Chính trị

Thái Lan: đỏ và vàng, da phấn với mặt hoa 04. 02. 14 - 9:18 am

Sáng Ánh

“Nếu không có quân đội, bọn công an của chúng nó đã bắn vào người biểu tình rồi!” Anh tài bực tức đập mạnh vào tay lái, làm chiếc xe đang như bay trên đường cao tốc Bangkok-Pattaya chao đi một nháy mắt. Cũng may là con đường này rất vắng, tuy nhiên tôi vẫn thận trọng mà vuốt ve anh theo chiều hướng chính trị này suốt đoạn đường hai tiếng. Đại khái là nông dân cu lấm thì biết gì, bọn này mua chuộc lá phiếu chỉ cần một vóc gạo, bè phái Thaksin làm giàu nhờ nhũng lãm và độc quyền hay độc tài, chẳng tôn trọng giá trị gì hết, v.v…

Đến Pattaya tôi mới thở phào thoát nạn, không phải nạn “giặc khăn vàng” vào lúc đó đang chiếm phi cảng và đuổi thủ tướng chạy tụt cả giày tại thủ đô, mà là thoát khỏi (tai) nạn giao thông.

Phe áo vàng chiếm sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok trong hai tuần, hồi 2008

Nhưng tránh tai thì gặp ương. Nơi đây là đất của Thai Rak Thai, “(người) Thái yêu (nước) Thái” (tiền thân của Peue Thai), là nơi “áo đỏ” không đợi uống hết nước đã ném vỏ chai vào Abhisit, và 100 cô gái ngồi bar hôm ấy thì 100 cô đều đưa ngón trỏ lên trời, Yingluck number one.

Phe áo đỏ Thai Rak Thai

Chính trường Thái Lan thỉnh thoảng lại nhốn nháo, vài năm một bận, có khi vài bận một năm. Từ ngày có chế độ lập hiến, quốc gia này trải qua 18 cuộc đảo chính, hay là 21 gì đó, không, 22 chứ, mày nhớ nhầm, hay là 19 thì phải? Trong lịch sử này, thủ tướng dân cử duy nhất tròn được 1 nhiệm kỳ mà không bị lật đổ là ông Thaksin. Tất nhiên, ông bị lật đổ vào nhiệm kỳ sau. Tình hình sôi động hiện nay, và sôi động từ hơn mươi năm nay, được hiểu đơn giản là quyền cước giữa hai phe “đỏ” và “vàng” với quân vương ngồi trên làm trọng tài và thỉnh thoảng lại đằng hắng. Cả thế giới chắc còn nhớ cảnh tướng Chamlong và thủ tướng Suchinda quỳ trước mặt ngài vào dịp chính biến năm 1992 để nghe ngài dạy các con không được làm ồn ào.

Hoàng gia can thiệp đêm 20. 5. 1992. Từ trái qua :Chamlong Srimuang, Suchinda Kraprayoon và Vua Bhumibol Adulyadej (ngồi).

Như vậy, tóm tắt, Thái Lan là rối rắm, có hai thế lực, một là xã hội dân sự (theo nghĩa rộng, tức là cử tri) được quyền chốc lát múa may nhưng không bao giờ được lâu, vì thế lực thứ hai là anh Hai quân đội lúc nào cũng đứng đó mà trông vườn trẻ, và nhà vua thì khôn khéo nhỏ nhẹ, có lúc “sao mày lại để nó nghịch thế?”, có lúc thì “sao mày lại đánh em đau!”

Trở lại chuyện hôm nay, tức là mâu thuẫn chẳng hiểu sẽ đi về đâu giữa “vàng” và “đỏ”, thì phải bắt đầu từ 1996-97. Sau những thập niên tăng trưởng, cả rồng lẫn hổ châu Á bị trúng gió và ôm bụng mà vật vã với khủng hoảng tài chính này, đồng Baht phá giá mất một nửa, tiền Indonesia, Mã Lai, Philippines và cả đến đồng won của opa opa Hàn quốc. Ngày nhục nhã nhất của nền dân chủ Hàn quốc là khi cả 4 ứng viên tổng thống của nước này đều phải quỳ trước Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) để được nhận tấn phong (1998). Trong khi đó tại Thái lại xuất hiện một anh hào hỗn xược, từ đâu chui ra không biết, nhưng tuyên bố “IMF không phải là ông già tôi”*. Đánh trúng vào tâm lý quốc gia của quần chúng Thái đang phải nuốt thuốc đắng của nước ngoài, ông bày ra chủ trương gọi là Thaksinomics và thành công đến nỗi chính IMF sau này phải bấm bụng mà khen.

Thaksin – tác giả của Thaksinomics

Trong khi giải pháp của IMF (và chủ nghĩa neoliberal) là để thị trường tự điều chỉnh, chết ai mặc kệ, thì Thaksin lại dùng can thiệp của nhà nước để bảo vệ nền kinh tế nội địa đối với nước ngoài (“Nếu tôi chơi golf với lại Tiger Woods thì Tiger phải nhường tôi vài gậy chứ”.). Ông quan niệm quốc gia là một doanh nghiệp mà ông làm TGĐ-Thủ tướng, đặt hữu hiệu ở trên hết, dùng biện pháp kích cầu, gia tăng tiêu thụ và tín dụng bằng cách mở rộng đến nông thôn. Đồng thời, theo ông thì phải có một “hợp đồng xã hội” hay “tư bản xã hội chủ nghĩa”, (“Tư bản chủ nghĩa hay Xã hội chủ nghĩa đều cần thiết… và phải chung sống… vì Tư bản có mục tiêu nhưng không có lý tưởng, còn Xã hội có lý tưởng nhưng không có mục tiêu”) điển hình là chương trình sức khoẻ hay bảo hiểm nhân thọ 30 Baht (20.000 ĐVN), giáo dục (máy vi tính, xe đạp đến trường) cho tiểu thương, nông dân vay vốn đầu tư.

Thaksin ra mắt nhà vua ngày đăng quang, 2001

Thực hiện những việc này, nhóm Thaksin trước hết là xâm phạm quyền lợi của tư bản truyền thống tại thủ đô đang ăn nên làm ra với các tập đoàn nước ngoài, cũng như đụng chạm đến tính cách ngày càng ù lỳ của guồng máy hành chính trung ương cai trị cả nước từ thời hiện đại (1932). Guồng máy chính quyền thì làm sao hữu hiệu như một doanh nghiệp được và tư bản mới của Thaksin trở thành xung đột với tư bản cũ của Thái. Bản thân Thaksin là một tỉ phú, thành công lừng lẫy trong lãnh vực công nghệ mới là công nghệ thông tin; sau khi hưu trí công an, ông vừa soạn tuồng cải lương Lan và Điệp vừa cho văn phòng thuê máy vi tính trước khi bước vào ngành điện thoại di động. Thấy tài sản mấy tỉ của ông là giới thượng lưu truyền thống đã xốn con mắt, nói gì đến chính sách hại nồi cơm của họ bởi tân thủ tướng. Thí dụ, mở rộng tín dụng cho bình dân và nông thôn thì phải cải cách chế độ ngân hàng, và khi cải cách chế độ này thì bè phái Thaksin cũng nhét vào túi riêng một nắm chứ. Kẻ thù của ông là thành phần ưu tú truyền thống, sinh ra tại Anh quốc và tốt nghiệp Oxford (Thaksin là TS của Đại học tầm tầm Sam Houston State University bang Texas trong khi Abhisit cấp 2 phổ thông đã học Eton là trường con nhà giòng của Anh). Những buộc tội nhũng lãm của họ cũng là có thật, của tao mày sớt sang túi mày còn bày đặt đem chia và bố thí ăn mày.

Thaksin Shinawatra tươi cười bên một fan của câu lạc bộ Manchester City mà ông làm chủ

Mâu thuẫn sống còn này là giữa hai băng đảng tư bản, kiểu bụi đời Sukhumvit hay là kiểu giữa tư bản công nghiệp quốc gia đang dãy chết ở Tây phương và tư bản tài chính đang hăm he toàn cầu hóa. Ông Thaksin không phải là nhà cách mạng và màu đỏ của phe ủng hộ ông không phải là màu đỏ Tháng Mười mà là màu của quốc kỳ Thái Lan thế kỷ 17-19. Vừa rồi, khi đi thăm dân tình bị lụt (2011) thì bà Yingluck mang ủng của nhà Burberry mà lội nước và vợ của Phó chủ tịch đảng đối lập thì lại mang ủng của nhà Chanel! Tuy nhiên, nhờ chính sách xã hội và đường lối quốc gia, phe Thaksin được đa số quần chúng là nông dân miền Đông và Đông Bắc nhiệt tình dồn phiếu trong 4 kỳ bầu cử vừa qua. Bà Yingluck tăng lương tối thiểu lên 300 Baht/ngày (200.000 ĐVN) theo lời hứa và dùng 3 tỉ để giữ giá gạo cho nông dân sản xuất Thái thì bà đi ủng hiệu gì họ vẫn… ủng hộ bà.

Bà Yingluck mang ủng Burberry lội nước

Ngoài ra, mâu thuẫn giữa Chiang Mai phố núi miền Bắc và Bangkok mé biển miền Nam là một mâu thuẫn lâu đời khác (Chieng Mai mất vị trí chiến lược của con đường buôn bán từ Trung quốc sang Ấn độ từ khi thuyền buôn Tây phương dùng mặt biển, tức là Ayuthaya rồi Bangkok làm kho chuyển hàng). Như vậy, mâu thuẫn “đỏ” và “vàng” ngày nay tại Thái, ngoài xâu xé giữa hai thành phần tư bản, còn có mâu thuẫn thành thị và nông thôn, trung ương và địa phương, thân hào tỉnh lẻ và quí tộc thủ đô, giữa quân đội và an ninh cảnh sát, mâu thuẫn giữa guồng máy hành chính nặng nề thông phán của thế kỷ 20 với một thời đại mới mà nó chậm tiếp cận, không phải chỉ là mâu thuẫn giữa một cựu thủ tướng da phấn với lại một đương kim thủ tướng mặt hoa.

Cựu thủ tướng da phấn Abhisit, người của phe áo vàng

Vai trò của quân đội và quân vương cho đến giờ là… bối rối. Vua Bhumibol năm 2006 ngầm ủng hộ đảo chánh nhưng sự trở lại của Thaksin bằng lá phiếu khiến họ phải phân vân. Đảo chánh nữa thì cũng khó coi, và qua một thời kỳ chuyển tiếp thì cũng phải trở lại bầu cử và bầu cử thì ai cũng biết là Thaksin sẽ thắng thêm lần nữa. Có lẽ để tránh phải lên tiếng nên nhà vua mới nằm lỳ mấy năm nay trong bệnh viện mà không trở về cung, tôi bị bệnh á khẩu, kiểu bệnh như vừa mới đây của tổng thống Yanukovych (Ukraine).

Thủ tướng Yingluck đến vấn an Vua và Hoàng hậu Thái nhân sinh nhật lần thứ 84 của nhà vua, giữa lúc phe áo vàng đang biểu tình rầm rộ. Hoàng hậu Sirikit là người từng thổ lộ với diễn viên Elizabeth Taylor: “Cả đời tôi đã chiến đấu chống Cộng sản nhưng tôi không chống lại được thời kỳ mãn kinh” và ở đây chẳng hiểu bà đang tâm sự với Yingluck chuyện gì. (Bổ sung sau: Ảnh này hóa ra sai nhé. Sai thế nào, các bạn đọc cmt bên dưới của bạn”Người qua đường”. Cảm ơn bạn Người qua đường.)

Nói thêm, chế độ quân chủ không đến nỗi thiêng liêng tại Thái như người ta tưởng, mà đó là vị trí cá nhân của vua Bhumibol sau gần 70 năm ở trên ngai. Trong thập niên đầu, ông từng bị tướng Phibun cấm không cho đi ra ngoài, sau tướng Sarit thấy ông đi qua đi lại còn có lợi cho chế độ quân phiệt nên mới thả ra để ông dần dà tạo nên uy tín riêng khắp nước và đồng thời củng cố quyền lực của các tướng lãnh. Mai đây, khi ông qua đời, chưa chắc là chế độ quân chủ lập hiến này sẽ tồn tại. Con trai ông là người khó giữ uy tín cho hoàng gia sau khi chàng phong hàm Thiếu tướng Không quân cho con chó trong nhà và Thái Lan có khả năng sẽ trở thành một cộng hòa. Đố các bạn, ai sẽ có khả năng trở thành vị tổng thống đầu tiên?

Nhà vua Thái

Trước đây, ở trên SOI, người viết đã có một câu đố khác. Ai là người giàu nhất thế giới? Đúng ra phải hỏi, ai là người lãnh đạo quốc gia giàu nhất thế giới (theo tạp chí Forbes). Đó không phải là quân vương Abu Dhabi, hay Saudi, hay Brunei, hay Dubai, Kuwait, Qatar hay nữ hoàng Hà Lan, Anh quốc. Đó là vua Thái Lan với cổ phần trong nhiều công ty và 700 héc ta bất động sản tại thủ đô Bangkok, ước lượng là 30 tỉ USD.

Thêm, đố vui có thưởng:

Nhà hàng Thái tại Rowland Heights, California này mang một cái tên hơi lạ, đến độ bất thường hay có thể nói là trái khoáy nữa! Lại đố các bạn, lạ ở chỗ nào?

*

Chú thích:
(*) Quỳ trước IMF thì không ai có hình chụp nhưng cay đắng lại bội phần. Trong một hội nghị quốc tế vài mươi năm trước, Tổng thống Bolivia bỗng bị một anh râu vểnh đến túm áo. Anh bảo “Tôi hiểu, ông cũng là một người tử tế và đất nước xinh đẹp của ông tôi cũng mong có ngày được đến thăm, nhưng ông không biết là Bolivia đã từng hành hạ chúng tôi đến thế nào!” Anh râu vểnh này là Tổng thống Ba Lan Lech Walesa và nước ông khi gặp khó khăn đã phải trải qua phương thuốc của IMF, lúc đó được gọi là “phương thuốc (IMF từng áp dụng cho) Bolivia”. Câu phát biểu của Thaksin về vấn đề kinh tế là do người viết cường điệu, đặt theo câu “LHQ không phải là bố tôi” của ông này khi bị phê bình về vấn đề nhân quyền trong cuộc chiến chống ma túy tại Thái Lan.

*

Về Thái Lan:

- THAWEESAK SRITHONGDEE: cố thoát khỏi truyền thống

- Hí họa: Sẽ không ai phải đi tù cả

- Hí họa: Trong mưa bão, Chanel hơn Burberry, vẫn còn thua Ferragamo

- Manit Sriwanichpoom dùng khỏa thân nói chuyện chính trị

- Chuyện Thái Lan: được làm vua mà thua thì thành giặc!

- Thái Lan: đỏ và vàng, da phấn với mặt hoa

- Trẻ người và non dạ hơn Yingluck, nhưng hot hơn là cái chắc

- Đời Rama số bù

- Làm món “xụm tăm” nhớ bà ngoại

- Ẩm thực Bangkok (bài 1) : Nguyên tắc vàng là tránh xa Tây

- Ẩm thực Bangkok (bài 2): Vì sao Tom Yam Kung thơm lừng?

- Có mặn-ngọt-chua-cay… mới là món Thái

- Ở Hoa Kỳ, muốn tiết kiệm thì sang Thái chữa xổ mũi?

- Lời nguyền của đá (quí)

Ý kiến - Thảo luận

21:02 Sunday,6.3.2016 Đăng bởi:  ABC
Thank Soi. Giờ mới phát hiện ra nút xem tất cả ý kiến, đã xem được rồi.
...xem tiếp
21:02 Sunday,6.3.2016 Đăng bởi:  ABC
Thank Soi. Giờ mới phát hiện ra nút xem tất cả ý kiến, đã xem được rồi. 
20:33 Sunday,6.3.2016 Đăng bởi:  admin
ABC đọc trên máy tính? máy tính bảng? điện thoại? Vậy là các cmt ở cuối bài không hiện lên hả bạn, kể cả khi ấn vào nút "Xem tất cả Ý kiến-Thảo luận"?

Cho bọn mình biết nhé để báo với kỹ thuật. Cảm ơn ABC nhiều.
...xem tiếp
20:33 Sunday,6.3.2016 Đăng bởi:  admin
ABC đọc trên máy tính? máy tính bảng? điện thoại? Vậy là các cmt ở cuối bài không hiện lên hả bạn, kể cả khi ấn vào nút "Xem tất cả Ý kiến-Thảo luận"?

Cho bọn mình biết nhé để báo với kỹ thuật. Cảm ơn ABC nhiều. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả