992, Zhang bắt đầu theo đuổi một phong cách mới. Cùng thời gian đó, một cơ hội cho anh hồi sinh khi Johnson Chang (hình, áo xám, chụp với nghệ sĩ Wuicus Wong), người phụ trách đầy thế lực của phòng triển lãm Hanart TZ, Hong Kong, tới Trùng Khánh và mua 20 bức tranh của Zhang – đúng lúc anh đang chỉ kiếm được 24 USD mỗi tháng bằng việc dạy học tại Học viện Mỹ thuật Tứ Xuyên. Ngay sau vụ mua bán này, Chang bắt đầu làm người đại diện cho Zhang.

 

Giữa thập niên 1990, Zhang phát hiện một hộp ảnh gia đình tại nhà mẹ của mình, từ đó làm cơ sở cho anh vẽ loạt tranh Huyết Thống (Bloodline). Những bức chân dung chụp trang trọng trong studio đã truyền cảm hứng cho anh: những bức ảnh bán thân chụp các thành viên gia đình mặc thuần nhất một loại đồng phục nghiêm ngặt thời Trung Sơn. Hình: “Huyết thống số 3, Đại gia đình”, sơn dầu trên canvas, 1995

 

.Vắng những hiệu ứng tâm lý, xem ra với Zhang, những chủ thể này là người công cộng hơn là riêng tư. Chúng giống như mọi tấm ảnh gia đình Trung Quốc của một giai đoạn trong thế kỷ 20, biểu tượng cho việc tập thể hóa cuộc sống riêng tư. Zhang bắt đầu diễn giải những bức ảnh chụp theo cách của riêng mình bằng gam màu xám trơ của nhiếp ảnh đen trắng.Trong hình: “Two comrades with red baby, 1994” (Hai đồng chí và hồng nhi)

 

Zhang làm việc trong một studio cải tiến từ một nhà kho cũ ở ngoại ô Bắc Kinh. Bàn về thói quen làm việc của mình với Barboza, Zhang giải thích “đa phần… tôi đơn giản chỉ tự nhốt mình trong studio… hai giờ liền, cố gắng tập trung. Khi đã bắt tay vào vẽ thì tôi không ngừng lại được… (Tôi thích làm việc) giữa đêm khuya, hút thuốc Chinese Honghe, uống trà thảo mộc, nghe nhạc Buddha Café hoặc album ‘Talkie Walkie’ của nhóm Air.” Trong hình: Zhang năm 1994

 

Như các họa sĩ đương đại hàng đầu khác, áp lực phải tạo ra số lượng tác phẩm vượt quá mức mà Zhang có thể sáng tạo: “Tôi là một tay vẽ chậm, phải mất cả tháng tôi mới hoàn thành được một bức. Để tiết kiệm thời gian, tôi thường vẽ đồng thời vài bức một lúc. Có những tác phẩm tiêu đứt của tôi hai năm.”

 

Theo một nhận xét trong catalogue của nhà Sotheby cho bộ sưu tập Estella: “Xét về giá trị hình tượng tuyệt đối, không loạt tranh của họa sĩ Trung Quốc đương đại nào có được quyền năng đặc trưng như bức Đại Gia Đình (hình) trong loạt “Huyết thống” của Zhang Xiaogang.

 

Được vẽ lại từ những bố cục rất ‘đúng nguyên tắc’ của ảnh chân dung đầu thế kỷ 20, về mặt hình ảnh lại thấm đẫm thứ ngôn ngữ thị giác của tư tưởng xã hội chủ nghĩa đang thoái trào, những bức tranh ghi dấu ấn này không gì khác hơn là những bản tốc ký bằng hình cho toàn bộ cái phạm trù được gọi là ‘Nghệ thuật Trung Quốc đương đại’. Trong hình: một bức trong bộ “Huyết thống”, 1993.

 

Vẽ mãi, vẽ mãi…, phong cách này khiến cho các tác phẩm của Zhang nhìn là nhận ra ngay. Một số nhà phê bình liệt phong cách biểu trưng này vào “hạng” tranh cổ động…

 

… trong khi một số khác lại xem thành quả của Zhang là sự cụ thể hóa và hình ảnh hóa đầy thuyết phục về tinh thần Trung Quốc cuối thế kỷ 20.

 

 

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả