Điện ảnh

Phim DVD – The Hobbit (phần 2): Rồng ác ôn cứu nhân vật hiền lành khỏi bộ phim dở 30. 12. 14 - 3:54 pm

Pha Lê

Tôi từng rất thích Hobbit phần 1, định bụng sẽ xem Hobbit phần 2 nhưng lúc rạp chiếu phần 2 tôi lại lăn ra ốm. Nay Hobbit phần 3 vừa phát hành, nên tôi mới sực nhớ lật đật đi tìm phần 2 về xem.

Tiếp theo phim trước, anh chàng Hobbit tên Bilbo Baggins tiếp tục cuộc hành trình cùng các chiến binh của bộ tộc người lùn Durin và pháp sư Gandalf đến xứ Erebor. Vùng đất này vốn là cố hương của tộc Durin. Và trên ngọn núi cao nhất tại Erebor nằm chễm chệ một lâu đài hoành tráng cất giấu lắm vàng bạc châu báu. Nhiều năm trước Smaug đầy quyền năng đã chiếm giữ tòa lâu đài, giết hại tộc người lùn Durin và đẩy họ ra khỏi Erebor. Đoàn binh người lùn – do vua Thorin dẫn đầu – quyết tâm giành lại lâu đài và dùng số của cải trong đó để tái gầy dựng tổ quốc. Đặc biệt quý trong mớ châu báu là viên ngọc Arkenstone – thứ có khả năng thống trị toàn bộ các tộc người lùn hiện nằm rải rác trên nhiều vùng đất khác nhau của thế giới Middlearth.

Bilbo (giữa) và các chiến binh người lùn Durin

Nghe thì rất ham nhưng đường tới xứ Erebor vốn nhiều cạm bẫy. Đầu tiên là pháp sư Gandalft nghe ngóng được tin tức về một âm mưu hắc ám nào đấy, khiến ông đành phải tách khỏi nhóm để đến đồi quỷ Dol Guldur điều tra tình hình. Thiếu Gandalf quyền năng, Bilbo và các đồng chí lớ ngớ tự mò mẫm đường đi, báo hại họ sa trúng ổ của yêu quái nhện khổng lồ. Một nhóm lính của Tiên tộc đang ở gần đó bèn chạy tới giải cứu các người lùn và Bilbo khỏi yêu nhện, nhưng xui xẻo là Vua Thranduil của Tiên tộc không ưa gì mấy chiến binh xứ Erebor, nên khi thấy lính tráng dẫn họ về là Thranduil ra lệnh giam nhóm người lùn vô khám. Nhìn chung thì cố hương chưa thấy đâu mà Bilbo và các đồng chí đã vướng phải lắm chông gai. Và đa số những chông gai này là do đạo diễn Peter Jackson thêm thắt vô.

Bản thân truyện The Hobbit của Tolkien là truyện cho thiếu nhi (Tolkien viết cho con ông đọc). Nó vừa phải, dễ hiểu, với câu chữ chừng mực. Peter Jackson muốn kẹo kéo một cuốn sách mỏng thành 3 bộ phim dài thì tất nhiên ông phải múa may vẽ vời một chút. Lắm kẻ chê bai rằng Peter hám tiền, vì 3 phim bom tấn chắc chắn bán được nhiều vé hơn 1. Còn tôi thì cho rằng miễn phim hay, tình tiết hợp lý thì chuyện một đạo diễn không bám quá sát bản sách gốc là chẳng có gì đáng chê trách.

Vậy phần 2 này như thế nào? Đành phải gãi đầu trả lời rằng chỗ được chỗ không.

Đoạn pháp sư Gandalf tách khỏi nhóm người lùn của Thorin để đi do thám đồi Dol Guldur là do Peter Jackson “chê sắc.” Nếu tính theo mạch truyện thì chi tiết này không dở. Lúc viết The Hobbit, tác giả Tolkien chưa dám chắc rằng mình sẽ viết tiếp về thế giới này hay không. Sau nhờ thành công vang hội của Hobbit mà Tolkien xuất bản tiếp Lord of the Rings (Chúa Nhẫn). Thế nên truyện Hobbit không có nhiều điểm liên quan đến Chúa Nhẫn cho lắm. Bằng cách đẩy Gandalf đến Dol Guldur và khám phá ra âm mưu của phe hắc ám, Peter Jackson phần nào gắn kết bộ Chúa Nhẫn với bộ Hobbit, giúp hai loạt phim này được liên quan chặt chẽ hơn. Tuy nhiên đạo diễn cứ ỷ đồi Dol Guldur là sào huyện của quỷ dữ, nên toàn bộ màu sắc ánh sáng của đoạn này cứ tối tối buồn buồn không chút phong cách, xem còn chán hơn xem phim ma thời màn hình đen trắng. 

Gandalf xám xịt ở Dol Guldur xám xịt

Đoạn các chiến binh người lùn và cậu Bilbo vô tình lọt vào lãnh địa của Tiên tộc có thêm gần nửa tiếng đánh nhau đầy kỹ xảo. Góc máy của đoạn này linh động, nhanh chậm hợp lý để tạo cao trào và khiến người xem hồi hộp. Chuyên gia biên tập phim Jabez Olssen cũng cắt nối các cảnh với nhau rất trơn tru, giúp chúng ta thấy rõ rằng ai đang bắn tên vô giữa mặt ai, chứ không như mấy phim hành động toàn những cảnh đấm nhau “cắt qua ghép lại quá nhanh nên không nhìn thấy gì.”

Cảnh Bilbo và các đồng chí trốn khỏi lãnh địa của Tiên tộc theo đường sông

 

Tất nhiên toàn bộ cảnh này là quay trong stuio với phông nền xanh rồi. Đoạn này rất uyển chuyển, hồi hộp, và con pha chút hài hước nữa

Hoàn hảo vậy mà đạo diễn còn chế thêm cô Tauriel cho Tiên tộc làm chi chẳng hiểu? Đúng là vua của Tiên tộc không ưa nhóm người lùn xứ Erebor nên đã bắt giam họ. Nhưng Peter Jackson đâu cần nặn ra nhân vật Tauriel, bắt cô tiên này “cảm” một chàng người lùn, đốt mồi cho viễn cảnh “tình yêu bị hai bộ tộc khác nhau cấm đoán,” sau đó khiến cô tiên quay sang làm trái lời vua rồi ra tay giúp đỡ các người lùn trốn thoát thế nọ thế kia. Nhân vật Tauriel nằm trong phim khác thì được, chứ cốt lõi của Hobbit là đề cao tình đồng chí, cảnh báo về lòng tham của con người, khen ngợi lòng dũng cảm trong chiến tranh… cố gắng nghẹn ngào chỉ khiến mấy đoạn tình cảm nom như muốn nuốt không vô.

Cô tiên Tauriel tranh cãi với vua vì muốn giúp nhóm người lùn và Bilbo

Xem tới 2 phần 3 phim mà thấy tác phẩm chỗ trồi chỗ hụt vậy khiến tôi đây mất hứng, định bỏ cuộc thì nhóm nhân vật chính đặt chân tới Erebor .

Vì người Hobbit là giống loài nhanh nhẹn, dẻo dai, và khá khôn ngoan nên các người lùn xôi thịt cử Bilbo vào trong lâu đài để đối phó với rồng Smaug.

Bỏ hết hơn nửa đầu để xem trường đoạn cuối nếu bạn lười, nhưng thực sự rất nên xem đoạn này vì Smaug là một trong những nhân vật kỹ xảo tuyệt nhất từ trước tới giờ.

Đạo diễn Peter Jackson không lạ gì với kỹ thuật Motion capture. Khi tạo nên nhân vật Gollum cho phim Chúa Nhẫn cách đây chục năm, Peter cho diễn viên Andy Serkis đeo chiếc máy ghi lại toàn bộ chuyển động mặt của anh, sau đó thu âm giọng nói của Serkis và dùng các dữ liệu trên để dựng nên một Gollum đầy biểu cảm. Kết quả là Gollum trở thành một biểu tượng của công nghệ, thậm chí còn khiến James Cameron quyết định rằng kỹ thuật đã phát triển đủ để ông làm phim Avatar.

Nhân vật Gollum trong loạt phim “Chúa nhẫn”

Rồng Smaug cũng là một nhân vật kỹ xảo, và học hỏi thành công từ Gollum, đạo diễn quyết định mời Benedict Cumberbatch mặc nguyên bộ Motion capture rồi thu giọng của anh để tạo nên con rồng. Benedict là một nam diễn viên vô cùng giỏi (anh vừa nhận đề cử nam chính cho giải Quả cầu Vàng 2015. Và như bao diễn viên Anh Quốc chuyên học kịch khác, Benedict có chất giọng và đài từ tốt, nên cách anh đọc lời thoại hay ngắt nhịp câu đều rất có hồn. Cộng thêm kiểu diễn xuất hợp với những vai “kịch tính,” rồng Smaug của Benedict là một con quái thú vừa mạnh bạo, lấn át, vừa rất có duyên.

Benedict đeo bộ Motion capture để nhập vai Smaug

 

Kết quả: một Smaug ngạo ngễ rất có hồn đang dọa nạt Bilbo bé nhỏ

Benedict lại cực thân thiết với nam diễn viên Martin Freeman (đóng Bilbo), do hai người chuyên thủ vai bác sĩ Watson và thám tử Sherlock Holmes trong series truyền hình Sherlock. Các nhà phê bình còn đánh giá rằng series Sherlock trên Ti-vi hay hơn cả phim Sherlock Holmes điện ảnh, và bộ đôi Benedict/Martin còn diễn ăn ý hơn Robert Downey Jr/Jude Law của màn bạc.

Benedict và Martin trong “Sherlock”

Dù rằng mối quan hệ giữa Smaug và Bilbo rất khác tình bạn giữa Holmes và Watson, Benedict lẫn Martin vẫn phối hợp cực kỳ ăn ý trong Hobbit. Rồng Smaug ngạo ghễ, kiêu căng theo kiểu đầy châm biếm. Bilbo nhỏ bé mưu mẹo bèn tìm cách phỉnh rồng để bảo toàn tính mạng. Hầu hết cả trường đoạn này chỉ có đúng hai nhân vật tung hứng với nhau, nếu người này tung mà kẻ kia không hứng nhịp nhàng là phim dở ngay. Hẳn Martin lẫn Benedict đã phải thoải mái lẫn tin tưởng nhau nên đoạn cuối của phần 2 phim Hobbit mới hấp dẫn như thế.

Martin và Benedict tại trường quay “Hobbit.” Dù đã đeo máy Motion capture và diễn vai Smaug rồi, Benedict vẫn tới trường quay để đọc thoại với Martin, giúp bạn không phải đơn thân tự hỏi tự trả lời với phông nền xanh

Giới ẩm thực có châm ngôn: nếu khai vị và món chính dở, ráng làm tráng miệng thật ngon thì cuối cùng thực khách sẽ cho rằng bữa ăn của họ không tới nỗi tệ. Phim ảnh chắc cũng y vậy, hơn 2 phần 3 của phim chỉ thường thường, nhưng do Smaug quá tuyệt vào đoạn cuối nên tôi cảm thấy rằng phần 2 của Hobbit cũng đáng xem như phần 1.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả