Bàn luận

Nếu… thì tư cách gì để bình phẩm? 15. 10. 10 - 10:19 am

Ngô Lực - Thành viên KCBT

(SOI: Trong phần trao đổi của bài Chớ dại bắt tay với cái già, bạn Nguyễn Ngọc có giải thích lý do vì sao thích Khoan Cắt Bê Tông nhưng lại không thích dự án Xà Bần – như sau:

Tôi thích những người còn trẻ khi làm việc thì thành một đội, như kiểu KCBT ấy, một đội (team) với một mục tiêu, một định hướng phải thử bằng được, chứ không phải một đội chỉ kết hợp lại cho một triển lãm sau đó là tan.
KCBT là thế, tạm gạt sang một bên những tiểu tiết râu ria kiểu phong nhau làm nghệ sĩ thị giác, thi sĩ, văn sĩ đi…, các bạn ấy có một định hướng rõ ràng: thách thức những gì hoa mỹ ổn định, phá vỡ những khối đông cứng trong quan niệm, trong thẩm mỹ.
Tốt. Nhưng các bạn ấy đang làm trong lãnh vực nào? Có phải là nghệ thuật không? Đúng. Đã gọi nhau là nghệ sĩ thì lãnh vực hoạt động phải là nghệ thuật, và cái làm ra phải là nghệ phẩm, dù đẹp hay không đẹp (theo quan niệm chính thống) thì cũng phải có “nghệ sĩ tính” trong đó. Ít nhất là trong ý tưởng phía sau tác phẩm.
Vậy cái khiến tôi không thích dự án Xà Bần cụ thể lần này vì:
– thiếu nghệ sĩ tính
– ý tưởng cũng là ý tưởng của NGƯỜI THƯỜNG về xã hội, không phải của NGHỆ SĨ, hay ít nhất của người có tư chất nghệ sĩ (xin lỗi, tôi chỉ nói trong dự án cụ thể này).
– từ một ý tưởng rất không có gì đặc sắc đó lại không chuyển hóa được thành nghệ phẩm
– chuyển từ ý tưởng sang sản phẩm theo một lối rất nôm na, trực tiếp, mot-à-mot: nói nhặt xà bần là nhặt xà bần, nói giẫm lên nghệ thuật là giẫm lên tác phẩm, nói ước mơ của mỗi người là cho mọi người ghi ước mơ ra…
– cái mà mọi người ngỡ là nghệ sĩ tính ở đây chỉ là cái bẩn của xà bần, của nhếch nhác. (Như hội chứng muốn giống nghệ sĩ thì phải ít tắm?)
– Túm lại là các bạn KCBT trong dự án Xà Bần này cho chúng ta một niềm hy vọng là các bạn ấy cũng không khá hơn chúng ta: cũng chỉ nhìn thấy cái bẩn của xà bần, cái khổ là cái khổ. Thế thì vì sao tôi phải lặn lội đi xa để xem một thứ không hơn gì tôi
Nhưng tôi vẫn tin với sự phóng khoáng của mình, các bạn KCBT sẽ làm được nhiều thứ hay hơn. Hãy hy vọng hơn là vùi dập.

Họa sĩ Ngô Lực, một thành viên của Khoan Cắt Bê Tông có bài nói lại. Để tiện theo dõi, các bạn xin lưu ý: “Vấn đề thứ nhất” mà Ngô Lực nói là để trả lời cho nội dung bài Chớ bắt tay với cái già. “Vấn đề thứ hai” là cho cmt trên. Mời các bạn đọc tiếp.)

Anh Nguyễn Ngọc,

Trong cmt của anh tôi thấy một vài điều như sau:

1. Vấn đề thứ nhất

– sự uyên thâm lý thuyết chỉ dành cho người già (?)
– gạt bỏ lý thuyết, gạt bỏ sự nỗ lực tìm hiểu về những tư tưởng lớn (như quên Duchamp)

Vấn đề này quá sai, thậm chí có vẻ như mị dân vì người trẻ càng phải cần lý thuyết cần phải được tiếp cận những tư tưởng lớn và suy nghĩ của họ về thế giới quan và từ đó tìm ra thế giới quan của chính mình, đó là cách đứng trên vai người khổng lồ để thực hành trong bối cảnh thực tiễn, hoặc cụ thể hơn là “suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương”.

Tôi đồng ý đây là những điều chẳng dễ dàng chút nào đối với những kẻ tư duy “tự sướng”, “núp bóng bảng hiệu, manh mún du kích, coi trọng sự tồn tại hơn là sự phát triển, lười biếng mà thích làm ông nội thiên hạ; Họ sợ biết nhiều và ngộ ra thấy cả quãng đời của mình trước kia chỉ là nhảm nhí và trì trệ trong tư duy nên đành dùng xảo ngôn ngụy biện nhằm mục đích hơn thua với cái mới cái lạ chứ không đếm xỉa gì tới kiến thức học thuật và sự trao đổi.

Tôi cũng hiểu sự nguy hiểm về lý thuyết, học thuật là một vấn đề nhiêu khê, nhiêu khê bởi vì rất dễ dàng rơi vào tay của những kẻ có tư duy nhược tiểu nên đôi lúc trong thời kỳ quá độ lão Hạc bỗng dưng bán được đất nên trở thành bá kiến và trở nên tàn bạo hơn là bá kiến, họ lại rơi vào cách sử dụng thứ lý thuyết theo kiểu khoe đầu sách mình đã đọc hoặc đưa ra những thuật ngữ bắt người đọc phải húc đầu vào tường, với tâm thế muốn làm vua xứ mù,biến tất cả những con cừu vừa bị chăn dắt vừa phải mang ơn bởi sự khai sáng. Dĩ nhiên điều này chứng minh sự “hiểu “ mà không “ biết” vì nhân loại chỉ đánh giá cao những người có tư tưởng, lấy sự tự do của con người tôn trọng con người làm nền tảng chủ đạo để đưa ra những giải pháp phát triển.

Còn vấn đề nữa, cũng là những vấn nạn vì có thói quen bị đô hộ về tư tưởng từ thời ông tổ nên khi tiếp xúc với những tư tưởng mới mẻ luôn luôn sao chép một cách sáo rỗng và thuần túy hình thức, Tây nó làm sao mình làm vậy cứ sao chép lấy mà làm; người Việt Nam mà đi lấy ví dụ về sự phân biệt chủng tộc ở mỹ ra làm cột mốc hoặc lấy tác phẩm nước khác tương đương về đề tài nhưng chẳng liên quan gì đến bối cảnh của mình đang sống xa rời thực tiễn ra so sánh, nhưng vẫn ngạo nghễ ta đây cũng tiên phong hiểu biết như ai.

Đành là vậy, nhưng tuyệt đối anh không được bài trừ lý thuyết và sự học hỏi, nó chỉ nguy hiểm đối với những người lẽ ra dưới mức để phê bình đó.

2. Vấn đề thứ hai

Trong cmt của anh Nguyễn Ngọc, anh nói về dự án Xà Bần:

– Ý tưởng của NGƯỜI THƯỜNG về xã hội, không phải của NGHỆ SĨ, hay ít nhất của người có tư chất nghệ sĩ
– từ một ý tưởng rất không có gì đặc sắc đó lại không chuyển hóa được thành nghệ phẩm
– chuyển từ ý tưởng sang sản phẩm theo một lối rất nôm na, trực tiếp, mot-à-mot: nói nhặt xà bần là nhặt xà bần, nói giẫm lên nghệ thuật là giẫm lên tác phẩm, nói ước mơ của mỗi người là cho mọi người ghi ước mơ ra…
– cái mà mọi người ngỡ là nghệ sĩ tính ở đây chỉ là cái bẩn của xà bần, của nhếch nhác. (Như hội chứng muốn giống nghệ sĩ thì phải ít tắm?)

Ý anh viết, tôi hiểu rằng không cần xem bóng đá, chỉ cần biết kết quả đội nào thắng đội nào thua là được rồi! Thậm chí không cần biết tiến trình và kết quả chỉ cần vểnh râu phê bình cho sướng miệng, không cần đến xem, không cần đặt câu hỏi, nhìn hoàn toàn theo cách bề mặt!

Cách nhận xét này dẫn đến anh bác bỏ hoàn toàn những hoat động dạng như ” lễ hội giải nghệ thuật trong chính nghệ thuật của họ”, dạng như thực hành nghệ thuật cộng đồng kiểu mới, dạng như quan hệ hai chiều giữa nghệ sĩ và công chúng địa phương, hòa chung vào văn cảnh của địa phương để thực hành nghệ thuật, dạng như giải cấu triệt để những không gian trưng bày mà vẫn tìm được niềm vui của sự tương tác với công chúng, chạm vào công chúng…

Được thôi, anh có quyền bác bỏ vì con đường đó không thể nào phù hợp với những người như anh.
Tuy nhiên tôi nghĩ nhóm KCBT còn rất nhiều điều thiếu sót về mặt”thẩm mỹ “mà rất cần được anh và độc giả góp ý. Nhưng “lưu ý thẩm mỹ ở đây không phải là cân bằng thị giác mà là những cảm xúc của một nhãn quan khác”, nếu như là người biết cảm thụ nhãn quan ấy, sao anh không đặt ra những vấn đề đáng bàn như:
– Đất nước nào cũng có xà bần, vậy sự khác nhau giữa cách làm việc của các bạn với cách làm việc của họ ra sao? Có cần thiết không?
– Mối quan hệ giữa KCBT và xà bần? Xà bần, cuộc sống đương đại liên hệ gì tới nghệ sĩ?
– Khuynh hướng của tác phẩm muốn đạt tới là điều gì? Tại sao?
– Tại sao lại nhếch nhác?
– Tại sao xà bần là tác phẩm tác phẩm là xà bần?
 – Làm thế nào mà tác giả có những xà bần đó?
– Tại sao tranh lại là xà bần?
– Và tại sao lại vẽ tranh này mà không phải tranh khác ?
– Những bức tranh đó vẽ gì?
– Anh có xem phim của Trân Châu mất rất nhiều ngày để có thể có một phim tài liệu những con đường những góc phố những đối thoại và những thành quả đó chế biến thành tác phẩm?
– Anh có hỏi với phim tài liệu đó người dân nói gì?
– Anh có hỏi tâm thế của Ngô Lực và những người nhặt xà bần có khác nhau quá xa hay không ?
– Anh có hỏi chiếc xe sẽ xuất phát và đem theo những sự kiện nào nữa không ?
– Những hình ảnh chụp có ý nghĩa gì?
– Anh có biết sự liên kết trong chuỗi dự án này của mọi người không?
 – Và trong chuỗi kết nối đó cuối cùng là họ sẽ biến hóa như nào để phù hợp hóa văn cảnh địa phương?
– các trình hiện hình thức đã phù hợp nhất với bối cảnh chưa?
– Cách lưu trữ những phim tài liệu để tạo ra giá trị cho dự án như nào ?
– Tất cả những công việc và quá trình tương tác sẽ ra sao? vv…

Vô vàn câu hỏi để thực hành tác phẩm, chúng tôi đã và đang còn tiếp tục suy nghĩ để đi đến sự hoàn thiện về ý niệm cũng như hình thức biểu đạt, vẫn tiếp tục và không bao giờ kết thúc !

Không phải là tôi cố đưa ra quá nhiều những câu hỏi để người đọc trở nên quáng gà nhưng tôi mong muốn kết thúc sự bàn tán vô bổ này. Tôi cũng biết luôn anh sẽ nói rằng đây là câu hỏi của những người học lớp Một, đúng vậy! Nhưng đó là điều anh chưa chạm đến được thì vấn đề bào chữa khác có còn ý nghĩa nữa hay không? Và điều này làm tôi tự hỏi không biết anh lấy cơ sở nào để đinh dạng cho cái gọi là nghệ sĩ tính? Thế nào là một nghệ phẩm khi anh nói: “Túm lại là các bạn KCBT trong dự án Xà Bần này cho chúng ta một niềm hy vọng là các bạn ấy cũng không khá hơn chúng ta: cũng chỉ nhìn thấy cái bẩn của xà bần, cái khổ là cái khổ. Thế thì vì sao tôi phải lặn lội đi xa để xem một thứ không hơn gì tôi..??)

Hôm triển lãm những người khách quan trọng mà chúng tôi đón tiếp không phải những người như các anh (dĩ nhiên là với tư duy như anh sẽ chẳng cần đến xem dự án này); họ là những anh xe ôm,bà bán rong, những cô nhặt rác, chị cắt tóc, những bé thiếu nhi, những người cảm nhận được những điều chúng tôi làm, họ cần phải đến coi những tác phẩm do chính họ làm ra hay những vật mà họ bỏ đi sẽ được triển lãm như thế nào, họ coi trong phim có họ đối thoại, họ đặt ra những câu hỏi cho nghệ sĩ một cách rất tỉ mỉ và trân trọng theo cách của họ.
 
Đây không phải là một công việc của một người đi làm công tác xã hội mà đây là một thái độ ứng xử khác với hiện trạng thực tại để tạo ra một ý nghĩa mới, và “Xà bần 1” chỉ là khởi đầu cho một dự án dài hơi, và tạo nên một kênh giao tiếp hữu hiệu với công chúng địa phương, từ đó tương tác với công chúng, cùng lúc phá bỏ những quan niệm thông thường, giải tỏa cách làm nghệ thuật cũ kỹ, các dự án Xà bần kế tiếp sẽ bám chặt vào hoàn cảnh địa phương để tạo ra những thực hành nghệ thuật nhằm thúc đẩy, hoặc đặt ra những vấn đề liên quan đến đời sống, mối quan hệ, những xúc cảm, giữa nghệ sĩ người dân địa phương và công chúng địa phương, từ đó hình thành chất xúc tác mới, cách nhận thức mới cho nghệ sĩ với bối cảnh thực tại…

Anh lên tiếng ủng hộ cách so sánh của Phạm Huy Thông về dự án rác Tây và dự án của KCBT thì tôi hiểu anh đang đứng trong nhãn quan nào rồi.
 
Nên nhớ tác phẩm nào có giá trị cho hoàn cảnh đó, cách làm nào phù hợp hoàn cảnh đó, cho dù có giống i chang về hình thức nhưng khác nhau về hoàn cảnh ý nghĩa cũng khác nhau, chứ đừng nói là so sánh khập khiễng hoàn toàn vô giá trị.
 
Rõ ràng cách anh đặt ra những nghi vấn về một dự án nghệ thuật một cách cực kỳ ẩu tả và thiếu suy nghĩ, như vậy thì mọi sự ngụy biện của anh về đương đại với tôi chỉ là một đống xà bần mà thôi !!!

Bất kỳ lúc nào ta cũng sẽ biến thành dại dột có khi cả ngày khôn, bất chợt chỉ vì một chút hẹp hòi nào đó sẽ biến mình thành ngớ ngẩn khi không tìm hiểu kỹ vấn đề mà lên giọng dạy đời. Bất kỳ lúc nào mà cất lên giọng trịch thượng hồ đồ bằng giọng đàn anh hơn tuổi tác xoa đầu em nhỏ trong nghệ thuật là lúc mình đã hạ thấp tư cách của chính mình. Hy vọng rằng nếu anh đã sai thì nên tự rút kinh nghiệm với mình thay vì ngụy biện bằng những xảo ngôn.

*

(Tên bài đầy đủ là: “Không nhìn thấy những điều cần khai thác thì tư cách gì để bình phẩm?”. Soi xin đổi lại như trên.)

*

Bài liên quan:

– Chớ dại bắt tay với cái già
– Nếu… thì tư cách gì để bình phẩm?

– Xà bần gửi Ngô Lực

Ý kiến - Thảo luận

22:21 Monday,8.11.2010 Đăng bởi:  ngô lực
chờ đợi mỏi mòn nhưng cũng chẳng nhận được câu hỏi nào cho ra hồn ở độc giả việt nam, ngoài câu hỏi của pamela cô này ở mỹ đang nghiên cứu về mỹ thuật Việt Nam! có lẽ đây là những câu hỏi thú vị và khó, điều này chứng minh rằng không có một điều gì xuất hiện trong những mớ lộn xộn ấy mà mang tính ngẫu nhiên cả, hoặc chính câu hỏi sẽ biến nghệ sĩ
...xem tiếp
22:21 Monday,8.11.2010 Đăng bởi:  ngô lực
chờ đợi mỏi mòn nhưng cũng chẳng nhận được câu hỏi nào cho ra hồn ở độc giả việt nam, ngoài câu hỏi của pamela cô này ở mỹ đang nghiên cứu về mỹ thuật Việt Nam! có lẽ đây là những câu hỏi thú vị và khó, điều này chứng minh rằng không có một điều gì xuất hiện trong những mớ lộn xộn ấy mà mang tính ngẫu nhiên cả, hoặc chính câu hỏi sẽ biến nghệ sĩ thành những người nhố nhăng khi không biết mình đang làm gì, tuy nhiên đây mới chỉ là câu hỏi của một cá nhân nhưng ít ra cũng phải xuất phát từ lăng kính như vậy .
1. Anh có thể nói cho chúng tôi biết về việc sử dụng hình tượng tôn giáo trong tranh vẽ và performance của các anh là như thế nào? Những bức tranh có hình ảnh mang tính thần thánh có nhiều cánh tay, giống như tinh thần đạo Ân, và trong performance có một người ngồi trầm ngâm ở bên dưới một chỗ đi vệ sinh như một thầy tu đạo phật. Thế thì - về một ý nghĩa nào đó - người ta đi vệ sinh lên đầu anh ấy nhưng mà lại có một ánh sáng trên đầu anh ta, thì cái này có thể tượng trưng cho điều gì?

2. Các sự ám chỉ về tôn giáo có liên hệ với những ý kiến nói chung đi ngược với những quan điểm truyền thống về cái đẹp, thẩm mỹ và hệ thống gallery như thế nào?

3. Sự tham gia của khán giả trong performance có quan trọng không? Ví dụ như là: Anh có xem việc mà khán giả tham gia trong performance là những mục đích của nhóm Khoan Cắt Bê Tông thực hiện không?

4. Việc mà khán giả hiểu biết về ý nghĩa của tác phẩm và performance có quan trọng không? Anh còn thấy là tác phẩm thành công nếu không có ai thật sự hiểu không?

5. Hình như Xà Bần theo mẫu Happenings mà Allan Kaprow đã tạo ra trong năm 1957. Đây là một dạng nghệ thuật có những loại nghệ thuật (ví dụ performance, painting, installation), mà nó cố gắng bỏ đi ranh giới giữa nghệ sĩ và khán giả, chú ý nhiều đến địa điểm và không gian của sự kiện, và nói chung, rất khó định nghĩa tại vì các sự kiện luôn rất khác nhau. Anh có thể nói về sự khác biệt giữa các đặc điểm của Happenings ở đây là vì xã hội và văn hóa Việt Nam không? Ví dụ, sự hài hước của performance trong Xà Bần II có sự khác nhau với performance ở nước ngòai như thế nào?

Chúng tôi đã nhận được rất nhiêu câu hỏi từ phái nhà chuyên môn trong nước và ngoài nước, (không giống như những cmt và một số bài viết) toàn là những câu hỏi thú vị và thách thức !và từ những câu hỏi này sẽ để lộ ra những điểm yếu của tác phẩm , và nhờ những câu hỏi đó chúng tôi cũng đã nhìn ra nhiều điểm bất hợp lý của dự án để khắc phục trong những dự án tới! 
14:00 Sunday,7.11.2010 Đăng bởi:  admin
Ngô Lực à, sao Ngô Lực không coi khinh đám giấu mặt này ngay từ đầu đi thì có phải là đỡ mất thì giờ không? Chứ tranh luận với nhau qua bao nhiêu bài, bao nhiêu tập, đến phút chót lại lôi "tư cách đại biểu" ra để bảo "các ngươi không xứng đáng với lời ta" thì không được hay. Còn nếu đã nói chuyện sòng phẳng thế nhé, thì trong tranh luận về Khoan Cắt Bê Tông, b
...xem tiếp
14:00 Sunday,7.11.2010 Đăng bởi:  admin
Ngô Lực à, sao Ngô Lực không coi khinh đám giấu mặt này ngay từ đầu đi thì có phải là đỡ mất thì giờ không? Chứ tranh luận với nhau qua bao nhiêu bài, bao nhiêu tập, đến phút chót lại lôi "tư cách đại biểu" ra để bảo "các ngươi không xứng đáng với lời ta" thì không được hay. Còn nếu đã nói chuyện sòng phẳng thế nhé, thì trong tranh luận về Khoan Cắt Bê Tông, bên KCBT vửa rồi, cũng chỉ có Ngô Lực và bạn Huệ Hữu là nói tên thật thôi, còn bên này có Lê Kinh Tài và Phạm Huy Thông. Huề chứ nhỉ? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả