Nhiếp ảnh

Larry Clark: Người đầu tiên chụp ảnh để thú tội 09. 07. 14 - 9:51 am

Sean O'Hagan, Hoàng Lan dịch

“Tôi sinh ra ở Tulsa, Oklahoma vào năm 1943,” Larry Clark nói khi giới thiệu về Tulsa – tập ảnh tiêu biểu của ông, phát hành năm 1971. “Hồi 16 tuổi, tôi bắt đầu nghiện chích amphetamine. Tôi cùng đám bạn chích thuốc mỗi ngày trong vòng 3 năm, sau đó thì ngừng, nhưng từ từ rồi cũng tái nghiện. Một khi đã chích mũi kim vào, bạn sẽ chẳng thể dứt nó ra được.”

Nhiếp ảnh gia Larry Clark

Tulsa vẫn là tập ảnh quyết liệt nhất Larry Clark chụp vào thời những năm 1960, lúc ông vẫn còn là một thiếu niên; Larry nói, không chút mỉa mai, rằng lúc ấy mình đang sống “một cuộc đời ngoài vòng pháp luật” – hút chích, bồ bịch lăng nhăng, lẫn la cà với đám bạn nghiện ngập. Larry khắc họa tình dục, ma túy, cũng như bạo lực dưới gam màu đơn, nhìn rất thô ráp; qua những tác phẩm này ông định hình nên phong cách chụp ảnh thú tội, để rồi về sau các nhiếp ảnh gia như Nan Goldin, Corinne Day và Antoine D’Agata… đua theo học. Có thể nói, Larry Clark là người tiên phong. Ảnh của ông xóa nhòa ranh giới giữa vui thú đổ đốn và phóng sự cá nhân, giữa trung thực và vụ lợi.
 

“Không đề,” 1970, Larry Clark

Khi giới thiệu Tulsa trong “Tập ảnh Chương 1”, nhiếp ảnh gia Martin Parr và Gerry Badger viết “Series tập trung liên tục vào các mảnh đời nhem nhuốc, đến nỗi bạn gần như chả thấy thứ  gì khác. Dù những tác phẩm này do Larry – một người trong cuộc – chụp nên, chúng vẫn khiến ta lo ngại rằng anh đã bóc lột chủ thể của mình, nhưng đồng thời chính Larry cũng lôi kéo người xem vào mối quan hệ mang tính nhục dục, hoang đàng với các bức ảnh.”

Martin nói không sai, nhờ các tính chất ấy mà Tulsa mới có thể khuấy động lòng người đến vậy.
 

“Không đề,” trong Tulsa, Larry Clark, 1963

 

“Không đề,” Tulsa, 1963

 

“Chết,” Larry Clark, 1970

Larry nói với tôi, ảnh của ông là “một kí lục về thời niên thiếu bí mật”. Lần đầu ông thấy chúng, ông cũng sốc và sợ hãi như mọi người. “Tôi nhớ mình đã nghĩ rằng, ‘một là mình đốt hết phim âm bản rồi tự sát, hai là đến Los Angeles và tìm cách xuất bản chúng’”.
 

“Speedy and Barb” trong series “Teenage lust”

Dần dà Larry cũng xuất bản được bộ ảnh, ngay lập tức người đời ca tụng ông như một nghệ sĩ đột phá. Tuy nhiên điều đó chẳng làm nguôi ngoai nổi con ma nghiện trong Larry. Tulsa vừa ra mắt là ông rơi vào nghiện heroin, phải đến 10 năm sau ông mới hoàn thành tập ảnh tiếp theo, mang tên Teenage Lust (Dục vọng tuổi thiếu niên.) Series này cũng là một tự truyện về tuổi thanh xuân của ông, trong đó vẫn đầy rẫy những bức ảnh sống động về chuyện sử dụng ma túy và tình dục vị thành niên, nhưng Teenage Lust có thêm vào một số ảnh chụp các cậu trai làng chơi đứng tìm khách tại Quảng trường Times ở New York, và vài bức chân dung gia đình. Thú vị thay, mẹ ông là nhiếp ảnh gia chuyên chụp chân dung mẹ con, và các bức chân dung gia đình của Larry đã phần nào làm dịu lại những căng thẳng ngột ngạt của Teenage Lust.
 

“Không đề”, Larry Clark, 1978

 

“Không đề,” chụp bố và em bé, Larry Clark.

Chẳng có sự chỉ trích, hay bài học đạo đức nào khi bạn xem các tác phẩm đầu tay của Larry: mấy cô cậu trong hình đơn giản là đang tận hưởng cuộc chơi khi họ chích thuốc hay chĩa súng vào nhau. Nhưng chính vì thế mà ảnh của ông luôn khiến người xem bối rối. Một tác phẩm chụp cô gái trẻ vừa tươi cười vừa hí hửng xịt chất lỏng từ ống chích luôn ám ảnh tâm trí tôi. Tulsa lẫn Teenage Lust chào đời trong hoàn cảnh tiêu cực, do cậu thiếu niên trẻ nông nổi có cuộc đời bấp bênh phôi thai; cậu đi từ bi kịch này đến bi kịch khác: chích amphetamine vào năm 16 tuổi, ghi danh vô trường nghệ thuật New York vào năm 18 nhưng chẳng học được bao lâu là phải nhập ngũ, vất vả theo chân quân đội Mỹ trong 2 năm, sau đó trở về thành phố Tulsa – nơi Larry sống chung với một cô gái điếm.

“Jack và Lynn Johnson,” trong Tulsa.

Khi tôi gặng hỏi Larry tại sao ông tự hủy hoại bản thân đến vậy, Larry im lặng một lúc, rồi ông nhắc đến cảm giác bị bỏ bê và thiếu vắng tình thương của bố khi còn bé. Nhưng ông vẫn không chịu khuất phục, cũng như Nan Goldin – nhiếp ảnh gia thuộc thế hệ sau ông – Larry vượt lên bằng cách chụp lại  mớ hỗn độn trong cuộc đời điên loạn của mình. Dù đôi lúc, chụp ảnh chả phải chuyện ông muốn làm. “Khi ai đó tôi quen qua đời, mà điều này xảy ra khá thường xuyên, tôi luôn nghĩ rằng họ là những kẻ may mắn”, ông cho biết. “Quả thật tôi tin là mình bị nguyền rủa, phải sống tiếp trên cõi đời này để còn chụp ảnh”.

 

Ý kiến - Thảo luận

23:27 Friday,8.8.2014 Đăng bởi:  Đinh Trung
Xem qua vài tấm cảm giác khó chịu thật...
...xem tiếp
23:27 Friday,8.8.2014 Đăng bởi:  Đinh Trung
Xem qua vài tấm cảm giác khó chịu thật... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả