Nghệ sĩ Việt Nam

Tại sao tôi không có tranh sơn mài?01. 11. 14 - 8:25 am

Nguyenquikien Henri

Nguyenquikien Henri, “Những người lái đò”, 2014, sơn dầu trên canvas

Đó là vào năm 1994, khi đó tôi học năm thứ I của trường Đại học Mỹ thuật. Cũng như bao bạn trẻ khi bước vào cổng trường Mỹ thuật là muốn lao vào học nhiều thứ, tiếp thu tất cả những gì là tinh hoa của hội họa Việt Nam.

Năm đó, tôi được học thầy Chư, là người dậy lớp tôi bộ môn hình họa. Thầy rất nhiệt tình và luôn chăm sóc chúng tôi. Thỉnh thoảng tôi tới nhà thầy chơi trong khu tập thể ngõ Hào Nam. Tôi rất thích. Nhà thầy tuy hơi chật nhưng nhiều tầng, và trong đó là một xưởng mỹ thuật thu nhỏ; Cả nhà làm mĩ thuật, tôi thấy họ thật là đam mê và hạnh phúc, thầy thì vẽ mực tầu trên giấy dó, vợ thầy là nhà điêu khắc Tú Miên thì đẽo tượng đẹp mê hồn, tôi nhìn những bức tượng Phật cô đẽo thấy rất linh; con trai út thì vẽ tranh truyện. Đặc biệt là thầy có con trai cả tên Vũ, lúc này Vũ làm nhiều thứ mà tôi rất phục và học nhiều điều từ Vũ, như vẽ trên khăn và áo dài vải xoa hoặc lụa. Vũ rất có năng khiếu và lại học điêu khắc, những tượng của Vũ làm ra khác hẳn với cô Miên – Vũ theo trường phái cách điệu, tân tiến.
 

Nguyễn Văn Chư, “Du kích qua bản”, ký họa

Đến nhà thầy, tôi được tiếp xúc với tất cả các lọai hình mỹ thuật. Tiếng đục vang lên khắp khu tập thể, rộn ràng như một xưởng mộc, thỉnh thoảng Vũ lại còn làm mẫu cho mẹ. Tôi bắt đầu tới chơi thường xuyên hơn để học vẽ trên vải thương mại. Những họa tiết Vũ vẽ trên lụa rất đẹp mà lại đơn giản, hợp với trang trí khăn và áo dài thời bấy giờ, bán cho phố Hàng Gai để họ bán lại cho khách du lịch. Tôi cũng mày mò vẽ trên áo phông, tuy không đẹp nhưng mặc cũng lạ kiểu và cũng có chút tự hào là dân mỹ thuật, ra vẻ ta đây.

Có một lần, tôi thấy thầy Chư làm sơn mài. Nhìn những nét vẽ điêu luyện của thầy vẽ trên vóc, tôi rất thích. Năm đó, thầy làm tác phẩm dự thi Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc, tổ chức vào cuối năm 95. Tôi theo dõi từng động tác một của thầy, rồi một ngày tôi hỏi thầy để được học làm sơn mài. Tôi bắt đàu làm phác thảo, rồi nhờ thầy đặt mua vóc, vàng,bạc, v.v… Tôi vẽ người vũ nữ nhảy trên đàn dương cầm, theo điệu nhảy mà tôi rất thích – điệu paso doble theo kiểu cách điệu.
 

Nguyễn Văn Chư, “Lên đỉnh Phù Vân”, sơn mài

Ngày đầu tiên đi làm, tôi bị sơn ăn, cả người tôi sưng vù, không nhấc nổi thân đi. Tôi cũng không hiểu sao nữa, nhưng khi làm, thầy và cô có cảnh báo cho việc dị ứng sơn ta, nhưng không ngờ tôi lại bị nặng tới như vậy, toàn thân và mặt sưng lên gần gấp rưỡi, nhất là những chỗ hiểm lại càng sưng to, thật là ái ngại và cũng không biết than thở cùng ai. Hàng ngày Vũ phải mang lá khế thì phải (tôi không nhớ chính xác là lá gì) tới để tôi sắc nước tắm. Tôi nghỉ học một tuần vì tránh ra gió. Lúc này thầy Chư hoàn thành nốt tác phẩm cho tôi. Hai tuần sau thì thân người tôi mới trở lại được như cũ.

Từ đó, tôi rất sợ khi bước vào gần nơi làm sơn mài. Người ta nói: “Sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người”, chắc là tôi rơi vào cả hai trường hợp, vì tôi sợ cả sơn lẫn ma. Nhất là ma người!

Vào tháng 10 năm 1995, tôi qua Pháp học.

Cuối năm đó, tác phẩm của thầy đạt giải Đồng của Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc. Tôi rất vui, và tự hào là tôi được nhìn thầy làm từ lúc phác thảo. Tôi yêu tác phẩm sơn mài của thầy lắm, tới nỗi khi tôi sang Pháp, gặp một nhà sưu tập tranh Việt Nam, tôi đã giới thiệu bức của thầy cho anh sưu tập, để thỉnh thoảng tôi có thể được nhìn thấy nó.

Công cuộc bán tranh hơi vất vả, việc chuyển đi là cả một vẫn đề thời bấy giờ, vì tranh sơn mài thì nặng, khi đi nhận tranh, tranh được đóng trong khung gỗ, chắc chắn như là kiện hàng xe máy. Hải quan bên Pháp thì cũng rất phức tạp và nhiều thủ tục, họ bắt khui ra để kiểm tra, tôi phải nhận đấy là tranh của tôi, tôi đưa thẻ học sinh ra để họ khỏi phải làm nhiều thủ tục và đóng thuế.

Tôi không nhớ chính xác giá là bao nhiêu, nhưng tôi thấy là rất nhiều so với thời bấy giờ. HIện tại bức tranh sơn mài giải Đồng của thầy đang được treo một nơi trang trọng, cạnh những bức tranh của các bậc thầy như Lê Phổ và Mai Trung Thứ trong nhà của nhà sưu tập.

Sau này một người bạn thân của tôi cũng ngỏ ý là muốn giúp tôi chuyển các tác phẩm của tôi sang sơn mài, tôi cũng đã chuẩn bị mấy chục vóc để làm, nhưng tôi lại không làm. Tôi đã tặng toàn bộ số vóc cho bạn thân của tôi, vì tôi nghĩ rằng bạn tôi cần hơn và tôi cũng được dạy rằng, một tác phẩm phải làm từ đầu tới cuối, chứ nếu tôi nhờ bạn tôi làm phần chính thì không còn gọi là tác phẩm của tôi nữa, vì một tác phẩm sơn mài đã có hai chữ “sơn” và “mài”.
 

Nguyenquikien Henri, “Những người kéo lưới” 2014, sơn dầu

Chính vì sự suy nghĩ này mà mãi mãi tôi sẽ không bao giờ có tác phẩm sơn mài. Bức sơn mài đầu tiên và là cuối cũng mà tôi có dính tay vào, hiện nay tôi không biết có còn nữa hay không, nhưng có lần tôi thấy nó được làm vật che gió trên ban công của nhà chị gái, nó cũng đã thủng một lỗ, chắc chị cũng không biết là nó đã được sơn son thếp vàng, bạc, tuy không nhiều, ở đôi chỗ cần thiết tạo chất, và có cả một ít vỏ trứng nữa.Và quan trọng hơn trong đó có cả một quãng thời gian hai tuần tôi bị nằm liệt giường với những vùng bị sơn ăn! Hơn nữa, trong tác phẩm đó có cả bàn tay tài ba của người thầy kính yêu tạo nên – thầy Nguyễn Văn Chư.

Tuy tôi không thành công trong việc học sơn mài, nhưng tôi rất cám ơn người thầy đầu tiên và cuối cùng dậy tôi làm sơn mài. Tôi rất yêu tác phẩm của thầy. Nếu một ngày nào đó nhà sưu tập kia có bán lại, tôi sẽ mua lại bức tranh; nhưng biết đến bao giờ tôi mới có đủ tiền để mua lại nó nhỉ, vì tác phẩm nào rơi vào tay nhà sưu tập rồi thì là vô giá!

Mãi mãi vẫn chỉ là một giấc mơ sơn mài của tôi mà thôi!

2000

*

Nguồn: Từ FB của họa sĩ Nguyenquikien Henri. Hình ảnh do Soi tự đưa vào. Nguồn ảnh: FB họa sĩFB Triển lãm Thầy và Trò

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

GMO: Chuông nguyện hồn ong

Pha Lê sưu tầm từ nhiều nguồn và dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp