Bàn luận

Gửi nhóm Khoan Cắt Bê Tông
một nụ cười 13. 10. 10 - 7:11 pm

Mùa xuân hoa nở

Kính chào các bạn Khoan Cắt Bê Tông!

Với tư cách là một người quan sát, tôi rất bất ngờ với bài viết VỀ MỘT CÁCH NHÌN NGHỆ THUẬT của một bạn nào đó trong nhóm KCBT. Các bạn làm tôi từ bất ngờ này đến những bất ngờ khác, và đây cũng là lý do mà tôi gửi đến các bạn một nụ cười: Một nụ cười vừa ngạc nhiên, vừa mong ước… vừa mong muốn tương lai nghệ thuật của các bạn sẽ tốt đẹp đẽ hơn.

Các bạn ạ! Vì sao tôi bất ngờ? Tôi bất ngờ ngay từ lúc các bạn thông tin triển lãm về dự án Xà Bần, với những lời khá đao to búa lớn:
“Đó là buổi mở đầu mang đầy tính ngẫu hứng với tiêu chí hoạt động tách biệt hoàn toàn khỏi những mô hình nghệ thuật chính thống, thách thức những cách nhìn theo lối truyền thống, chính vì điều đó đã gây nhiều tranh cãi từ công chúng. Mặc dù vậy, họ vẫn được coi như một nhóm làm nghệ thuật đương đại có tinh thần cộng đồng và xu hướng mở…”

Càng đọc những lời đầy kỳ vọng này tôi lại bất ngờ tiếp với danh sách 8 nghệ sĩ tham gia, nào là: anh này thì nghệ sĩ thị giác, anh kia vừa là họa sĩ, vừa là nghệ sĩ thị giác. Còn những anh chị khác thì là nghệ sĩ tự do hay có anh kiêm luôn thi sĩ, văn sĩ…

Tôi bất ngờ vì các anh chị vừa non nớt, vừa có vẻ nông cạn, mà mơ ước thì quá sức của mình. Mà cũng đúng thôi, các bạn chưa hiểu họa sĩ và nghệ sĩ thị giác khác nhau chổ nào? Thi sĩ với văn sĩ khác nhau chỗ nào? Các anh chị đang thách thức với nghệ thuật chính thống nhưng kiểu thách thức này thì tôi biết ngay từ đầu khó mà ra gì, bằng chứng là triển lãm vừa rồi không cần phải bàn: khen chê các bạn như những comment, bài viết đưa tin là đã quá ưu ái, yêu quý các bạn lắm rồi. Điều này chứng tỏ người trẻ tuổi nhiệt huyết dù nông cạn đến đâu cũng được ưu ái.

Tôi lại bất ngờ với bài viết VỀ MỘT CÁCH NHÌN NGHỆ THUẬT vì tôi không ngờ những người như các bạn (không phân biệt được họa sĩ và nghệ sĩ thị giác khác nhau ở chỗ nào…) lại có thể viết một bài viết nhằm vào họa sĩ Lê Kinh Tài và nghệ sĩ Việt Nam cô đọng và súc tích đến thế để ngụy biện cho cái gọi là thách thức với nghệ thuật chính thống. Tôi tự hỏi: có phải chăng các bạn đã “thuê” được một nhà phê bình nào đó ở Miền Nam viết; nhưng người viết phê bình ở Miền Nam thì ít lắm, (bao lâu nay có mỗi Nguyên Hưng chẳng hạn). Nếu suy diễn của tôi là đúng, thì các bạn cũng “lém” lắm, “ghê gớm” lắm và tôi không dám tin vào điều này. Tôi hy vọng vào những con người trẻ như các bạn. Danh tiếng, phẩm chất, tài năng… của người nghệ sĩ  cuối cùng là tác phẩm các bạn ạ. Mọi sự khôn ranh, ngoa ngôn, cuối cùng là rác thải.

Nhưng thôi, tôi không quan tâm đến ai là người viết bài VỀ MỘT CÁCH NHÌN NGHỆ THUẬT, vì dù ai đi chăng nữa thì kiến thức của người viết ấy không những đã quá lạc hậu, mà còn viết với một cái đầu ngụy biện. Thí dụ, chúng ta cùng điểm qua các luận điểm của bài ấy:

1/
Khi họa sĩ Lê Kinh Tài viết: “…có mấy điều muốn góp ý với bạn Lê Thuận”, các bạn bắt bẻ ngay: “Nhân danh cho cái gì để GÓP Ý? Nhân danh tuổi tác chăng? Nhân danh cho một địa vị nào đó trong nghệ thuật chăng? Nhân danh cho một quan điểm nghệ thuật nào đó tự cho là chân lý chăng?”

Sao các bạn lại dùng những cái đầu Bê Tông thế nhỉ? Góp ý là đóng góp thêm một ý kiến thôi, không cần gì phải suy diễn như các bạn cho phiền phức. Và vì sao Lê Kinh Tài Góp ý, vì anh ấy là đàn anh của các bạn, quan tâm đến các bạn. Tính về tuổi tác cũng lớn hơn các bạn, trải nghiệm về đời và nghề cũng nhiều hơn các bạn.  Các bạn là hậu sinh, đang tập tành làm nghệ thuật thì làm gì phải đong đếm địa vị trong nghệ thuật. Các bạn làm  ra một tác phẩm cũng chưa xong mà đã “lên giọng” với đàn anh rồi. Góp ý, ấy là mong các bạn làm việc nghiêm túc hơn thôi, khi đã góp ý có nghĩa là các bạn được thêm một ý góp phần giúp các bạn chín chắn hơn chứ?

2/
Lê Kinh Tài viết: “Mình luôn trân trọng tất cả các sáng tạo của nghệ sĩ bất luận tác phẩm ấy hay hay dở, tác phẩm ấy thuộc xu hướng hay hình thức nào đi nữa nó cũng phải để phục vụ cho ‘cái đẹp’ đã, dù đó là cái đẹp bên trong”.

Tôi thấy Lê Kinh Tài hình như nhiệt tình quá với các bạn, bởi lẽ này mà anh phải thốt ra những điều rất cơ bản với một học sinh lớp 1 vẫn biết (nghe rất phô). Chắc lúc Lê Kinh Tài viết, anh ấy cũng nghĩ giống tôi, các bạn phải học lại từ lớp 1
.
Thế mà các bạn lại suy diễn nào là nhiều họa sĩ Việt Nam vẫn nói, nào là vững tin vào chân lý. Tất cả điều này đều do các bạn không tin và không dám tin vào sự thật của chính mình (phải học lại lớp 1). Nghệ sĩ sinh ra để tìm cái đẹp, cái đẹp luôn vĩnh cửu, và không bao giờ là ngớ ngẫn, phản động… dù hiểu theo nghĩa gì đi nữa, thì nó luôn là động lực của sáng tạo.

Nhưng các bạn lại ngụy biện cho những gì mình làm ra bằng cách viện dẫn, nào là mỹ thuật thế kỷ 20, bảo tàng như nhà thờ, ngôi đền, nào là nhân danh nghệ thuật đích thực… Tôi nhắc lại cho các bạn biết, các bạn chưa làm ra nổi một tác phẩm, chứ đừng nói gì đến chuyện nghệ thuật đích thực và không chính thống. Các bạn cũng ghê gớm lắm, thí dụ dám so sánh mình với Gauguin, Van Gogh, Matisse… không được công nhận, không được vào bảo tàng Louvre để rồi nước Pháp phải hối tiếc…

Ôi, đọc đến đây thì từ bất ngờ đến mắc cười các bạn ạ. Bởi ngụy biện như thế thì vừa lạc hậu, vừa rỗng, vừa khôi hài. Những gì các bạn đang làm, đang thách thức “chính thống” thì nó đã là chính thống từ lâu mất rồi các bạn ạ! Các bạn có đưa ra được những gì là mới đâu? là sáng tạo đâu? đó là tôi chưa kể ra là các bạn còn “nhái theo” nữa. Giờ đây các bạn lại còn ngoa ngôn…  Trong khi những trò các bạn đang làm chỉ là bêu xấu những người, những nhóm tiên phong trong lịch sử mà thôi. Và từ đó các bạn quy chụp ở Việt Nam chỉ toàn “tin vào một thứ nghệ thuật đích thực nào đó” (!), xét tất cả các khuynh hướng nghệ thuật hiện đại vào cái rọ “suy đồi” rồi tìm cách ngăn chặn mọi cố gắng tiếp cận lý thuyết một cách hệ thống, nên đã dẫn cả nền mỹ thuật vào tình trạng, mà có người nhận xét không quá chút nào là “bộ phận thoái hóa của nghệ thuật phương tây” !

Xin thưa, những gì các bạn đang làm mới chính là “ bộ phận thoái hóa của nghệ thuật phương Tây” đấy các bạn ạ! Đó cũng là điều mà các bạn làm người khác khó chịu dù người khác đã rất cởi mở, rất quan tâm. Ôi, đúng là hậu sinh khả úy!

3/
Lê Kinh tài viết:  “Tác phẩm của bạn (theo ý mình) như thể bạn muốn lên tiếng chà đạp lên Nghệ thuật giá vẽ?
Các bạn ngụy biện luôn: “không có cái gọi là “nghệ thuật giá vẽ”. Tranh giá vẽ có thể đạt đến một phẩm chất nghệ thuật nào đó mà cũng có thể không!”Vậy không có cái gọi là “Nghệ thuật giá vẽ” thì làm sao có cái gọi là “tranh giá vẽ”? Câu thứ hai của các bạn lại càng tối nghĩa! Chắc hiểu theo cách các bạn thì tranh giá vẽ là toan bỏ lên giá vẽ rồi vẽ mà không cần nghệ thuật cũng ra? Vậy nên các bạn chà đạp lên tranh bằng cái không hiểu biết của mình, bằng những bước đi trong vô cảm? Các bạn có biết, cả chép tranh cũng cần nghệ thuật đấy. Nhưng các bạn có hiểu gì là “tranh” không đấy. Khi các bạn không hiểu nghệ thuật giá vẽ là gì, tranh giá vẽ là gì, thì những quy chụp của các bạn về nghệ thuật Việt Nam cũng chẳng còn giá trị, do thiếu kiến thức mà ra thôi.

4/
Lê Kinh Tài nói: “Đành rằng bạn trẻ muốn tìm cái mới trong thể hiện tư duy nghệ thuật của bạn, không ai cấm bạn. Nhưng tác phẩm của bạn, theo tôi nó ngược lại với con đường bạn đang đi, bởi lẽ, con đường nghệ thuật trước tiên trái tim của bạn phải thật “NGHỆ”…”

Các bạn cãi ngay: Khi đã tin có một giá trị phổ quát cho “cái đẹp” và cho “nghệ thuật”, chắc hẳn Lê Kinh Tài cũng có một khuôn mẫu riêng cho “trái tim NGHỆ”. Nhưng như đã nói ở trên, những niềm tin như vậy đã là những lỗ hổng lớn, nên ý nghĩa của “trái tim NGHỆ” kia cũng trở thành vớ vẩn. Sáng tạo là một hành trình phiêu lưu tìm những vẻ đẹp mới. Đó là hành trình nằm ngoài những xa lộ, những đại lộ, những lối mòn… Kẻ nào dám dấn thân và cõi phiêu lưu mù mịt ấy bằng tất cả tâm hồn mình, kẻ đó mới xứng đáng được gọi là ‘nghệ'”.

Rõ ràng bất cứ nghệ sĩ nào cũng phải có khuôn mẫu riêng về “trái tim nghệ” của mình, không ai giống ai cả. Thế tại sao trái tim “nghệ” của các bạn không vớ vẩn, mà của Lê Kinh Tài các bạn lại cho là vớ vẩn? Ôi, chỉ có các bạn là dấn thân thôi, còn Lê Kinh Tài thì chịu thua à? Vậy thứ “Nghệ”  cứ dấn thân mãi mà không ra hồn ra vía, tự dưng thấy mình dũng cảm… thì gọi là Nghệ à? Đầu đường xó chợ mới là “nghệ” à? Còn đi trên đại lộ thì không là “nghệ” à? Thưa các bạn, cái “nghệ” đầu đường xó chợ đó, thấy mình luôn là người dũng cảm, ở Việt Nam đầy rẫy. Và nó là một hành động “đi tắt đón đầu” để nổi tiếng mà thôi.

Tôi nghĩ những điều Lê Kinh Tài góp ý thì các bạn nên lắng nghe, và nhìn lại mình. Mong rằng các bạn không nên ngụy biện, quy chụp với cái nhìn thiếu hiểu biết, thiển cận, và thù hằn với môi trường đã tạo nên chính mình. Riêng tôi không xem những gì các bạn đã làm ra là tác phẩm, dù rằng các bạn rất chịu khó, cố gắng tạo dư luận. Theo tôi ở nước ta hiện nay thì dốt quá cũng nổi tiếng, mà giỏi quá cũng nổi tiếng, tất cả đều chỉ là thứ danh hão, mà nghệ sĩ cuối cùng là tác phẩm. Rất mong được xem những tác phẩm tốt sau này của các bạn.

Trân trọng

Ý kiến - Thảo luận

20:18 Monday,24.10.2011 Đăng bởi:  Mít tờ SÚ
Nghệ sỹ Ngô Lực thân mến!
Tôi nghĩ bạn là người hiểu rất rõ từ SÚ. Bạn tỏ ra ngây thơ là phải vẽ tranh đẹp để bán.... (Bạn đã làm việc đó từ rất lâu rồi).
Thân SÚ
...xem tiếp
20:18 Monday,24.10.2011 Đăng bởi:  Mít tờ SÚ
Nghệ sỹ Ngô Lực thân mến!
Tôi nghĩ bạn là người hiểu rất rõ từ SÚ. Bạn tỏ ra ngây thơ là phải vẽ tranh đẹp để bán.... (Bạn đã làm việc đó từ rất lâu rồi).
Thân SÚ 
17:36 Sunday,31.10.2010 Đăng bởi:  Ngo luc
Bó tay với bạn Philip, giọng điệu đầy tính gầm gừ và tức tối, khi ai đó áp đặt cho người khác suy nghĩ của mình thì người đó rất khó cóthể có vốn văn hóa và hiểu biết.
...xem tiếp
17:36 Sunday,31.10.2010 Đăng bởi:  Ngo luc
Bó tay với bạn Philip, giọng điệu đầy tính gầm gừ và tức tối, khi ai đó áp đặt cho người khác suy nghĩ của mình thì người đó rất khó cóthể có vốn văn hóa và hiểu biết. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả