Điện ảnh

Vĩnh biệt người cả đời làm phù dâu: Peter O’Toole 20. 12. 13 - 4:52 pm

Chẳng ai muốn đưa tin buồn, nhưng tin buồn hiu này không đưa không được: diễn viên lỗi lạc Peter O’Toole vừa qua đời.

Diễn viên Peter O’Toole

Nếu bạn nào đang tự hỏi rằng “Ông lão già khú này là ông nào”, thì xin thưa là cách đây vài chục năm thì ông già khú này từng trông như vầy:

.

Peter Seamus O’Toole sinh năm 1932 ở Connemara, Ai-len. Thời bé ông từng muốn làm nhà báo, nhưng sau đó ông phát hiện rằng mình yêu nghề diễn xuất. Tuy nhiên, Thế chiến thứ hai nổ ra, Peter phải tạm gác ước muốn nghề nghiệp của mình lại để gia nhập quân ngũ.

Khi chiến tranh kết thúc, ông đến Royal Academy of Dramatic Art (trường đạo tạo diễn viên/đạo diễn sân khấu nổi tiếng, giới nghệ Tây hay gọi là RADA) nộp đơn nhập học; sau khi diễn thử, Peter nhận được… học bổng toàn phần.

Ra trường, nhà hát Bristol Old Vic nhận ngay Peter vào đoàn kịch. Ông nhanh chóng trở thành một diễn viên kịch nói có tiếng, chẳng mấy chốc mà Peter nhận toàn vai chính. Những vở như Hamlet, Othello, Oh My Papa của Peter đều được giới phê bình khen nức mũi.

Peter O’Toole trong vai Hamlet tại nhà hát Bristol Old Vic

Một thời gian sau, Peter bắt đầu đóng phim. Lúc đầu ông chỉ có vài vai phụ, nhưng đạo diễn David Lean đã nhìn ra tài năng của O’Toole, và quyết định “xù Marlon Brando để mời Peter vào vai chính trong bộ phim tâm huyết “Lawrence of Arabia” (Laurence ở Ả Rập), kể về những trải nghiệm của Lawrence tại xứ sa mạc cát nóng thời Thế chiến thứ Nhất. “Lawrence of Arabia” thành công vang dội, trở thành tác phẩm kinh điển, thắng 7 giải Oscar, Peter nhận đề cử nam chính nhưng… hụt.

Peter O’Toole trong một cảnh của “Lawrence of Arabia”

Nổi như cồn, Peter ngày càng có nhiều vai chính, nhiều phim hay, và nhiều đề cử Oscar. Cụ thể là 7 đề cử nữa, nhưng ông… hụt hết cả 7.

Lần hụt thứ 2 của O’Toole là phim “Becket”, kể về mối quan hệ giữa giám mục Thomas Becket và vua Henri II (Peter O’Toole đóng) tại Anh vào thế kỷ thứ 12. Giải Oscar năm đó rơi vô tay Rex Harrison cho phim nhạc kịch “My Fair Lady”. Hình: O’Toole (trái) nhập vai Henri II trong một cảnh của Becket.

 

Đề cử Oscar thứ 3 của O’Toole là cho phim “The Lion in Winter”, ông cũng thủ vai vua Henri II, nhưng thay vì Henri II thời trẻ, ông đóng Henri lúc vể già, phải đau đầu tính toán chuyện thừa kế của đám con hỗn láo. Hình: Peter trong một cảnh của “The Lion in Winter”.

 

Năm 1969, John Wayne nhận Oscar, còn O’Toole thì hụt lần thứ 4. Lần này là đề cử cho vai thầy giáo Chips trong phim “Goodbye Mr. Chips” – kể về ông thầy Chips dạy tiếng Latin khô khan, nhưng được học trò khoái hơn sau khi ông… cưới vợ. Hình: Peter O’Toole trong một cảnh của phim.

 

Năm 1972, O’Toole đóng vai một quý tộc Anh hơi hâm hâm (ảnh) trong phim “The Ruling Class”, Marlon Brando đóng vai bố già trong phim “Bố già”. Kết quả: bố già ôm Oscar, Peter hụt lần thứ 5.

 


Năm 1980, Peter thủ vai một đạo diễn khó tính trong phim “The Stunt Man” (ảnh), và nhận đề cử Oscar thứ 6. Tiếc thay, năm đó Robert De Niro quá xuất sắc trong “Raging Bull” nên hụt vẫn hoàn hụt.

 

2 năm sau, O’Toole đóng vai một diễn viên ăn chơi, tính tình nóng nảy trong “My Favourite Year”. Ông nhận đề cử Oscar lần thứ 7, nhưng năm đó Ben Kingsley đóng vai Gandhi trong “Gandhi”. Khỏi nói cũng biết kết quả nó ra sao rồi

 

Lần hụt cuối cùng của O’Toole là phim “Venus”, nhiều người ớn phim này vì nhân vật già của O’Toole đi cưa cẩm một cô gái 18, nhưng phải nói rằng O’Toole diễn hay tê tái (xem đến lạnh hết cả người). Thế mà ông vẫn hụt! Tôi còn nhớ tại giải Oscar năm đó, khi tên người thắng cuộc được xướng lên (Forest Whitaker thắng), mặt O’Toole gầm gừ bực bội, không thèm cố vỗ tay “che dấu sự thất vọng” để ủng hộ người thắng.

Thực chất thì, hội đồng Oscar có rón rén tặng ông giải Oscar thành tựu, và khi nhận giải, Peter nói “(Trước đây) tôi toàn làm phù dâu, chưa bao giờ được làm cô dâu.” Tiếc là đến lúc mất, O’Toole chỉ làm cô dâu thành tựu thôi chứ chưa làm cô dâu chính thức. Nhưng chắc gì một cô dâu chính thức có thể để cho đời nhiều thành tựu điện ảnh khiến khán giả nhớ mãi như O’Toole nhỉ?

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vì sao nên tài trợ cho nghệ thuật?

Robert Hewison - Ngọc Trà dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả