Gẫm & Bình

Xem rồi nên cười hay nên tức? 04. 09. 10 - 2:39 pm

Phạm Huy Thông

 

 Bài viết dưới đây thể hiện quan điểm riêng của người viết. Mà đã là quan điểm riêng thì có yêu có ghét, có lúc khen thì có lúc phải chê. Nếu độc giả không đồng ý với những quan điểm trong bài, xin thoải mái comment phản đối, đừng để bụng mà gây  thù oán. Cũng như những người viết khác trên Soi, người viết bài này xin nhận trước là mình ngu dốt và kém tài, xin đừng chụp cho người viết cái mũ “xỏ lá ba que” hay cái mũ “tinh tướng dạy đời”. Xin cám ơn. (P.H.T)

*

Để xem triển lãm Khu vực I Hà nội (do Hội mỹ thuật Việt Nam tổ chức tại 16 Ngô Quyền), bạn phải chuẩn bị cho mình một tinh thần hài hước cao độ. Trong khi các gallery tư nhân ngày đêm cố gắng tổ chức những triển lãm theo tiêu chuẩn quốc tế thì Hội Mỹ thuật Việt Nam – hội nghề chuyên nghiệp của giới họa sĩ – vẫn giữ nguyên cho mình tiêu chuẩn tổ chức triển lãm rất… “truyền thống”.

Cái lối làm truyền thống đầu tiên phải nói đến là việc các họa sĩ có tranh thì mạnh ai người nấy nộp, không giám tuyển, không tuyên ngôn. Tuy có hội đồng nghệ thuật duyệt trao giải (các bác làm việc rất hăng, quá 12 rưỡi trưa vẫn không nghỉ), nhưng hình như chất lượng tranh nộp vào vẫn không có kiểm soát khiến cho xấu đẹp lẫn lộn. Vấn đề mang tính hệ thống này khiến nhiều họa sĩ tự trọng nản lòng, chán chẳng muốn dây.

Công bằng mà nói, triển lãm Khu vực I vẫn có những tác phẩm đẹp (bên cạnh những tác phẩm xấu hoặc cực xấu). Hãy xem qua các tác phẩm được hội đồng nghệ thuật chấm giải.

Tác phẩm "Không một ước mơ" của Nguyễn Thái Thăng, đạt giải A, là một tác phẩm có ý tưởng. Những cánh diều trẻ thơ bị mắc vào ngọn cây trơ trụi lá. Giấy để làm những cánh diều là những trang báo của người lớn, trong đó in đầy những hình ảnh khủng hoảng, bệnh tật hay hình ảnh về chất độc màu da cam. Các em bé ơi, đó chính là thế giới người lớn mà sớm muộn gì các em cũng sẽ phải đối mặt.

Tác giả đã cố đóng khung những hình ảnh u ám lại và để hở ra những mảng trời xanh hi vọng. (Thực ra cái cách này hơi cũ và sến nhưng đó đã là lựa chọn của tác giả thì chúng ta nên tôn trọng).

Tác phẩm tranh lụa đạt giải B, có lẽ là một tác giả trẻ hoặc có tâm hồn trẻ. Mảng mầu trong trẻo, đóng khung được không gian của một khu tập thể lúc vắng người.

Tác phẩm “Thanh Bình” của Nguyễn Nghĩa Dậu đạt giải tặng thưởng. Tranh là người, cái anh chàng Bắc Ninh kiệm lời này cứ từ tốn vẽ, không cần thông điệp, không cần tiên phong nhưng bức nào cũng chớp được hồn của một góc quê yên ả đầy chất hồi tưởng.

Bức “Chớm Đông” của Nguyễn Quốc Huy vẫn thể hiện tay nghề thượng thừa của tác giả. Dù bị gí vào góc tường và treo cạnh hai quả tranh lòe loẹt chói lọi, tác phẩm “Chớm Đông” vẫn chắc nịch khẳng định một không gian riêng. Tuy nhiên theo ý kiến cá nhân tôi, đây không phải là một trong những bức tốt nhất của Nguyễn Quốc Huy. Nếu muốn mua tranh của anh, chắc tôi phải tìm chỗ khác.

Tác phẩm đạt giải B “Đẻ đất đẻ nước” của Nguyễn Trường Linh mang hơi hướng của một bức tranh trừu tượng không cần đến tựa đề.

Một tác phẩm sơn khắc cũng đạt giải chắc là vì dày công sức, đúng chủ đề (đang dịp kỷ niệm ngàn năm mà) nhưng tác giả vẫn không vượt được cái cũ kỹ và cái “dớp” thủ công mỹ nghệ của chất liệu sơn khắc.

Tác phẩm “Chứng Khoán Đỏ” của Nguyễn Hùng Sơn. Dù vẫn còn ảnh hưởng nhiều từ tranh đương đại Trung Quốc nhưng đây là một tác phẩm tốt. Họa sĩ là người có khả năng thể hiện và có ý thức tư duy. Tôi đã đôi lần nhìn thấy tranh của anh này và tự hỏi sao mình vẫn không được biết anh ta. Hoặc anh ta quá nổi tiếng mà không cần đầu tư vào môi trường nghệ thuật trong nước hoặc anh ta vẫn đang lấn bấn một công việc nào khác. Anh Hùng Sơn ơi, nếu anh còn đang mắc mớ ngày làm 8 tiếng ở một công sở nào đấy thì bỏ việc đi, chịu khó vẽ tranh trong nghèo khổ mấy năm, những điều tốt đẹp sẽ đến với anh.

Tác phẩm “Tự sự của những con tốt” của Lưu Chí Hiếu chắc cũng được những họa sĩ trẻ thấp cổ bé họng như tôi ủng hộ, đồng cảm. Họa sĩ chắc đang có những bức xúc nào đó ở mức độ cá nhân hay tầm xã hội nên lựa chọn hình tượng những con tốt trong bàn cờ để gửi gắm. Nhưng hình như những con tốt trong tranh kia vẫn hơi bóng bẩy, lòe loẹt thì phải.

Đi một vòng triển lãm, tôi tự hỏi mình một câu : “Nếu có tiền và vợ giao chỉ tiêu phải mua một bức trong triển lãm này, tôi sẽ chọn bức nào?” Có lẽ là bức sơn mài có tên “Diva” dưới đây này. Hai tấm vóc bằng nhau có hai bản tranh giống hệt nhưng khác màu sắc, sơn mài đàng hoàng đấy nhưng lại như tranh in. Một cảm giác mới lạ về sơn mài mà tôi chưa bao giờ thấy. Mong cho cảm giác này sẽ mãi là “độc đáo”.

 
Có một số tác giả không còn trẻ khác mà tôi nghĩ cũng nên điểm lên đây, coi như một lời chính thức (của tôi) tiễn các anh sang đội ngũ những họa sĩ già (trong bảng xếp hạng của riêng tôi thôi).

Tác giả Nguyễn Văn Chuyên, sơn mài, sơn đắp rất công phu, nước sơn nhìn rất sâu, trong và đẹp. Anh từng đoạt rất nhiều giải thưởng lớn. Nhưng mười năm rồi anh vẫn vẽ như thế, mười bức tranh đẹp mà giống nhau thì không bằng một bức độc đáo. Có phải vì những giải thưởng, những “khẳng định tên tuổi” đã khiến anh nhanh già thế không?

Tác giả Nguyễn Minh Quang, biệt hiệu là Quang chữ vì anh hay vẽ những cái mặt trên đó có ký tự hoặc có những dấu hiệu khác nhau, hình như cái biệt hiệu này vẫn không đổi từ hơn chục năm nay. Tác phẩm của anh trong triển lãm này có tên của nó, nhưng tôi nghĩ không quan trọng vì tác phẩm nào của anh chả na ná như nhau. Anh tự biến tranh mình thành thứ hàng trang trí, càng vẽ nhiều càng mất giá.

 
Bên cạnh các bức tranh đẹp hoặc những bức tranh không có gì đáng bàn cãi, chúng ta còn những tác phẩm nghệ thuật khác mà khi xem, như đã nói ở đầu bài, bạn sẽ phải vận dụng hết tính hài hước của mình mới tránh khỏi đột quỵ.

Dẫu biết đề tài lãnh tụ luôn được nhà tổ chức của Hội ưu tiên, nhưng treo tranh vẽ hình tượng lãnh tụ với tay nghề bút pháp non nớt, tạo hình cẩu thả và đặc biệt là tư duy ngô nghê như bức này thì quả thật là phản tác dụng. Tôi quả thật không dám đi sâu phân tích bức tranh này bởi không khéo mọi người lại nói tôi suy diễn phản động (điều mà tôi không hề muốn).

Một bức phác thảo khổ nhỏ được in lên toan to, bôi sơn dầu ở chỗ này chỗ nọ rồi gọi là tranh sơn dầu. Chưa kể đến việc bức tranh này sao giống các tác phẩm của danh họa Trọng Kiệm thế!

Tác phẩm “Hàng ra tiền tuyến” với chất liệu tổng hợp “gây sốc”: Tranh sơn mài nhưng vẽ không kịp hoặc vẽ không ra nên chát bột màu thêm lên.

Lười nhác hơn là bức “Về cõi bình an”, một bức ảnh không có gì lạ, dùng photoshop cẩu thả, in cẩu thả rồi căng lên cũng cẩu thả luôn. Bức này thì không cần chát tí sơn dầu nào.

Về cõi bình yên - chi tiết tranh

Hết họa sĩ cẩu thả đến nhà triển lãm cũng cẩu thả. Lối bày biện theo kiểu “giết tác phẩm” vẫn được thực hiện triệt để. Tranh to tranh nhỏ lố nhố như treo trong kho...

Tác phẩm đoạt giải A nấp tít trong góc, phải cạnh tranh với tủ kính và quạt cây.

 
Nhưng kinh người nhất là các đề tít, các miếng mầu chấm giải, thậm chí là các số báo danh đã bao vây các tác phẩm, tàn phá những khung tranh đáng giá cả triệu bạc. Thử nhìn bức tranh lụa có mầu trầm lắng và khung trắng tao nhã này xem. Nó bị bao vây, bởi đủ thứ nơ giải, nơ tài trợ, chú thích giải và tít tranh. Số 19 chình ình ở cạnh trên là số báo danh phục vụ cho hội đồng nghệ thuật chấm giải từ hôm trước, nay chẳng ai buồn bóc xuống. Bên cạnh đó, tranh kính mà treo cao như vậy, nhìn lên chỉ thấy sáng lóa ánh đèn.

Tác phẩm Thanh Bình của Vũ Việt Hùng đang là sơn dầu được nhà tổ chức “chuyển thể” thành sơn mài. Miếng đề can đỏ chói chấm giải vẫn chườn ườn ngay mép của một bức tranh nhã nhặn.

Tôi xin kết thúc bài viết về triển lãm Khu Vực I bằng hình ảnh của một bức tranh chất lượng làng nhàng vẽ hình ảnh của một khu tập thể cũ, chật chội trưng ra ngoài tất cả những lôm côm của đời sống. Điều hòa, máy bơm, quần áo lổn nhổn trên mặt tiền của một công trình, nơi mà người này phải bon chen không gian với người kia để sống. Liệu nhà triển lãm Ngô Quyền có phải vì chật chội, thiếu nguồn lực nên đã lấn bấn bày biện một triển lãm như vậy? Và triển lãm “Khu vực I” mà tôi tự gọi là “Khu tập thể I” hình như chỉ là một trong số các “Khu tập thể II, III, IV…” hiện đang được trưng bày dọc ngang toàn quốc?

*

(SOI: Bài viết do Soi đặt tên. Vì nhiều tranh được đặt trong khung kính, treo cao, nên người chụp ảnh đôi khi không được chụp thẳng góc để tránh bóng phản chiếu. Khi Soi cắt lại tỉ lệ có thế không đúng như bên ngoài. Xin thông cảm.)

*

Bài liên quan:

Xem rồi nên cười hay nên tức
Cún Mỏng đối thoại Phạm Huy Thông

Ý kiến - Thảo luận

23:55 Thursday,5.1.2012 Đăng bởi:  phamthilua
Anh Nguyễn Hồng Phương đừng dối lòng. Có mấy người không thích giải thưởng đâu. Đợt em nhận giải thưởng bọn Triều về, anh em chẳng được vui vẻ... cơm no rượu say... lại được hát karaoke, quen rồi hả...? Giải thưởng vô cùng quan trọng. Hehe , anh đừng nhầm lẫn những giá trị độc lập của nó. Em Lụa. (Mình nhờ SOI giúp mình gõ dấu nhé. Cảm ơn SOI vì đã nhờ S
...xem tiếp
23:55 Thursday,5.1.2012 Đăng bởi:  phamthilua
Anh Nguyễn Hồng Phương đừng dối lòng. Có mấy người không thích giải thưởng đâu. Đợt em nhận giải thưởng bọn Triều về, anh em chẳng được vui vẻ... cơm no rượu say... lại được hát karaoke, quen rồi hả...? Giải thưởng vô cùng quan trọng. Hehe , anh đừng nhầm lẫn những giá trị độc lập của nó. Em Lụa. (Mình nhờ SOI giúp mình gõ dấu nhé. Cảm ơn SOI vì đã nhờ SOI mấy lần rồi.)  
22:17 Thursday,5.1.2012 Đăng bởi:  Dê Lười
@ Huy Thông: càm ơn bạn về thông tin bài viết rất có ích.. chỉ lưu ý thông chỗ này: "suy diễn phản động ". Bạn nên để ý. Mong được thấy nhiều bài của bạn
@ Vũ: lưu ý dùng từ "...như bọn Tàu khựa"
...xem tiếp
22:17 Thursday,5.1.2012 Đăng bởi:  Dê Lười
@ Huy Thông: càm ơn bạn về thông tin bài viết rất có ích.. chỉ lưu ý thông chỗ này: "suy diễn phản động ". Bạn nên để ý. Mong được thấy nhiều bài của bạn
@ Vũ: lưu ý dùng từ "...như bọn Tàu khựa" 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

GMO: Chuông nguyện hồn ong

Pha Lê sưu tầm từ nhiều nguồn và dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả