Văn & Chữ

Tiết Bảo Thoa: Từ món thuốc giá băng đến mối lương duyên lạnh lẽo 17. 01. 15 - 6:40 am

Anh Nguyễn

Trong Chi Nghiễn Trai trùng bình Thạch Đầu Ký (câu chuyện hòn đá – tên khác của Hồng Lâu Mộng), Lâm Đại Ngọc được tặng hai chữ tình tình, nhưng về tình của Tiết Bảo Thoa thì… chẳng có chữ nào. Những ý kiến cho rằng nhân vật này vô tình hoặc lãnh tình là có cơ sở xác đáng từ văn bản tiểu thuyết. Diệu Ngọc tuy xuất gia làm ni cô nhưng ngoài lạnh trong ấm, còn cái lạnh của Bảo Thoa là một cái nghiệp, vừa là lỗi của số phận vừa do Bảo Thoa tự mình gây ra. Lớp vỏ băng giá khiến cho Bảo Thoa vĩnh viễn không thể chạm đến trái tim ấm nóng của Bảo Ngọc và nàng cũng tự héo mòn trong hố băng đó.
 

Tranh vẽ Tiết Bảo Thoa

Ở hồi thứ tư, lần đầu người đọc được tiếp xúc với nhà họ Tiết – một trong bốn họ giàu nhất Kim Lăng nhờ đảm nhận việc mua hàng trong cung. Câu tục ngữ truyền miệng về nhà này như thế nào?

Được mùa tuyết lã chã rơi, ngọc châu như đất, vàng thời sắt thoi. (Con cháu Tử vi xá nhân Tiết công, hiện lĩnh tiền khi đi mua hàng, có tám chi).

Chữ Tiết trong họ của Bảo Thoa rất gần với chữ “tuyết,” đó chính là hàm ý về “được mùa tuyết rơi” trong câu trên. Hai vế “ngọc châu như đất, vàng thời sắt thoi” vừa nhấn mạnh gia sản giàu cỡ… Thạch Sùng của nhà họ Tiết, vừa là ẩn ý kín đáo về số phận của hai nhân vật Bảo Ngọc (ngọc châu) và Bảo Thoa (vàng). Khi giấc mộng lầu hồng kết thúc thì công tử cũng hóa thành bùn đất, tiểu thư thì giống như sắt vụn mà thôi.
 

Bảo Thoa bắt bướm ở đình Trích Thúy

Giải mã những lá số tiền định của mười hai thoa trong Hồng Lâu Mộng là một việc làm khó khăn. Đối với những người đọc không có vốn tiếng Trung dày dặn cộng thêm kiến thức về nền văn hóa Trung Quốc thì hiểu một cách hoàn toàn những biện pháp nghệ thuật trong truyện (ẩn dụ, điển cố, song quan, chiết tự) là gần như không thể. Bài viết này do đó chắc chắn còn rất nhiều thiếu sót. Trong số mười hai lá số thì lá số Bảo Thoa – Đại Ngọc đứng đầu bảng. Lá số tiền định của Bảo Thoa gắn liền với Đại Ngọc, bởi lẽ hai nhân vật này như âm và dương, như mặt trăng và mặt trời soi rọi vào nhau làm nổi bật lên những góc cạnh của họ. Bởi thế trong số mười công án lớn của Hồng học, công án đầu tiên là “Đại Ngọc Bảo Thoa ai hơn ai kém?” Những cuộc tranh cãi liên miên trong giới học giả và giữa người đọc về vấn đề này đến giờ vẫn chưa dứt và đây có lẽ cũng là ý đồ của tác giả. Lá số tiền định như sau:

Bảo Ngọc xem xong cũng không hiểu. Lại lấy một quyển ở trong tủ “chính sách” ra xem, thấy trang đầu vẽ hai cây khô, trên cây treo một cái đai ngọc; dưới đất có một đống tuyết, trong tuyết có cái trâm vàng. Có bốn câu thơ:

Than ôi có đức dừng thoi,
Thương ôi cô gái có tài vịnh bông.
Ai treo đai ngọc giữa rừng
Trâm vàng ai đã vùi trong tuyết dày?

“Đức dừng thoi” ở đây ám chỉ Bảo Thoa, dựa theo điển cố về người vợ nết na của Dương Tử: thấy chồng bỏ học quay về, nàng cắt tấm vải đang dệt để khuyên chồng đừng bỏ lỡ con đường công danh sự nghiệp. Xuyên suốt cả câu chuyện, Bảo Thoa luôn khuyên nhủ Bảo Ngọc học hành đỗ đạt khiến cậu ta chán ngán – biểu hiệu cơ bản về sự cập kênh tâm hồn giữa hai người. Hai chữ “trâm vàng” (kim trâm) là ám chỉ tên của Bảo Thoa vì nghĩa trâm–thoa gần nhau, cũng như “đai ngọc giữa rừng” (ngọc đái lâm nói lái là tên của Lâm Đại Ngọc). Bởi thế chiếc trâm vàng vùi trong tuyết (tiết) chính là hình ảnh ẩn dụ về Bảo Thoa vậy.

Nói đến đây phải dừng lại một chút để bàn về tên của những cô gái vây quanh Bảo Ngọc. Trong số các chị em tiểu thư trong vườn Đại Quan thì cậu ta thân thiết nhất Sử Tương Vân và Đại Ngọc. Tên của Sử Tương Vân có chữ “sở,” tên của Đại Ngọc lại được Bảo Ngọc đặt là Tần Tần, ghép lại thành ra “mưa Sở mây Tần” chỉ chuyện ái ân của trai gái. Không chỉ có “mây mưa,” Bảo Ngọc còn ôm cả trăng hoa nữa (Xạ Nguyệt, Hoa Tập Nhân). Nhưng kết cục của cậu ta lại phải gắn với nàng tuyết lạnh lẽo – Bảo Thoa. Tất cả là vì mối nhân duyên vàng ngọc được định sẵn khiến cho truyện Hồng Lâu Mộng còn có tên khác là Kim Ngọc lương duyên.
 

Mối tình tay ba Bảo Ngọc – Đại Ngọc – Bảo Thoa

Bảo Ngọc lúc đẻ ra ngậm viên Thông linh bảo ngọc trong miệng, chính là do hòn đá hóa thành. Trên mặt viên ngọc có viết dòng chữ “Mạc thất mạc vương, tiên thọ hằng xương”, làm thành một cặp với dòng chữ khắc trên cái khóa vàng của Bảo Thoa “Bất ly bất khí, phương linh vĩnh kế.” Nhà sư chốc đầu cho Bảo Thoa chiếc khóa chính là Diễu Diễu chân nhân, người hóa phép cho hòn đá hóa thành hòn ngọc. Từ chi tiết trên có thể kết luận Bảo Ngọc – Bảo Thoa chỉ là hai con tốt trong trò chơi nhân duyên mà thôi.

Nói họ là con tốt tình ái không phải để ám chỉ những mưu kế của Vương Hy Phượng, Giả Mẫu, bởi lẽ những người đàn bà tưởng chừng ghê gớm ấy chẳng qua cũng con rối của thời thế, không hơn. Bàn tay của số phận mạnh hơn mưu kế của con người, đủ khiến cho “những con tốt của nhân duyên” tự mua dây buộc mình mà không biết. Xin hãy dành thời gian đọc hai hồi thứ 29 và 35.

Hồi 29: Bảo Ngọc và Đại Ngọc giận dỗi nhau vì chuyện duyên “vàng ngọc”. Đại Ngọc nóng lên cầm kéo cắt vụn cái dây đeo ngọc nàng làm cho Bảo Ngọc.

Đại Ngọc nghe nói, không nghĩ gì đến mình đương ốm, chạy ngay lại cướp lấy cái dây, tiện tay cầm kéo cắt nát ra. Tập Nhân và Tử Quyên muốn giật lại, nhưng đã đứt làm mấy đoạn rồi.

Đại Ngọc khóc:

– Ta thực uổng công, anh ấy không cần đâu, đã có người khác đeo cho cái dây đẹp hơn kia.

Tập Nhân vội cầm lấy viên ngọc nói:

– Làm gì như thế? Đây cũng là lỗi tự tôi hay bép xép.

Bảo Ngọc bảo Đại Ngọc:

– Cô cứ việc cắt đi, tôi không đeo ngọc cũng chẳng sao.

Viên ngọc là bản mệnh của Bảo Ngọc, sợi dây Đại Ngọc làm là mối tình vấn vít buộc lấy cậu ta. Câu nói tưởng như trẻ con của Bảo Ngọc có hàm ý sâu xa: nếu mối dây liên kết của hai người bị hủy hoại thì Bảo Ngọc cũng không cần gì đến tấm thân mình nữa.

Tua nhanh đến hồi thứ 35 – “Ngọc Xuyến được nếm canh lá sen, Oanh Nhi khéo tết dây hoa mai”:

Bảo Thoa vừa hỏi vừa nhìn vào tay Oanh Nhi, thấy Oanh Nhi mới tết được một nửa cái dây, Bảo Thoa cười nói:

– Tết cái này để làm trò gì? Hãy tết cái dây đeo viên ngọc đã

Câu nói ấy làm Bảo Ngọc nhớ ra, vỗ tay cười nói:

– Chị Bảo nói phải đấy, tôi quên đi mất. Nhưng tết màu gì cho đẹp được?

Bảo Thoa nói:

– Các màu thường nhất định không thể dùng được. Màu đỏ lại lẫn màu. Màu vàng thì không nổi, màu đen thì tối quá. Cứ ý tôi, nên lấy chỉ kim tuyến xe lẫn với chỉ đen bóng, sợi nọ xe lẫn sợi kia, tết như thế mới đẹp.

Bảo Ngọc nghe nói mừng lắm, gọi dồn Tập Nhân mang ngay chỉ kim tuyến ra.

Ở hồi này, Bảo Thoa đề nghị dùng sợi kim tuyến để tết dây đeo ngọc cho Bảo Ngọc, tưởng vô tình nhưng hỡi ôi lại chính là sợi dây tơ hồng! Dây kim tuyến chính là dây vàng – nàng đã dùng sợi vàng bản mệnh của mình để trói lấy viên ngọc, cũng từ đó gắn số phận hai người làm một. Kết cục câu chuyện đã diễn ra đúng như vậy: Đại Ngọc chết, sợi dây giữa nàng và người yêu đứt đoạn. Bảo Thoa trói buộc được Bảo Ngọc nhưng bản thân cậu ta lại không cần gì đến bản thân nữa, dứt áo ra đi. Ở hồi sau, khi Bảo Thoa cắm cúi tết sợi dây vàng cho chồng tương lai, nàng liền nghe thấy Bảo Ngọc nói mê:

Bảo Thoa ở trong nhà mới tết được vài ba cái hoa, thấy Bảo Ngọc nằm mê thét lên: “Lời nói hòa thượng và đạo sĩ tin thế nào được? Cái gì là nhân duyên vàng ngọc! Tôi chỉ biết duyên cây và đá thôi!

Đáng tiếc thay, ý muốn của con người không lại được với ý trời, vì đó mà khúc hát của Bảo Thoa có tên Chung thân ngộ (lỡ nhau suốt đời):

Ai rằng vàng ngọc duyên ưa,
Ta quên cây, đá, thề xưa được nào.
Trơ trơ người tuyết trên cao,
Ngoài đời, đường vắng khuây sao được nàng.
Cuộc đời ngán nỗi tang thương,
Đẹp không toàn đẹp, lời càng đúng thay.
Dù cho án đặt ngang mày,
Cuối cùng vẫn thấy lòng này băn khoăn.

Đám cưới không tình yêu của Bảo Ngọc–Bảo Thoa

Điển tích “án đặt ngang mày” (cử án tề mi) nói về cặp vợ chồng chuẩn mực Mạnh Quang–Lương Hồng kính nhau như khách. Quả thực mối quan hệ vợ chồng của Bảo Ngọc và Bảo Thoa nhìn bên ngoài long lanh nhưng chỉ được cái vỏ, còn bên trong họ vẫn đối đãi với nhau như… khách, không hơn. Vàng kết hợp với ngọc nhìn bên ngoài đẹp nhưng thực ra lại vô cùng lạnh lẽo. Ẩn dụ về cái lạnh (lãnh) của Bảo Thoa được tác giả “cài cắm” trong Hồng Lâu Mộng ngay từ khi nàng xuất hiện.
 

Bảo Thoa giữa hoa mẫu đơn: trong truyện nàng thường được ví với Dương quý phi và hoa mẫu đơn vì có vẻ đẹp phúc hậu, đầy đặn

Ở đầu truyện, Bảo Thoa bị một chứng bệnh lạ “nhiệt độc từ trong thai,” do đó được hòa thượng chỉ cho thứ thuốc uống đặc biệt “Lãnh hương hoàn” (thuốc hoàn có mùi hương lạnh). 
Vị thuốc này ly kỳ ra sao?

– Đừng hỏi phương thuốc ấy còn hơn, nếu hỏi, có khi làm người ta bực đến chết được. Các vị thuốc phải có đồng cân đồng lạng nhất định, khó nhất là được hai chữ “Vừa khéo”. Phải có mười hai lạng nhụy hoa mẫu đơn trắng nở vào mùa xuân, mười hai lạng nhụy hoa sen trắng nở vào mùa hạ, mười hai lạng nhụy hoa phù dung trắng nở vào mùa thu, mười hai lạng nhụy hoa mai trắng nở vào mùa đông. Đem bốn thứ này phơi vào ngày xuân phân năm sau, rồi tán kỹ với thuốc bột; lại phải có mười hai đồng cân nước hứng giữa trời đúng vào ngày vũ thủy.

– Ối chao! Mất ba năm mới thành thang thuốc! Nếu ngày vũ thủy không mưa thì làm thế nào?

– Nếu không gặp được nước mưa vừa khéo thì đành lại chờ vậy. Còn phải mười hai đồng cân nước móc vào ngày bạch lộ, mười hai đồng cân nước sương vào ngày sương giáng, mười hai đồng cân tuyết vào ngày tiểu tuyết. Đem bốn thứ này hòa với thuốc, thêm mười hai đồng cân mật ong, mười hai đồng cân đường trắng, viên to bằng quả nhãn, để vào trong cái hũ sứ cổ, chôn ở gốc cây hoa, khi nào ốm thì lấy một viên ra uống, sắc một đồng hai phân hoàng bá làm thang.

Vị thuốc của Bảo Thoa toàn sử dụng các thứ hoa màu trắng biểu tượng cho sự thanh khiết, cộng thêm các loại nước sương, nước tuyết khéo hòa trộn mà thành. Như các món ăn khác trong Hồng Lâu Mộng, món thuốc này không thể nhìn dưới lăng kính hiện thực. Cách bào chế mang đậm màu sắc thần thoại ấy nhấn mạnh vào tính chất băng thanh ngọc khiết, cao quý không với tới được của Bảo Thoa, đồng thời diễn tả sự lãnh đạm của nàng. Dùng cái lạnh để tiễu trừ nhiệt độc chính là ẩn dụ cho sự tự giới hạn của Bảo Thoa. Nhiệt độc từ trong thai chính là cái tình nồng nhiệt của nhân gian, là lý do khiến con tim trai gái rung động vì tình yêu, là nghiệp chướng khiến Tần Khả Khanh, Lâm Đại Ngọc, Hạ Kim Quế phải chết. Bảo Thoa dùng cái lạnh để áp chế cái tình khiến cho nàng trở thành nhân vật vô tình, vì thế thoát khỏi phải chết vì tình ái. Tuy nhiên số phận của Bảo Thoa có thể nói là tệ hơn cái chết: nàng sống cuộc đời của một quả phụ dù chồng vẫn sống sờ sờ, trong một thứ “lãnh cung” do chính nàng và thế lực phong kiến nàng ủng hộ nhiệt tình tạo nên. Lần đầu Bảo Ngọc gặp Bảo Thoa, cậu có bị quyến rũ bởi thứ “hương lạnh” của nàng, cũng nhiều lúc Bảo Ngọc gần cô chị mà quên khuấy mất cô em, nhưng rốt cuộc trái tim cậu vẫn quay lại với “ngọc ấm” Lâm Đại Ngọc.

Bảo Ngọc lần đầu gặp Bảo Thoa, xán lại ngửi mùi thơm

Thử xem chính các nhân vật trong Hồng Lâu Mộng nhận xét về Bảo Thoa thế nào. Phượng Thư đánh giá Bảo Thoa là người “giữ gìn ý tứ, không phải việc của mình không bao giờ chịu hé răng, hỏi điều gì cứ nguây nguẩy lắc đầu.” Giới hầu cận thì bỗ bã hơn. Sau đây là đoạn thằng Hưng “buôn dưa lê” với mẹ con Vưu nhị thư về sự lạnh lùng của Bảo Thoa.

(…) một cô là con gái bà dì chúng cháu, họ Tiết, tên gọi Bảo Thoa, chừng như ở trong đống tuyết chui lên vậy. Khi gặp các cô ấy đi ra cửa, hoặc lên xe hay chơi trong vườn, chúng cháu sợ quá không dám thở.

Chị Hai cười nói:

– Nhà mày phép tắc lắm, khi trẻ con đi ra ngoài gặp các cô đều phải tránh xa, còn dám thở vào đâu nữa!

Thằng Hưng xua tay nói:

– Không phải thế! Không phải thế! Chính là giữ lễ phải tránh xa, điều đó không cần nói. Mặc dầu đã tránh xa, nhưng ai nấy vẫn phải nín thở vì sợ thở mạnh quá sẽ thổi ngã mất cô Lâm, thở nóng quá sẽ làm tan cô Tiết.

Bất chấp điều đó, Tiết Bảo Thoa vẫn là một nhân vật hết sức phức tạp. Sự lạnh lùng kể trên tuy là tính cách điển hình của Bảo Thoa song không phải là tất cả. Còn một Tiết Bảo Thoa thông thái, lãng mạn, tình cảm mà chúng ta sẽ cùng khám phá ở những bài sau.

 

*

Về Hồng Lâu Mộng:

- Đọc Hồng Lâu Mộng: Tần Khả Khanh – kẻ lẳng lơ trong mộng

- 5 dẫn chứng về mối quan hệ “bất chính” của Tần thị

- Hai chị em nhà họ Vưu: càng lăng loàn tợn càng đau vì tình

- Mượn món cà xào “xa xỉ” nói về ẩm thực thực-hư

- Giả Thám Xuân: con phượng hoàng sinh trong ổ quạ

- Người đàn bà ghen Hạ Kim Quế

- Tiết Bảo Thoa: Từ món thuốc giá băng đến mối lương duyên lạnh lẽo

- Đại Ngọc-Tình Văn: tuy hai mà một

- “Hận Phượng Thư, mắng Phượng Thư, không thấy Phượng Thư lại nhớ Phượng Thư”

- Giả Chính: dấu chân trên tuyết của tình phụ tử

- Gửi bác Phúc Bồ: về Xuân Cung Đồ và cái “hư” trong Hồng Lâu Mộng

- Diệu Ngọc: miễn cưỡng diệt dục, sư chả phải sư, tục không phải tục

- Đại Ngọc vs Bảo Thoa: viên ngọc đen vs chiếc thoa vàng, ai hơn ai kém?

- Giả Bảo Ngọc: “một nửa đàn ông là đàn bà”, lại là “nửa dôi”

- Tàn xuân bàn chuyện Nguyên Xuân

- Giả mẫu (phần 1): đầu tiên là chuyện giàu sang

- Giả mẫu (phần 2): đứa trẻ bất chấp và thiên vị

- Giả mẫu (phần 3): may còn được người viết về cuối rủ lòng thương

- Giả Nghênh Xuân (phần 1): rúc đầu vào sách, bịt mắt bưng tai

- Giả Nghênh Xuân (phần 2): hiền quá khó mà gặp lành

- Lý Hoàn của Hồng Lâu Mộng (phần 1): đè nén sống đời vờ nhạt nhẽo

- Lý Hoàn của Hồng Lâu Mộng (phần 2): tiếng hão đành vui phúc về già

- Về Giả Thụy của Hồng Lâu Mộng (phần 1): sự thôi thúc của phần con

- Về Giả Thụy của Hồng Lâu Mộng (phần 2): tấm gương mê gái có chết cũng (nên) soi

- Về Giả Thụy của Hồng Lâu Mộng (phần 3): bài học cảnh giác về “si”, về “sắc” cho… Bảo Ngọc

- Hồng Lâu Mộng: bi kịch của đàn ông thấy mình đầu thai thành đàn bà

- Tiết Bảo Thoa (phần 1): “lãnh mỹ nhân” giấu kín trái tim nóng

- Tiết Bảo Thoa (phần 2): Trong nóng, ngoài lạnh, thắng cả Lãnh Hương Hoàn

- Tiết Bảo Thoa (phần 3): Con sâu chủ động chui vào với hoa

- Đại Ngọc và mệnh Mộc: sống như cây và chết cũng như cây

- Bảo Thoa và mệnh Kim: hoa mai ấm trong tuyết lạnh

- Phượng Thư và mệnh Hỏa (phần 1): Nội vụ hai tay hai dao

- Phượng Thư và mệnh Hỏa (phần 2): máu đỏ của nam tính

- Bảo Ngọc và mệnh Thổ (phần 1):
Hiền như đất, gieo rắc yêu và khổ

- Bảo Ngọc và mệnh Thổ (phần 2):
Là gương nên không thể cùng người

- Về những cái tên trong Hồng Lâu Mộng (phần 1)

- Căn phòng “dâm tình và chết chóc”: Phần 1 – Từ bức tranh trên tường

- Căn phòng “dâm tình và chết chóc”: Phần 2 – Từ mâm vàng tới quả dưa

- Căn phòng “dâm tình và chết chóc”
Phần 3 – Từ giường báu tới màn châu

Ý kiến - Thảo luận

14:05 Saturday,10.3.2018 Đăng bởi:  Tuấn Kiệt
Tranh hoa mẫu đơn rất đẹp, rất tiếc là loại hoa mẫu đơn này khó trồng ở việt nam. Khí hậu gần giống với Trung Quốc mà sao khó trồng
...xem tiếp
14:05 Saturday,10.3.2018 Đăng bởi:  Tuấn Kiệt
Tranh hoa mẫu đơn rất đẹp, rất tiếc là loại hoa mẫu đơn này khó trồng ở việt nam. Khí hậu gần giống với Trung Quốc mà sao khó trồng 
14:08 Friday,18.11.2016 Đăng bởi:  Ly
@Trương Huyền My: mạn phép tác giả mình có vài dòng thảo luận thế này. Trong bài viết tác giả đã phân tích nhiều về độ "lạnh" của Bảo Thoa, ngoài ra còn rất nhiều tình tiết cho thấy Bảo Thoa là người lí trí hơn lí tình, ví dụ những lời nói của Bảo Thoa khi Kim Xuyến tự tử, khi cô ba Vưu tự vẫn và Liễu Tương Liên bỏ đi. Nhiều người coi đó là những lời phũ p
...xem tiếp
14:08 Friday,18.11.2016 Đăng bởi:  Ly
@Trương Huyền My: mạn phép tác giả mình có vài dòng thảo luận thế này. Trong bài viết tác giả đã phân tích nhiều về độ "lạnh" của Bảo Thoa, ngoài ra còn rất nhiều tình tiết cho thấy Bảo Thoa là người lí trí hơn lí tình, ví dụ những lời nói của Bảo Thoa khi Kim Xuyến tự tử, khi cô ba Vưu tự vẫn và Liễu Tương Liên bỏ đi. Nhiều người coi đó là những lời phũ phàng, đối lập với vẻ thanh cao của Bảo Thoa. Nếu bạn cho rằng truyện không đề cập tới tình cảm của Bảo Thoa, thì có lẽ là do đối với bạn những lời khuyên nhủ của Bảo Thoa đối với Bảo Ngọc về việc tu thân không tượng trưng cho tình yêu. Bảo Thoa theo chuẩn nam nữ yêu đương tự do thì không có ái tình gì thật, mà nếu có thì cũng đã bị đè nén hết rồi. HLM có 2 cái kết phổ biến (bản của Cao Ngạc, và bản phim truyền hình 1987), theo cái kết nào thì bạn cũng thấy là Bảo Thoa không phải người bị tình cảm chi phối. Ví dụ trong bản của Cao Ngạc, khi biết tin Bảo Ngọc bị lạc mất (thực ra là bỏ đi) sau khi thi), đồng nghĩa với việc mình sẽ thành goá phụ trẻ tuổi sẽ sinh và nuôi con một mình, Bảo Thoa hầu như không phản ứng gì ra mặt. Sau còn có đoạn Bảo Thoa khóc lóc, nhưng rồi lại quay ra an ủi mọi người, nói chuyện đạo lí (cái này là sở trường của Bảo Thoa hihi), phải nói là thần kinh quá thép. Theo nhận xét của mình thì Bảo Thoa là mẫu người ích kỉ, ngược lại hoàn toàn với nhận xét của các nhân vật trong HLM. Ích kỉ ở đây là làm gì cũng tính phần thiệt hơn, cái gì có lợi cho mình thì làm, cái gì không có lợi thì không hoàn toàn không ngó ngàng tới. Còn theo chuẩn phong kiến thì Bảo Thoa là người rất hiểu chuyện (đạo lí). Phụ nữ lấy chồng không chỉ biết có chồng mà còn phải hết lòng vì gia đình chồng, phụng dưỡng bố mẹ chồng và sinh con nối dõi là ưu tiên số 1 nên những việc làm của Bảo Thoa là cực kì phải đạo.

Tập Nhân đúng là bản phụ của Bảo Thoa, theo kiểu Tình Văn là bản phụ của Đại Ngọc. Nhìn vào những hành động của Tập Nhân và Tình Văn bạn có thể suy ngược một phần về Bảo Thoa và Đại Ngọc (và ngược lại). Phận của Tình Văn và Đại Ngọc là phải chết vì cái tình đối với Bảo Ngọc, còn Tập Nhân, đọc theo bản Cao Ngạc, sau khi Bảo Ngọc bỏ đi, chị ta cũng tưởng khóc lóc đau đớn, nhưng vẫn đủ tỉnh táo để nghĩ nên thế này nên thế kia. Mấy lần muốn chết, nhưng lần thì uống thuốc xong thấy khoẻ lại, lần thì nghĩ không nên chết ở nhà anh chị, lần thì nghĩ không nên chết ở nhà chồng mới cưới vì có vẻ tử tế... nên cuối cùng không chết :D 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả