Nghệ sĩ thế giới

27. 5: Ivan Kramskoi – người khổng lồ ít màu và trong sáng 29. 05. 14 - 5:59 am

Phạm Phong tổng hợp và dịch

27. 5 vừa qua là sinh nhật của họa sĩ và nhà phê bình mỹ thuật người Nga Ivan Nikolaevich Kramskoi (sinh ngày 27. 5. 1837, mất ngày 24. 3. 1887 tại Saint Petersburg, Nga). Ông cũng là một nhà lãnh đạo uyên bác của phòng trào nghệ thuật dân chủ Nga, hồi 1860 -1880. Trong ảnh: Chân dung Kramskoi do Ilya Repin vẽ, năm 1882.

 

Kramskoi sinh ra trong một gia đình quý tộc nhỏ và nghèo, với người cha là một thư ký của chính quyền, vào cái thời nước Nga đang chuyển từ chuyên quyền sang bán lập pháp. Chính người cha đã ảnh hưởng lớn lên Kramskoi, lên niềm tin của ông vào sự thật và công lý cho tất cả nhân loại. Hồi nhỏ Kramskoi tự học vẽ tại nhà, đến 16 tuổi làm nghề chỉnh màu ảnh cho một nhiếp ảnh gia người Kharkov. Năm 1856, ông lên Petersburg và tiếp tục làm việc cho những nhiếp ảnh gia giỏi nhất của thủ đô. Nhưng từ 1857 tới 1863, khi vào Học viện Nghệ thuật St. Petersburg, Kramskoi ngay lập tức biểu lộ tài năng về… vẽ. Trong ảnh là bức “Kramskoy đang vẽ chân dung con gái mình”, tranh của Ivan Kramskoy, 1884.

 

Trong những năm ở Học viện, Kramskoi tụ họp được nhiều người trẻ tiến bộ quanh ông. Ông cầm đầu nhóm chống lại nghệ thuật kinh viện, chống lại những bài vẽ với để bài chán ngắt của trường. Ông trở thành người đầu trò “Cuộc nổi dậy của 14 người”, kết thúc là Học viện tống cổ đám sinh viên này – những người tổ chức nên “Artel nghệ sĩ”. Trong ảnh là 14 kẻ nổi dậy.

 

Bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng dân chủ Nga đầy tính cách mạng, Kramskoi đòi hỏi người nghệ sĩ phải có ý thức công cộng cao, đòi hỏi nghệ thuật phải tuân theo những nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực, mang tính luân lý và tính dân tộc. Kramskoi trở thành một trong những nhà sáng lập và nhà tư tưởng chính của Peredvizhniki (tức Hội Triển lãm Nghệ thuật Lang thang). Trong ảnh là bức chân dung do Kramskoi vẽ Ivan Ivanovich Shishkin – một họa sĩ vẽ phong cảnh gắn bó với hội Peredvizhniki.

 

Chủ đề mà các họa sĩ của nhóm Peredvizhniki theo đuổi là đời sống xã hội đa dạng, thường là phản ánh sự bất công, cùng khổ, nhưng cũng có cả nét đẹp dân dã; có đau khổ đó, nhưng có cả sự vạm vỡ và sức mạnh của các nhân vật. Trong ảnh là tác phẩm “Những người kéo thuyền trên sông Volga” của Ilya Repin, một họa sĩ trong nhóm Peredvizhniki

 

Từ năm 1863–1868, Kramskoi thành lập “School of Drawing of the Society for the Encouragement of Artists” (Trường Vẽ của Hội nhằm Khuyến khích Nghệ sĩ). Ông dạy vẽ tại đây để cổ súy các môn nghệ thuật ứng dụng. Một điều trớ trêu là nổi loạn thế, nhưng Kramskoi lại dành ra 20 năm tiếp theo để dạy vẽ cho hoàng gia. Lý do lớn nhất có thể giải thích là: người thuê ông, Nga hoàng Alexander II, hay còn gọi là Alexander the Liberator, là người mang lại nhiều cải cách dân chủ cho nước Nga. Trong ảnh: chân dung Nga hoàng Aleksandr Aleksandrovich do Kramskoi vẽ năm 1886.

 

Sở trường của Kramskoi là vẽ chân dung. Đặc điểm tranh ông là ít màu, bố cục đơn giản; bao nhiêu tinh hoa tập trung hết vào thần thái nhân vật, thể hiện qua mắt, làn da, râu tóc, trang phục. Kramskoi tự coi mình là người nghèo nàn về màu; ông rất phục những đồng nghiệp đương thời về khả năng dùng màu phong phú của họ. Kramskoi thường vẽ những nhân sĩ dân chủ hoặc bạn bè thân. Trong ảnh là chân dung nhà triết học, nhà văn, nhà thơ Nga Vladimir Solovyov do Kramskoi vẽ.

 

Kramskoi lập một gallery bày chân dung những nhân vật quan trọng của Nga: các nhà văn, nhà khoa học, nghệ sĩ, và các gương mặt của công chúng. Như đã nói, những bức chân dung ấy đều có đặc điểm là được diễn tả giản dị, trong sáng, nhấn mạnh những yếu tố mang chiều sâu tâm lý của nhân vật. Trong ảnh: chân dung Tolstoi do Kramskoi vẽ, vào thời kỳ Tolstoi đang viết Anna Karenina. Bức chân dung này là kết quả sau rất nhiều lần thuyết phục của Kramskoi.

 

Nhưng lý tưởng dân chủ của Kramskoi được thể hiện rực rỡ nhất trong những chân dung vẽ nông dân, phong phú những chi tiết ấm áp đại diện cho giới thường dân. Trong ảnh: chân dung Mina Moiseyev do Kramskoi vẽ.

 

Kramskoi, “Chân dung một lão nông”, 1868, sơn dầu

 

Những bức tranh quan trọng nhất của Kramskoi bao gồm “Chúa trong sa mạc” 1872 (ảnh), “Nekrasov thời kỳ viết ‘Những bài hát cuối cùng’, 1877–78; “Người đàn bà xa lạ”, 1883; “Niềm thương tiếc khôn nguôi”, 1884; tất cả đều treo ở Tretyakov gallery. Những bức trah này đều bộc lộ những cảm xúc phức tạp mà chân thành của nhân vật; bộc lộ tính cách họ, thân phận họ.

 

Kramskoi, “Người đàn bà xa lạ”

 

Kramskoi, “Niềm thương tiếc khôn nguôi”

 

Kramskoi, “Nekrasov thời kỳ viết ‘Những bài hát cuối cùng’”

 

Khuynh hướng dân chủ trong nghệ thuật của Kramskoi, những nhận định sắc bén của ông về nghệ thuật, sự đòi hỏi bền bỉ của ông về những tiêu chuẩn công khi đánh giá nghệ thuật, quan niệm của ông rằng cái đẹp không thể tách rời với sự thật, cũng như những giá trị đạo đức không thể tách rời khỏi giá trị thẩm mỹ…, là những điều đã mang lại ảnh hưởng quan trọng cho sự phát triển của nghệ thuật và mỹ học dân chủ Nga vào khoảng ba thập niên cuối của thế kỷ 19. Kramskoi mất năm 1887 khi đang vẽ chân dung bác sĩ Rauhphus, với cây cọ vẫn đang cầm trên tay.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

"Xà bần" gửi Ngô Lực

Nguyễn Ngọc (tức Xà bần)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả