Nhiếp ảnh

Đọc Hồng Lâu Mộng: Tần Khả Khanh – kẻ lẳng lơ trong mộng29. 10. 14 - 5:53 pm

Anh Nguyễn

.

Cảnh vườn Đại Quan Viên (tranh không rõ tác giả)

Lời nói đầu: Trong số Tứ đại danh tác, chỉ có duy nhất Hồng Lâu Mộng vinh dự có cả một ngành học riêng nghiên cứu về nó.

“Hồng học,” hay Redology (theo tên tiếng Anh Dream of the Red Chamber) đã được khởi xướng từ ngay khi Tào Tuyết Cần còn sống và đang viết Hồng Lâu Mộng! Trong số những nhà Hồng học nổi tiếng có Lỗ Tấn, Trương Ái Linh, Vương Côn Luân (Chủ nhiệm Ban cố vấn cho bộ phim Hồng lâu mộng năm 1987,)…

Hồng Lâu Mộng là niềm tự hào văn chương cực lớn của Trung Hoa, một pho bách khoa toàn thư về thi ca, hội họa, âm nhạc, ẩm thực, kiến trúc, lễ nghi,… Người Trung Quốc có câu: “Khai đàm bất thuyết Hồng Lâu Mộng, độc tận thi thư diệc uổng nhiên!” (tạm dịch: Mở miệng ra mà không nói đến “Hồng Lâu Mộng” thì có đọc hết cả sách cũng uổng phí!). Mao Trạch Đông cũng từng nói:

”Mỗi người nên đọc cuốn tiểu thuyết này 5 lần trước khi muốn đưa ra bất kì một nhận xét gì về nó. Dẫu đã từng được cày nát qua nhiều thế kỉ, cuốn sách với hơn 600 nhân vật độc đáo và đa dạng Hồng Lâu Mộng vẫn là một kho chứa nhiều điều bí ẩn.”

Tình hình tài liệu nghiên cứu về Hồng Lâu Mộng ở Việt Nam vẫn còn ít ỏi và kém phổ cập, người Viết lại không biết tiếng Trung Quốc để có thể tiếp cận các văn bản Hồng học, nên chỉ muốn viết ra những điều tự mình ngẫm nghĩ và thu lượm bằng tiếng Anh. Nếu có thiếu sót hoặc trùng lặp, rất mong được những người yêu Hồng Lâu Mộng chỉ giáo thêm, mục đích để cùng nhau hiểu thêm về một tác phẩm kinh điển của văn học thế giới.

*

Một minh họa cho Tần Khả Khanh ở sách Hồng Lâu Mộng

Trong số Kim Lăng thập nhị thoa chính sách (mười hai cô gái đầu bảng ở Kim Lăng – hiện giờ là Nam Kinh), Tần Khả Khanh là người có thân thế mơ hồ nhất, ra đi cũng sớm nhất (từ hồi thứ mười ba.) Sự xuất hiện của nhân vật này ngắn ngủi đến mức nhiều người không nhớ ra Tần Khả Khanh là ai trong số hơn 400 nhân vật của Hồng Lâu Mộng. Nhưng thật vô cùng thiếu sót nếu phủ nhận sự phức tạp và ngòi bút tinh tế của Tào Tuyết Cần trong việc mô tả nhân vật này, thậm chí nhà Hồng học Lưu Tâm Vũ còn đề xuất Tần học – chi nghiên cứu riêng về Tần Khả Khanh.

Cuộc sống và cái chết của Tần Khả Khanh có rất nhiều điều bí ẩn. Điều khiến nhiều người ngờ vực nhất là mối quan hệ loạn luân giữa Khả Khanh và bố chồng là Giả Trân, mặc dù không có một lời nào trong Hồng Lâu Mộng khẳng định chắc chắn điều đó. Trong bài viết này chúng ta hãy cùng xem lại một lượt những đầu mối của tác giả để xác định tính thật hư của giả thuyết trên.

*

Tần Khả Khanh xuất hiện từ hồi thứ năm, qua con mắt của chàng trai mới lớn Giả Bảo Ngọc, với vai trò là cháu họ.

Một lúc sau, Bảo Ngọc mệt, muốn về nghỉ trưa. Giả mẫu định sai người đưa về nghỉ một chốc rồi sẽ đến. Vợ Giả Dung là họ Tần, vội cười nói:

– Ở đây đã dọn một gian buồng để chú Bảo nghỉ rồi, xin cụ yên lòng, cứ giao chú ấy cho cháu là được.

Giả Bảo Ngọc sau đó được Tần thị (Khả Khanh) dẫn đến một căn phòng có bức vẽ Nhiên lê đồ và câu đối khuyên răn chăm học. Là kẻ lười biếng, ghét thi thư, cậu ta không thích, nằng nặc không chịu ngủ. Tần thị liền dẫn cậu ta tới buồng ngủ riêng của mình. Hành vi này không hẳn là thương phong bại tục, song cũng không tề chỉnh. Văn hóa Trung Quốc giới hạn quan hệ giới tính ngay cả trong gia đình cũng rất khắc nghiệt, có câu “chị dâu em chồng không được nói chuyện với nhau.” Tác giả khéo léo để người hầu lên tiếng bày tỏ sự không đồng tình, nhưng Tần thị liền mau chóng gạt đi.

Bảo Ngọc gật đầu mỉm cười, một bà già nói:

– Có lẽ nào chú lại đến ngủ ở buồng cháu dâu?

Tần thị cười nói:

– Ôi dào! Không sợ chú ấy phật ý. Chú ấy đã lớn đâu mà phải e dè?

Tần Khả Khanh qua nét vẽ họa sĩ Trung Quốc

Cần phải nhớ rằng, trong toàn bộ câu chuyện, đây là lần đầu tiên Giả Bảo Ngọc vào buồng ngủ của một người phụ nữ mà không phải bà và mẹ ruột. Đây là một sự kiện có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đời Bảo Ngọc, bởi nó là sàn diễn để gặp nàng tiên Thái Hư ảo cảnh, người đánh thức bản năng đàn ông trong người chàng ta. Trong toàn bộ Hồng Lâu Mộng, trừ phòng ngủ của chính Bảo Ngọc, có lẽ đây là căn phòng ngủ được miêu tả kỹ càng và khêu gợi nhất.

Đến buồng Tần thị, Bảo Ngọc vừa mới bước chân vào, đã thoảng có mùi thơm say sưa. Khi ấy mắt Bảo Ngọc dính lại, người nhủn ra, nói ngay:

– Mùi thơm thích nhỉ.

Trong buồng, trên tường treo bức họa “Hải đường xuân thụy” của Đường Bá Hổ vẽ, hai bên có đôi câu đối của học sĩ Tần Thái Hư đời Tống:

Lờ mờ giấc mộng hơi xuân lạnh,

Ngào ngạt mùi hương rượu khá nồng.

Trên án bày một cái gương quý của Vũ Tắc Thiên đời Đường. Một bên bày cái mâm vàng mà Triệu Phi Yến đã đứng lên múa, trên mâm để quả dưa mà An Lộc Sơn đã ném vào vú Dương Quý Phi. Đằng trước kê một cái giường báu của công chúa Thọ Xương nằm ở điện Hàm Chương, mắc cái màn liên châu của Công chúa Đồng Xương dệt ra.

Bảo Ngọc thấy vậy cười nói:

– Ở đây tốt! Ở đây tốt!

Tần thị cười:

– Cái buồng của tôi dù thần tiên cũng có thể ở được.

Nói xong, Tần Thị tự tay mở cái khăn lụa mà chính tay Tây Thi đã giặt, và đặt sẵn cái gối Uyên Ương của Hồng Nương đã ôm khi xưa.

Bằng ngòi bút, Tào Tuyết Cần vẽ nên một căn phòng có cả hương và sắc, đầy những chi tiết gợi cảm. Dường như phòng ngủ của Tần Khả Khanh là một địa điểm hoàn hảo để trải nghiệm những cảm xúc mê mệt. Những mỹ nhân được nêu lên trong đoạn trên gồm những ai? Chỉ cần một cái liếc mắt cũng đủ thấy: Triệu Phi Yến, Dương Quí Phi, Võ Tắc Thiên, Tây Thi. Không ngẫu nhiên mà họ toàn là những “hồng nhan họa thủy,” làm tan nát bao vương triều. Chẳng những thế, Dương Quí Phi và Võ Tắc Thiên còn là hai mỹ nhân nổi tiếng vì có quan hệ bất chính với bố chồng. Ngoài ra, tuy Tào Tuyết Cần cố tình không nói rõ, các nhà Hồng học đã chỉ ra bức vẽ “Hải đường xuân thụy” không phải vẽ hoa hải đường ngày xuân như tên gọi, mà vẽ một người đàn bà quần áo lả lơi nằm ngủ ngày. Là cậu bé mới lớn, dĩ nhiên Bảo Ngọc thích bức vẽ đó hơn bức tranh “khuyến học” Nhiên lê đồ. Có thể nói một cách hình tượng rằng qua việc chọn lựa này, Bảo Ngọc đã không vượt qua được thử thách đầu tiên của dục vọng. “Người làm sao của chiêm bao làm vậy,” trong Hồng Lâu Mộng điều này càng rõ hơn: nơi ở của một người chính là hiện thân tính cách người đó, như Đại Ngọc có Tiêu Tương quán sầu bi, Bảo Thoa có Hành Vu uyển thoáng đãng. Buồng ngủ của Tần Khả Khanh như vậy, nàng ta không thể là người đoan chính mẫu mực.

Tần Khả Khanh trong phòng ngủ

Đoạn sau mới thật là gây bất ngờ. Được ấp ủ trong những thứ chăn gối đã từng được các mỹ nhân sờ mó, ôm ấp, hít ngửi mùi thơm của Tần Khả Khanh, Bảo Ngọc nhanh chóng đi vào “giấc mơ ướt” đầu tiên trong đời. Điều đáng nói là chính Tần Khả Khanh là người dắt tay cậu ta vào cõi mơ.

Bảo Ngọc vừa nhắm mắt đã bàng hoàng ngủ say. Tưởng như Tần thị còn đứng trước mặt mình. Bảo Ngọc lững thững theo Tần Thị đi đến một chỗ lan can sơn đỏ, thềm xây bằng ngọc, cây xanh ngắt, suối trong veo, không có một tí dấu vết bụi trần.

Và sau đó, tiên cô đã gả cho Bảo Ngọc một nàng tiên có tên Kiêm Mỹ, tên chữ là Khả Khanh, vừa đẹp như Bảo Thoa, vừa dịu dàng như Đại Ngọc. Đây là người đầu tiên “mây mưa” cùng cậu Bảo. Cái tên “Kiêm Mỹ” có nghĩa là được cả hai cái đẹp, tác giả lại nhấn mạnh thêm bằng việc chỉ ra cô ta là người kết hợp tinh túy của Đại Ngọc và Bảo Thoa. Cái tên Khả Khanh là tên tục của Tần thị, cả nhà Giả phủ không ai biết, nhưng tác giả dùng giấc chiêm bao để nói lên rằng: Tần Khả Khanh chính là người bạn tình lý tưởng trong tiềm thức Bảo Ngọc. Freud sẽ nói gì về điều này? Quả thật là “Một hồi mộng kín chờ ai đấy? Nghìn thuở tình ngây một tớ thôi.” Kể từ đó, nhân vật Tần Khả Khanh đã nhuốm màu dục tính. Tuy nhiên để đi đến kết luận Tần Khả Khanh gian dâm với bố chồng, ta cần đi tiếp một vài chương nữa.

Bảo Ngọc dan díu với nàng tiên trong mơ

*

Đến hồi bảy, Giả Bảo Ngọc và Vương Hy Phượng sang thăm phủ nhà Tần thị. Khi ở đó, chúng ta được giới thiệu với Tiều Đại, một người nô bộc cũ của Ninh quốc công. Trước đã từng được trọng dụng, song về già, Tiều Đại dần trở nên ngang ngạnh, ngỗ ngược, phát ngôn không nể nang ai.

Mọi người thấy Tiều Đại càn rỡ quá, vật xuống trói lại, lôi nó bỏ vào chuồng ngựa. Tiều Đại càng tức, nói động cả đến Giả Trân. Nó thét ầm lên, đòi đến từ đường khóc với cụ tổ: “Ai ngờ bây giờ lại đẻ ra những giống súc sinh này! Hàng ngày trộm gà bắt chó, nào ‘Tiểu thúc’, nào ‘Ba hôi’, loạn luân cả lũ, tao lại không biết à? Thôi đừng đem cánh tay gãy giấu vào trong ống áo nữa!”

“Tiểu thúc” là gì? Là em chồng nằm với chị dâu. “Ba hôi” là gì? Là bố chồng nằm với con dâu. Tiều Đại chỉ xuất hiện đúng một lần, vai trò của y trong Hồng Lâu Mộng không có gì ngoài thốt lên những lời buộc tội sự bất luân của phủ Ninh. Tác giả thậm chí còn cố tình nhét tên Giả Trân vào đoạn này để người đọc “không chệch đi đâu được.” Liệu có thể gạt đi, coi là những lời Tiều Đại nói càn lúc say rượu chăng? Nên nhớ rằng, Hồng Lâu Mộng tưởng chừng toàn ghi chép những chuyện vụn vặt không đầu không cuối, song thực ra không có chi tiết nào là thừa. Tào Tuyết Cần để cho Tiều Đại ngang nhiên thốt ra những câu nhưng thế, không thể không có ẩn ý. Trong gia đình nhà Giả Trân, cặp bố chồng-con dâu duy nhất mà ta biết là Tần Khả Khanh-Giả Trân. Xem ra, mối quan hệ này không trong sáng lắm, đến nỗi kẻ trong truyện cũng bàn tán, xì xào. Tào Tuyết Cần đã mượn lời một người nô bộc hèn mọn để nói bóng gió về nội tình nhà Giả Trân.

Một tưởng tượng về Tần Khả Khanh

*

Những hồi sau có thể tóm tắt như sau: Tần Thị ốm, rồi chết. Gia đình tổ chức đám ma linh đình. Một cái chết đơn giản? Không hẳn. Theo ý nhiều người, Tào Tuyết Cần đã khéo léo giấu đi một câu chuyện đen tối hơn giữa những con chữ: Tần Khả Khanh thực sự có quan hệ với bố chồng, bị hai tỳ nữ phát hiện, nên tự tử chết. Lúc chết còn có mang thai hai tháng. Các dẫn chứng sau cho thấy giả thuyết này không hoang đường như ta tưởng.

*

Bài tiếp theo: 5 dẫn chứng về mối quan hệ “mờ ám” của Tần thị trong phủ

*

Về Hồng Lâu Mộng:

- Đọc Hồng Lâu Mộng: Tần Khả Khanh – kẻ lẳng lơ trong mộng

- 5 dẫn chứng về mối quan hệ “bất chính” của Tần thị

- Hai chị em nhà họ Vưu: càng lăng loàn tợn càng đau vì tình

- Mượn món cà xào “xa xỉ” nói về ẩm thực thực-hư

- Giả Thám Xuân: con phượng hoàng sinh trong ổ quạ

- Người đàn bà ghen Hạ Kim Quế

- Tiết Bảo Thoa: Từ món thuốc giá băng đến mối lương duyên lạnh lẽo

- Đại Ngọc-Tình Văn: tuy hai mà một

- “Hận Phượng Thư, mắng Phượng Thư, không thấy Phượng Thư lại nhớ Phượng Thư”

- Giả Chính: dấu chân trên tuyết của tình phụ tử

- Gửi bác Phúc Bồ: về Xuân Cung Đồ và cái “hư” trong Hồng Lâu Mộng

- Diệu Ngọc: miễn cưỡng diệt dục, sư chả phải sư, tục không phải tục

- Đại Ngọc vs Bảo Thoa: viên ngọc đen vs chiếc thoa vàng, ai hơn ai kém?

- Giả Bảo Ngọc: “một nửa đàn ông là đàn bà”, lại là “nửa dôi”

- Tàn xuân bàn chuyện Nguyên Xuân

- Giả mẫu (phần 1): đầu tiên là chuyện giàu sang

- Giả mẫu (phần 2): đứa trẻ bất chấp và thiên vị

- Giả mẫu (phần 3): may còn được người viết về cuối rủ lòng thương

- Giả Nghênh Xuân (phần 1): rúc đầu vào sách, bịt mắt bưng tai

- Giả Nghênh Xuân (phần 2): hiền quá khó mà gặp lành

- Lý Hoàn của Hồng Lâu Mộng (phần 1): đè nén sống đời vờ nhạt nhẽo

- Lý Hoàn của Hồng Lâu Mộng (phần 2): tiếng hão đành vui phúc về già

- Về Giả Thụy của Hồng Lâu Mộng (phần 1): sự thôi thúc của phần con

- Về Giả Thụy của Hồng Lâu Mộng (phần 2): tấm gương mê gái có chết cũng (nên) soi

- Về Giả Thụy của Hồng Lâu Mộng (phần 3): bài học cảnh giác về “si”, về “sắc” cho… Bảo Ngọc

- Hồng Lâu Mộng: bi kịch của đàn ông thấy mình đầu thai thành đàn bà

- Tiết Bảo Thoa (phần 1): “lãnh mỹ nhân” giấu kín trái tim nóng

- Tiết Bảo Thoa (phần 2): Trong nóng, ngoài lạnh, thắng cả Lãnh Hương Hoàn

- Tiết Bảo Thoa (phần 3): Con sâu chủ động chui vào với hoa

- Đại Ngọc và mệnh Mộc: sống như cây và chết cũng như cây

- Bảo Thoa và mệnh Kim: hoa mai ấm trong tuyết lạnh

- Phượng Thư và mệnh Hỏa (phần 1): Nội vụ hai tay hai dao

- Phượng Thư và mệnh Hỏa (phần 2): máu đỏ của nam tính

- Bảo Ngọc và mệnh Thổ (phần 1):
Hiền như đất, gieo rắc yêu và khổ

- Bảo Ngọc và mệnh Thổ (phần 2):
Là gương nên không thể cùng người

- Về những cái tên trong Hồng Lâu Mộng (phần 1)

- Căn phòng “dâm tình và chết chóc”: Phần 1 – Từ bức tranh trên tường

- Căn phòng “dâm tình và chết chóc”: Phần 2 – Từ mâm vàng tới quả dưa

- Căn phòng “dâm tình và chết chóc”
Phần 3 – Từ giường báu tới màn châu

Ý kiến - Thảo luận

8:45 Monday,21.5.2018 Đăng bởi:  Sơn Nguyễn
Ý kiến về Tiều Đại:
'Ba hôi' thì Tiều Đại có thể chứng kiến, chứ 'tiểu thúc' thì chỉ mình Bảo Ngọc, Tập Nhân, và các đọc giả biết mà thôi.  Ngay cả Tần thị cũng không biết.  Do vậy, để câu này Tiều Đại nói hơi vô lý, ngoại trừ 'tiểu thúc' hàm ý không phải Bảo Ngọc, và như vậy thì là ai? Giả Thuỵ? Giả Tường?  Hoặc giả Tiều Đại thấy Bảo Ngọc v
...xem tiếp
8:45 Monday,21.5.2018 Đăng bởi:  Sơn Nguyễn
Ý kiến về Tiều Đại:
'Ba hôi' thì Tiều Đại có thể chứng kiến, chứ 'tiểu thúc' thì chỉ mình Bảo Ngọc, Tập Nhân, và các đọc giả biết mà thôi.  Ngay cả Tần thị cũng không biết.  Do vậy, để câu này Tiều Đại nói hơi vô lý, ngoại trừ 'tiểu thúc' hàm ý không phải Bảo Ngọc, và như vậy thì là ai? Giả Thuỵ? Giả Tường?  Hoặc giả Tiều Đại thấy Bảo Ngọc vào phòng của Tần thị, và theo ông, bao nhiêu đó cũng đủ cho Tần thị ngoại tình.  
Tiều Đại xuất hiện thêm lần nữa ở một chương 105:
Giả Chính đi ra ngoài xem, thấy là Tiều Đại, liền hỏi:
- Tại sao anh lại chạy đến đây!
Chương 111, lúc Uyên Ương tìm cách tự tử, thấy Tần Khả Khanh, rõ ràng Tần Khả Khanh treo cổ chết, chớ không phải bị bệnh:
- Việc này cũng có duyên cớ, để tôi nói với chị sẽ rõ. Nguyên trong cung Cảnh Ảo, tôi vốn đứng đầu trong lớp chung tình, trông coi duyên nợ gió trăng. Khi xuống trần gian, phải làm người tình nhân thứ nhất, để đưa bọn con gái si tình mau mau về ty tình. Vì thế tôi phải treo mình trên xà nhà thắt cổ . Nhưng tôi hiểu rõ tình đời thoát ra bể ái, về với trời tình; nên tuy si tình trong Thái hư ảo cảnh, không có người trông coi. Nay nàng tiên Cảnh Ảo đã lấy chị xung vào, thay tôi trông coi ty ấy. Cho nên sai tôi đi dẫn chị đến đây.
  
8:02 Saturday,17.12.2016 Đăng bởi:  admin

Đây là comment của Anh Nguyễn cho bài này nhưng gửi nhầm vào bài khác. Soi xin gắn lại vào bài này cho đúng:
@Hương: "chú trẻ" này chính là ... Bảo Ngọc. Tần Khả Khanh lại dính đến Bảo Ngọc á? Rất có thể đấy nhưng Tào không viết rõ ra. Sao lại không viết rõ? Vì ...bố bảo không được. Hôm nào mình sẽ viết một bài về vụ này, mời bạn đọc.


...xem tiếp
8:02 Saturday,17.12.2016 Đăng bởi:  admin

Đây là comment của Anh Nguyễn cho bài này nhưng gửi nhầm vào bài khác. Soi xin gắn lại vào bài này cho đúng:
@Hương: "chú trẻ" này chính là ... Bảo Ngọc. Tần Khả Khanh lại dính đến Bảo Ngọc á? Rất có thể đấy nhưng Tào không viết rõ ra. Sao lại không viết rõ? Vì ...bố bảo không được. Hôm nào mình sẽ viết một bài về vụ này, mời bạn đọc.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp