Ở Đâu - Làm Gì

Vũ Dân Tân: Đến xem mà nhớ 13. 10. 10 - 11:35 am

Nhà thơ Dương Tường và thông tin triển lãm

 

SERIE TRANH VẼ ĐỒNG TIỀN

Triển lãm tưởng nhớ nghệ sĩ Vũ Dân Tân
Nhân một năm ngày mất (1946 – 2009)

Khai mạc: 17:00 – 20:00, thứ năm 14.10
Triển lãm: từ 15. 10 – 14. 11. 2010
Salon Natasha
30 Hàng Bông, Hà Nội


 “Vì không chấp nhận sức mạnh của đồng tiền trong thế giới thực tại, Vũ Dân Tân đã chế tạo ra những vật thay thế ‘giá trị’ hơn, và công bố rằng đó là đức tin, bởi chính vẻ đẹp của nó chứ không phải thứ nào khác, giúp cứu rỗi thế giới này.”
 
“Serie tranh vẽ đồng tiền của Vũ Dân Tân, sáng tác trong vòng gần 1 thập niên, từ năm 1994 trở đi.

“… Hiện thân cho thuyết nhân văn bền bỉ của Vũ Dân Tân, serie này miêu tả đồng Euro, đồng đô-la Hồng Kông, đồng dinar, và đồng bảng cùng nhiều loại tiền khác, đồng thời ngợi ca những sự kết nối giữa con người và các nền văn hóa.

“Trí thức, đầy hiểu biết về phương tiện biểu đạt, dễ dàng tiếp cận một cách thẩm mỹ, và phê phán một cách tinh tế, series sáng tác về tiền của Vũ Dân Tân là hiện thân hoàn hảo của thực hành nghệ thuật đương đại Đông Nam Á.

*

Vũ Dân Tân mất ngày 14. 10. 2009, trước đó 10 ngày, tên ông đã được đặt trên cho ngôi sao có mã số 05121009004 trong chòm sao Libra. Ký dưới chứng chỉ này ngày 1. 10. 2009 là nhà du hành vũ trụ German Titov. Ngôi sao ấymang tên “Tân họa sĩ vĩ đại“.

Nhân đây, mời các bạn đọc lại một bài của nhà thơ Dương Tường viết lúc họa sĩ mất. Một bài viết cảm động mà thật nhiều thông tin.

Nhà thơ Dương Tường và họa sĩ Vũ Dân Tân

 

TÂN ƠI

Tôi đứng tần ngần bên kia đường, nhìn sang số nhà 30 Hàng Bông.

Tôi không băng qua đường để vào nhà. Tôi sợ không nén được xúc động khi gặp mẹ Tân, gặp Natasha. Cho nên tôi vẫn chôn chân ở đó hồi lâu, dửng dưng trước dòng người và xe cộ ào ào qua lại. Và tiếp tục trò chuyện thầm với Tân.

Em đi thật rồi sao, Tân? Chúng mình với nhau, bao nhiêu kỷ niệm… Những buổi gặp gỡ bạn bè trên căn gác chật… Bùi Xuân Phái… Trần Thịnh… Châu Diên… Bửu Chỉ… Hoàng Đăng Nhuận… Trịnh Công Sơn… Trần Long Ẩn.., cút rượu nghèo, đĩa lạc luộc… mà trò chuyện, đàn hát thâu đêm…

Những chiều heo heo sang Thu, hai anh em đạp xe lên rặng ổi (giờ là đường An Dương Vương nối đường Âu Cơ) tạt vào một quán cóc chân đê làm mộc cốc chè xanh với kẹo dồi…

Và ngày hợp hôn của em với Natasha… Đó là một trong những đám cưới hỗn chủng ở Hà Nội. Anh là người ở lại cuối cùng, đưa “tân lang” và “tân giai nhân” xuống động phòng ở khách sạn Kim Liên. Thay vì xe hoa, ba đứa ba chiếc xe đạp tòng tọc đạp dưới trời mưa càng lúc càng nặng hạt…

Mới đó mà đã 24 năm… 24, con số nhiều duyên nợ với anh… Phải, với tôi, Vũ Dân Tân vừa là bạn vừa như một người em kết nghĩa. Ngoài tình thân, tôi còn mến phục tài năng và tính cách độc đáo của Tân.

Vũ Dân Tân ở Hàng Bông (Ảnh: Nguyễn Bá Quang)

Có thể nói ở ta, Tân là người đầu tiên ấp ủ khuynh hướng nghệ thuật đương đại, dù chỉ là một cách vô thức. Từ những năm 70 của thế kỉ trước, căn phòng của Tân đã mang dáng dấp của một installation (sắp đặt).

Có dạo, Tân được nhắc đến như “ông vua mặt nạ”. Những chiếc mặt nạ vẽ hổ, nhân vật võ tướng, người đẹp… trên mẹt, thúng, mo nang, ống bương… các cỡ lớn nhỏ thấm đẫm một chất humour (hài hước) huyền bí.

Sinh thời, Bùi Xuân Phái có lần nhận xét với tôi: “Ở ta, có hai tay vẽ tự do nhất là Trần Trung Tín và Vũ Dân Tân. Tuy rất khác nhau về bút pháp, chất liệu sử dụng, nhưng cả hai đều có một điểm chung: không quan tâm đến việc vẽ theo trường phái nào, isme (chủ nghĩa) nào, do đó không chịu bất kì ràng buộc nào”.

Tôi thì tôi gọi Tân là một phù thủy đụng vào bất kì cái gì cũng thành nghệ thuật, kể cả những đồ mà thiên hạ đã vứt vào sọt rác. Chả thế mà năm 1999, lần đầu tiên sang Mỹ, Tân đã “mê” ngay cái bãi xe thải ở Oakland, California.

Cùng với Lê Hồng Thái, Tân đã “hóa kiếp” cho một chiếc Cadillac đời 1961 thành một Icarus, nhân vật trong thần thoại Hy Lạp tự lắp cánh sáp bay lên phía mặt trời, tượng trưng cho ước vọng ngàn đời của con người muốn thoát ra khỏi sức hút của trái đất!

Installation này mang tên “Riencarnation” (Một cách chơi chữ: 3 từ Rien (tiếng Pháp) nghĩa là chẳng có gì, Car (tiếng Anh) nghĩa là xe hơi và Nation (tiếng Anh và tiếng Pháp như nhau) nghĩa là quốc gia, dân tộc, ghép lại thành từ Reincarnation (chỉ đổi vị tríhai chữ cái ie thành ei) nghĩa là hóa kiếp, thác sinh) được triển lãm tại gallery Pacific Bridge ở Oakland ngày 13/11/1999 và sau đó một thời gian được chở về nhà sàn của Đào Anh Khánh ở Gia Lâm, bên kia sông Hồng…

Ừ, thế là Tân đi thật rồi… Bây giờ là ba giờ sáng. Tôi vừa xem lại chiếc CD Chiều buông đầy những thở dài. Đây là cuộc triển lãm đa phương tiện – thơ, họa, sắp đặt, nhạc, nghệ thuật video – do Trung tâm văn hóa Pháp ở Hà Nội, L’Espace, tài trợ, khai mạc vào ngày 14/10 cách đây đúng 4 năm.

Ngay từ dạo ấy, Tân đã bệnh và rất ít rời khỏi nhà, càng không chịu xuất hiện trước công chúng. Nhưng khi tôi vừa đề xướng lập êkíp – Dương Tường, Vũ Dân Tân, Trương Tân và Nguyễn Minh Thành – làm một cú đa phương tiện đầu tiên, cũng là để đánh dấu tình bạn với nhau, thì Tân hào hứng hưởng ứng ngay.

“Chơi chứ! Tân hồ hởi. Cuộc đời là một cuộc chơi mà… Chơi đến tàn canh!”.Hóa ra đây là lần duy nhất chúng tôi chung tay dựng một tác phẩm!

Giờ đây, tôi lưu giữ nó như một kỷ niệm quý. Trong tĩnh lặng của đêm, tôi nghe lại trong CD những ứng tấu ngang tàng và phóng túng trên piano của Tân mà nghe như văng vẳng câu nói đã trở thành nổi tiếng của em: “Tôi đang trò chuyện với Mozart và ông nói tôi chơi piano rất OK”.

Bữa ấy, Tân bảo: “Đời là một cuộc chơi, nhưng phải chơi cho nghiêm túc… chơi hết mình… chơi đến tàn cuộc…” .Ừ, em đã chơi rất nghiêm túc, chơi hết mình, chơi đến tàn cuộc…

Và rồi em ra đi… Vào một ngày 14/10. Ôi, sự trùng hợp kỳ lạ! Ngày này, đúng 4 năm trước, tác phẩm chung duy nhất của chúng ta ra mắt công chúng… Có phải em đã chủ ý chọn ngày ấy để ra đi không, Tân ơi!

Dương Tường

 

*

Bài liên quan:

– Vũ Dân Tân: Đến xem mà nhớ 
– Bộ ảnh đẹp: salon, rượu thuốc và bánh gấu
 
– Nghệ thuật của “anh hề nơi triều chính”

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả