Điện ảnh

Di sản của Richard Attenborough – “con ong” của ngành điện ảnh 29. 08. 14 - 9:31 pm

Pha Lê

Ít ai có thể tự hào nói rằng, sau khi mình mất đi mình sẽ để lại cả một di sản sau lưng, và diễn viên kiêm đạo diễn kiêm nhà sản xuất Richard Attenborough là một trong số hiếm người có thể tự hào về điều đó.

Sinh năm 1923 tại Cambridge, Anh Quốc; mẹ ông là học giả của trường Emmanuel College ở Cambridge, bố là hiệu trưởng, nên cả hai rât muốn con cái nhà mình học cao. Em trai Richard – David Attenborough – lên tới Đại học và trở thành nhà sinh học tự nhiên có tiếng, chuyên dẫn các chương trình về thiên nhiên cho đài BBC (cứ mở kênh Discovery ra là thấy David trong chương trình nào đó.) Anh cả Richard thì tính tình nghệ sĩ nên chỉ lấy bằng tú tài rồi tham gia trường diễn xuất. Bố Richard không vui lắm, nhưng mẹ ông yêu kịch nghệ nên ủng hộ con trai.
 

Richard (trái) và em trai David Attenborough.

Richard nói thời niên thiếu của ông gắn liền với Thế Chiến thứ Hai. Bố mẹ ông nhận nuôi hai bé gái Do Thái sau khi gia đình hai em bị Đức Quốc xã giết (Richard kể thêm rằng nghĩa cử giúp đỡ người gặp nạn bằng hành động cụ thể của bố mẹ đã dạy cho ông nhiều điều hay). Lúc chiến tranh leo thang thì Richard nhập ngũ, lái máy bay cho Không quân Hoàng gia Anh. Vì vậy, sau khi chiến tranh kết thúc và Richard quay lại với nghệ thuật, ông toàn nhận vai người lính, từ đó đề tài Thế Chiến cũng luôn đeo bám phim của ông.
 

Richard (đội mũ) trong phim về Thế Chiến thứ Hai “In Which We Serve.” Vai này nhỏ thôi, chỉ hơn vai quần chúng một tẹo.

 

Một vai nhỏ nữa: anh lính không quân trong phim “A Matter of Life and Death.” Dù Richard xuất hiện ít, nhưng nếu có thể thì hãy tìm phim này về xem, đây là một bộ phim kinh điển rất hay, kể về anh phi công tên Peter, máy bay của Peter bị bắn rớt lúc làm nhiệm vụ. Lý ra anh chết rồi nhưng anh lại may mắn sống sót, thế là toà án thiên đường mời Peter lên để xử xem anh có đáng sống tiếp hay không.

 

Những năm 50s, Richard dành thời gian để đóng kịch. Ông nhận vai chính trong vở “The Mousetrap.” (vở kịch trinh thám do Agatha Christie viết. Theo điều kiện Agatha đề ra: rạp phải nhắc nhở khán giả, nói họ đừng tiết lộ ai là kẻ thủ ác cho người chưa xem kịch sau khi ra về.) Vở diễn thành công vang dội, và do tò mò nên thiên hạ cứ thế lũ lượt kéo vào rạp. “The Mousetrap” vẫn còn diễn từ năm 1952 cho tới giờ (rạp cũng luôn giữ truyền thống nhắc nhở bạn giữ bí mật khi bạn đến xem vở kịch này.) Thời gian diễn “The Mousetrap” cũng là lúc Richard gặp và làm quen với nữ diễn viên Sheila Sim – vợ tương lai của ông. Hình: Richard và Sheila trong một đoạn của vở kịch.

 

Richard (phải) trong “I’m alright Jack.” Khi phim ra mắt năm 1959, rất nhiều nhà phê bình đã khen rằng Richard diễn xuất thần. Phim kể về anh cựu chiến binh tên Stanley; Thế Chiến kết thúc, Stanley lớ ngớ khăn gói về quê tìm việc, để rồi bị tên chủ công đoàn (Richard đóng) lợi dụng sức lao động. Richard diễn vai đểu cáng thành công đến nỗi sau khi rời rạp khán giả chỉ nhớ nhân vật của ông chứ chả nhớ gì đến nhân vật chính.

 

Theo chân “I’m Alright Jack,” ngoài các phim về chiến tranh thì những năm 60s Richard bắt đầu tham gia phim có đề tài hậu chiến. Trong “The Leauge of Gentlemen,” Richard đóng vai Lexy – một cựu chiến binh gia nhập nhóm du thủ du thực (do nhiều cựu chiến binh thất chí khác lập nên) hòng đi ăn cướp kiếm sống.

 

Tác phẩm nổi bật nhất của Richard trong những năm 60s là phim “The Great Escape” (Việt Nam từng phát hành dưới tên “Cuộc đào thoát vĩ đại.”) kể về cuộc vượt ngục của các tù nhân quân Đồng Minh ở ngục Stalag. Richard thủ vai von Luger – chỉ huy của chiến dịch đào tẩu. Hình: Richard (đang đứng) trong một cảnh của phim. Phim hơi cũ nhưng nếu tìm được thì các bạn ráng tìm mà xem nhé, còn hấp dẫn hơn cả “Shawshank Redemption.”

 

Cuối những năm 60s trở đi, Richard không chỉ tham gia đóng phim mà còn chuyển sang làm đạo diễn, nhà sản xuất. Dù bận bịu nhưng khả năng diễn xuất của ông vẫn chẳng bị lụt, thậm chí còn ngày càng có duyên. Trong hình là Richard (mặc vest nâu ca-rô) thủ vai chủ rạp xiếc Albert trong bộ phim “Dr Dolittle” – chuyển thể từ truyện thiếu nhi nổi tiếng cùng tên.

 

Và khi Richard chuyển sang nghề đạo diễn, ông vẫn rất hứng thú với để tài chiến tranh. Các bộ phim như “Young Winston” (kể về cuộc đời của Thủ tướng Anh Winston Churchill) hay “A Bridge Too Far” (kể về chiến dịch Market Garden) mà ông đạo diễn hồi những năm 70s đều gây tiếng vang. Richard tài tình chỉ huy hàng ngàn diễn viên quần chúng để quay nên nhiều thước phim hoành tráng. Cũng có vài nhà phê bình chê rằng câu chuyện phim nhạt nhẽo quá, non tay quá so với mấy cảnh thả dù với đánh bom; nhưng cách Richard quay lẫn dựng phim thì tuyện không chê được nên thiên hạ cứ thế mê mẩn xem, quên để ý tới những phần chưa hoàn thiện lắm của phim. Hình: Richard (đội mũ) chỉ đạo một cảnh của “A Bridge Too Far” (Việt Nam mình từng phát hành dưới tên “Cây cầu quá xa.”)

 

Tuy nhiên, phải đến những năm 80s thì Richard mới có tác phẩm để đời: “Ghandi”. Thực chất thì ông muốn làm phim về nhà lãnh đạo vĩ đại này của Ấn Độ từ rất lâu rồi, nhưng… không ai cho tiền. Sau 20 năm kiên trì tìm vốn, Richard đã có thể quay “Ghandi” (với vỏn vẹn 20 triệu USD.) Lúc vừa công chiếu, bộ phim ngay lập tức trở thành kinh điển, làm lên tên tuổi của nam diễn viên Ben Kingsley , nhận vô vàn lời khen, cũng như ôm 8 tượng Oscar. Ảnh: Richard (đội mũ đen) chỉ đạo Ben Kingsley trong một cảnh của “Ghandi.”

 

Hình chụp Richard nhảy múa trên con tàu dùng để quay phim “Ghandi” tại Ấn Độ. Ông luôn là người hài hước, tốt tính, và nhiệt tình như thế này.

 

Trong 8 Oscar, Richard nhận 2 giải (đạo diễn, và phim hay nhất – giải luôn dành cho người có công sản xuất phim.) Ông đã ôm tượng khóc trên sâu khấu vì bộ phim là thành quả lao động đầy tình cảm trong 20 năm, và Richard chưa bao giờ có ý bỏ cuộc giữa chừng, Ảnh: Richard cầm 2 tượng Oscar, đứng cùng nam diễn viên Ben Kingsley ( cũng đoạt giải nam chính xuất sắc nhất.)

 

Đến những năm 90s, Richard đóng và sản xuất rất ít phim do tuổi cao. Vai diễn mà có lẽ “giới trẻ” ngày nay nhớ nhất khi nhắc đến Richard là vai nhà khoa học kiêm tổng giám đốc John Hammond – người hồi sinh các con khủng long trong siêu phẩm “Công viên kỷ Jura” của Stephen Spielberg. Stephen là fan hâm mộ cuồng nhiệt của Richard, nên đã mời thần tượng đóng phim và Richard cũng vui vẻ đồng ý. Ảnh: Richard (áo trắng) trong một cảnh của “Công viên kỷ Jura.”)

 

Một vai nữa của Richard mà khán giả hiện nay rất thích là vai ông già Nô-en trong “Miracle on the 34th Street.” Phim kể về cô bé Susan không tin vào ông già Nô-en, đến khi bé gặp ông già Nô-en thật và ông ban cho bé những điểu bé hằng mong ước. Đây là một phim rất dễ thương, có thể xem “trái mùa” chứ không cần đợi Giáng Sinh mới dám mon men đi tìm cái đĩa. Ảnh: Richard (áo nâu) trong một cảnh của “Miracle on the 34th Street.” Cô bé đóng vai Susan trong hình chính là diễn viên nhí Mara Wilson. Kỳ này Mara nhận lắm tin buồn, cô đóng chung với Robin Williams trong “Mrs Doubtfire” nên cô vừa chia buồn với gia đình Williams sau khi ông qua đời. Bây giờ Mara lại tiếp tục chia buồn cùng gia đình Attenborough.

 

Richard và cháu ngoại Lucy. Năm 2004, cô con gái Jane của Richard và cô cháu ngoại Lucy thiệt mạng lúc đi nghỉ mát ở Thái Lan sau khi cơn sóng thần lịch sử đánh vào bờ biển nước này. Richard dự định đọc một bài thơ trong tang lễ của con và cháu nhưng vì đau khổ quá nên cuối cùng ông không đọc hết. Sau năm 2004, Richard không đóng thêm bất kỳ một bộ phim nào nữa, và chỉ sản xuất tiếp 1 phim duy nhất (nhưng do thiếu sinh lực lẫn còn buồn vì mất người thân nên phim không được hay.)

Năm 2008, Richard lên cơn đau tim, ông rơi vào tình trạng hôn mê trong mấy ngày và khi tỉnh dậy thì ông phải ngồi xe lăn. Năm 2012, do sức khoẻ kém nên ông cùng vợ phải vào viện điều dưỡng. Và ngày 24. 8. 2014, Richard Attenborough qua đời, hưởng thọ 90 tuổi, để lại một di sản lớn cho ngành điện ảnh.

Vĩnh biệt ông, chúng ta tìm xem lại các phim của ông – một con ong cần cù và tài năng của ngành điện ảnh.

Ý kiến - Thảo luận

18:21 Saturday,30.8.2014 Đăng bởi:  candid
Bác sĩ ai bo lit là phiên bản XHCn. Giống Buratino là phiên bản của Pinochio.

Mình vẫn còn bản của Cầu vồng.
...xem tiếp
18:21 Saturday,30.8.2014 Đăng bởi:  candid
Bác sĩ ai bo lit là phiên bản XHCn. Giống Buratino là phiên bản của Pinochio.

Mình vẫn còn bản của Cầu vồng. 
14:46 Saturday,30.8.2014 Đăng bởi:  pha le

Ai-Pô-Lít là Nga viết lại dựa theo Dr Dolittle anh Thông à :) của NXB Cầu Vồng phải không? Em từng có một cuốn y như thế này

Lúc dọn nhà làm mất nó đi đâu nên tiếc lắm. Nhưng chịu khó đọc bản gốc Dr Dolittle của ông tác giả Anh Hugh Lofting
...xem tiếp

14:46 Saturday,30.8.2014 Đăng bởi:  pha le

Ai-Pô-Lít là Nga viết lại dựa theo Dr Dolittle anh Thông à :) của NXB Cầu Vồng phải không? Em từng có một cuốn y như thế này

Lúc dọn nhà làm mất nó đi đâu nên tiếc lắm. Nhưng chịu khó đọc bản gốc Dr Dolittle của ông tác giả Anh Hugh Lofting thì thấy nò còn hay hơn bản Nga anh ạ.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả