Điện ảnh

Trái tim không được yêu: Càng xem càng hay, thế mới ngược đời 19. 05. 14 - 8:32 pm

Bắp & Nước

.

Cảm giác khi xem những phút phim đầu tiên của Jack and the Cuckoo Clock Heart (tên tại các rạp là Trái tim không được yêu) là xúc động mãnh liệt. Sao mà đẹp thế, mạnh mẽ thế, “điên” thế. Một chú bé Jack được mẹ sinh ra vào một ngày lạnh nhất trên đời. Mẹ không muốn Jack ra đời, nhưng đã đủ ngày đủ tháng. Vào hôm ấy, đến chim bay trên trời còn đông cánh, chết. Mẹ Jack lê bước đến nhà bà phù thủy trên đồi cao. Đỡ đẻ ra, bà Madeleine phát hiện trái tim Jack đã thành một cục băng. Cứu Jack, bà phù thủy khéo tay và quyết đoán này làm cho cậu một trái tim bằng chiếc đồng hồ nhỏ có con chim cúc cu, gắn “lộ thiên” trên ngực trái. Đi kèm đó là 3 nguyên tắc:

– không được sờ vào kim đồng hồ

– không được giận dữ mất kiểm soát

– dù thế nào cũng không được yêu ai

Nghe thế là biết rồi: phim sẽ là một chuyện tình.

.

Vào sinh nhật lần thứ 10, Jack đòi mẹ dẫn xuống phố lần đầu. Tại đây, cậu gặp tiếng sét với cô ca sĩ nhỏ nhắn mắt-không-đeo-kính-thì-kể-như-mù (mà vẫn không chịu đeo kính). Trái tim đồng hồ trở nên một vật cản trở cho Jack.

Jack gặp Miss Acacia ở quảng trường

Với quán tính của người hay xem hoạt họa, tôi cứ đoan chắc thể nào Jack cũng khốn khổ vì yêu, trải qua vài thử thách rồi sẽ được đền đáp, trái tim đồng hồ sẽ biến thành tim thật, có máu chảy điều hòa, để cậu sống mãi bên người yêu một cách an toàn.

Nhưng không phải vậy… Càng xem càng thấy ngột ngạt, và phim sao nói lắm thế (phim Pháp mà), tăm tối thế, buồn thế, chẳng cho người ta bài học gì hay cả ngoài một sự yếm thế, bất lực, và thất bại.

Ra khỏi rạp mà lòng tức tối. Nhưng hình ảnh trong phim vẫn lởn vởn trong đầu…

.

*

Hôm nay, vì một lý do bất khả kháng, tôi phải đi xem lại cái phim này.

Nhớ ngày trước có lần xem Shawshank Redemption, thấy hay quá, gặp ai cũng bảo phải xem, bắt buộc phải xem, để biết có trí thông minh thì người ta đoạt lại được tự do như thế nào. Một năm sau mở Shawshank Redemption ra xem lại, thấy sao nó dài lê thê, mệt mỏi. Không phải vì phim dở, mà bao nhiêu cái hồi hộp, đoán già đoán non đã lộ kết quả rồi. Từ đó thấy rằng phim hay thì không nên xem lần hai…

Nữa là bộ phim mà lần đầu đi xem đã thấy bực mình.

Nhưng thật lạ lùng, đối với tôi, cảm giác của lần xem lại Jack and the Cuckoo Clock Heart này hệt như gặp lại cô người yêu cũ, và thấy bây giờ mình mới hiểu được cái hay ho của người ta; mà ngày xưa vì định kiến, vì những mong chờ đầy tính công thức nào đó, mình đã không nhận ra…

Đặc điểm đầu tiên của bộ phim hoạt hình 3D này là nhân vật nào mắt cũng đẹp, tuy mỗi người một cách: mắt Jack u uẩn, mắt Joe hận thù, mắt Acacia quyết liệt, và mắt phù thủy Madeleine quyết đoán chỉ để khóc những lúc một mình, đủ lệ để đựng trong bình, uống dần…

Jack và Miss Acacia

 

Joe bắt nạt

Đặc điểm tiếp theo, đó là sự “điên rồ”. Xem phim lần này, tôi nghĩ ngay tới các họa sĩ, và có lẽ đây là bộ phim thích hợp với họ nhất: nó có kiểu mơ mộng và buồn bã khiến những người bình thường như tôi đã quầy quậy chê ngay khi xem lần đầu. Sự điên rồ thơ mộng ấy chứa đầy đe dọa, làm ta bất an vì phải bước vào một thế giới quá “không giống mình”; nó bao trọn hành trình đi tìm Miss Acacia của Jack, phủ đầy trong cảnh trí và trong tính cách lẫn tạo hình những nhân vật vây quanh Jack: một ông George Méliès say làm phim và phiêu lưu, một cặp sinh đôi một thân hai đầu, chuyến tàu ma… Các bạn họa sĩ hãy đi xem nhé, xem không khí phim có những đoạn rất giống cảm giác mà tranh Marc Chagall và tranh Dali mang lại không. Và nếu lỡ không thích cả phim, tôi tin chắc các bạn cũng vẫn phải thích cái đoạn về Romeo và Juliets (có chữ “s” nhé), rất “điên”, rất buồn cười.

Nhà làm phim George Méliès và cô bồ hai đầu (hay hai cô bồ chung một thân)

Còn gì nữa nhỉ… Chà, giờ khen nhiều quá cũng hơi ngượng, nhớ lần đầu khi xem đã bực bội ra sao…

Ngoài việc nhạc trong phim rất tuyệt, thì những lời dặn dò về tình yêu trong phim đều rất chính xác và cay đắng, không hề ru ngủ với kết cục hồng hào. Nó nói rất hay về cái “giết người” của tình yêu; nó bảo ta khi nào có được cái liều lĩnh, không thiết tha gì ngoài tình yêu như của Jack vào phút cuối phim thì hẵng nên yêu, chứ yêu mà sợ mất đủ thứ (nhất là mất mạng) thì chỉ tổ đau tim (đồng hồ). Phim vì thế, có lẽ thích hợp nhất với những người đã thoát khỏi chuyện yêu đương và giờ gật gù chiêm nghiệm, hoặc bọn trẻ con đang tuổi chưa biết khổ là gì, ở cái tuổi chưa có tự ái, sĩ diện, còn ngang nhiên tỏ tình với con bé rất béo bên nhà hàng xóm, và vào rạp chỉ biêt đờ ra mê mẩn trước tạo hình như con sơn ca của nàng Acacia.

.

Phim còn là một câu chuyện thật hay về tình mẹ con, dẫu là mẹ nuôi, con nuôi. Làm sao chỉ là hoạt hình mà các nhà làm phim có thể diễn tả tài tình và “người” thế những cảm xúc của yêu thương và tuyệt vọng ở một người mẹ trước một đứa con cứ tuột khỏi tay mình!

Jack được mẹ cho xuống phố lần đầu tiên

*

Ra khỏi rạp lần này, tôi cứ nghĩ, ủa sao xem lần hai dù không còn hồi hộp biết kết cục mà vẫn thấy hay hơn? Phải chăng Jack and the Cuckoo Clock Heart không phải là dạng phim biết-là-hết, mà là một chuỗi những bức tranh đẹp, ta có thể xem đi rồi xem lại như xem tranh, lần sau xem được kỹ hơn lần trước? Hoặc có lẽ, bộ phim giống như một chuỗi những giấc mơ nối nhau, ra khỏi phim như vừa tỉnh dậy sau một giấc ngủ mùa hè với nhiều giấc mơ ngăn ngắn kỳ lạ lẫn điên rồ. Thế nhưng giờ thì “tán” thế đấy, nhưng tôi cũng tự hỏi sao lần trước mình lại không thấy vậy? Cái gì lúc ấy khiến mình không thấy nó hay ho?

… Ngoài bãi gửi xe nắng như đổ lửa, vẫn không ngăn được luẩn quẩn trong đầu giọng hát của Jack và Acacia lúc mới gặp nhau, trên quảng trường sắp có cơn giông. Trên đường về cứ nghĩ mãi đến hình ảnh cái bình đựng nước mắt của phù thủy Madeleine trong ngục. Có lẽ từ đạo diễn (kiêm biên kịch), họa sĩ, đến những người lồng giọng cho các nhân vật trong phim… bản thân đều là những người từng uống rất nhiều bình nước mắt của chính mình, để cuối cùng gặp nhau, họ làm nên một bộ phim tuy hoạt họa mà thật là từng trải, với sức mạnh của những dòng nước mắt nuốt vào trong.

*

Lịch chiếu (một số rạp chưa cập nhật lịch chiếu tiếp)

Hà Nội
Vincom Center (Tầng 6, Tòa nhà Vincom City Towers, 191 đường Bà Triệu, Q. Hai Bà Trưng) 2D đến 22.5
Mipec Tower (229 Tây Sơn, Q. Đống Đa) 2D đến 22.5
Platinum Cineplex (Tầng 4, Tòa nhà The Garden, Mễ Trì, Từ Liêm) 2D đến 22.5
Lotte Cinema Land Mark (Tầng 5-6, tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark, Lô E, Phạm Hùng, Từ Liêm) 2D đến 23.5

Tp.HCM
Hùng Vương Plaza (126 Hùng Vương, Quận 5)  2D đến 22.5
CT Plaza (60A Trường Sơn, Phường 2, Q. Tân Bình) 2D đến 22.5
Parkson Paragon (Tầng 5, tòa nhà Parkson Paragon, 3 Nguyễn Lương Bằng, Q.7) 2D đến 22.5
Crescent Mall (Lầu 5, Crescent Mall, Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Phú Mỹ Hưng, Quận 7) 2D đến 19.5
Pandora City (Lầu 3, Pandora City, 1/1 Trường Chinh, Q. Tân Phú)  2D đến 22.5
Galaxy Kinh Dương Vương ( 718 bis Kinh Dương Vương, Q.6) 2D đến 22.5
Lotte Cinema Nam Sài Gòn (Tầng 3, Lotte Mart, 469 Nguyễn Hữu Thọ, P. Tân Hưng, Q. 7) 2D, 3D đến 23.5
BHD Cinema (Lầu 4, Siêu Thị Maximart 3/2, 3-3C Đường 3/2, Q.10) 2D đến 19.5
BHD Star Cineplex Icon 68 (Lầu 3 và 3, ICON 68 Shopping Mall, số 2 đường Hải Triều, Q.1) 2D đến 19.5
Cinebox 212 (212 Lý Chính Thắng, Q.3) 2D đến 20.5

 

Ý kiến - Thảo luận

13:06 Sunday,26.4.2015 Đăng bởi:  candid
Hôm nay mới xem phim này, hơi tiếc vì không xem sớm hơn. Ấn tượng nhất nhạc của phim nhiều đoạn tưởng như đang xem vở Thằng gù nhà thờ Đức bà.
...xem tiếp
13:06 Sunday,26.4.2015 Đăng bởi:  candid
Hôm nay mới xem phim này, hơi tiếc vì không xem sớm hơn. Ấn tượng nhất nhạc của phim nhiều đoạn tưởng như đang xem vở Thằng gù nhà thờ Đức bà. 
18:13 Thursday,22.5.2014 Đăng bởi:  Mèo đi hoang
Thế giới trong phim u ám đầy ma mị, sự kết hợp giữa hiện thực với ảo tưởng kì dị làm cho mỗi nhân vật ở có đó một cái gì đó rất riêng biệt, không lẫn vào đâu được. 
Chuyện phim có vẻ hơi trừu tượng và nhiều cảnh ước lệ quá so với thể loại phim-dễ-hiểu bình thường d&a
...xem tiếp
18:13 Thursday,22.5.2014 Đăng bởi:  Mèo đi hoang
Thế giới trong phim u ám đầy ma mị, sự kết hợp giữa hiện thực với ảo tưởng kì dị làm cho mỗi nhân vật ở có đó một cái gì đó rất riêng biệt, không lẫn vào đâu được. 
Chuyện phim có vẻ hơi trừu tượng và nhiều cảnh ước lệ quá so với thể loại phim-dễ-hiểu bình thường dành cho thiếu nhi mình hay xem :"D; nhưng thực sự thú vị, hoàn cảnh và nội tâm nhân vật được "nói" lên theo một cách rất trực quan sinh động; 
Xem xong tự dưng nhớ chuyện tình cảm cá nhân tự hồi nảo hồi nào, bồi hồi ghê á :"D
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả