Nghệ sĩ Việt Nam

FACTORY – một biện chứng cho
“Hiện thực mù” 23. 01. 14 - 4:53 pm

Lê Quảng Hà

Lê Quảng Hà, “Đi tới thiên đường”, sơn dầu, 1999

Tôi luôn cánh cánh trong lòng một món nợ. Đó là một câu trả lời cũng như một lời cảm ơn bạn bè và cả những người chưa từng quen, những ai quan tâm tới những gì đã và đang xảy ra với FACTORY của chúng tôi trong suốt thời gian qua. Cho dù tôi vẫn biết, nhiều người hiểu nó còn cặn kẽ hơn tôi.

Từ lâu tôi đã tự hỏi: Vì sao trong xã hội chúng ta, hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, không thiếu những thông điệp cùng các khẩu hiệu tràn lan ngôn từ mỹ miều đầy tính nhân văn, mà sao đạo đức xã hội lại xuống cấp đến như vậy? Bạo lực, cái ác, cái xấu, sự vô nhân tính tràn lan mọi nơi. Nó len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, vào mỗi gia đình và trở thành tiêu chuẩn của sức mạnh mang tính thời thượng. Để duy trì quyền lợi và quyền lực, các tội phạm câu kết với nhau thành cả một tổ hợp mafia (mà ở ta gọi một cách nhẹ nhàng hơn là “các nhóm lợi ích” ). Chúng vô cùng tàn bạo vì được bảo kê và bao che, cùng với kỹ thuật “ném đá giấu tay” là sở trường. Tôi gọi đó là Bạo lực trong sự yên lặng. Nó nguy hiểm hơn cả bom đạn chiến tranh vì không có tính chính danh, bởi vậy nó tạo ra nỗi sợ hãi vô hình bao trùm xã hội.

Lê Quảng Hà, “Phản biện Darwinism”, sơn dầu, 2005

Trong một triển lãm trước đây của tôi, tôi có nói: “Quá trình làm việc của tôi là quá trình đi tìm câu trả lời và sự phản biện cho những câu hỏi tôi tự đặt ra cho những gì đang xảy ra quanh tôi. Và, trong khi đi tìm câu trả lời cho những băn khoăn đầy ngờ vực về ‘Hiện thực lãng mạn’ hay ‘Hiện thực trần trụi’, tôi thấy mình dường như đang tiệm cận đến một khái niệm nghệ thuật mới. Xin được tạm gọi là ‘Hiện thực mù’.”

Và câu chuyện Factory là ví dụ sinh động nhất về hiện thực xã hội tôi và các bạn tôi đã và đang trải qua. Năm 2010 chúng tôi thành lập Factory, có giấy phép kinh doanh dịch vụ ăn hóa và giải trí do Sở kế hoạch và Đầu tư cấp, cùng hợp đồng thuê nhà hợp pháp được công chứng Nhà nước có giá trị đến năm 2017. Đó là nơi giới thiệu các loại hình nghệ thuật mới trong và ngoài nước, nơi gặp gỡ, trao đổi của các nghệ sỹ, trí thức và công chúng… Factory cũng đã được các cơ quan chức năng đến thăm thường xuyên. Dự án đó của tôi, với một tâm thức hoàn toàn trong sáng vì xã hội và cộng đồng, nhưng hình như nó đã ảnh hưởng đến quyền lợi và quyền lực của một nhóm lợi ích nào đó? Mà bằng mọi cách, kể cả những thủ đoạn hèn hạ nhất, Factory đã bị làm khó dễ ngay từ những ngày đầu tiên. Factory thường xuyên bị các nhóm xã hội đen quậy phá, khủng bố tinh thần, tất cả các lần đều được trình báo Công an nhưng không được giải quyết.

Với mục đích đòi lại mặt bằng kinh doanh mà chúng tôi đã bỏ ra hàng tỉ đồng đầu tư, nhưng không được, chủ nhà đã ngang ngược cắt điện tuyên bố chấm dứt hợp đồng và kiện tôi ra tòa. Câu chuyện tòa án mọi người đã biết, rồi xã hội đen nhảy vào cuộc với những chiêu trò bẩn thỉu như: đập phá nhà tôi, đe dọa tính mạng. Sự việc nghiêm trọng đến mức công luận phải vào cuộc, cộng với sự cương quyết của chúng tôi, một vài con tốt thí như là vật tế thần được đưa ra trước vành móng ngựa. Tại phiên tòa xử các tội phạm hủy hại tài sản nhà tôi, các cháu khẳng định không quen biết tôi, không có mâu thuẫn gì với tôi. Chúng chỉ là những kẻ làm thuê. Tôi khẳng định:

“Những bị can này vừa là tội phạm , nhưng cũng chính là nạn nhân. Chúng bị lợi dụng để trở thành công cụ gây án cho kẻ chủ mưu và kẻ cầm đầu đã biết mặt biết tên cùng đầy đủ chứng cứ. Tôi yêu cầu phải lôi những kẻ này ra trước vành móng ngựa. Tôi đấu tranh cho việc này không chỉ vì công bằng cho riêng mình , mà còn vì một xã hội an toàn và văn minh hơn.”

Còn Tòa án dân sự, vì lí do nào đó đã tuyên án một cách vôi vàng, bỏ qua các nguyên tắc về tố tụng cũng như bản chất và nội dung của vụ án cùng các lập luận và chứng cứ khách quan.

Cụ thể là:

– Hủy hợp đồng hợp pháp có công chứng Nhà nước giữa tôi và chủ nhà có giá trị đến 2017. 

– Ép tôi phải thực hiện theo caí gọi là hợp đồng do họ tự nghĩ ra không hề được sự đồng ý cũng như không có chữ ký của tôi.

Khi tham gia, xem xét kỹ lưỡng tài liêu cùng các bản án mà Tòa án cả dân sự và hình sự mà tôi đang theo đuổi, đấu tranh luật sư của tôi cũng nhận định chỉ có hai giả thiết:

– Vụ án này đã “được chỉ đạo”, hoặc

– Vụ án này đã được bảo kê và mua bán trọn gói bởi một tổ chức.

Tôi không biết giả thiết nào đúng, chỉ biết rằng: từng ấy thời gian chứng kiến những gì xẩy ra với xã hội đen, với một số công an viên, với thẩm phán, với kiểm sát viên đã cho tôi cái nhìn thực tế về một vòng tròn, những mối quan hệ, những cái gọi là “cách giải quyết hài hòa”, những điều tôi đã biết từ rất lâu, đã thể hiện trong tư duy khi tôi sáng tác. Tôi theo vụ này không phải để thắng hay thua, cũng không phải chỉ để đòi sự công bằng cho riêng mình, đó còn là một phần trách nhiệm của tôi với xã hội. Đây cũng chính là một thực hành sống và làm nghệ thuật theo cách riêng của tôi.

Một bức tranh của Lê Quảng Hà

Với tôi thực tế này là quá đủ cho một đợt sáng tác mới. Tôi tạm khép câu chuyện ở đây, phần kết vẫn còn mở cho tất cả mọi người. Năm cũ sắp qua đi, Tết sắp đến. Còn nhiều công việc bề bộn phía trước, cho một cuộc sống thực sự chứ không chỉ là sự tồn tại.

Xin chúc tất cả mọi người, mọi nhà một mùa xuân mới bình an, hạnh phúc và thành công.

Hà Nội, 20. 1. 2014 

Lê Quảng Hà
 

Ý kiến - Thảo luận

10:13 Sunday,26.1.2014 Đăng bởi:  admin

@ Người hâm mộ: đã sửa lỗi bạn nói. Cảm ơn bạn nhiều.



...xem tiếp
10:13 Sunday,26.1.2014 Đăng bởi:  admin

@ Người hâm mộ: đã sửa lỗi bạn nói. Cảm ơn bạn nhiều.


 
9:47 Sunday,26.1.2014 Đăng bởi:  Người hâm mộ
Chú thích tranh đầu thiếu chữ L.
Năm mới Anh Hà:
nhiệt huyết vẫn sôi sục, và sức cầm cọ vẫn cang cường, và nhất là vẫn trí cao, tâm sáng như Dòng sông Quảng đại.

...xem tiếp
9:47 Sunday,26.1.2014 Đăng bởi:  Người hâm mộ
Chú thích tranh đầu thiếu chữ L.
Năm mới Anh Hà:
nhiệt huyết vẫn sôi sục, và sức cầm cọ vẫn cang cường, và nhất là vẫn trí cao, tâm sáng như Dòng sông Quảng đại.
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Đối thoại: Có nên độ lượng với Nhái?

Minh Thành, Huy Thông, Lý Chuồn Chuồn

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả