Gẫm & Bình

Xem tranh: “Lễ Tấn phong Đức Mẹ Đồng Trinh” – làm sao giải quyết một đặt hàng hóc búa?13. 11. 13 - 2:09 pm

Anh Nguyễn biên soạn

Từ đầu Công nguyên cho đến tận thời Cận đại và Hiện đại, Công giáo là đề tài bao trùm hội họa phương Tây, mà chiếm vai trò chủ đạo là những sự kiện trong cuộc đời của Chúa Jesus và Đức Mẹ Marie. Trong số đó, “Lễ Tấn phong Đức Mẹ Đồng trinh” (“Coronation of the Virgin”) của Enguerrand Quarton là một tác phẩm độc đáo, không những vì những chi tiết thú vị quanh sự ra đời của nó, mà còn vì những tầng tầng lớp lớp ý nghĩa tiếu tượng học (iconography) Công giáo ẩn trong bức tranh.

“Coronation of the Virgin”, tranh của Enguerrand Quarton (1410 – 1466). Các bạn bấm vào hình để xem bản to hơn.

Gốc của từ tiểu tượng, iconography, là icon – hình ảnh. Trong nghệ thuật tôn giáo nói chung, tiếu tượng học có vai trò quan trọng nhất để hiểu một tác phẩm. Đành rằng mỗi nghệ sĩ đều truyền vào tác phẩm của mình một ít (hoặc rất nhiều!) cá tính và cảm xúc, song tiếu tượng học là chiếc chìa khóa chung để phiên dịch ngôn ngữ nghệ thuật trong thể loại này. “Lễ Tấn phong Đức Mẹ Đồng trinh” đặc biệt vì nó có hẳn một bản hợp đồng với những điều khoản chặt chẽ về các tiếu tượng mà tác giả bắt buộc phải tuân theo. Mục đích của bức tranh là để bày trên bàn thờ – vị trí trung tâm nhất của tu viện. Người đặt hàng Enguerrand Quarton là Jean de Montagnac, giáo sĩ của tu viện Villeneuve.

Bản hợp đồng bao gồm hai mươi sáu khoản, quan trọng nhất là:

– Đầu tiên: trên cảnh Thiên Đường cần có hình tượng Chúa Ba Ngôi (Holy Trinity), giữa Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con không được có sự khác biệt nào, và Chúa Thánh Linh phải là hình chim bồ câu. Chúa Ba Ngôi sẽ trao vương miện cho Đức Mẹ (ở phía trước, vẽ theo ý Enguerrand Quarton).

Ba ngôi Thiên Chúa trao vương miện cho Đức Mẹ

– Quây xung quanh Chúa Ba Ngôi là các tiểu thiên thần (cherubim) và Luyến thần (seraphim – hay thiên thần sáu cánh).

– Lễ phục của Đức Mẹ phải bằng gấm Damask, kiểu dáng thì cho Enguerrand Quarton tùy ý.

– Hai bên Đức Mẹ là các tổng thiên thần Gabriel và Michael, cùng các thiên thần khác.

– Phải mô tả Địa Ngục và Nơi chuộc tội (Purgatory), cùng phong cảnh của Rome và Jerusalem – hai địa điểm hành hương của những người đã quyên tiền cho bức tranh.

– Phải có mặt thánh John (em họ và người rửa tội cho Chúa Jesus), thánh Peter, thánh Paul, thánh Lawrence, thánh Stephen, giáo hoàng, hồng y, v.v, …

Chi tiết tranh: thánh John là người đứng đầu, chắp tay

Nghệ sĩ nào nhận được bản hợp đồng này của nhà thờ hẳn cũng thấy đây gần như là một điều bất khả. Làm sao khắc họa được những mối dây liên quan giữa Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Chúa Thánh Linh? Rồi lại phải làm sao cho thấy Đức Chúa Con vừa là thần thánh vừa là con người? Rồi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con lại không được khác nhau!

Nhưng Enguerrand Quarton đã có một cách giải quyết độc đáo. Ông cho miêu tả Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con giống hệt nhau và đối xứng hai bên Đức Mẹ, Chúa Thánh Linh ở giữa, dưới hình ảnh chim bồ câu, cả ba đều có vòng hào quang trên đầu để biểu hiện sự bình đẳng của ba ngôi. Hai đầu cánh của chim bồ câu, Enguerrand Quarton cho chạm vào miệng hai Đức Chúa, miệng của chim bồ câu thì chạm vào đầu vương miện Đức Mẹ, và hai Đức Chúa cùng nâng vương miện đặt lên đầu Đức Mẹ, đặt cho Đức Mẹ danh hiệu Vương hậu của Thiên đàng (Queen of Heaven)! Đây quả là cách giải quyết toàn vẹn nhất, vừa phù hợp với yêu cầu của bản hợp đồng, vừa có tính thẩm mĩ.

Giải pháp của Enguerrand Quarton

Bức tranh được chia làm bốn phần: thiên đường, hạ giới, nơi chuộc tội, và địa ngục, trong đó thiên đường chiếm khoảng hai phần ba – tức chủ đề chính của tác phẩm đã được nhấn mạnh (rất mạnh!). Tỉ lệ của Đức Mẹ và Chúa Ba Ngôi so với các nhân vật còn lại trong tranh cũng chênh lệch rất lớn, cốt làm rõ hơn sự linh thiêng của Lễ Tấn phong. Đức Mẹ rực rỡ trong ba màu đỏ, lam, trắng – ba màu chủ đạo trong các tiếu tượng về Maria.

Ngoài ra, để cho thấy rằng Chúa Jesus vừa là thần thánh, vừa là con người, Quarton đã thêm vào hình ảnh Chúa trên cây thập giá ở phần dưới của bức tranh. Hạ giới bao gồm hai phần: một bên là Rome, một bên là Jerusalem, và ở chính giữa là Chúa Jesus chịu tội trên cây thập giá.

.

Nếu để ý, các bạn sẽ thấy, trong hầu hết các bức tranh về chủ đề Chúa Jesus bị đóng đinh có một hình ảnh luôn lặp đi lặp lại: mái đầu Chúa luôn ngả sang bên phải, tức là bên trái của người xem. Lý do là: theo sách Phúc Âm, khi Chúa bị đóng đinh câu rút, có hai tên kẻ cướp cũng bị đóng đinh cạnh ngài. Tên bên trái giễu cợt Jesus: “Nếu quả thật là đấng cứu thế, hãy cứu bản thân và cả bọn này đi!” Tên bên phải bênh vực Jesus và cầu xin ngài hãy nhớ đến mình khi lên nước trời. Jesus trả lời hắn: “Amen, đêm nay ngươi sẽ hội ngộ cùng ta nơi thiên đàng.” Tên cướp này đã trở thành thánh Dismas, và trong các bức tranh miêu tả Jesus trên cây thập tự, đầu ngài vì thế luôn ngả về bên phải để biểu thị sự che chở đối với kẻ đã cầu xin.

Chúa trên thập giá

Tuy trong hợp đồng không nói, nhưng trong một bức tranh Công giáo lớn như thế này, ngoài những nhân vật chính, dĩ nhiên phải có những nhân vật phụ-mà-không-thể-thiếu: thiên thần. Trong Công giáo, có tất cả chín bậc thiên thần, bao gồm:

– Tầng thứ nhất: Seraphim (Luyến thần), Cherubim (Tiểu thần), Ophanim (Bệ thần, không bao giờ ngủ để bảo vệ ngai vàng Thiên Chúa)

-Tầng thứ hai: Dominions (Quản thần), Virtues (Dũng thần), Powers (Uy thần)

-Tầng thứ ba: Principalities (Lãnh thần), Archangels (Tổng thiên thần), Angel (Thiên thần)

Trong “Lễ Tấn phong”, ngoài sự hiện diện của các Tổng thiên thần và Thiên thần, còn có sự xuất hiện của Seraphim và Cherubim (theo đúng điều khoản của hợp đồng). Seraphim (Luyến thần) là những thiên thần màu đỏ, vì thân thể Seraphim rực cháy bởi tình yêu Chúa. Cherubim (Tiểu thần) có nhiệm vụ nâng ngai vàng tòa Chúa, được biểu thị bằng màu xanh lam. Ở bên dưới cái thiên thần, hai bên ta có các vị thánh (saints), tông đồ (apostles), người xưng tội (confessor), và đại biểu của các tầng lớp tăng lữ khác.
 

Chi tiết tranh. Các bạn bấm vào để thấy rõ hơn nhé: Hàng đầu của đoạn cắt này là các thánh tông đồ, với thánh Paul đứng đầu hàng, sát với vạt áo Thiên Chúa, đầu trọc, một bàn tay hơi vươn ra, áo có hai màu – bên trong là hồng đỏ, bên ngoài là lam đậm. Các hàng dưới lần lượt là các giáo hoàng, hồng y, các thánh nữ, các thánh nam, và cuối cùng là các em bé đã được rửa tội.

Trong bản hợp đồng có nêu rõ, có hai thành phố phải được thể hiện: Rome và Jerusalem. Đó là hai địa điểm mà (một, và chỉ có một) tặng tiền để thực hiện tác phẩm  này đã hành hương tới, và “nhà tài trợ” mong ước được thấy chúng có mặt trong bức tranh này. Cho nên xem tranh, phía dưới thiên triều (heavenly court), ta thấy bên trái là Rome với nhà thờ Castel Sant’ Angelo và nhà thờ Santa Croce, nơi giáo hoàng Gregory được nhìn thấy Chúa, bên phải là Jerusalem với mộ của Jesus và mộ của Đức Mẹ. Hai thành phố thiêng liêng được ngăn cách bởi cây thập tự giá nơi Chúa giang mình chịu tội thay cho nhân loại.

Nửa bên Jerusalem

 

Nửa bên Rome

 

Nhà thờ Santa Croce, nơi giáo hoàng Gregory (áo đen, ở giữa, quỳ trong nhà thờ) được nhìn thấy Chúa (hiển linh trong nhà thờ, với hào quang trên đầu)

 Ở ngay dưới chân thập tự giá, ta còn thấy một phiên bản thu nhỏ của “Ngày phán xét cuối cùng”. Theo Kinh thánh, những tín đồ hoàn toàn vô tội sẽ được lên thẳng thiên đường. Những tín đồ còn lại sẽ được đặt trong một thể loại “phòng chờ”(purgatory), nằm đâu đó giữa Thiên đường (Heaven) và Địa ngục (Hell), như ta thấy ở bên trái. Những người làm nhiều việc thiện và tuyệt đối trung thành yêu Chúa sẽ được thiên thần chào đón. Trong tranh, ta có thể thấy một linh hồn đã được chắp cánh bay lên. Những linh hồn không qua được cuộc phán xét sẽ bị quẳng sang Địa ngục (bên tay phải) và bị nướng cháy đời đời!

Chi tiết Địa ngục trong tranh, với một người đang phải chịu lũ quỷ tra tấn

 

Nơi chuộc tội: Những linh hồn khi chết mà chưa chuộc tội hoàn toàn cần được thanh tẩy bằng sự đau đớn của lửa.

Nếu nhìn vào góc trái dưới cùng của bức tranh, ta còn thấy một cảnh tượng kì lạ. Trong một hầm đất đá, có những thân thể nhỏ trần truồng xúm xít, bàn tay chắp trong tư thế cầu xin.

.

Nhiều người lầm tưởng đây là một dạng thiên thần. Nhưng không phải, đây là một đối tượng đặc biệt, không nằm trong danh sách những linh hồn phải trải qua sự Phán xét cuối cùng. Trong Công giáo, mức độ cao nhất của sự cứu chuộc là được nhìn thấy Chúa trong ánh hào quang (beatific vision). Đó chính là thiên đường, là phần thưởng của những tín đồ ngoan đạo ở thế giới bên kia. Nhưng do Adam và Eva ăn trái cấm, mắc tội tổ tông, mọi đứa trẻ sinh ra đều mang trong mình mầm mống của tội lỗi. Đó là lí do của lễ rửa tội (baptism). Đối với những em bé chết ngay khi mới ra đời, chúng chưa đủ lớn để được rửa tội, chúng còn quá nhỏ và chưa mất đi sự trong sáng. Cách giải quyết của Công giáo là đặt những linh hồn trẻ thơ này vào một dạng nhà chờ (limbo – tiếng Latin “limbus” là chỉ một nơi ráp gianh, kiểu “bờ” của Địa Ngục). Trong “Lễ Tấn phong”, những em bé này quỳ gối, đôi mắt chúng tuy không nhìn thấy Chúa nhưng vẫn khao khát ngóng lên. Tuy không có được “the beatific vision”, chúng vẫn được tách biệt khỏi hạ giới, và “lâm-bô” của các bé là nơi không đau đớn do bản thân chưa gây nên tội gì trên đời, tuy các bé vẫn phải chịu cảnh tách biệt, đôi mắt chúng vừa nhắm chặt, vừa không thể xuyên qua lớp ngăn cách để nhìn thấy Chúa, mãi mãi không được hưởng sự cứu chuộc vẹn toàn.

Các bạn chú ý vị trí của limbo các trẻ sơ sinh trong tranh: ngay bên rìa “phong chờ” nơi chuộc tội, bên dưới những tích về sự “thấy Chúa” (Đức Chúa Trời tỏ phép lạ cho ông Moses thấy trong bụi cây bốc cháy, Giáo hoàng Gregory thấy Chúa hiện ra trong nhà thờ…). Có một điều sau, nhờ bạn nào giải thích hộ: hiện ra với Moses là thiên sứ thời Jehova (Chúa Cha) không phải Jesus (Chúa Con), mà hình lại vẽ là Jesus! Trong hợp đồng, điều khoản số 20 đòi hỏi phải có vẽ tích “bụi cây bốc cháy”. Trên tranh, ông Moses mặc áo đen, cầm gậy đi chăn cừu, thấy bụi cây bốc cháy (mà thực chất là không cháy), trong có thiên sứ của Chúa Trời hiện ra và biến cây gậy của ông thành con rắn. Sau này ông sẽ dùng gậy thần đó rẽ nước Hồng Hải đưa dân Israel về Đất Hứa. Vị trí của bụi cây bốc cháy ở sát cạnh phòng chờ “nơi chuộc tội” cũng là chủ đích của tác giả: Ngọn lửa thiêng của bụi cây giúp thanh tẩy những linh hồn có tội, nhưng không thiêu đốt họ.

Có một sự tương phản rõ rệt giữa những đứa trẻ trong limbo và những đứa trẻ quỳ gối dưới thiên triều. Đó chính là những “người vô tội thánh” (The Holy Innocents) chết trong cuộc tàn sát của Herod – những vị thánh tử vì đạo đầu tiên. Theo Phúc âm của Matthew, vua Herold khi nghe tiên tri bảo sẽ có một vị vua mới ra đời, liền lo sợ cho ngai vàng, bèn ra lệnh xử tử toàn bộ trẻ con trai trong vùng Bethlehem. Do vậy Đức Mẹ Maria phải chạy trốn và hạ sinh Đức Chúa hài đồng trong máng lừa. Những giọt máu trẻ nhỏ đổ thay cho Chúa Jesus chính là sự rửa tội hoàn hảo, đưa thẳng những “người vô tội thánh” lên thiên đường. Sự đối xử khác biệt giữa hai đối tượng trẻ thơ vô tội này có vẻ tàn nhẫn, song ở trong hoàn cảnh này đó là sự nhấn mạnh về tầm quan trọng của Lễ rửa tội.

“The Holy Innocents” – những kẻ đầu tiên chết thay cho Chúa và được thưởng bằng sự cứu chuộc đời đời. Ngày lễ kỉ niệm những trẻ nhỏ này thường được tổ chức vào 28 tháng Mười Hai hàng năm.

Ngoài mục đích diễn đạt tích của một bức tranh, “Sự tấn phong của Đức Mẹ” còn có một ý nghĩa sâu xa hơn: trong ý thức hệ Công giáo, Đức Mẹ Maria đồng nhất với nhà thờ Giáo hội (the Catholic Church), mà trung tâm là Tòa thánh tại Rome. Một trong những danh hiệu của Đức Mẹ là “The Bride of Christ” (cô dâu của Chúa). Điều này có thể khiến nhiều người bị sốc, nhưng tình yêu ở đây không phải là một tình yêu loạn luân giữa mẹ và con, mà là tình yêu với Thiên Chúa. Có một cụm từ mọi người hay lầm, đó là “sự thụ thai kì diệu” (immaculate conception). Cụm từ này không phải để nói đến sự ra đời của Chúa Jesus không nhờ vào tình dục, mà nói đến sự ra đời của chính Đức Mẹ. Đức Mẹ Maria đã được sinh ra hoàn toàn trong sáng, không bị vấy bẩn bởi tội tổ tông, và như vậy, Đức Mẹ mới đủ “sạch” để trở thành người mang thai Chúa Jesus. Sự kết hợp về tinh thần của Đức Mẹ và Chúa chính là một ẩn dụ về vai trò độc tôn của nhà thờ Giáo hội: chỉ có nhà thờ của Giáo hội mới đủ trong sạch để làm ngôi nhà thờ Chúa, cũng như chỉ thân thể của Maria đủ trong sạch để làm ngôi nhà cho Chúa trong chín tháng đầu đời!

.

Lễ Tấn phong Đức Mẹ Đồng trinh” hiện vẫn nằm ở tu viện Villeneuse-les-Avignon, đối diện thành phố Avignon qua dòng sông Rhone. Từ 1309 đến 1423, Avignon là nhân chứng cho sự xẻ đôi quyền lực trong nhà thờ Giáo hội: lần đầu tiên trong lịch sử có hai Giáo hoàng một lúc, một ở Rome, và một ở Avignon. Xuất xứ và vị trí của “Lễ Tấn phong Đức Mẹ Đồng trinh” là ở Avignon, do vậy bức tranh có ý nghĩa sâu sắc – nó biểu đạt cho khát vọng hòa nhập nhà thờ Giáo hội, hay nói cách khác, khát vọng có được sự thống nhất quyền lực ở Tòa thánh La Mã.

Ý kiến - Thảo luận

17:31 Friday,25.11.2016 Đăng bởi:  Anh Nguyễn
@Trần Long Thọ: Seraphim (số ít seraph) theo tiếng Hebrew là "rực cháy," thế nên thường có màu đỏ bạn ạ. Ví dụ tranh này: https://en.wikipedia.org/wiki/Seraph#/media/File:Giotto_-_Legend_of_St_Francis_-_-19-_-_Stigmatization_of_St_Francis.jpg

Cherubim thường được tô màu xanh vì đó là màu tượng trưng cho kiến thức và sự tinh khiết.

Bạn có thể đọc thêm giải thích ở trang chủ của viện
...xem tiếp
17:31 Friday,25.11.2016 Đăng bởi:  Anh Nguyễn
@Trần Long Thọ: Seraphim (số ít seraph) theo tiếng Hebrew là "rực cháy," thế nên thường có màu đỏ bạn ạ. Ví dụ tranh này: https://en.wikipedia.org/wiki/Seraph#/media/File:Giotto_-_Legend_of_St_Francis_-_-19-_-_Stigmatization_of_St_Francis.jpg

Cherubim thường được tô màu xanh vì đó là màu tượng trưng cho kiến thức và sự tinh khiết.

Bạn có thể đọc thêm giải thích ở trang chủ của viện bảo tàng Hoàng Gia ở Antwerp về bức Đức Mẹ của Fouquet:

http://www.kmska.be/en/collectie/highlights/Madonna.html 
16:41 Friday,25.11.2016 Đăng bởi:  Trần Long Thọ
Cherubim có màu đỏ và Seraphim có màu xanh.
...xem tiếp
16:41 Friday,25.11.2016 Đăng bởi:  Trần Long Thọ
Cherubim có màu đỏ và Seraphim có màu xanh. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp