Soi học

Jason và đội thám hiểm Argonauts (phần 3): Việc đầu tiên là giúp cả Nữ nhi quốc có bầu 08. 02. 15 - 8:42 am

Pha Lê

Tiếp theo phần trước

Người hùng Jason cuối cùng cũng đã diện kiến ông cậu Pelias quỷ quyệt. Pelias thấy Jason mang một chiếc xăng-đan như lời tiên tri thì hãi lắm, nhưng nom thần thái Jason, Pelias biết ngay rằng chàng không phải tay vừa, không thể thủ tiêu theo kiểu trực tiếp được. Pelias bèn mở tiệc tiếp đón Jason nồng hậu, chè chén no say xong Pelias kéo người hùng qua một bên rồi hỏi: “Mi bảo mi muốn ngai vàng, nhưng làm vua phức tạp lắm, nhiều trách nhiệm lắm, và phải biết giải quyết rất nhiều tình huống. Ví dụ như có ai đó ghét mi, mi sẽ làm gì để trừ khử tên đó mà không phải vấy máu?”
 

Bức tả lại cảnh Pelias nói chuyện với Jason, do Howard Davie vẽ minh họa cho cuốn “Thần thoại Hy Lạp” của Charles Kingsley, 1856.

Jason nghe thế bèn trả lời: “Tôi sẽ bắt tên đó đi lấy bộ lông cừu vàng”.

Pelias hí hửng “À, thế hay nhỉ. Mi nói mi là anh hùng, muốn phiêu lưu đây đó. Vậy mi đi lấy bộ lông cừu vàng về đây để chứng minh rằng mi đủ sức làm vua, ta sẽ nhường ngôi cho.”

Jason đồng ý, nhưng loay hoay do muốn vượt biển Đen là phải có thuyền bè tốt. Không sao cả, nữ thần Hera vốn ưu ái Jason và ghét Pelias nên đã nhờ thần thông thái Athena giúp đỡ người hùng. Athena bèn đưa đẩy Jason để anh gặp được Argus – một thợ đóng tàu giỏi của Hy Lạp – rồi hướng dẫn tận tình để Argus đóng nên con tàu lớn và tốt nhất.
 

Bức phù điêu có niên đại thế kỷ thứ nhất Công Nguyên, tả lại cảnh Athena (ngoài cùng trái) hướng dẫn Argus (giữa) đóng tàu cho Jason.

Khi hoàn thành, con tàu đẹp tới nỗi Jason đặt tên nó là Argo để cảm ơn ông thợ đóng tàu, rồi nói rằng những ai chịu phiêu lưu cùng mình sẽ là thành viên của đội “Argonauts”. Naut là tiếng Hy Lạp cổ, có nghĩa “thủy thủ”. Argonauts dịch sát rạt sẽ thành “các thủy thủ tàu Argo”. Tiếng Anh vẫn còn dùng từ này, ví dụ chữ astronaut – dịch sang tiếng Việt là “phi hành gia” – lấy chữ astro (vũ trụ, không gian) ghép với naut.
 

Bức “Tàu Argo”, Constantine Volanakis, 1907. Theo truyện thì Argo có tới 50 mái chèo, rất hoành tráng so với thời chưa có động cơ chân vịt.

 

Bức vẽ “Tàu Argo” năm 1530 của Lorenzo Costa này lại ví Argo như một con tàu biết bay? 50 mái chèo rối rắm quá chăng?

Có tàu rồi, Jason kêu gọi các anh hùng hảo hán gia nhập đội Argonauts của mình. Số lượng người tham gia rất đông, và toàn người nổi tiếng của tích Hy Lạp. Mỗi bản tích sẽ khác nhau tí chút trong việc điểm mặt chỉ tên những thành viên đội Argonuats, nhưng nhìn chung là có:

– Người hùng Hercules và cậu bồ Hylas 

– Chàng nhạc sĩ Orpheus (trước khi chàng này chết tan xác, tất nhiên)

– Cặp song sinh “trứng ngỗng” Castor và Polydeuces, con trai của Zeus và Leda, kiêm anh em của chân dài Helen 

– Peleus, bố của cậu Achilles 

– Theseus, người từng giết quái minotaur và bắt cóc Helen, nhưng chẳng biết anh tham gia trước hay sau khi mất mông?  

– Riêng nàng Atalanta, có bản nói nàng tham gia, bản nói Jason sợ phụ nữ lên tàu sẽ xui nên từ chối nàng, bản nói nàng thành sư tử rồi nên không gia nhập được nữa dù trước đấy Jason đã đồng ý.

Tiểu đội đông vui rồi, Jason nhổ neo lên đường.

Đất nước Hy Lạp vốn nhiều đảo, thế nên chẳng lạ gì khi tích về Jason kể lại việc chàng gặp nhiều biến cố trên nhiều hòn đảo khác nhau. Và biến cố đầu tiên nhóm phiêu lưu gặp phải là ở đảo Lemnos.

Đầu đuôi thế này, cách đây vài năm phụ nữ đảo Lemnos bỏ bê đền thờ của nữ thần Venus (chắc tại bà Venus toàn hiện thân cho những thứ lăng nhăng nên họ không thích cúng bái?), nữ thần nổi khùng ếm xì bùa cho toàn bộ phụ nữ Lemnos… bốc mùi thối. Thế là chồng các nàng này bịt mũi, không chịu ngủ chung giường. Riết rồi các chàng đi bắt cóc nữ nô lệ của đảo khác về tòm tem.

Việc đó khiến phụ nữ Lemnos nổi xung, họ tập hợp lại và cùng nhau giết sạch đám đàn ông của Lemnos. Riêng công chúa Hypsipyle thương bố, nên nàng bí mật đưa vua cha lên thuyền để chạy trốn. Sau đó Hypsipyle làm nữ hoàng trị vì Lemnos, và toàn bộ hòn đảo này trở thành nữ nhi quốc trong một thời gian, cho tới khi Jason và đoàn Argonauts dừng chân ở đây hòng tìm thêm nước uống, lương thực.
 

“Nữ hoàng Hypsipyle”, Octavien de Saint Gelais, 1496. Đây là hình minh họa cho cuốn “Heroines” (Các nhân vật nữ) của nhà thơ Ovid

 

“Hypsipyle đưa vua cha trốn khỏi đảo”, thế kỷ 15, không rõ họa sĩ. Đây cũng là hình minh họa, nhưng cho cuốn “On famous women” (Về những phụ nữ nổi tiếng) của nhà văn Giovanni.

Lemnos là đảo đầu tiên nhóm Jason cập bến nghỉ ngơi, ban đầu họ không có ý định nán lại lâu. Tuy nhiên phụ nữ của đảo gặp nhóm Jason thì vui như thể nữ nhi quốc vớ được (rất nhiều) Đường Tam Tạng. Hypsipyle lẫn các công dân Lemnos yêu cầu đoàn Jason ở lại lâu hơn để giúp họ mang thai, gầy dựng nòi giống. Đoàn Jason đồng ý, trừ Hercules không chịu tham gia mà ở rịt trên tàu với Hylas (sợ bồ giận?)

Hình như đoàn Argonauts không ngại mùi hôi của phụ nữ Lemnos (nhưng lênh đênh lâu trên biển thế không chừng các ông còn hôi hơn?), nên chỉ vài tháng sau là đàn bà con gái của đảo mang thai hết, và riêng Hypsipyle thì có mang với Jason. Jason lẫn các đồng chí thấy ở đây vui quá, quên bẵng chuyến hành trình tìm bộ lông cừu vàng.
 

“Jason và phụ nữ đảo Lemnos”, Piero Di Cosimo, thế kỷ 15. Hình như Jason là người mặc quần bó màu đỏ bên phải hình? Còn lại thấy toàn đàn bà không, chẳng thấy anh Argonauts nào khác cả.

Cũng may trong lúc đó, chàng Hercules đợi mãi không thấy anh em quay về, đâm bực, xộc thẳng vào nữ nhi quốc để kiểm điểm bạn bè tội quên nhiệm vụ. Jason lúc đó hối hận, bèn từ biệt Hypsipyle để lên đường làm nhiệm vụ tiếp. Nữ nhi quốc vui vẻ tiễn nhóm Argonauts lên đường.

Tóm lại, để chiến thắng biến cố đầu tiên thì nhóm Jason hiểu rằng mình phải chiến thắng những ham muốn của bản thân. Còn các biến cố tiếp theo thì sao? Chờ kỳ sau nhé.

*

Jason và đội thám hiểm Argonauts:

- Jason và đội thám hiểm Argonauts (phần 1): Bi kịch mẹ kế và cừu chở quá tải

- Jason và đội thám hiểm Argonauts (phần 2): Người hùng mang một chiếc xăng-đan

- Jason và đội thám hiểm Argonauts (phần 3): Việc đầu tiên là giúp cả Nữ nhi quốc có bầu

- Jason và đội thám hiểm Argonauts (phần 4): Giết oan vua, mất Hylas, và đuổi quái điểu

- Jason và đội thám hiểm Argonauts (phần 5): Dùng bồ câu lừa đá, né cảnh nhạy cảm, gặp đúng con “ông lông cừu”

- Jason và đội thám hiểm Argonauts (phần 6): Khi chân dài độc dược yêu người hùng

- Jason và đội thám hiểm Argonauts (phần 7): Rùng mình chân dài giết người chặt xác vì tình nhân

- Jason và đội thám hiểm Argonauts (phần 8): Kết cục lãng nhách của bậc thầy độc dược

Ý kiến - Thảo luận

23:30 Monday,9.3.2015 Đăng bởi:  phale
@tranthanh: Mình không dám nói tích Hy Lạp dựa theo chuyện "có thật". Chúng bắt nguồn từ truyện dân gian, từ tôn giáo cổ, rồi các nhà thơ như Ovid, Homer, Virgil... kể lại và đây là tích Hy Lạp chúng ta biết đến ngày nay. Percy Jackson cũng là hư cấu, nhưng nó hư cấu lại tích hồi xưa để viết thành tiểu thuyết thì mình sợ rằng lấy nó ra để mà kể chính xác tích cổ quả
...xem tiếp
23:30 Monday,9.3.2015 Đăng bởi:  phale
@tranthanh: Mình không dám nói tích Hy Lạp dựa theo chuyện "có thật". Chúng bắt nguồn từ truyện dân gian, từ tôn giáo cổ, rồi các nhà thơ như Ovid, Homer, Virgil... kể lại và đây là tích Hy Lạp chúng ta biết đến ngày nay. Percy Jackson cũng là hư cấu, nhưng nó hư cấu lại tích hồi xưa để viết thành tiểu thuyết thì mình sợ rằng lấy nó ra để mà kể chính xác tích cổ quả thật không có cơ sở.(Một đằng là tích cổ, một đằng là tiểu thuyết dựa trên tích cổ. Đúng là mình tổng hợp lại rồi kể cho vui nhưng mình không tự hư cấu thêm thắt cái gì ở đây hết. Nếu nói thật, cái hài của mình còn thua xa cái hài của các nhà thơ thời Hy Lạp La Mã nhiều lắm, nên nếu nói rằng các nhà văn hiện đại kể tích Hy Lạp theo kiểu dí dỏm thì phải xem lại)

Percy Jackson cũng là tiểu thuyết cho thanh thiếu niên, nó hấp dẫn theo kiểu của nó, nhưng chắn chắn không thể chứa những tình tiết sặc mùi tình dục đặc trưng của tích Hy Lạp, do xã hội Hy Lạp xưa rất cởi mở về mặt này. Bỏ qua nó để viết tích hấp dẫn theo kiểu khác không có gì sai, nhưng thị trường Việt Nam cũng nhan nhản sách như vậy rồi nên mình muốn tập trung vào những thứ ít ai chịu kể.

Rất ngưỡng mộ Rick khi ông cho nhân vật nam Nico thú nhận rằng mình "thích" Percy trong truyện "The House of Hades", vì đề tài đồng tính trong truyện thiếu niên vẫn khá cấm kỵ. Nhưng cuối cùng cũng là Nico thích đơn phương thế, chứ Percy mà là tích Hy Lạp thật thì hơn nửa nhân vật của bộ truyện sẽ có người yêu cùng giới rồi :)) khổ là đầu óc (tân tiến?) ngày nay sẽ không chấp nhận được điều đó nên Rick cũng phải dè chừng. 
22:42 Monday,9.3.2015 Đăng bởi:  tranthanh
Bởi vì Rick Riordan cũng là 1 nhà văn lấy cảm hứng từ thần thoại Hy Lạp (ở đây mình bàn tới 2 loạt truyện 'Percy Jackson and the Olympians' và 'Heroes of Olympus'), cũng là một người đã dày công sưu tầm và nghiên cứu hệ thống hóa TTHL (đến mức viết thành sách 'best seller' được), và giọng văn cũng dí dỏm hợp với SOI. Mình chỉ muốn tư vấn cho Pha Le và G.G. đọc thêm "Percy
...xem tiếp
22:42 Monday,9.3.2015 Đăng bởi:  tranthanh
Bởi vì Rick Riordan cũng là 1 nhà văn lấy cảm hứng từ thần thoại Hy Lạp (ở đây mình bàn tới 2 loạt truyện 'Percy Jackson and the Olympians' và 'Heroes of Olympus'), cũng là một người đã dày công sưu tầm và nghiên cứu hệ thống hóa TTHL (đến mức viết thành sách 'best seller' được), và giọng văn cũng dí dỏm hợp với SOI. Mình chỉ muốn tư vấn cho Pha Le và G.G. đọc thêm "Percy Jackson’s Greek Gods" (đã ra)
"Percy Jackson’s Greek Heroes" (sắp ra) của tác giả này để làm phong phú thêm các bài về Thần thoại Hy Lạp thôi =)) (vốn đã rất hay và phong phú) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả