Tạp hóa - Xã hội

Nhật Bản: mấy trăm năm trai đẹp 01. 05. 14 - 6:50 am

Anh Nguyễn biên soạn

Bishounen thời hiện đại

Trong văn hóa Nhật, có một khía cạnh đặc sắc không bao giờ thay đổi, đó chính là bishounen – trai đẹp. Không phải cứ đẹp trai là nghiễm nhiên trở thành bishounen nhé; khái niệm bishounen là một thể loại đàn ông đặc biệt: mềm mại, mắt to, miệng nhỏ xinh, cử chỉ dịu dàng hơn cả con gái. Mở truyện manga, xem phim anime, nghe nhạc J-pop, bạn đều có thể gặp các chàng bishounen quyến rũ một cách phi giới tính. Nếu pederasty (tình yêu nam-nam, người Việt Nam mình cũng hay dùng từ pêđê với nghĩa không được tôn trọng lắm) thời Hy Lạp cổ đại đã trở thành một tàn dư của lịch sử, thì một khái niệm tương tự ở Nhật Bản đã và đang có ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống văn hóa nghệ thuật từ hàng trăm năm nay.

“Nam thanh niên ngắm tranh núi Phú Sĩ”, của Suzuku Harunobu, 1650

Bishounen cổ kính nhất chính là những cậu bé phục vụ trong các đền thờ Phật và Thần đạo (shinto), tương đương với các altar boy (giúp lễ) của đạo Cơ Đốc. Cũng như altar boy, các chigo (trẻ em) làm nhiệm vụ giúp đỡ các nhà sư trong việc cử hành các nghi lễ, ca hát, nhảy múa mua vui, và phục vụ họ trong cuộc sống cá nhân. Từ thời trung cổ đến thời Edo, các chigo thường bắt đầu từ 7 tuổi và kết thúc khi dậy thì. Không phải chỉ tầng lớp dân thường hoặc người hầu mới muốn đổi đời bằng cách làm chigo (như các thái giám nhỏ ở Trung Quốc) mà ngay cả con cái của tầng lớp samurai và quý tộc cũng làm chigo – họ coi việc gần gũi, tiếp nhận sự chỉ bảo (và tình ái) của các đàn anh là một phần tất yếu của việc trở thành đàn ông. Các chigo thường để tóc dài, mặc áo lụa là, trang điểm, cử chỉ điệu bộ như con gái, phục vụ vai trò làm bình hoa di động tô điểm cho khung cảnh tu viện chùa chiền vốn ảm đạm, và là “người yêu” của các nhà sư. Vì thế, chigo không chỉ cần đẹp mà còn phải khéo léo, có giáo dục, biết làm thơ, vẽ tranh, ca hát, thậm chí có dòng giống cao quý.

“Một bishounen và người bảo trợ”, của Kuniyoshi Ishiyaikushi, 1845. Bishounen Yoshitsune trang điểm, tư thế, điệu bộ không khác gì một geisha, đối lập với gương mặt râu ria dữ tợn của “người yêu” Benkei.

Trong tiếng Nhật có từ nanshoku, dịch nôm na nghĩa là “nam sắc”, ngược với nữ sắc. Nanshoku là cái đẹp phi giới tính, như đã nói ở trên, nó gần giống với những thiên thần trong tranh Phục Hưng vậy. Và nếu trai đẹp trong văn hóa phương Tây với cơ bắp cuồn cuộn, gương mặt góc cạnh, phong cách lãng tử là những người chiếm hết gái đẹp thiên hạ, thì các bishounen lại thường chiếm… trai giàu, hoặc là yêu… lẫn nhau.

“Madonna và bài Magnificat”, của Sandro Botticelli, 1481. Chú ý các thiên thần tóc dài gương mặt xinh xẻo.

Vào thế kỉ 16, một cuốn sách có tên Kobo Daishi xuất hiện, cung cấp cho người đọc các bí quyết để quyến rũ các chigo một cách hiệu quả nhất: yêu chiều, nịnh nọt, kể những câu chuyện tình đồng chí anh em, quà cáp, và không thể thiếu được những chiêu tế nhị không phù hợp để trích dẫn ra đây. Thế nhưng chuyện yêu đương giữa chigo và các đàn anh đã xảy ra muộn nhất từ thế kỉ 12. Những cuốn sách như Jikkinsho, Kokonchomonju, hoặc một cuộn sách vô danh chigo no soshi (truyện chigo) nằm ở đền Daigo-ji (được coi như tác phẩm porno lâu đời nhất của Nhật), là bằng chứng cho điều đó.

Một chigo đang bị các nhà sư chọc ghẹo tán tỉnh, chi tiết từ cuộn sách vô danh, 1321

Không phải truyện chigo nào cũng… bậy bạ. Thường cốt truyện là một nhà sư yêu một chigo đẹp trai và bắt đầu một cuộc tình lãng mạn, song những bi kịch cuộc sống chia rẽ họ, và nhà sư nhờ đó ngộ ra lẽ vô thường của cuộc sống. Trong một câu chuyện như vậy, nhà sư Keikai đã được khai sáng và lên Niết bàn nhờ tình yêu với một chigo, chigo đó thực ra do đức Quan Âm hóa thành.

“Chigo Daishi trên tòa sen.” Vô danh, thế kỉ 14

Khi kết thúc nhiệm kỳ, các chigo hoặc trở thành nhà sư (và sẽ có chigo riêng của mình), hoặc hòa nhập vào cuộc sống bên ngoài, làm samurai, làm học giả, lấy vợ, sinh con đẻ cái. Vấn đề là nếu không được sự cho phép của chủ nhân, chigo sẽ không thể chính thức trở thành một người trưởng thành. Vào năm 1472, một chigo là Aimitsu đã tự sát vì người chủ Jinson có chigo khác, và Aimitsu không còn chỗ đứng nào trong xã hội nữa. Khi đó Aimitsu 28 tuổi, quá già để tiếp tục làm chigo, không đủ địa vị để làm một nhà sư, lại càng không thể bắt đầu một cuộc sống bình thường như bao người khác.

Bên ngoài môi trường tu viện, thế giới bên ngoài cũng mê mẩn các bishounen. Khác với các chigo chỉ chuyên phục vụ giới tăng lữ, wakashu là tài sản của các samurai và lãnh chúa. Nhưng ngoài nhiệm vụ hầu rượu mua vui, các wakashu còn có nhiệm vụ chiến đấu dưới trướng chủ nhân và sẵn sàng hy sinh nếu cần. Không thiếu những câu chuyện về việc tranh giành các wakashu đẹp trai giữa các samurai quyền lực, chả khác nào Đổng Trác, Lã Bố giành nhau Điêu Thuyền! Cuốn Hagakure (1716) hướng dẫn chi tiết những nghi thức của việc cưa cẩm và yêu đương cho giới chiến binh: wakashu chỉ được nhận lời yêu sau khi được tán tỉnh nhiều năm, một khi đã chính thức phải chung thủy với người tình, và nếu có ai khác ngấp nghé phải từ chối ngay lập tức!

Làm trai đẹp trong xã hội Nhật thời xưa đâu phải đơn giản. Cuốn Shin Yuki (1643) lại chỉ ra những tính chất cần có của wakashu: da trắng, tóc dài đen mượt, môi đỏ, má hồng, biết làm thơ và chơi nhạc. Wakashu no hara thì phân chia ra: wakashu từ 11-14 tuổi là hoa hé nụ, 15-18 là hoa bừng nở, 19-22 là hoa đang tàn lụi. Khi đã qua tuổi wakashu, họ được làm lễ trưởng thành. Yêu wakashu dưới 11 tuổi hoặc trên 22 tuổi bị coi là… lập dị và biến thái. Thời thế bây giờ đã thay đổi biết bao! Để so sánh, các mỹ nữ cũng được coi là đẹp nhất vào tuổi 16, và không một nhà chứa thời Edo nào giữ kỹ nữ quá tuổi 22 trừ khi nàng đẹp một cách xuất chúng.

“Tình tay tư” nằm trong series chế nhạo chuyện yêu đương lộn xộn của giới quý tộc và wakashu, của Utamaro, 1804. Họa sĩ gặp không ít rắc rối vì dám vẽ tranh cười nhạo những người có quyền và hay lạm dụng quyền để làm trò vô luân.

Trong quá trình yêu đương và tìm hiểu, người bảo trợ cho wakashu không chỉ hưởng lợi từ vẻ đẹp và sự trẻ trung của họ, mà còn phải dạy họ các kĩ năng chiến đấu, văn hóa, lòng tự trọng, danh dự. Mối quan hệ có lợi cho cả hai này khá giống với mối quan hệ thầy trò-tình nhân của Hy Lạp cổ. Mối tình giữa tướng quân shogun Ashikaga Yoshimitsu với wakashu Zeami (khoảng 1374) giúp tài năng hát múa của Zaemi nở rộ; những bài học Zaemi và cha biên soạn trở thành nền tảng cho kịch Noh nổi tiếng. Kịch Noh đã vậy rồi, kịch Kabuki còn gần gũi hơn với chuyện yêu đương bishounen. Từ 1629 đến 1646, chính phủ bắt đầu cấm phụ nữ tham gia kịch Noh và Kabuki. Những đoàn kịch Kabuki bao gồm toàn bộ diễn viên nam, có những người đóng vai phụ nữ và trở thành món hàng hấp dẫn chuyền tay giữa những nhà bảo trợ giàu có.

Tranh khắc gỗ đề tài kabuki, cô gái mỹ miều này do một nam diễn viên, Danjuro Ichikawa của gia đình kịch nghệ Ichikawa, đảm nhận.

Ngoài những diễn viên, những nhi đồng tập sự iroko cũng trở thành món hàng béo bở. Thật hài hước là ngành mại dâm nam ở Nhật phát triển nhất ở khu ca kịch, thứ đến là khu đền chùa, nơi có nguồn chigo dồi dào. Trong một cuốn tự truyện của Casanova Nhật Bản (1682), chàng chigo trẻ tuổi, sau khi làm lễ trưởng thành và chu du đây đó, quay lại hành hương ở đền Hase, mua một kỹ nam đẹp trai, người hóa ra hơn anh ta những mười tuổi. Yếu tố chủ chốt của nanshoku, hay nam sắc, là đối tượng hấp dẫn phải nhỏ hơn tuổi của người bảo trợ. Đối trọng của nanshokujoshoku, nữ sắc. Nên nhớ cả nanshokujoshoku đều chỉ sự ham muốn từ phía người đàn ông. Nhu cầu yêu đương của phụ nữ Nhật thời xưa có vẻ chưa được chú ý lắm, đến mức không có từ riêng để chỉ!

Khi Nhật mở cửa cho phương Tây vào năm 1868 (bị ép mở cửa thì đúng hơn), lần đầu tiên bishounen, nanshoku bị lắp vào cái nhìn tiêu cực về tình yêu đồng giới, bị coi là “bệnh.” Có điều, ở Tây phương, người đồng giới thường bị coi là người ẻo lả, nữ tính, tìm cách quyến rũ những chàng trai cơ bắp, đàn ông, còn ở Nhật thì ngược lại: những người có quyền lực và địa vị lại là kẻ theo đuổi. Trong một thời gian ngắn Nhật Bản cấm quan hệ đồng giới cưỡng bức, nhưng lại không biết làm thế nào với những người tự nguyện! Cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20, nước Nhật rơi vào một trạng thái… hỗn loạn, không biết phải làm gì để dung hòa truyền thống và dòng chảy hiện đại. Bishounen được chia làm hai nửa: một nửa hư hỏng sống và làm việc trong khu đèn đỏ, nửa còn lại trong sáng, đẹp đẽ, không thể chạm đến – nửa này sẽ phát triển thành những thần tượng mà ta thấy ngày nay.

Bishounen đẹp trai, lạnh lùng, uy nghiêm, tranh minh họa của Takabatake Kasho trong tạp chí Bishounen Zukan, 1930

Lịch sử bây giờ đã sang một bước ngoặt mới. Các bishounen hiện tại phục vụ cho một đối tượng hoàn toàn mới: phụ nữ. Không chỉ người đọc mà cả người viết cũng là phụ nữ. Manga cho con gái đầy ắp những chàng trai xinh đẹp. Và nhiều cô gái còn thích ghép những chàng đó với nhau hơn cả… tự ghép mình. Tuy nhiên đối tượng ăn khách nhất là một bishounen đẹp trai nhưng… xấu xa, lạnh lùng. Con trai xem thì… ghét và muốn đánh cho một trận bõ ghét, còn con gái xem thì yêu và muốn lấy làm chồng. Motif này đã cắm rễ vào phim truyền hình Nhật, Hàn Quốc và chưa thấy dấu hiệu gì là sắp chấm dứt

Tranh từ các manga Lửa (1969) và Thiên Nga( 1976)

Nhật Bản, không khác gì mấy trăm năm trước đây, vẫn bị ám ảnh với trai đẹp. Trong một rừng khán giả nữ thích trai đẹp ẻo lả, cũng có một nhúm nhỏ đòi hỏi phải có nhiều hơn những người đàn ông “râu hùm, hàm én, mày ngài”; nhưng với truyền thống lịch sử đã vậy, thật… khó lắm thay.

“Koizora” (Bầu trời tình yêu), 2007

Ý kiến - Thảo luận

21:22 Sunday,20.8.2017 Đăng bởi:  Hinami Yoi
Em đã đọc bài này 3 năm trời rồi. Giờ tình cờ thấy bản English nên tìm lại và tìm lại được bài viết này. Bài dịch rất hay. Em rất thích. Nhưng sao anh không dịch hết bài bản English luôn ạ. Em ủng hộ ạ.
...xem tiếp
21:22 Sunday,20.8.2017 Đăng bởi:  Hinami Yoi
Em đã đọc bài này 3 năm trời rồi. Giờ tình cờ thấy bản English nên tìm lại và tìm lại được bài viết này. Bài dịch rất hay. Em rất thích. Nhưng sao anh không dịch hết bài bản English luôn ạ. Em ủng hộ ạ. 
19:24 Friday,22.5.2015 Đăng bởi:  Eiteyu
Ei... cái tranh trên kia có đúng là Yoshitsune với Benkei không vậy?! *nếu tra tên 2 người này thì chắc chắn sẽ ra Yoshitsune là đại tướng còn Benkei là gia thần của Yoshitsune
...xem tiếp
19:24 Friday,22.5.2015 Đăng bởi:  Eiteyu
Ei... cái tranh trên kia có đúng là Yoshitsune với Benkei không vậy?! *nếu tra tên 2 người này thì chắc chắn sẽ ra Yoshitsune là đại tướng còn Benkei là gia thần của Yoshitsune 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả