Nghệ sĩ Việt Nam

Thành Chương: tranh ngày ấy và minh họa của ngày hôm nay 08. 10. 14 - 9:46 am

Tranh của Thành Chương trong triển lãm và bài của nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Trước tiên, xin giới thiệu với các bạn các tác phẩm của họa sĩ Thành Chương có mặt trong triển lãm “Hà Nội với thời gian“. Những tranh này không phải do họa sĩ gửi đến, mà do nhà sưu tập tư nhân cho triển lãm mượn để treo.

“Chân dung họa sĩ”, màu bột, 70 x 52 cm

 

“Trẻ em chơi trung thu”, màu bột, 70 x 52 cm

 

“Tự tình mùa thu”, sơn dầu, 61 x 51 cm

 

“Hai chị em”, màu bột, 70 x 52 cm

 

“Tình yêu lính trẻ”, sơn mài, 1205 x 78 cm

 

“Thiếu nữ Hà Nội”, màu nước, 89 x 69 cm

 

“Đôi vợ chồng già”, sơn dầu, 89.5 x 69.5 cm

Thành Chương có phong cách không thể lẫn vào đâu được. Người ta bảo, hình như ông chỉ vẽ người, và người của ông chỉ có một dạng: nghiêng đầu hoặc ngửa mặt. Nhưng không phải thế, mời bạn đọc bài dưới đây của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, viết về những minh họa báo của Thành Chương.

 

THÀNH CHƯƠNG – NGƯỜI LÀM VIỆC NGHIÊM TÚC

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Minh họa của Thành Chương cho chùm thơ của Lữ Thị Mai trên Nhân Dân hằng tháng số 204

Họa sĩ Thành Chương thì ai cũng biết, anh là một danh họa Việt Nam. Sinh thời cố thi sĩ Bế Kiến Quốc từng nói: nếu chọn một họa sĩ vừa hiện đại vừa dân tộc thì tôi chọn Thành Chương.

Thành Chương học dở dang Mỹ thuật. Lí do giản đơn là anh chuyên tự làm trái ý thầy, ví như thầy buộc trò vẽ sơn dầu bằng cọ, Chương sau khi vẽ chán cọ dứt khoát dùng bay. Từ nhi đồng Chương đã giật giải vàng cuộc thi tranh thiếu nhi thế giới tổ chức tại Anh, với tác phẩm “Đôi gà tồ“. Tuy không học ở trường nữa, nhưng theo Chương, cái gốc sự học là tự học, và anh vẫn vẽ liên tục, tôi đã xem cả đêm hai va-li tranh của anh, những bức tranh từ 4, 5 tuổi tới khi anh ba mươi, bốn mươi tuổi, thử nghiệm trường phái này tới trường phái khác, chất liệu này tới chất liệu khác và định hình ở sơn dầu và sơn mài.
 

Minh họa của Thành Chương cho chùm thơ của Lữ Thị Mai trên NDHT số 204

Từ năm 2000 Chương còn thú vui khác, anh tìm kiếm, sưu tầm hàng ngàn mẫu vật, hàng vài chục mẫu kiến trúc xây dựng nhà ở trong dân gian và tạo nên một không gian sắp đặt hoành tráng – quần thể Văn hóa kiến trúc Việt – mà trong nó là sự phong phú về nội dung của gốm sứ, điêu khắc, mang những giá trị về kiến trúc, xây dựng, dân tộc và tôn giáo, kể cả của vài sắc tộc thiểu số, rồi đặt tên là Việt Phủ Thành Chương.

Việt Phủ Thành Chương nổi tiếng trong, ngoài nước, tiếp hàng triệu du khách trong nước và thế giới cả những ông hoàng bà chúa và các chính khách danh giá, nổi tiếng quốc tế, để nhận về niềm tự hào cho ai là người Việt rằng, đã có một người Việt Nam tên là Thành Chương biết quý trọng và gìn giữ văn hóa dân tộc với quy mô tầm cỡ thế giới hiện đại và đầy bản ngã dân tộc. Sự tạo dựng ấy không chỉ là sự lao động chăm sóc tới từng bậu cửa, từng viên gạch, từng cây nhỏ lẫn tượng đài trong quy mô thống nhất và chi li từng mét vị trí sắp đặt nó; sự lao động chi tiết như thế, cần mẫn và nghiêm túc ấy đã không ngơi nghỉ suốt hơn 10 năm. Tôi biết rằng, để có ngày hôm nay, Thành Chương không chỉ nhiều lần cắn răng vượt qua những khó khăn về tài chính, có những tháng ngày anh phải ngủ vật vờ nơi một quán trọ hạng rất thường, ngày ngày lại một mình lên Việt Phủ bất kể mưa nắng, trong sự cô lặng, âm thầm thực hiện tình yêu của mình về công việc này, khi hạnh phúc gia đình lần thứ hai hoàn toàn tan vỡ.
 

Minh họa của Thành Chương cho chùm thơ của Lê Ngân Hằng trên NDHT số 206

Nó, Việt Phủ, là nơi duy nhất hiện nay mà cá nhân tàng lưu những quy mô cơ bản nhất về kiến trúc nông thôn dân giã Việt Nam, quả là thành quả bộc lộ tri thức hội họa kiến trúc và tinh thần thẩm mỹ hiện đại giàu mỹ cảm dân tộc của một họa sỹ tài ba, một con người có bề dầy đa tầng văn hóa với kích cỡ và tâm hồn phong phú giàu biểu cảm.

Nhưng còn có một việc ít ai chú ý hay chưa được giới truyền thông khai thác, đấy là tranh minh họa của anh. Gần 40 năm với tư cách họa sỹ báo Văn Nghệ, lại cộng tác với nhiều tờ báo uy tín khác, Thành Chương có tới vài ngàn bức minh họa và không bức nào lặp lại bức nào. Dầu chỉ là minh họa, từ bột mầu đa sắc tới hai màu đen trắng, nhưng Thành Chương vẫn duy trì ở loại hình nghệ thuật này sự lao động nghiêm túc sáng tạo như khi tạo nên một họa phẩm lớn. Anh quan niệm minh họa không phải là vẽ ra một chi tiết nào đó của tác phẩm cần minh họa.Người họa sĩ phải nắm được tinh thần của sáng tác kia, phải đọc kĩ và tìm cho ra ý tưởng để vẽ một minh họa, sao cho phản ánh được điều quan trọng cốt yếu, cái tinh thần của tác phẩm cần minh họa.
 

Minh họa của Thành Chương cho chùm thơ của Lê Ngân Hằng trên NDHT 206

Năm nào tôi viết Vườn Maria.Truyện được xếp in báo Văn nghệ Tết. Bế Kiến Quốc gửi truyện cho Chương cả tuần mà chả thấy anh động cọ. Một đêm mưa rét, cận ngày phải nộp minh họa, tôi và Chương lại nhà anh tại ngõ Quỳnh qua đêm. Chương và tôi nói chán chuyện trên trời dưới bể. Tôi nói về trận đổ vỡ CNXH, về sự tan nát của nước Đức rồi lại thống nhất. Chương chợt như tỉnh ngủ nói, tôi tìm thấy rồi và lấy ngay tờ giấy và bút lông… Minh họa Vườn Maria hiện ra. Hiện ra đôi mắt Maria thăm thẳm đau khổ nhìn qua song sắt như đang tìm gì…. Đấy là tinh thần của truyện ngắn này, sự tìm lại những giá trị thân yêu bình thường, cả sự tự do đời sống…

Là một trong những người biên tập phần văn học cho cho Nhân Dân Hằng tháng, tôi theo dõi thấy truyện ngắn hay trang thơ nào mà người phụ trách ấn phẩm giao cho Thành Chương minh họa anh cũng trăn trở tìm ra lối biểu đạt tinh tế nhất và không cái nào giống cái nào. Nhưng dù khác nhau ở sự biểu đạt, bất cứ ai cũng vẫn nhận ra tinh thần cá nhân anh, phong cách họa sĩ thiên tài Thành Chương. Có những minh họa là một tác phẩm hội họa không thường.

Minh họa truyện ngắn Đảo của Nguyễn Ngọc Tư trên trên NDHT  Tết 2014

Gần đây Nhân Dân Hằng Tháng tuyển một tập hợp 8 truyện cực ngắn, soi chiếu nhiều góc cạnh trong tâm thế của một nhà văn trẻ quan sát phát hiện và suy ngẫm về đời sống mang hình tượng cội gốc văn hóa Việt. Thành Chương vẽ rất sinh động 8 hình khối đặt trên một bản palette – các họa sĩ dùng để pha mầu trước khi vẽ; bao quanh nó là màu xanh rười tượi, biểu tượng cuộc sống vốn xanh như cây đời và tươi như ngày mai như thế. Bức minh họa chứng tỏ đầy suy tưởng và cực công phu.
 

Minh họa của Thành Chương cho Truyện ngắn 100 chữ của Phan Tấn Linh trên NDHT số 209

Tôi cho là, từ việc này có thể rút ra rằng, làm người nghệ sĩ là thái độ không tầm thường hóa mọi công việc của mình, từ việc lớn tới việc nhỏ đều phải hết lòng và mang cả cái tinh thần cách mạng của chính bản thân người nghệ sĩ, trong mình và từ mình, ở trong mỗi sở cầu lao động và cống hiến. Chính điều ấy tạo đủ, hội đủ để làm nên một nhân cách lớn, một bóng dáng tầm cỡ nghệ sĩ lớn.
 

Minh họa của Thành Chương cho truyện ngắn “Làm mùa tháng Bảy” của Nguyễn Châu Thanh trên NDHT số 208

 

Ý kiến - Thảo luận

20:14 Sunday,12.10.2014 Đăng bởi:  tranh chợ

không phải ai làm việc nhiều, tranh nhiều là có thể dùng được chữ DANH HỌA.


...xem tiếp
20:14 Sunday,12.10.2014 Đăng bởi:  tranh chợ

không phải ai làm việc nhiều, tranh nhiều là có thể dùng được chữ DANH HỌA.

 
16:28 Wednesday,8.10.2014 Đăng bởi:  Phạm Ngọc Hùng
Minh họa đẹp thật...
...xem tiếp
16:28 Wednesday,8.10.2014 Đăng bởi:  Phạm Ngọc Hùng
Minh họa đẹp thật... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả