Vĩnh biệt Phillip Seymour Hoffman, hãy lấy phim của ông ra xem lại
05. 02. 14 - 7:47 am
Thực tình thì lúc này chả ai muốn đưa (hay đọc) tin buồn, tuy nhiên nếu một nghệ sĩ tầm cỡ như Phillip Seymour Hoffman qua đời sớm ở tuổi 46 thì ai nấy cũng nên nghiêng mình xem lại con đường sự nghiệp của ông một chút.
Diễn viên Phillip Seymour Hoffman
Sinh ngày 23. 7. 1967 ở New York, Phillip Seymour có một tuổi thơ rất đầy đủ với cả bố lẫn mẹ đều là người thành đạt. Thời trẻ, ông muốn trở thành vận động viên đấu vật chuyên nghiệp, nhưng một chấn thương cổ đã khiến Phillip từ bỏ ý định và chuyển sang học diễn xuất (đúng là trong cái rủi có cái hên.)
Phillip ghi danh tại trường kịch của New York và khi tốt nghiệp thì ông tham gia một số vai nhỏ trên sân khấu. Vai diễn đầu tiên của Phillip trên màn bạc cũng là vai nhỏ thôi, nhưng may mắn thay, đấy là vai nhỏ của một phim có tiếng – tác phẩm “Scent of a Woman” (Mùi hương đàn bà)
Phillip Seymour Hoffman (phải) trong một cảnh của Scent of a woman. Anh đóng vai cậu bạn giàu có của nhân vật chính. Đây là một phim hay, dàn diễn viên của nó về sau cũng thành công, sống được với nghề.
Tiếp tục chăm chỉ làm việc, và năm 1999 Phillip gân ấn tượng mạnh trong một tác phẩm hình sự hay tuyệt vời tên “The talented Mr Ripley” – một việc không dễ vì vai của anh trong phim này cũng khá nhỏ, lại đóng chung với toàn sao như Jude Law (trong hình, bên trái), Matt Damon, Gwyneth Paltrow, và Cate Blanchett. Ai thích phim tâm lý hình sự thì hãy xem tác phẩm này nhé, sâu sắc và đa chiều hơn mấy tiểu thuyết săn tội phạm bán đầy nhà sách.
Rồi khi đóng cạnh hàng khủng Robert De Niro trong “Flawless”, Hollywood đã chịu công nhận rằng Phillip Seymour Hoffman là một tài năng lớn. Trong “Flawless”, Phillip biến thành một thanh niên muốn chuyển giới nhưng không có tiền, De Niro là ông hàng xóm cau có; nhờ một tai nạn mà cả hai làm quen, “chịu đựng” nhau, và hiểu nhau lẫn thông cảm cho nhau hơn. Hình: Hoffman (trái) và De Niro trong Flawless.
Diễn viên như Phillip Hoffman sẽ không bao giờ quên được niềm vui của sân khấu, đây là tấm ảnh chụp Phillip tại nhà hát kịch Tricycle năm 2002, nơi ông diễn vở “Jesus hopped the A train”. Thường thì khi một diễn viên nổi tiếng trên màn bạc rồi họ sẽ bỏ kịch và đóng phim thôi (kịch mỗi ngày mỗi diễn, thù lao từng buổi chả bao giờ cao, làm mệt mà tiền thấp.) Nhưng Phillip mạnh dạn nghỉ đóng phim để đóng kịch, thật đáng khâm phục.
Sau một thời gian đóng vai nhỏ trong vài phim lẫn đóng kịch, Phillip nhận vai chính trong “Capote”- phim tiểu sử về cuộc đời của nhà văn Truman Capote mà nước Mỹ yêu mến. Đóng vai nhân vật có thật chả bao giờ dễ, nhưng Phillip đã làm được, và kết quả là ôm giải Oscar nam chính xuất sắc nhất. Hình: Phillip trong một cảnh của Capote.
Phillip và Reese Witherspoon với tượng Oscar nam chính cũng như nữ chính năm 2006.
Năm 2008 Phillip tiếp tục nhận đề cử Oscar nam phụ cho phim “Doubt”, lần này ông không thủ vai nhà văn được yêu thích mà thủ vai một giám mục dính líu đến xì-căng-đan lạm dụng tình dục các bé trai. Mặc dù chuyện một số lão giám mục của đạo Chúa cưỡng bức trẻ em là có thật (xem phim tài liệu Mea Maxima Culpa), nhưng đề tài này gây đụng chạm, chẳng biết có phải do vậy mà Phillip hụt Oscar năm đó không, chứ Doubt rất hay, dàn diễn viên của nó cũng toàn khủng với từ Meryl streep, Phillip Hoffman, đến Amy Adams. Đặc biệt là Hoffman, người chứng minh rằng mình có thể đóng nhiều loại vai (và “sống sót” sau khi đóng cùng Meryl Streep.)
Nếu bạn nào thấy sao phim gì của diễn viên này cũng có vẻ khó xơi quá, xin mời bạn thưởng thức “A Late Quartet” (2012). Đây là một phim vể nhạc giao hưởng, nghệ thuật nhưng mềm mại, không khó xem. Phillip nhập vai Robert – một violinist (ảnh). Phim còn có sự góp mặt của lắm nghệ sĩ đáng kính khác như Christopher Walken, Catherine Keener, Mark Ivanir, và tài năng trẻ Imogen Poots. Nghe bộ tứ trong phim kéo đàn rất sướng tai.
Cũng năm 2012, Phillip vừa thủ vai tay violinsist dễ thương vừa biến thành chủ giáo phái scientology lắm tai tiếng trong phim “The Master”. Ông tiếp tục nhận một đề cử Oscar, nhưng tiếc thay năm đó Christopher Waltz thắng.
Dĩ nhiên, người như Phillip chẳng hơi đâu dỗi hờn vì hụt Oscar, ông tiếp tục đóng phim đóng kịch. Trong hình (trái qua phải): Linda Emond, Phillip Hoffman, và Andrew Garfiled trong vở “Cái chết của người chào hàng” diễn tại New York.
Tiếc thay, ngày 2. 2. 2014, Phillip Seynour Hoffman qua đời vì sốc thuốc (ông chiến đấu cả đời với bệnh nghiện heroin và các loại ma túy khác), tuy nhiên phim của Phillip luôn sống mãi, chực chờ các khán giả mới lẫn cũ lôi ra thưởng thức. Ừ, thì ai đó phê bình, bảo rằng bao nhiêu con nghiện khác thì gia đình chỉ mong cho chết, con nghiện Phillip chết vì ma túy thì ai nấy xót thương; nhưng mà, hãy nhìn vào sản phẩm, vào những gì Phillip để lại, để việc tiếc thương ông được tỏ hết lòng.
Tin vui nho nhỏ cho những ai yêu Phillip Seymour Hoffman: tác phẩm “A Most wanted man” (hình) anh đóng cùng Rachel McAdams sẽ ra mắt trong năm nay.