|
|
|
|||||||||||||
Điện ảnhGone Girl: thỏa mãn người xem bằng những thứ đáng ghét 01. 11. 14 - 8:00 pmPha LêTrước giờ tôi nghĩ chỉ có cái ông gàn dở hay nằm cởi trần ở nhà mình hợp với câu “Tôi yêu nhân loại nhưng ghét con người”, nhưng sau khi xem Gone Girl thì phát hiện ra rằng đạo diễn David Fincher cũng y thế. Nói công bằng, sự ghét con người của Fincher đã lấp ló ở mấy tác phẩm trước như Seven và Fight Club, nhưng lần này thì cái ghét ấy tuôn trào một cách không giấu diếm. Vẻ bề ngoài thì Gone Girl là phim hình sự hồi hộp, nhưng bên trong nó là cái nhìn đầy sắc bén về giống loài chuyên hành hạ lẫn nhau từ lúc sống cho đến lúc chết. Vào hôm kỷ niệm ngày cưới lần thứ năm, chàng Nick Dunne (Ben Affleck đóng) tỉnh dậy với tâm trạng chán cô vợ Amy (Rosamund Pike) dù không dám nói với vợ rằng mình đã chán nàng. Anh lẩn thẩn một hồi rồi đến quán bar của em gái và kể lể về cuộc hôn nhân của mình. Lúc rời quán về nhà, Nick không thấy vợ đâu, hiện trường thì xào xáo như thể ai đó đã bắt cóc vợ của anh. Nick gọi cảnh sát, thế nhưng với hiện trường kỳ cục, cộng với thái độ thờ ơ của Nick, cảnh sát bắt đầu nghi ngờ rằng anh chàng này có gì đó không bình thường. Lúc cảnh sát tìm thấy cuốn nhật ký của Amy và giới truyền thông bu vào bới lông cuộc hôn nhân của cả hai, những vết xấu xa riêng tư mà Nick chẳng muốn cho ai biết dần lộ rõ. Nhưng hầu như cuộc hôn nhân nào cũng có những vết như thế! Toàn bộ phim là một phép ẩn dụ to như con voi về các bản tính xấu xa của con người, đặc biệt là nếu phải chung sống với nhau thì tính xấu này sẽ càng phát huy. Ban đầu thì cặp Nick và Amy trông tròn vằn vặn như bao cặp trai gái yêu nhau nồng cháy khác, vậy mà đến khi gánh nặng cuộc sống đè lên vai (chủ yếu liên quan đến công việc, tiền bac) thì họ lại sinh sự cho bản thân nom méo mó. Liệu cái méo mó này có đủ khó chịu để Nick nổi cơn giết vợ? Nick thì không biết thế nào, nhưng chúng ta là sẽ… giết! Ở đời, muốn làm ra thứ gì hay ho là phải hết mình. Ai cũng hiểu rằng mình phải thật lòng tìm hiểu tỉ mẩn về đề tài mình thích thì mới làm được tác phẩm tốt. Nhưng David Fincher còn chứng minh rằng nếu có ghét thì cũng phải ghét cho ra trò, ghét cho thật khách quan. Vị đạo diễn này hiểu tất tần tật những tính xấu khó ưa của con người, của đàn ông, của phụ nữ. Trong phim đầy rẫy những vấn đề chua chát ta thấy nhan nhản ở các cặp vợ chồng lâu năm. Ừ thì phim có bi kịch hoá tình tiết lên, nhưng cuối cùng cốt lõi của các cuộc cãi cọ giữa Amy và Nick cũng rất tầm phào: lại tiền bạc, lại chuyện con cái, bố mẹ (vợ/chồng) bệnh, lại bồ bịch lăng nhăng. Người trong cuộc đành chịu đựng vì sợ miệng lưỡi thiên hạ, người ngoài cuộc gãi đầu tự hỏi tại sao lắm cặp bị như thế mà thiên hạ vẫn cố cưới nhau ầm ầm.
Chẳng ma nào muốn công nhận, nhưng ai cũng biết có các vấn đề riêng tư khó chịu của gia đình mà người ngoài sẽ không bao giờ hiểu. Có lúc mọi thứ khó chịu quá, ta muốn giết quách kẻ kia cho xong. Dĩ nhiên ta không giết được, thế nên ta cười ha hả khi thấy các nhân vật trong Gone Girl dám làm điều mình e ngại. Toàn bộ phim là một bài thuốc thoả mãn sướng kinh hồn. Phần dạo đầu quá hấp dẫn, quá hồi hộp khiến ta thích thú vịn ghế xem. Đến hai phần ba còn lại thì các màn vợ chồng “ngầm hành hạ nhau” quá chí lý, quá thâm, quá châm biếm chua chát nên ta ôm bụng cười đau ruột. Tôi chưa thấy phim hình sự hồi hộp nào khiến khán giả vui đến như vậy. Hẳn là đa số chúng ta cũng thấy bản thân mình trong các nhân vật của Gone Girl, nhưng ta không đủ thông minh lẫn đủ liều mạng để bày mưu giăng kế tài tình như họ. Gone Girl là phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn nghiệp dư Gillian Flynn. Lắm kẻ than rằng tiểu thuyết này chứa nhiều thứ đáng ghét quá, đọc xong cứ thấy đời tối tăm. Quả thật chỉ có David Fincher mới chuyển thể nó thành một bộ phim hay và hài đến thế. Ông đem cái ghét thâm thúy của mình trộn với cái ghét giật gân của Gillian, rồi nhờ nhà quay phim ruột Jeff Croneweth vẽ nên nhiều thước phim kỳ bí, giúp dung hòa mọi thứ và phần nào khiến khán giả nhìn ra sự thật cay đắng của bản chất con người. Màu sắc của phim thay đổi liên tục tùy theo mạch truyện: lúc tối tối u ám, lúc sến, lúc sang trọng. Như vậy khán giả xem phim cũng sẽ có nhiều cảm xúc hơn, chứ đa số phim hình sự cứ đen sì sì với bầu không khí vừa buồn buồn vừa bồn chồn từ đầu chí cuối. Và dù điên đến cỡ nào, ghét ai đến cỡ nào, Gone Girl thực sự luôn luôn nằm trong trạng thái cân bằng. Các bất ngờ, kinh tởm, hồi hộp luôn có sự vui vẻ, sự sang trọng, sự chân thật đi kèm. Nhân vật nam nữ cũng đầy đủ, mỗi người mỗi tính phù hợp với bản năng, kẻ thì nhát kẻ thì hết mình kẻ thì ranh ma. Gone Girl không phải loại phim hình sự toàn các ông hầm hè ngồi nói với nhau những chuyện hầm hè, sau đó hầm hè “thịt” đối thủ. Thậm chí, tôi nghĩ khán giả nữ sẽ còn khoái Gone Girl hơn cả khán giả nam, do nó hài thâm độc y kiểu của “các bà”. Viết tới đây quả thấy cắc cớ! Phim gì mà các nhân vật chỉ toàn hành hạ lẫn nhau mà khán giả lại vui cho được? Ôi khán giả cũng là người thôi mà, nếu được tạo điều kiện thì chúng ta sẽ thỏa mãn bằng những thứ rất kỳ cục. Xem phim rồi mới hiểu ta đây cũng chẳng cao quý hơn ai. Cuối cùng người thắng cuộc vẫn là David Fincher. * Lịch chiếu (một số rạp chưa cập nhật lịch chiếu tiếp) Hà Nội Tp.HCM Ý kiến - Thảo luận
15:17
Sunday,9.11.2014
Đăng bởi:
Phạm Huy Thông
15:17
Sunday,9.11.2014
Đăng bởi:
Phạm Huy Thông
Tớ cực kết phim này. Lâu lắm rồi mới thấy một phim hay như thế. Kịch bản cực kỳ chặt chẽ, hợp tính tình các nhân vật. Chẳng hạn như cô Amy, từ bé đã bị ám ảnh về quyền lực của mình nên không thể nào chịu đựng nổi nếu có việc gì đó đi ra ngoài tầm kiểm soát. Bản thân cô ta đã lên kế hoạch tự tử, nhưng là tự tử theo cách mà cô ấy muốn, theo một kế hoạch "chính đáng". Bởi vậy đến khi cô ta bị cướp hết tiền, bị đẩy vào thế đường cùng thì cô ta lại không tự tử nữa, vì lúc đó, tự tử không còn là cách của một người chủ động nữa.. Mọi chi tiết của câu chuyện đều rất ảo nhưng rất thật. Phim đáng xem.
0:36
Tuesday,4.11.2014
Đăng bởi:
Raumuong Noigian
Đọc Pha Lê viết rồi mới đi xem. Xem xong rồi về rồi đọc lại Pha Lê viết... E hèm hèm, mới hiểu ra thế nào là chuyện ngày xưa cụ Lý văn Bạch tạng phải quăng bút trước cụ Thôi rồi Hiệu ơi (hiểu là hiểu thế thôi cho chứ ko dám ví dám so gì cả nhớ). Nhớ lại, hồi xưa mình hay đi xem giới thiệu phim ở Megastar, xem xong phỏng vấn ngược luôn cánh phóng viên chuyên
0:36
Tuesday,4.11.2014
Đăng bởi:
Raumuong Noigian
Đọc Pha Lê viết rồi mới đi xem. Xem xong rồi về rồi đọc lại Pha Lê viết... E hèm hèm, mới hiểu ra thế nào là chuyện ngày xưa cụ Lý văn Bạch tạng phải quăng bút trước cụ Thôi rồi Hiệu ơi (hiểu là hiểu thế thôi cho chứ ko dám ví dám so gì cả nhớ). Nhớ lại, hồi xưa mình hay đi xem giới thiệu phim ở Megastar, xem xong phỏng vấn ngược luôn cánh phóng viên chuyên viết điện ảnh cùng xem bình luận thế nào, đa phần là ít lời nào nghe thấy là nó nghe được! Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp