Ăn uống

Không ăn Tết phí phạm nhờ Takikomi Gohan 22. 02. 15 - 7:36 am

Pha Lê

Ôi lại Tết, lại ăn (rất) no. Tết năm nay, tôi quyết thề sẽ mua thực phẩm sạch nội địa nhiều hơn nữa. Nhưng bên cạnh đó, nấu nướng như thế nào để không phí phạm nguyên liệu cũng quan trọng chẳng kém. Tết mà, hay phóng tay mua tùm lum với tâm lý “sợ thiếu”. Nhưng sau đó cái gì cũng thừa một tí, chẳng lẽ đem nấu lẩu hết? Tuy nhiên, nếu mỗi thứ dư ra vài tẹo thì ta phải làm gì cho nó không hổ lốn đây? Thôi đành học cái anh siêu tiết kiệm của châu Á chứ sao.

Cái anh siêu tiết kiệm ấy là anh Nhật, còn món thì không gì khác ngoài Takikomi Gohan. Dịch thật sát nghĩa, takikomi là “nấu với”, còn gohan là “cơm”.  Thế món nấu với cơm này là món gì nhỉ?

Takikomi Gohan, nấu trong nồi kame truyền thống. Gì thế này? Cơm độn khoai ư?

Cách đây mấy trăm năm, nước Nhật cũng nghèo và khó khăn lắm. Cơm gạo thế mà cũng thuộc hàng xa xỉ – chả trách sao các lãnh chúa Nhật tính của cải bằng cách đếm bao gạo (gạo họ trồng được trên đất họ lẫn gạo bổng lộc Tướng quân cho). Người thường đa số không đủ gạo ăn, phải nấu cơm độn y như người Việt nghèo hồi xưa.

Tất nhiên, đã là Nhật thì họ cố gắng phát triển cho món cơm nhà nghèo này ngon hơn, phong phú hơn. Nguyên liệu “độn” thay đổi tùy theo mùa, theo đặc sản địa phương. Như mùa xuân có cơm độn măng, mùa hè có cơm độn các loại đậu, mùa thu có cơm độn nấm. Họ bỏ các nguyên liệu lặt vặt vào, nấu chung với cơm. Nước nấu cơm thay vì nước lã, họ châm nước dùng và đôi khi có nêm cả nước tương. Vì mọi thứ bỏ vào nồi, sau đó thổi cùng gạo như vậy nên người Nhật đặt tên cho món là Takikomi Gohan.

Món cơm độn đậu nấu trong nồi kame

 

Takikomi của Nhật cũng bao gồm cơm độn khoai dân dã như Việt Nam. Khoai ở đây là khoai lang, xắt nhỏ rồi nấu chung với gạo. Hiện nay đời sống dân Nhật khá hơn nhiều, nhưng vẫn có người thích xơi cơm độn khoai khi thu hoạch khoai lang đầu mùa. Họ nói vị béo ngọt của khoai lang làm tăng độ ngon cho cơm trắng dẻo khi ăn cùng nhau.

Nghe hay nhưng có vẻ khó nấu? Thời còn nấu cơm bằng nồi đất hay nồi kame thì gì chả khó. Nhưng giờ có nồi điện rồi, ngay cả phần đông dân Nhật thì lúc thèm Takikomi là họ bỏ đủ thứ vô nồi và nhấn nút.

Nồi cơm điện chuẩn bị nấu Takikomi nấm. Nước nấu cơm là nước nấm pha nước tương.

 

Nấu Takikomi cá thì bạn cũng có thể bỏ chung hết vô nồi cơm điện một lần như vầy, khoẻ re. Với cá, ngoài nước tương ra bạn có thể thêm chút rượu sake nếu sợ tanh.

 

Không rượu sake, cách đơn giản nhất là bỏ gừng vào nồi cơm nấu chung với cá luôn, mùi tanh sẽ bay biến.

Nom tùm lum thế, nhưng bản thân món Takikomi rất lợi hại. Đầu tiên là món này sử dụng được nhiều nguyên liệu vụn vặt, ví dụ như nhúm nấm đem xào thì ít quá, bày ra vô duyên, còn bỏ chung nồi cơm (cùng các thứ khác nữa nếu còn dư) lại ra món hoành tráng, ai cũng xơi được chút mà không rón rén sợ ta đây ăn mất phần người kia. Hạt cơm Takikomi cũng ngon nữa, vì cơm này là gạo nấu với nước dùng, nước tương, chưa kể đến chất ngọt của các nguyên liệu khác như nấm, rau, thịt, cá… sẽ thấm vào cơm. Trong khi cơm trắng bình thường chỉ là gạo nấu với nước lọc không mùi vị.

Theo cách nào đó, Takikomi Gohan của Nhật khá giống với Paella của Tây Ban Nha. Mọi thứ nấu chung với gạo, đỡ mệt mỏi nấu tùm lum món mà lại xơi được đủ chất thịt rau, cơm nhờ hấp thụ chất ngọt từ những thành phần khác nên cũng ngon hơn.

Cơm Takikomi nấm càng cua, lắm lúc mua mấy bịch nấm nhưng xơi không hết, tôi bỏ nồi cơm nấu ra món này. Bạn thích châu Á thì nêm nước tương vào nồi cơm, khoái Tây thì cho vô nồi nhành thyme. Món ăn sẽ thơm phức.

 

Ngoài việc bới ra tô, bạn cũng có thể lấy cơm Takikomi vắt ra thành nắm, nếu ngày Tết phải đi lang thang thì vẫn có thể xách tay cơm nắm ăn dọc đường, rất tiện. Tốt nhất, nên độn vào cơm những thứ dễ xắt nhỏ hoặc không quá cứng như cà-rốt, bắp, đậu, nấm v.v… như vậy việc nắm cơm sẽ không quá khó khăn.

 

Cơm Takikomi với cá hồi, củ sen, khoai lang, cà rốt băm. Người Nhật thường nói rằng cơm hợp với các loại món, nên bỏ gì vào cơm cũng được. Cơm Takikomi bỏ cá chung với củ sen, cà rốt, thế mà nấu lên vẫn ngon (những món cứng như củ sen nên hầm trước một lúc rồi hãy cho vào nồi cơm). Phiên bản Việt có thể thay cá hồi bằng cá mặn, xé cá mặn rồi cho vào nồi nấu luôn. Cơm vừa đậm đà không phải nêm nếm, bạn có thể độn thêm rau rồi dụ con nít ăn. Trẻ con vốn khoái cơm cá mặn, món này cũng giúp một số loại rau bớt nhạt nhẽo nếu nấu chung.

 

Takikomi măng tươi. Nếu là măng khô thì khi nấu nước măng ngấm vào cơm, cơm sẽ đậm vị măng hơn.

Ngày Tết, nếu muốn đẹp hơn nữa thì người Nhật có phiên bản “đỏ” của Takikomi Gohan, gồm cơm hoặc nếp nấu chung với đậu đỏ. Họ gọi món này là Sekihan, và do người Nhật liên hệ màu đỏ với sự hạnh phúc, họ thường nấu Sekihan vào các dịp lễ hội, đám cưới đám hỏi để chúc nhau vui vẻ. Bạn nào đang dư đậu đỏ sau khi nấu chè ở nhà, có thể thử Sekihan hòng lấy hên.

Sekihan đỏ thắm của Nhật

 

Ngoài đậu đỏ, một số người Nhật còn độn thêm khoai lang nữa, vừa đỏ vừa vàng cho mâm cơm nó hên.

Nhưng nói thế, chứ Tết nhà toàn dư ra những món kỳ cục thì sao đây? Ví dụ như thừa hạt dưa, hạt bí, thịt heo, lạp xưởng…  thì sao nấu. Vẫn được đấy, cơm hợp với đủ thứ mà, Nhật còn lấy cơm đi nấu với hạt dẻ thì mình lấy cơm đi nấu các loại hạt khác, sợ gì.

Cơm hạt dẻ với ớt, ớt nồng, hạt dẻ giòn, cơm dẻo, tạo nhiều cảm giác thú vị khi nhai.

 

Takikomi (cơm hoặc nếp đều được) nấu chung với lạp xưởng, thịt gà. Nếu dư những nguyên liệu như gà hay lạp xường thì chúng ta vẫn có nồi Takikomi hấp dẫn, vừa tiết kiệm, không phí phạm, vừa hợp khẩu vị Việt.

 

Takikomi với lạp xưởng và sườn heo. Nếu siêng thì kho sơ thịt heo trước rồi hãy bỏ thịt vào nồi cơm điện, dùng nước thịt nấu cơm luôn cho ngon. Lười kho thịt riêng thì cắt nhỏ sườn ra cho thịt dễ chín trong nồi.

Hồi đêm 30, sang nhà ngoại ăn cơm thì thấy cô cậu chuẩn bị quá trời măng, rồi cả cà rốt su hào, nấm đông cô để làm canh bóng. Sau đó cô cậu dắt díu nhau đi nước ngoài thăm con, tôi và mẹ ở nhà với bà cùng một đống nguyên liệu thừa linh tinh. Thôi thì làm một nồi Takikomi cho đỡ phí của lẫn đỡ tốn thời giờ, còn rủ rê bạn bè đến nhà xem phim, chơi mạt chược, bà ngoại vừa ăn vừa nhấp tí rượu cacao.

*

Bài tương tự:

- Ăn uống: Mua hạt Tây ăn tết Ta

- Mùa chán ăn: làm Tzatziki để đỡ vác bụng

- Mùa chán ăn (phần 3): thòm thèm cá ngừ, cá hồi khi ngán thịt

- Mùa lười: uống trà chiều ăn bánh để hưởng Tết

- Không ăn Tết phí phạm nhờ Takikomi Gohan

- Pha Lê nấu ăn: Tết không ngán với ya-ua Hy Lạp (phần 1)

- Pha Lê nấu ăn: Tết không ngán với ya-ua (phần 2) – Cà-ri mà nhẹ tựa bóng bay

- Pha Lê nấu ăn: Tết không ngán với ya-ua (phần 3) – Heo ta heo tây đều ngon khi ngâm whey

- Pha Lê nấu ăn: muối trứng vịt và vỏ củ cải

- Pha Lê nấu ăn: dưa leo chua ngọt, tỏi miso, củ cải đỏ ngâm mơ muối

- Tết không ngán: làm món thịt “kho đi kho lại”

- Làm món ngâm nước bạn cho món nước ta thêm thanh nhã

- Đôi món ngâm chua cho Tết đoàn viên

Ý kiến - Thảo luận

11:48 Friday,1.2.2019 Đăng bởi:  Phương
quá hay, mình áp dụng luôn tết này, cảm ơn nhiều
...xem tiếp
11:48 Friday,1.2.2019 Đăng bởi:  Phương
quá hay, mình áp dụng luôn tết này, cảm ơn nhiều 
23:18 Sunday,22.3.2015 Đăng bởi:  Uyên Bùi
Giai đoạn bài vở ngập mặt, lười đứng bếp, chắc mai làm một nồi này quá! Nhà đang còn củ trải trắng, khoai lang, su hào, cả thịt heo hữu cơ lẫn măng khô. Nói chung cứ mỗi khi tụt mood thì lại lên SOI đọc bài ẩm thực của Lê là lại yêu đời! :))
...xem tiếp
23:18 Sunday,22.3.2015 Đăng bởi:  Uyên Bùi
Giai đoạn bài vở ngập mặt, lười đứng bếp, chắc mai làm một nồi này quá! Nhà đang còn củ trải trắng, khoai lang, su hào, cả thịt heo hữu cơ lẫn măng khô. Nói chung cứ mỗi khi tụt mood thì lại lên SOI đọc bài ẩm thực của Lê là lại yêu đời! :)) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Người ta tới đâu rồi,
còn ta thì tẹp nhẹp

Nguyễn Quân - Cung cấp ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả