Nghệ sĩ Việt Nam

Oriental Influences: Thành Chương, Đặng Xuân Hòa, Hồng Việt Dũng… tại Texas 21. 03. 15 - 7:26 am

Phan Cẩm Thượng - Thông tin từ BTC

.

ORIENTAL INFLUENCES
Triển lãm nhóm của sáu hoạ sĩ Việt Nam nổi tiếng:
Đặng Xuân Hòa – Đinh Quân – Hà Trí Hiếu
Hồng Việt Dũng – Phạm An Hải – Thành Chương

International Modern Art Gallery, LLC
1802 Sunset Blvd, Houston, Texas 77005, Mỹ
Kéo dài từ 2 Tháng Hai – 27 Tháng Ba, 2015

Đây là thời điểm thay đổi của hội họa Việt Nam để chuyển sang những thế hệ hệ họa sỹ khác mới hơn, sinh sau chiến tranh, ít nhất từ năm 1975 đến những năm 1980, 1990. Chủ nghĩa Hiện đại (Modert Art) từng là điều hấp dẫn với các họa sỹ thời chiến tranh và bao cấp, thì bây giờ không còn mấy giá trị nữa. Nhiều nghệ sỹ trẻ đang theo đuổi ba nghệ thuật mới : sắp đặt, trình diễn và video art, với những ý tưởng xã hội có tính trực tiếp; hội họa chỉ còn là một phần của sáng tác và cũng thay đổi căn bản về thẩm mỹ, mà người ta hay gắn với khái niệm Hậu Hiện đại (Post Moder Art). Khi thế giới đang có xu hướng toàn cầu hóa, và “ phẳng ra “ như cách nói của các nhà kinh tế và xã hội, tác động không nhỏ đến những thế hệ nghệ sỹ Việt Nam – những người ra nước ngoài và trực tiếp xem nghệ thuật, sáng tác cùng với nghệ sỹ thế giới, nhiều hơn bất cứ ai ở trong nước. Tuy vậy thì do những vấn đề riêng của xã hội Việt Nam, mà đời sống dân chủ còn rất non yếu, đời sống văn hóa đang khủng hoảng và có chiều hướng đi xuống, thị trường nghệ thuật coi như không có, hoặc rất nghiệp dư, phụ thuộc hoàn toàn vào người mua bên ngoài, thì mỗi nghệ sỹ phải tìm cách chọn mình trong xã hội.

Thành Chương (sinh năm 1948) thuộc thế hệ họa sỹ những năm 1980. Ông tham gia chiến tranh và tiếp tục công việc hội họa vốn được đào tạo từ nhỏ. Trong họa sỹ có nhiều đam mê khác nhau – đam mê sưu tập văn hóa cổ truyền, đến mức xây dựng một bảo tàng mô hình về kiến trúc cổ Việt Nam, đam mê Quan họ Bắc Ninh và vẽ tranh với xu hướng ngôn ngữ lập thể. Dù dàn trải nhiều công việc khác nhau, mà việc nào cũng muốn đi tận cùng, Thành Chương vẫn dành cho sáng tác hội họa sự theo đuổi có chiều sâu. Từ một minh họa báo, một ký họa đơn giản, Thành Chương cũng ở gần lối vẽ phân cắt hình thể của mình, rồi sắp xếp những mảng hình thể theo một trật tự mới. Mầu sắc tương phản rực rỡ kết hợp với độ bóng của sơn mài, tạo ra một vẻ rất riêng của họa sỹ.

Thành Chương, “Chân dung tự họa”, 2007, sơn mài, 120 x 100 cm

 
Đặng Xuân Hòa
(sinh năm 1959) lứa họa sỹ trưởng thành những năm 1990. Dù không kinh qua quân ngũ, nhưng thế hệ họa sỹ nếm đủ mùi gian khó của chiến tranh phá hoại và thời Bao cấp nhọc nhằn. Khi thời Mở cửa và Đổi mới đến, nhóm năm họa sỹ Gang of Five của ông, trở nên nổi tiếng bởi lối vẽ có chất lượng, có phong cách riêng, hướng tới ngôn ngữ biểu hiện trừu tượng và sử dụng các mô típ nghệ thuật truyền thống. Hòa là người vẽ sơn dầu có kỹ thuật giản đơn và hiệu quả va đập bề mặt, có sự biểu cảm ngẫu hứng, biến hóa những cảm giác về nền văn hóa cổ và đương đại vào trong từng nhát bút.

Đặng Xuân Hòa, “Chân dung tự họa”, 2008, sơn dầu, 50 x 60 cm

 

Hồng Việt Dũng (sinh năm 1962) cùng trưởng thành với nhóm Gang of Five, từng được họa sỹ Việt Hải đánh giá có kỹ thuật sơn dầu tốt nhất trong nhóm. Ông không chú ý đến nghệ thuật Hiện đại (Modern Art) như các đồng nghiệp mà rẽ ngay sang một lối vẽ hiện thực mơ mộng. Dũng chú ý đến tính toàn thể giản đơn của một phong cảnh, biểu hiện không khí và hơi nước làm tan hòa mọi hình thể trong cảnh vật ấy. Và như một người không quá nhiều tham vọng, ông rất ít thay đổi, mà chỉ cố gắng đẩy sâu lối vẽ của mình.

Hồng Việt Dũng, “Sông lúc bình minh”, 2014, sơn dầu, 100 x 120 cm

 

Hà Trí Hiếu (sinh năm 1959), không học trường Mỹ thuật Yết Kiêu (Đại học Mỹ thuật Hà Nội), mà trưởng thành từ trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Ngoài thời gian làm họa sỹ thiết kế báo, ông không làm gì cho ngành design cả, và sớm tham gia nhóm Gang of Five với những sáng tác về đời sống đồng quê, dưới âm hưởng của ngôn ngữ biểu hiện trừu tượng. Hiếu bắt đầu với một vài hình thể đơn giản – con bò, người nông dân lang thang trên cánh dồng, trẻ con hát đồng dao trong không gian mờ tối, mà như Thái Bá Vân nói đó là thứ ánh sáng của đất. Tranh của Hiếu chân thật và đi cùng với ông trong những suy tưởng về tình người.

Hà Trí Hiếu, “Ba cô thôn nữ”, 2010, sơn dầu, 40 x 90 cm

 

Đinh Quân (sinh năm 1964) là họa sỹ thuộc thế hệ những năm 1990, nằm trong nhóm họa sỹ năm người (Nguyễn Quốc Hội, Trần Tuấn, Phạm Ngọc Minh, Trần Quang Huy và Đinh Quân). Nhóm này có những đặc sắc riêng, sau nhóm Gang ofFive, với những cá tính rõ ràng. Đinh Quân là người có nhiều tìm tòi về kỹ thuật sơn mài cũng cách thể hiện không từ chối sự bóng bẩy, kiểu sức – niềm thích thú bề mặt của riêng ông. Ông không chỉ vẽ sơn mài, mà còn theo đuổi hội họa trừu tượng với sơn dầu và điêu khắc hình thể khỏa thân với sự phô bầy không chút giấu diếm về bản ngã và nhục dục. Đi tìm cái mới luôn luôn là cái mà ông theo đuổi, mặc dù phần lớn chúng dừng lại ở hình thức và kỹ thuật, song điều đó cũng đủ tạo ra một diện mạo riêng.

Đinh Quân, “Mẹ”, 2014, sơn mài, 90 x 120 cm

 

Phạm An Hải (sinh năm 1967), sau một hai thế hệ so với tất cả các họa sỹ trên. Thời gian đầu ông vẽ những bức tranh về chính bản thân, niềm khắc khoải, thậm chí đau khổ với bút pháp biểu hiện. Dần dần, ông chuyển sang vẽ trừu tượng thuần túy và có cảm giác đã tìm thấy con đường của mình ở đó. Họa sỹ là người vẽ tranh sơn dầu trừu tượng hấp dẫn nhất ở Hà Nội hiện nay, với sự hòa trộn tình cảm đơn giản mà sâu lắng trên bề mặt. Thoạt tiên là những hình ảnh phố phường được khái quát như sơ đồ dẫn tới các cấu trúc trừu tượng, sau đó cứ thế vẽ tràn trên mặt phẳng với tâm tư và sự mạnh dạn kiểm soát được tất cả các sắc độ.

Phạm An Hải, “Hồ sen”, 2014, acrylic, 100 x 200 cm

 

Phạm An Hải, “Cân bằng”, 2014, sơn dầu, 60 x 100 cm

Tất cả các họa sỹ trên đã được biết đến trong vòng hai ba mươi năm nay, họ không còn là thời sự nữa, và bản thân hội họa cũng không độc chiếm đời sống nghệ thuật Việt Nam như trước. Nhưng tất cả đã trở nên lão luyện, có khả năng biểu hiện theo chiều sâu và sự chấp nhận số phận như những người phương Đông thuần túy, mà mọi ràng buộc xã hội, gia đình không cho phép họ đến một sự tự do tuyệt đối nghệ thuật. Nghệ thuật Việt Nam có những bối cảnh riêng của nó, không dễ nói thế này hay thế kia và không có những trường phái theo đúng nghĩa, nhưng họa sỹ và tài năng thì không thiếu, vì đó cũng là phương tiện biểu hiện tâm trạng xã hội tốt nhất.

 

Ý kiến - Thảo luận

13:02 Monday,23.3.2015 Đăng bởi:  Bop
"Vặn mình" là từ chuyên ngành của mấy môn "khiêu vũ", "xiếc uốn-zẻo" và/hoặc "cột sống trị liệu", Linh Cao áp vào 6 cụ ông nam-nhi hoạ sĩ lừng lững như vậy liệu các cụ có ưng không ? Nhưng lại gợi nhớ khí thế toàn ngành mỹ thuật thạch sanh thuở nào "zũ bùn đứng-zậy choái loà" hàhà :))))
Chúc 6 cụ đã đi là đánh, đã đánh là thắng !
...xem tiếp
13:02 Monday,23.3.2015 Đăng bởi:  Bop
"Vặn mình" là từ chuyên ngành của mấy môn "khiêu vũ", "xiếc uốn-zẻo" và/hoặc "cột sống trị liệu", Linh Cao áp vào 6 cụ ông nam-nhi hoạ sĩ lừng lững như vậy liệu các cụ có ưng không ? Nhưng lại gợi nhớ khí thế toàn ngành mỹ thuật thạch sanh thuở nào "zũ bùn đứng-zậy choái loà" hàhà :))))
Chúc 6 cụ đã đi là đánh, đã đánh là thắng ! 
12:48 Sunday,22.3.2015 Đăng bởi:  Linh Cao
Thầy Thượng viết bài này rất chừng mực, em thấy mọi người đều đã quá lời khi cmt vào những ý vụn . Mà không hiểu rằng trải dài qua hai thập kỷ, các thế hệ đàn anh này ít nhiều đã có cống hiến. Không yêu nghề thì làm sao có những bước vặn mình đứng dậy ngoạn mục như vậy? Họ đúng là những hoạ sỹ có name, ai không đồng ý, thì cứ tập trung vào tên tuổi
...xem tiếp
12:48 Sunday,22.3.2015 Đăng bởi:  Linh Cao
Thầy Thượng viết bài này rất chừng mực, em thấy mọi người đều đã quá lời khi cmt vào những ý vụn . Mà không hiểu rằng trải dài qua hai thập kỷ, các thế hệ đàn anh này ít nhiều đã có cống hiến. Không yêu nghề thì làm sao có những bước vặn mình đứng dậy ngoạn mục như vậy? Họ đúng là những hoạ sỹ có name, ai không đồng ý, thì cứ tập trung vào tên tuổi chính mình đi. Còn vấn đề đóng góp được đến đâu cho tạo hình, cho Cộng đồng, thì các bác ấy rất khiêm tốn, không bao giờ la hét như những con dê cỏn be be kia. Tư chất làm nên số phận, câu này rất Tây, thôi em cũng trích ra đây. Em chào ! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả