Đi & Ở

Đi Lào dự liên hoan phim: Giản dị và chu đáo, làm ta muốn quay lại 14. 12. 13 - 10:41 pm

Phan Ngọc Linh

Một buổi chiếu phim ngoài trời tại liên hoan phim Quốc tế Luang Prabang, cố đô nước Lào. Năm nay liên hoan trình chiếu trong 5 ngày (từ 7 đến 11 tháng 12) 28 bộ phim truyện của 10 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có bộ phim truyện đầu tiên do Brunei sản xuất mang tên “What is it about Rina?”.

 

Luang Prabang được tổ chức sang năm thứ 4, chỉ giới thiệu phim từ khu vực Đông Nam Á. Cục Điện ảnh Lào đứng ra bảo trợ cho liên hoan nhưng thực sự điều hành nó là một nhóm người phương tây yêu điện ảnh đang sống và làm việc tại Lào. Buổi tiếp tân chào mừng liên hoan phim năm nay được tổ chức trong khuôn viên Lãnh sự quán Pháp tại Luang Prabang với số khách chủ yếu là người nước ngoài

 

Những nhà làm phim trẻ của Lào cuối cùng cũng xuất hện trong buổi tiếp tân, họ được gọi là “làn sóng mới” của điện ảnh Lào, tuổi trên dưới 30, chưa từng học qua điện ảnh (vì Lào không có trường Điện ảnh) và ai đến liên hoan cũng dắt theo vợ con đề huề

 

Việc làm phim ở Lào mới được hồi sinh vài năm nay cùng với sự xuất hiện của liên hoan phim Luang Prabang. Trong ảnh là Anisang Keola, được xem là thủ lĩnh của “Làn sóng mới Lào”, anh vừa hoàn thành bộ phim truyện đầu tiên của mình với kinh phí 10,000 USD và đang bắt tay vào một dự án omnibus (tập hợp các phim ngắn cùng chủ đề để ghép thành một phim dài) với 4 nhà làm phim khác của Lào, phim được một công ty gas địa phương tài trợ kinh phí. Cô con gái 3 tuổi của Keola không thích buổi tọa đàm về tìm vốn cho phim kinh phí thấp mà bố vừa tham dự nên mặt buồn thiu cho đến lúc về.

 

Buổi toạ đàm này do Gabriel Kuperman (anh đeo kính, đứng), giám đốc trẻ tuổi của liên hoan, dẫn, thu hút các nhà sản xuất và đạo diễn trong khu vực Đông Nam Á; Ai cũng có hàng tá kinh nghiệm hay trong việc làm thế nào để xoay được tiền làm phim trong thời buổi khó khăn này. Hóa ra làm phim truyện dài với 10,000 USD như Keola không phải là chuyện gì đáng ngạc nhiên với nhiều nhà làm phim trong khu vực. Nữ đạo diễn Síu Phạm của Việt Nam (đeo kính, ngồi) , đạo diễn phim “Đó hay đây” cho biết đôi khi cứ móc tiền túi ra làm là tự do nhất, nhưng mà vì thế, có lần chị cũng phải bán nhà.

 

Trong khi đó, theo nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc của Việt Nam, kinh phí để sản xuất một bộ phim truyện tại Việt Nam liên tục tăng, thời điểm này khó có thể sản một phim giá dưới 300,000 USD mà nguy cơ thua lỗ cực cao. Chị Ngọc (áo nâu) cùng đạo diễn Phan Đăng Di và nhà quay phim Nguyễn K’Linh đến Luang Prabang lần này để chọn một vài dự án Lào mời tham dự chương trình “Gặp gỡ mùa Thu” sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng tháng 11 năm 2014.

 

Các hoạt động nghệ thuật trên toàn thế giới đều đang gặp khó, ngay liên hoan phim Luang Prabang, nếu không có các nhãn hàng như Coca-Cola thì cũng khó mà tồn tại được. Coca-Cola đóng góp phần lớn trong số 25,000 USD để tổ chức liên hoan phim năm nay, nhưng vì thế, sự hiện diện của họ là áp đảo tất cả các địa điểm diễn ra liên hoan phim.

 

Ngay cả ban nhạc trẻ được mời từ Vientien này cũng là do Coca-Cola đài thọ, và các buổi biễu diễn của LHP trông như là show diễn riêng của Coca chứ chẳng liên quan gì đến phim ảnh.

 

Các buổi chiếu phim ngoài trời diễn ra tại khu đất trống cạnh khu chợ đêm nổi tiếng, trong khi phim đang chiếu thì chợ vẫn họp bình thường. Chỉ các bộ phim nói tiếng Thái hoặc tiếng Lào mới khiến người dân ở Luang Prabang quan tâm. Người Lào và người Thái có thể hiểu tiếng nhau. Ở đất nước chưa có nền công nghiệp điện ảnh và chỉ có 2 rạp chiếu bóng trên toàn quốc như Lào, người dân thường phải chèo thuyền vượt biên giới sang Thái Lan nếu muốn xem phim.

 

Các buổi chiếu phim của các nước khác thường chỉ níu chân được các khách du lịch phương Tây ngồi lại cho tới cuối, người Lào sẽ về ngủ sớm dù cho phim trong liên hoan được chiếu hoàn toàn miễn phí.

 

Các phim hơi khó xem trong liên hoan được chiếu trong phòng chiếu 20 chỗ như thế này và khán giả đều là người phương tây. Phim “Mùi cỏ cháy” và “Đó hay đây” của Việt Nam cũng được chiếu ở đây.

 

Dù được tổ chức rất chu đáo và chuyên nghiệp tại một trong những thành phố nên thơ nhất còn sót lại của châu Á, liên hoan phim Luang Prabang vẫn cho ta cái cảm giác đây là sân chơi của các bạn “tây”. Người dân Lào theo dõi liên hoan phim với một thái độ chừng mực, có phần thờ ơ. Đó có phải vì từ lâu điện ảnh đã gần như không còn tồn tại ở Lào hay vì người Lào nhìn chung thờ ơ với mọi sự sôi động hay ganh đua trong cuộc sống? Câu hỏi này hơi khó để trả lời khi bạn chỉ dạo chơi ở đây có 5 ngày. Dù sao, đây là một liên hoan phim khiến nhiều người tham dự muốn trở lại, dù chỉ để trải nghiệm nhịp sống chậm rãi hiếm thấy ở bất kì một liên hoan phim nào khác trên thế giới.

Ý kiến - Thảo luận

11:09 Sunday,15.12.2013 Đăng bởi:  Sương
Một bài tường thuật quá dễ thương. Tôi từng đi công tác Lào dài ngày, những ngày đầu chán không tả được, đang quen nhịp sống ở đây. Xong quen dần, lúc nào cũng hơi buồn ngủ nhưng mà bình yên. Đến khi về lại Hà Nội, xe taxi đi ngang Hồ Gươm bỗng thấy ngột ngạt (tôi vẫn nhớ c
...xem tiếp
11:09 Sunday,15.12.2013 Đăng bởi:  Sương
Một bài tường thuật quá dễ thương. Tôi từng đi công tác Lào dài ngày, những ngày đầu chán không tả được, đang quen nhịp sống ở đây. Xong quen dần, lúc nào cũng hơi buồn ngủ nhưng mà bình yên. Đến khi về lại Hà Nội, xe taxi đi ngang Hồ Gươm bỗng thấy ngột ngạt (tôi vẫn nhớ cảm giác đó). Biết là mình mới từ đất Phật về, ở đó thanh thản.
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả