Nghệ sĩ thế giới

Critical Mass: Tượng + Sân thượng = Ấn tượng 30. 08. 10 - 7:53 pm

Lê Quảng Hàm lược dịch

Thông báo khẩn: Nếu phượt Anh quốc dịp này, quân ta nên tranh thủ bắt tour tới ngay miền East Sussex để xem triển lãm sắp đặt lớn của Antony Gormley có tiêu đề “Critical Mass” trên sân thượng tòa kiến trúc lịch sử De La Warr Pavilion. Triển lãm hiếm hoi này sẽ đóng cửa vào cuối tháng 9. 2010.

 

 
Thuật ngữ Critical Mass (tạm dịch: Khối lượng tới hạn; nghĩa bóng: Thánh lễ trọng) xuất xứ từ vật lý hạt nhân, để chỉ mật độ vật chất tại giới hạn của một chất đồng vị phóng xạ cho phép xảy ra phản ứng phân hạch.

Critical Mass là một trong những công trình nổi tiếng nhất của điêu khắc gia Antony Gormley, sáng tác từ năm 1995. Đây là một tập hợp sắp đặt lớn gồm 60 pho tượng gang to bằng người thật, đúc từ khuôn mẫu của chính cơ thể Gormley, mô tả một loạt tư thế cơ thể phức tạp: nằm thẳng cẳng, nằm xấp, nằm ngiêng, nằm ngóc đầu, quỳ mọp, bó gối, ngồi xổm, ngồi thẳng v.v…

Nghệ sĩ trăn trở: “Các tác phẩm này có thể coi là sự quay về với những chủ đề mà chủ nghĩa Hiện đại đã đánh mất. Thật tuyệt vời khi có cơ hội đưa thứ điêu khắc này ra, thử địch lại với đặc tính rõ rành trong những kiệt tác nghệ thuật Anh quốc khác, ví dụ như với khối kiến trúc thanh thoát này của Mendelsohn và Chermayeff (tức tòa nhà nơi bày tượng – ND). Tôi thật sự xúc động khi được thấy những thân hình đen đúa này trong sự tương phản mạnh mẽ với làn nước biển xanh ngắt dưới ánh mặt trời chói chang. Chúng khác nào một cảnh thiên táng. Nhưng làm sao để các pho tượng này tương tác với công chúng trong không gian sắp đặt, đó mới là điều quan trọng nhất. Thách thức lớn nhất chính là khoảng cách giữa người xem và tác phẩm, tôi muốn xóa đi cái khoảng cách này, tạo nên một không khí gần gũi giữa những bức tượng với người xem.”

Khi dùng hiện tượng phân hạch trong vật lý hạt nhân chiếu rọi vào những vấn đề xã hội, Critical Mass có ý mô tả trạng thái giới hạn của một tập thể trong thời khắc xảy ra một sự kiện biến đổi hệ trọng nào đó. Các hình nhân bằng gang xuất hiện trong những tư thế rất bình thường, gần gũi nhưng đầy ấn tượng. Dường như rất nhiều hình nhân đã phải chịu chấn thương, như thể đã phải gánh chịu những hành vi bạo lực nào đó, là nạn khủng bố hoặc tội ác diệt chủng… Cũng có thể, tác phẩm nêu lên một thực tế, rằng hầu hết ai ai trong thế giới phương Tây cũng đang phải tồn tại trong những ma trận kiến trúc đô thị ngột ngạt…
Cho nên thoạt đầu, các pho tượng này được nghệ sĩ thực hiện với dự kiến đặt tại một ga xe lửa nằm cuối tuyến đường sắt lớn của Áo – nơi từng đưa tiễn các nạn nhân đến lò thiêu người Do Thái trong thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng Châu Âu…

Tùy thuộc vào cách nhìn hay vị trí quan sát, người xem có những hình dung hoặc những cảm xúc khác nhau khi chiêm ngưỡng những dáng vẻ cơ thể khác nhau. Các pho tượng đúc thô, còn nguyên dấu vết khiếm khuyết của bề mặt khuôn đúc, càng làm tăng thêm vẻ trần trụi của thân xác, của kiếp người.

Tất cả số tượng này đều đặc và rất nặng; nặng gấp 10 lần một người thường, lại thêm kích thước như người thật, khiến dáng vẻ chúng trông ổn định một cách rất tự nhiên, như không có sự bố trí cố ý nào.

De La Warr Pavilion là một kiến trúc trứ danh, một công trình được xếp hạng di tích hàng đầu tại Anh quốc, do Erich Mendelsohn và Serge Chermayeff thiết kế, mở cửa năm 1935. Đây là tòa kiến trúc công cộng đầu tiên được thiết kế theo phong cách hiện đại ở Anh. Được xây bằng các vật liệu thép và bê tông, nó đặt ra một thách thức mới nhưng thú vị cho các kỹ sư kết cấu của công ty FJ Samuely & Partner. Chính công ty Samuely đã tư vấn cho Ban giám đốc của De La Warr Pavilion chọn mái nhà làm nơi trưng bày các tác phẩm của Antony Gormley khi họ đảm bảo rằng trọng lượng nặng nề của các tác phẩm điêu khắc không hề ảnh hưởng tới cấu trúc hoặc vật liệu của mái nhà.

Cuộc trưng bày này là một thứ nghệ thuật lớn – nghệ thuật “kỳ vĩ” – mà bạn có thể bị mất hút trong khi đi lang thang giữa các tác phẩm, và như vậy chúng lại càng trở nên hấp dẫn. Với chúng, người xem không thể giữ được những cảm xúc cố định; họ bâng khuâng, họ lo lắng, và trong bầu không khí yên tĩnh khi chiều buông, chỉ có tiếng vọng rì rào của sóng biển từ khơi xa, du khách như được tĩnh tâm mà đón nhận thêm nhiều cảm xúc mới, được miên man hơn khi ngồi thật gần, thật sát với những cơ thể trần trụi, rất đông đúc mà sao vẫn luôn có cảm giác quá cô đơn này.

Chốt hạ: Triển lãm tượng biểu hình này sao vẫn rất đương đại. Mới hay, tính đương đại không nằm trong hình thức bề ngoài, nó tiềm ẩn nơi ý tưởng ,và “khí thế” từ đó toát ra toàn bộ tác phẩm, qua tài nghệ phối trí của người nghệ sĩ.

*

Nguồn: dlwp.com và tin mạng

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ai là cụ tổ của hội họa trừu tượng? (Cập nhật 2 và kết thúc?)

Nguyễn Đình Đăng - câu hỏi của Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả