Gẫm & Bình

Đi xem gốm Bảo Toàn, thấy những bóng ma của nền nghệ thuật nước nhà 29. 12. 14 - 6:49 am

Nobita

 

Tác phẩm của Nguyễn Bảo Toàn. Ảnh: K.Tuấn

Vào một chiều đông giá rét tôi đi xem triển lãm gốm “Đất qua lửa và con giáp” của nghệ sỹ Nguyễn Bảo Toàn ở Bảo tàng Mỹ thuật. Thú thật là tôi rất tò mò và háo hức đến xem triển lãm của ông. Tôi chưa có điều kiện để tiếp xúc và nói chuyện với ông, nhưng qua một vài nghệ sỹ lớn tuổi và có tiếng tôi tình cờ được xem giấy mời cho triển lãm này, và mặc dù không có giấy mời tôi vẫn tới. Thực sự là khi cầm giấy mời cho triển lãm và đọc lời bình của họa sỹ Lương Xuân Đoàn tôi hoảng quá, tí nữa làm rơi, có một họa sỹ gần đó còn dí dỏm nói với tôi rằng “Này cẩn thận không vỡ bây giờ”, đủ thấy sức hút của Bảo Toàn thế nào và đây là lời bình của họa sỹ Lương Xuân Đoàn.

“Vẫn là sự ẩn cất hoang hoặc của lửa vùi trong đất quê và phiêu phất màu men thời gian đang hòa giọng nồng nàn khi Nguyễn Bảo Toàn nhẹ nhõm gọi mùa riêng trên cánh đồng Gốm Việt.

Với hai thập niên từ ĐẤT QUA LỬA, ông là cú huých lạ để gốm đương đại xoay nhanh qua những câu chuyện khác. Trần gian thì muôn màu, thời gian như bóng câu. Mười hai con giáp luân hồi mang phận người kiếp vật vào tín ngưỡng tôn thiêng trong nét đẹp THIỀN bình dị.

Lặng lẽ tự bảo trọng phẩm cách và tài năng, Gốm Nguyễn Bảo Toàn nguyên cốt nguyên phiến, miên viễn trong ngàn độ lửa với đất quê.”

Ảnh của Tia Sáng


Tôi cũng là người có va đập với nghề gốm (tất nhiên so với kinh nghiệm của nghệ sỹ Bảo Toàn thì chả khác nào châu chấu đá xe, múa rìu qua mắt thợ), và tự nhận rằng có lẽ mình cũng là người trải nghiệm được với sự vất vả của nghề. Hiểu được rằng để có được nước men đẹp, để khống chế được ngọn lửa và để điều khiển được ngọn lửa trong nhiều môi trường nung đốt khác nhau là câu chuyện vô cùng khó. Đã có những thứ men mà thí nghiệm hàng trăm mảnh thử vẫn thiếu ổn định, lúc thế này lúc thế khác, rồi thì chán bỏ đi, hay đổ lẫn vào cái nọ cái kia để được một thứ men mà cánh thợ thuyền chúng tôi vẫn gọi đùa là men “ToHo”; nghe cho có vẻ kinh hoàng chứ thực ra là Tổng Hợp. Rồi thì có những lúc nó ra màu cũng đẹp, họa mà bán được thì cũng trí trá hươu vượn với khách vài câu đậm màu “Đất qua Lửa” hay là “Hỏa Biến” hay ghê hơn là “kỹ xảo đi lửa”.

Cánh chúng tôi để làm gốm cũng phải tiếp xúc với đủ thành phần người mua hàng. Nào thì mấy ông buôn đồ giả cổ, mấy ông làm đồ giả cầy, mấy ông nhà khoa học thải hồi rỗi việc và cả các ông trọc phú học làm sang “yêu say đắm” nghệ thuật và di sản của ông cha. Thôi thì đủ chuyện, vừa mới ti toe nói với ông này muốn làm giả cái này cái kia thì buôi thuốc tím, ngâm nước đái, một lúc sau quay sang thì phối liệu nọ phản ứng kia, biểu đồ nhiệt lại còn kết khối và silic chuyển pha trong thành phần xương gốm ra làm sao. Nước bọt trào ra khóe mép lại chuyện “Cảnh Đức Trấn Đào lục”(3) của cụ Sển, thôi thì từ chuyện “thiêu lôi công”(2), “sài diêu hộ”(1) đến ông Đường Anh ở ngự diêu xưởng từ đời Ung Chính như thế nào đủ cả.

Khách về lại ôm quyển Hóa vô cơ của nhà xuất bản Giáo Dục và vài quyển sách về công nghệ silicat để ăn bánh vẽ, ú ớ có khi nhận được đơn đặt hàng của Boeing để làm vòng bi gốm cho động cơ phản lực cũng nên. 

*

Hươu vượn một lúc chỉ để nói rằng ta đây cũng có ít nhiều kinh nghiệm và để những nhận định dưới đây của tôi không phải là nói dựa mà là quan điểm cá nhân.

Sau khi xem triển lãm gốm của Nguyễn Bảo Toàn xong tôi thực sự là không thể giấu nổi sự thất vọng và có khi còn cả phẫn nộ. Nhìn vào danh sách những triển lãm của nghệ sỹ cả trong nước lẫn ngoài nước thấy ôi sao mà vĩ đại. Nhưng thực sự tôi không thấy có nhiều giá trị trong tác phẩm của ông. Thẩm mỹ thì nhạt nhẽo và vay mượn, kỹ thuật thì sơ sài, trưng bày thì cố làm ra cho huyền bí, nhưng nó lại khoác lên mình những tấm áo phê bình lộng lẫy một cách giả dối. Thảm họa phê bình cúng cụ không biết còn tiếp diễn đến bao giờ. 

Tác phẩm của Nguyễn Bảo Toàn. Ảnh: K.Tuấn


Tôi không có ý định công kích nghệ sỹ Bảo Toàn, nhưng tôi nhận thấy rằng triển lãm là việc nhỏ, khiến công chúng và những khán giả trẻ, những nghệ sỹ trẻ nhìn vào mà không ai còn có đủ dũng cảm để dấn thân vào bất cứ lãnh địa nào, đó mới là việc lớn. 

Tác giả của triển lãm thì tỏ ra là một người rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông. Viết bài cho triển lãm thì toàn những cánh chim đại bàng của lý luận phê bình: thầy Nguyễn Quân, thầy Phan Cẩm Thượng, lại còn có đồng tác giả của Cuốn Nghệ thuật Việt Nam Đương Đại là bà Bùi Như Hương. Trong triển lãm thì không cho chụp ảnh quay phim và triển lãm cũng diễn ra trong thời gian rất ngắn. Nhưng thông tin vẫn ngập đầy trên internet và ở những trang trọng điểm như báo Nhân Dân hay Thể Thao Văn Hóa

Nhà phê bình Bùi Như Hương có viết: 

“Nói về màu trắng bàng bạc có vẻ xưa cũ này, Bảo Toàn chia sẻ, anh rất thích màu trắng của các bình vôi cổ, thích màu bạc phai “lên thành phấn” của những đồ gốm cổ. Chỉ có thời gian cùng với sự vùi sâu trong lòng đất ngàn năm mới đạt tới cái màu xa xưa huyền tích đến vậy. Nói rồi cười thủ thỉ, “mình có cách để làm được như thế, bí quyết về kỹ thuật”.

… Nghệ thuật của Bảo Toàn, bên cạnh sức sống, luôn đậm đặc tính dân gian. Tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng phồn thực, văn hóa bản địa, quan niệm phương Đông về âm dương ngũ hành đã ăn sâu vào tâm thức, lối sống và mỹ cảm của người nghệ sĩ để rồi luôn bật ra, hiển hiện mọi nơi mọi chốn trong sáng tác: từ gốm, hội họa, điêu khắc cho đến sắp đặt đa phương tiện.”

Tác phẩm của Nguyễn Bảo Toàn. Ảnh: K.Tuấn


Kỹ thuật thì bí quyết, tác phẩm thì triển lãm ở bảo tàng quốc gia, tư tưởng thì vừa kết nối được với những thang âm vọng về từ quá khứ vừa là một cú hích lạ giúp cho nghệ thuật gốm đương đại chuyển mình, lại vừa chuyển tải được cái linh diệu của cha ông, lại vừa có cả những ám ảnh cá nhân mang bản quyền chính hiệu của tác giả nữa chứ! Có bao nhiêu nghệ thuật cụ làm cả. Lại được thêm những ông lớn của phê bình lý luận nước nhà chấp bút. Cánh trẻ chúng em giờ thì còn biết làm gì ngoài hai chữ thán phục. 

Hơn 60 năm tuổi đời và 40 năm tuổi nghề, trải qua chắc cũng nhiều thăng trầm dâu bể, một nghệ sỹ gạo cội và có thừa danh tiếng như Nguyễn Bảo Toàn vẫn cứ thích những lời tán tụng về mình, vẫn yêu một thứ nghệ thuật cổ động chỉ có những lời tán dương và chẳng hề có một sự phản biện nào. Cứ thế mà lớn lên trong một bầu không khí vừa đậm đà bản sắc dân tộc lại vừa có những đỉnh cao phê bình dẫn dắt như những bóng ma kia, nghệ thuật nước nhà chẳng chóng thì chầy cũng cất cánh bay xa rồi lại vươn cao tỏa bóng… trong làng.

*

Chú thích (vì Soi ú ớ nên đã đề nghị Nobita chú thích thêm):

(3): Sài diêu hộ: là một chức danh trong lò ngự diêu xưởng ngày xưa chuyên trách việc gánh củi gỗ sài để đốt lò. Lò ngự diêu xưởng là lò gốm làm đồ ngự dụng và sử dụng hai loại gỗ là gỗ tùng và gỗ sài để đốt lò. Người chuyên trách gánh củi tùng cũng gọi là Tùng Diêu Hộ

(2): Thiêu Lôi Công : Cũng là một chức danh trong lò ngự diêu xưởng chuyên trách việc đốt lò.

(1): Hơn 3 nghìn công đoạn và hàng trăm chức danh để vận hành lò ngự diêu xưởng khi xưa đã được mô tả kỹ trong quyển Cảnh Đức Trấn Đào Lục. Sách do Vương Hồng Sển dịch.

 

 

 

Ý kiến - Thảo luận

20:46 Wednesday,4.3.2015 Đăng bởi:  góp ý
Tôi không phải là người làm về nghệ thuật, nhưng là người nghiên cứu khoa học xã hội. Hôm nay đi lạc vào bài «quan điêm̉ cá nhân» này.

Từ góc nhìn của một người làm nghề nghiên cứu, tôi thấy bài này chê bôi hết lời tác phâm̉ của NBT, nào là «thâm̉ mỹ nhaṭ nheõ vay mượn», nào là «kỹ thuật sơ sài», nhưng tôi không thấy đưa
...xem tiếp
20:46 Wednesday,4.3.2015 Đăng bởi:  góp ý
Tôi không phải là người làm về nghệ thuật, nhưng là người nghiên cứu khoa học xã hội. Hôm nay đi lạc vào bài «quan điêm̉ cá nhân» này.

Từ góc nhìn của một người làm nghề nghiên cứu, tôi thấy bài này chê bôi hết lời tác phâm̉ của NBT, nào là «thâm̉ mỹ nhaṭ nheõ vay mượn», nào là «kỹ thuật sơ sài», nhưng tôi không thấy đưa ra dẫn chứng nào để người đoc̣ thuộc hạng mục «công chúng» như tôi thấy thuyết phục. Ví dụ, vay mượn của ai?

Nếu không đưa ra được những luận giải thuyết phục,bài này không mang tính phan̉ biện, mà chính là công kích NBT bằng ngoa ngôn. 
23:34 Sunday,25.1.2015 Đăng bởi:  Riêng&Chung
Vì mấy từ "sài diêu hộ" v.v... nghe ngộ ngộ nên Riêng&Chung cũng lọ mọ tra cứu tí. Xin góp chút "thông tin đa chiều để rộng đường dư luận" ạ. Cách giải thích "sài diêu hộ" trong bài của tác giả chưa chắc đúng, mà có thể là: "sài diêu hộ" phân biệt với "tra diêu hộ", không có "tùng diêu hộ" (theo cuốn Cảnh Đức trấn đào lục" của TQ). Cụ thể như sau:
Cuốn "C
...xem tiếp
23:34 Sunday,25.1.2015 Đăng bởi:  Riêng&Chung
Vì mấy từ "sài diêu hộ" v.v... nghe ngộ ngộ nên Riêng&Chung cũng lọ mọ tra cứu tí. Xin góp chút "thông tin đa chiều để rộng đường dư luận" ạ. Cách giải thích "sài diêu hộ" trong bài của tác giả chưa chắc đúng, mà có thể là: "sài diêu hộ" phân biệt với "tra diêu hộ", không có "tùng diêu hộ" (theo cuốn Cảnh Đức trấn đào lục" của TQ). Cụ thể như sau:
Cuốn "Cảnh Đức trấn đào lục" có bản điện tử (phần chữ, không có hình) trên bộ nhớ cache của trang Baidu của TQ (từa tựa trang Google). Theo đó trong quyển 3 (bộ này 10 quyển, ngắn thôi)có liệt kê "sài diêu hộ" với "tra diêu hộ" (nhưng không có "Tùng diêu hộ" như bài viết nêu).
Kết hợp với trang phổ biến kiến thức (cũng của TQ), thì ở trấn Cảnh Đức, "sài diêu" là loại lò nung được đốt bằng nguyên liệu gỗ tùng được cưa cắt kích thước cẩn thận. Nhiệt lượng cao hơn chút thì phải, và để nung những vật tinh tế. Còn lò "tra diêu" sử dụng cành tùng và một số nguyên liệu khác (hình như có cả cỏ tranh), nhiệt lượng thấp hơn tí thì phải, chỉ nung các đồ kém tinh tế hơn so với lò "sài diêu". Riêng "tra diêu" thì trong quyển 3 của bộ "Cảnh Đức trấn đào lục" có nhắc đến "vai trò" người "gánh" chất đốt và nói rõ ở lò "sài diêu" không có loại thợ này. Còn chữ "Hộ" chỉ thấy dùng khi giới thiệu lò, có vẻ giống một "pháp nhân" hơn là "thể nhân", còn thợ của các công đoạn đều được gọi là "công", và trong đội các loại "công" này có cả cái anh "gánh chất đốt" cho lò "tra diêu".
Tóm lại nguyên liệu đốt lò ở trấn Cảnh Đức chủ yếu là gỗ tùng, nhưng được chia ra theo chất lượng (và xử lí kích thước) khác nhau cho 2 loại lò "sài diêu" và "tra diêu" (không có "tùng diêu"). Không có thứ gỗ nào gọi là "sài" (để phân biệt với gỗ tùng), mà sài là từ để chỉ củi đốt. "Sài diêu hộ" hay "tra diêu hộ" có lẽ cũng không nên coi là một loại "chức danh", và chắc hẳn không phải là người chuyên gánh củi.
Ngoài ra Thiêu Lôi Công cũng không được đề cập trong bộ "Cảnh Đức trấn đào lục", chắc từ các sách khác mà cụ Sển dịch.
Kính. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tôi là một người may mắn!

Phạm Thái Bình. Ảnh: Tịch Ru

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả