Kiến trúc

Về cuộc thi kiến trúc quanh khu 18 Hoàng Diệu: phương án nào hợp lý nhất? 29. 07. 14 - 1:14 pm

Hoàng Long NHT

Sau 3 tháng phát động cuộc thi, mới đây, UBND TP.HN đã tổ chức lễ công bố và trao giải cuộc thi Phương án Thiết kế Kiến trúc Bảo tồn và Phát huy giá trị khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thuộc Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội.

Kết quả gồm 02 giải Nhì; 01 giải Ba; (không có giải Nhất). Mặc dù giải thưởng đã được trao cho các đơn vị đạt giải nhưng quyết định lựa chọn ra phương án nào để triển khai thực tiễn vẫn còn là mối băn khoăn của giới kiến trúc cũng như của giới di sản.  

HIỂU THẾ NÀO CHO ĐÚNG ĐỀ BÀI?

.

Điều thứ nhất, người thiết kế cần xác định rõ thể loại thiết kế công trình.

Theo Ủy ban Toàn cầu về Môi trường và Phát triển (còn gọi là Ủy ban Brundtland), “Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm thỏa mãn các nhu cầu hiện tại của con người nhưng không tổn hại tới sự thỏa mãn nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Nếu vận dụng định nghĩa này vào bối cảnh hiện nay, thì vấn đề đặt ra là làm sao để việc bảo tồn và phát huy di sản có được liên hệ chặt chẽ với sự phát triển đô thị toàn diện. Công đoạn khó nhưng rất quan trọng đối với tính bền vững của việc bảo tồn di sản đô thị là tránh cho công trình được bảo tồn bị “bảo tàng hóa”; phải tạo được sức sống về kinh tế, sức hút về văn hóa cho công trình qua các hình thức khai thác, phát huy phù hợp, và qua việc khuyến khích cộng đồng cùng “làm chủ” công trình và giá trị của nó.

Do đó, thể loại công trình của cuộc thi này cần được hiểu là “công trình bảo tồn di sản dưới lòng đất” chứ không phải là  “công trình bảo tàng – trưng bày hiện vật”. Không ít phương án dự thi đã sa đà vào lĩnh vực bảo tàng, trưng bày hiện vật, thậm chí không loại trừ cả những phương án đạt giải cao.

Điều thứ hai, phương án thiết kế phải thể hiện được mối liên hệ giữa khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu này với tòa nhà Quốc Hội. Đồ án cần thể hiện mối liên hệ khăng khít giữa cơ quan quyền lực đương thời với một di sản văn hóa thế giới đặc sắc, cho thấy khu vực khảo cổ học trên là một bộ phận không thể tách rời của Nhà Quốc Hội; là trung tâm quyền lực nối tiếp nhau của Việt Nam trong hơn một nghìn năm lịch sử , và là minh chứng độc đáo về sự tiến hóa của nền văn minh dân tộc Việt Nam trong lịch sử phát triển của một nhà nước quân chủ vùng Đông Nam Á và Đông Á. Có thể thấy rằng, trên thế giới, rất hiếm tìm thấy một di sản thể hiện được tính liên tục dài lâu của sự phát triển chính trị, văn hóa như Di sản khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội. Chính vì thế, đồ án phải thể hiện được sự tích hợp giữa Âm và Dương; giữa quá khứ và hiện tại; giữa triều đại cũ và mới. Toàn bộ mối liên hệ này phải được thể hiện một cách tinh tế ở cả phần nội dung cũng như hình thức biểu đạt kiến trúc.

Điều thứ ba, đồ án cần thể hiện rõ nội dung trong quyết định 696/QĐ – TTg của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt triển khai đề án công trình kiến trúc Di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thuộc Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long thành một Công viên văn hóa – lịch sử Hoàng Thành-Thăng Long. Ở đây, trước hết công viên Hoàng Thành-Thăng Long được hiểu là quy hoạch hệ cây xanh trong khu vực. Kế tiếp, công viên này nên được hiểu là tập trung những giá trị của khu trung tâm quyền lực qua các triều đại lịch sử. Công viên văn hóa này còn là thái độ ứng xử văn hóa của mỗi người dân đối với di sản. Hay nói một cách khác, đề bài cần có một phương án toát lên được sự am hiểu văn hóa lịch sử dân tộc Việt với một thái độ biết trân trọng di sản.

Nói một cách ngắn gọn, vấn đề mấu chốt của cuộc thi này nhằm tìm kiếm một ý tưởng thiết kế tổ hợp không gian kiến trúc có thể phản ánh được cả ba giá trị nổi bật của khu di sản Hoàng Thành-Thăng Long; ấy là:

– Chiều dài lịch sử văn hóa

– Tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực

– Các tầng di tích di vật phong phú

Bất cứ một phương án thiết kế nào giải quyết được trọn vẹn cả 3 vấn đề nêu trên thì được xem là một phương án kiến trúc hoàn hảo cho nhiệm vụ của đề án này.

TRỞ NGẠI ĐỐI VỚI KIẾN TRÚC SƯ NƯỚC NGOÀI Ở CUỘC THI NÀY

Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ rằng với những đồ án quy mô lớn đòi hỏi áp dụng nhiều công nghệ hiện đại sẽ là thế mạnh của các kiến trúc sư nước ngoài. Tuy nhiên, ở cuộc thi liên quan đến vấn đề bảo tồn di sản văn hóa Việt thì họ đã chứng minh điều ngược lại. Ở đây, đã xuất hiện một trở ngại văn hóa trong kiến trúc – một sự khác biệt về không gian ý niệm – một thái độ ứng xử xa lạ đối với di sản văn hóa và quyền lực của dân tộc Việt Nam.

Kết quả là đồ án của các đơn vị tư vấn nước ngoài đã không lột tả được tinh thần văn hóa Việt, thậm chí những đồ án đó có sự can thiệp mạnh bạo tới di sản văn hóa của chúng ta để họ dễ dàng thể hiện hình thức kiến trúc và phô diễn công nghệ. Thoạt nhìn, lớp vỏ kiến trúc này khá là hấp dẫn nhưng xét ở gốc độ bản chất, đồ án thiết kế của người nước ngoài đã quên đi giá trị cốt lõi của đề án là tạo kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị các tầng di tích di vật phong phú của một trung tâm quyền lực xuyên suốt chiều dài lịch sử văn hóa.

Đây quả thực là một đề bài “khó nhằn” với các kiến trúc sư nước ngoài. Khó là bởi đề án đòi hỏi sự am tường về lịch sử nước Việt. Khó còn bởi đề án đòi hỏi những giải pháp xử lý thích hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới trong mức kinh phí giới hạn. Và điều khó nhất là làm sao để phương án thiết kế toát lên được thái độ tôn trọng giá trị lịch sử văn hóa-chính trị của một dân tộc khẳng định được chủ quyền độc lập hơn 10 thế kỷ bằng ngôn ngữ kiến trúc hiện đại quốc tế.

THẤY GÌ QUA BA PHƯƠNG ÁN ĐƯỢC GIẢI CAO?

Không thể phủ nhận một điều là ba phương án được giải cao SM008, HT6969, RZ866 đều là những phương án tốt, được đầu tư thời gian nghiên cứu công phu. Trong ba phương án đạt giải cao, phương án nào xứng đáng để lãnh đạo Thành phố lựa chọn để triển khai thiết kế xây dựng? Để cùng tìm ra một đáp số hợp lý nhất, chúng ta hãy cùng theo dõi một vài điểm nhìn của các chuyên gia.

1. KTS. Nhà lý luận phê bình kiến trúc Vũ Ba Lê nhận xét:

.

Về phương án giải Nhì – mã số SM008 của Studio Milou Singapore Pte.Ltd

.

Phương án kiến trúc được đánh giá là đại diện cho xu hướng hình học, sử dụng các hệ thống mái che, tạo hình theo bố cục ” kẻ ô”, đan xen giữa các vùng không gian nhỏ, quán cà phê, với các khu vực dành cho khảo cổ trong công viên Hoàng Thành.

Đây là phương án có quy mô tương đối khiêm tốn và thoạt nhìn giống như là một nhà đón tiếp trong khu resort nào đó.

Ngôn ngữ kiến trúc ở đây khá xa lạ cùng với cách sử dụng vật liệu quá sang trọng làm ta liên tưởng đến cảm giác được nghỉ ngơi tại một khu du lịch đâu đó ở Bali hoặc Phukhet hơn là cảm giác muốn được tìm hiểu khám phá tại khu vực khảo cổ. Cá nhân tôi cho rằng khó có thể đẩy thêm phương án này vì nó đã được hoàn thiện hết cỡ, tuy nhiên nếu đồng ý với phương án này cũng có nghĩa là chấp nhận rủi ro tranh chấp cảnh quan giữa khu di tích khảo cổ với công trình Nhà quốc hội và cảnh quan xung quanh.

Về phương án giải Nhì – mã số HT696 của Liên danh Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) – Boydens Engineering – NEY

.

Đây là phương án được đánh giá là đại diện cho xu hướng hữu cơ, có tạo hình mềm mại, đưa ra một không gian xanh “ôm” quanh nhà quốc hội, cho phép người xem vừa đi dạo, vừa chiêm ngưỡng các khu vực trưng bày di tích trong khu “vườn khảo cổ” . Tuy nhiên do cố gắng đưa công trình lên quá cao nên cũng là một hạn chế của phương án này, ngoài ra việc đưa vào các kết cấu không gian vượt nhịp lớn cùng với việc gia tăng tải trọng lên mái bằng cách đổ đất, trồng cỏ… sẽ làm cho kết cấu công trình thêm nặng nề.

Nếu tiếp tục đẩy phương án này lên e rằng phải làm lại phương án từ đầu, tuy nhiên chấp nhận phương án này đồng nghĩa với việc chấp nhận sủ dụng các giải pháp cọc khoan nhồi đường kính lớn ăn sâu vào lòng đất vốn chứa đựng nhiều di tích còn chưa được khai quật, theo tôi là việc không dễ chấp nhận.

Về phương án Giải Ba – mã số RZ866 của liên danh Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Xây dựng Số 36 và Công ty Cổ phần Kiến trúc và Các công trình Văn hóa
 

.

Có thể nói, đây là phương án có kiến trúc hình thành từ di sản. Thoạt nhìn thì không mấy ấn tượng do sử dụng ngôn ngữ đơn giản, nhưng chính phương án này lại đáp ứng được nhiều tiêu chí đề bài đưa ra.

Những hình khối vuông vắn tưởng đơn giản nhưng lại rất ăn nhập với không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh vốn chủ yếu được tạo hình từ những khối vuông vắn như Lăng Chủ tịch, Nhà Quốc hội, Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ…

Đây thực sự một phương án được phát triển lên từ di sản, ý tưởng sử dụng hệ kết cấu tường treo để giảm tải trọng xuống di sản dưới lòng đất, đồng thời đặt ra các tuyến giao thông dọc theo bố cục của hệ thống các hố di sản được đánh giá là rất thông minh.
 

Hình 2 – Mặt đứng lối vào Sảnh chính

 
2. PGS.TS KTS. Nguyễn Quốc Thông – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam
nhận xét:

.


“Nhìn chung, trong cả 3 phương án đạt giải cao, bài nào cũng đều có những mặt ưu và nhược điểm. Dù UBND TP.HN có quyết định lựa chọn phương án nào thì phương án đó vẫn cần phải chỉnh sửa thêm.

Tuy nhiên, nếu để lựa chọn ra phương án ít chỉnh sửa nhất thì tôi cho rằng đó sẽ là phương án RZ866. Bởi phương án này chỉ cần chỉnh sửa đôi chút về lớp vỏ kiến trúc.

Riêng về mặt tổ hợp kiến trúc mà nói, phương án giải Ba đã được tác giả xử lý rất thông minh. Đặc biệt, quan sát tuyến giao thông (lối đi tham quan),các cách sắp xếp, bố trí tuyến đi khác hoàn toàn với các phương án dự thi. RZ866 đặt các tuyến đi song song với trục di sản. Nhờ đó mà công trình tránh được sự tác động tới di sản dưới lòng đất. Trong khi đó, phần lớp vỏ kiến trúc nổi bên trên mặt đất lại được đặt song song với trục của Tòa nhà Quốc Hội.

Đây thực sự là một phương án thiết kế kiến trúc biết tôn trọng di sản. Tôi không những đánh giá cao tư duy của nhóm tác giả này mà còn cảm thấy rất tự hào vì nước ta có được đội ngũ kiến trúc sư trẻ tài năng như vậy.”   

 3.  KTS.TS. Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, Uỷ viên thường trực Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là QHC), nhận xét:

.


Khác hẳn hai phương án SM008 và HT696, phương án RZ866 có một lối đi hoàn toàn riêng biệt.

Về mặt sắp xếp, tổ chức hướng tổ chức không gian đi khám phá, cách sáng tạo trong hướng tham quan đi lên từ di sản là một hướng đi đặc sắc. Khéo léo xoay trục giao thông để phía bên dưới công trình giữ được hướng của lịch sử, phía bên trên công trình theo hướng, trục chính trị thời đại mới. Bên dưới quyết định bên trên – nội dung quyết định hình thức. Đây rõ ràng là một phương án có sự dày công nghiên cứu để tạo nên các lớp lang dày đặc, khéo léo trưng bày cho lớp lớp các phế tích cổ vật.

Thêm nữa, đồ án này mang tính đa cực: cực âm nhạc và cực thời gian,… Đồ án có cng dụng công nghệ và nhiều hệ quy chiếu khoa học: vật liệu, kết cấu, linh hoạt nhịp module, tuyến, hành lang, không gian mở,…

Với giải pháp module linh hoạt, phương án RZ866 không chỉ giải quyết được vấn đề phát lộ khảo cổ mà còn tạo nên một hình thái kiến trúc Động & Mở. Hình thái kiến trúc luôn biến đổi thích nghi với điều kiện khảo cổ tiếp theo. Nếu di sản dưới lòng đất được xem là những thứ có sẵn, cần được bảo tồn nguyên trạng thì kiến trúc và tổ hợp không gian phải lựa theo hiện trạng, lựa theo tự nhiên để hình thành một thể kiến trúc hài hòa với những điều vốn có. Đây chính là một trong những yếu tố cơ bản của xu hướng kiến trúc hữu cơ.

Hình 3 – Mặt bằng các tuyến tham quan của RZ866

Tôi hoàn toàn đồng ý quan điểm của nhiều chuyên gia rằng, nếu được lựa chọn để tiếp tục nghiên cứu đẩy lên thì phương án giải Ba là khả thi nhất, bởi ý tưởng của đồ án này được hình thành lên từ di sản. Điều này chứng tỏ phương án này mới thực sự bám sát nhiệm vụ của cuộc thi. Đó là lấy di sản làm cốt lõi của kiến trúc, thỏa mãn nhiều yêu cầu của đề ra và là phương án duy nhất có thái độ tôn trọng di sản. Tuy nhiên, để có thể lựa chọn triển khai, thì chắc chắn phần vỏ kiến trúc của phương án này cần chỉnh sửa thêm để mang đậm dấu ấn hơn.

Xét một cách toàn diện, trong 3 phương án đạt giải cao nhất của cuộc thi, theo tôi, phương án RZ866 là một nội dung khoa học quan trọng nhất để xây dựng hướng nghiên cứu đúng đắn.

Ý kiến - Thảo luận

9:22 Wednesday,6.8.2014 Đăng bởi:  admin
@ Đông Hà: Liên hệ với tác giả để nói cái gì hả bạn? Bảo là không được viết bài khen phương án 3 hả?

Soi dằn dỗi hồi nào? Soi chỉ thấy buồn cười khi một số bạn cứ tức tối với bài khen phương án 3, khiến nhiều khi Soi nghĩ, hay đây chính là người của các phương án khác :-)

Và Soi phải giả dối là nhẹ nhàng, dịu dàng mà thuyết phục sao? Trong khi
...xem tiếp
9:22 Wednesday,6.8.2014 Đăng bởi:  admin
@ Đông Hà: Liên hệ với tác giả để nói cái gì hả bạn? Bảo là không được viết bài khen phương án 3 hả?

Soi dằn dỗi hồi nào? Soi chỉ thấy buồn cười khi một số bạn cứ tức tối với bài khen phương án 3, khiến nhiều khi Soi nghĩ, hay đây chính là người của các phương án khác :-)

Và Soi phải giả dối là nhẹ nhàng, dịu dàng mà thuyết phục sao? Trong khi Soi thấy thật tức cười, vì sao những người phản đối bài không phân tích các nhược điểm của phương án 3, hoặc viết về những cái hay của hai phương án kia? mà cứ xông vào tấn công và chụp mũ bài viết.

Soi cung muốn những bạn đọc như thế rời xa Soi, nói thật.

Thân mến 
8:54 Wednesday,6.8.2014 Đăng bởi:  Đông Hà
Thay vì liên hệ với tác giả bài viết để có phản hồi với bạn đọc thì bác Admin của SOI lại xoay ra dằn dỗi với những comment có tính phê phán.
Thay vì trao đổi và giải thích các quan điểm truyền thông của mình một cách nhẹ nhàng và thuyết phục, SOI lại quay ra hăm dọa người có ý kiến.
Thế thì bạn đọc chẳng mấy chốc sẽ rời xa SOI thôi.
Vài dòng góp ý.
...xem tiếp
8:54 Wednesday,6.8.2014 Đăng bởi:  Đông Hà
Thay vì liên hệ với tác giả bài viết để có phản hồi với bạn đọc thì bác Admin của SOI lại xoay ra dằn dỗi với những comment có tính phê phán.
Thay vì trao đổi và giải thích các quan điểm truyền thông của mình một cách nhẹ nhàng và thuyết phục, SOI lại quay ra hăm dọa người có ý kiến.
Thế thì bạn đọc chẳng mấy chốc sẽ rời xa SOI thôi.
Vài dòng góp ý. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Hợp thể nói về hợp thể

Phan Phương Đông

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả