Nghệ sĩ Việt Nam

Phản hồi về bài viết trên soi.com.vn 07. 01. 14 - 8:36 am

Trung Nghĩa

 

Trung Nghĩa, “Con cọp Đông Dương”. Khói màu, lửa và diêm sinh trên giấy, 78 x 139 cm

Trước tiên, cho tôi có lời cảm tạ đến trang soi.today và tác giả lấy nick name BTT đã có bài phản hồi sau sự kiện trình diễn & triển lãm mang tên “Tiếng gọi của núi rừng” do Trung Nghĩa và nhóm GuiHANGtar thực hiện ngày 2, 3, 4 tháng 1 năm 2014 vừa qua. Lí ra, tôi sẽ không có bất kì phản hồi nào sau khi đã đọc bài viết trên, vì thói quen dành cho công việc, không dành cho lí luận hơn thua. Nhưng rõ ràng sự ưu tư, trăn trở và tâm huyết của tác giả BTT đối với vấn đề nghệ thuật nói chung và nhân cách người nghệ sĩ nói riêng, khiến tôi quyết định phải dọn mình, nghiêm túc mà đón nhận ý kiến (dù trái chiều), và phản hồi trong chừng mực có thể.

Tôi sẽ bỏ qua các nhận định “nghiệt ngã” và mang hơi hướm cá nhân, xin trích: “… Trong hai ngày 3 – 4. 1. 2014, giới yêu âm nhạc và hội hoạ tại TP.HCM có dịp thưởng thức triển lãm giao thoa âm sắc chủ đề Tiếng gọi núi rừng tại nhà Trưng bày triển lãm thành phố... Suốt chương trình, trong khi hai nhạc sĩ trình diễn âm nhạc, hoạ sĩ sẽ vẽ một tác phẩm bằng kỹ thuật khói lửa… Một người trong nhóm cho biết: ‘Đây là hình thái nghệ thuật mới, các nốt nhạc chúng tôi chơi sẽ quyện vào bàn tay của người họa sĩ khi anh vẽ tranh. Trong một lần đi thực địa tại Tây Nguyên, cả ba chúng tôi vô tình cảm nhận được điều độc đáo của sự giao thoa và đây là dịp chúng tôi chia sẻ cho người yêu thích loại hình nghệ thuật này.'”

Và người viết kết luận: “À, hóa ra là các anh phát hiện ra trong một lần đi Tây Nguyên, chứ không phải lấy từ ai nhỉ, thế mà tôi cứ tưởng là thó của Thái Quốc Cường, tức Cai Guo Qiang.”

Cai Guo Qiang, “1040m dưới lòng đất”. Khói, lửa, thuốc súng. Nhiều kích thước

Có lẽ tác giả đã không đọc kĩ những lời chúng tôi nói? “Hình thái nghệ thuật mới”, ấy là khi chúng tôi tìm thấy những nét thú vị, đồng điệu trong tâm hồn mình khi âm nhạc hòa quyện vào hội họa, khi những con người, dùng những khí cụ, công cụ khác nhau, cùng nói lên tiếng lòng của mình, họa khắc những tiếng kêu của muôn loài, của rừng núi vào tranh và nhạc, khiến chúng gắn kết vào nhau. Một nhạc sư Salil với bộ gõ và các khí cụ dân dã từ khắp nơi trên thế giới, nhạc sư Lê Tuyên với cây Tây Ban Cầm, Trung Nghĩa với hình họa và màu sắc, đến Trác Thúy Miêu là người dẫn câu chuyện để đến với công chúng, với một khát khao thể hiện tiếng gọi của người mẹ thiên nhiên. Với chúng tôi, đó là những trải nghiệm “mới”, chúng tôi háo hức công bố, lao vào nghiên cứu, khám phá như những đứa trẻ với sự vô tư và niềm yêu, điều đó có gì bất ổn chăng?

Thái Quốc Cường, tức Cai Guo Qiang. Một bậc danh họa mà tôi ngưỡng mộ từ lâu, ông dùng thuốc súng để vẽ nên những tác phẩm lớn. Còn tôi một nghệ sĩ non trẻ chập chững xác quyết niềm yêu của mình với hội họa, bước những bước đầu tiên còn cần trợ hứng bởi những người anh trong âm nhạc, khắc họa nét nhạc thành tranh còn chưa ra gì, mà quý vị cho rằng tôi là môn đệ của ông, thật tôi lấy làm hổ thẹn; được trở thành môn đệ của ông với những người sử dụng những vật liệu thế này, quả là một vinh dự lớn. Quý vị đã nâng cao tôi lên quá mất rồi?

Rất nhiều lần, một số báo chí đã hỏi tôi về việc vật liệu khói, lửa, diêm sinh tôi dùng có phải là một “sáng tạo” mới không? Tôi đã trả lời rõ ràng rằng, tôi đã biết ít nhất ba người, một người tại Trung Quốc, người kia ở Canada và tôi đã trải nghiệm, nghiên cứu và dùng những vật liệu đó trong những thời điểm khác nhau, con đường khác nhau. Chúng chẳng mới lạ gì cả, kĩ thuật vẽ bút lửa (phyrography) đã có từ lâu trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Tại Mỹ hoặc Canada, có nhiều công ty chế tác bút lửa với các đầu bút vẽ khác nhau, có cả sách chỉ rõ kĩ thuật vẽ cho những người nhập môn, riêng tôi sở hữu hai bộ bút như thế. Còn tại Việt Nam, các nghệ nhân xưa nay đều tự chế tạo bút lửa, rất gian khổ và kì công. Họ đã tạo được những thành quả nhất định trải mấy chục năm miệt mài, việc chẳng lạ gì. Về khói, chắc không ai lạ về kĩ thuật vẽ “sốt” chân dung dùng khói đèn, muội than để vẽ. Thậm chí một họa sĩ người Canada tại Léry Quebec là Steven Spazuk đã có những công trình nghiên cứu sâu về khói, lửa và các chất liệu tổng hợp trên giấy, tôi cũng đã có một số trao đổi cùng ông từ lâu. Về thuốc nổ, riêng tôi là một trải nghiệm mới mẻ.

Tác phẩm của Steven Spazuk (Canada)

Từ những quan sát lúc nhỏ, chắc ai cũng nhớ thời còn cho đốt pháo, chúng ta, những đứa trẻ nít thường lấy bồi pháo, quấn giấy rồi đốt, những vết hằn, cháy trên giấy làm tôi không thể quên, đến lúc lớn lên, những thực nghiệm đó lại cho phép tôi thoát ra vòng cương tỏa của ngòi bút lửa, khắc hằn nên những mảng miếng mềm mại, hòa quyện hơn. Những vết nổ tạo cảm xúc trượt, thấm đậm, ăn sâu trên giấy mang lại nhiều cảm xúc cho tôi, quả là thú vị khi được làm việc với nó, dùng nó để khắc họa những sinh linh đại ngàn, tiếng kêu của muôn loài vạn vật. Đó là điều tuyệt vời nhất mà tôi biết.

Khi chúng ta phê bình hoặc soi về một lĩnh vực nào, xin hãy có một lòng yêu chân thành, bỏ công nghiên cứu chuyên sâu, chứ không phải đọc trên báo vài ba dòng, Google tra cứu sơ khởi vài ba đoạn, triển lãm thì không đến xem, tác phẩm thì không mục kích. Rồi viết những dòng chữ làm độc giả lầm tưởng rằng mình đủ am hiểu và thẩm định đúng đắn, điều đó vô hình chung sẽ làm chết đi những tài năng mới khai mở, những ý tưởng mới khởi sắc, làm mai một những chân giá trị nghệ thuật đã và đang có. Công việc của tôi chỉ là những bước đầu tiên, trải nghiệm của tôi cũng có nhiều thú vị cần khám phá, dầu vậy con đường đi thì còn dài phía trước, mong nhận được những góp ý, những phản hồi chân thành.

Trung Nghĩa, “6”. Khói màu, lửa, diêm sinh trên giấy. 78 x 50 cm


Saigon, 07. 01. 2014

Trung Nghĩa

 

 

Ý kiến - Thảo luận

0:26 Thursday,16.1.2014 Đăng bởi:  RauMuongNoiGian
Hoan hô Trung Nghĩa, mong rằng người sẽ mãi như tên!

...xem tiếp
0:26 Thursday,16.1.2014 Đăng bởi:  RauMuongNoiGian
Hoan hô Trung Nghĩa, mong rằng người sẽ mãi như tên!
 
23:08 Wednesday,8.1.2014 Đăng bởi:  ducpham
Bác nói lại thế thị chịu bác rồi. Chuẩn.

...xem tiếp
23:08 Wednesday,8.1.2014 Đăng bởi:  ducpham
Bác nói lại thế thị chịu bác rồi. Chuẩn.
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả