Nghệ sĩ thế giới

2. 4. 1891: Max Ernst – “quái nhân” của Dada và siêu thực – chào đời 03. 04. 15 - 9:52 am

Bop Lavender tổng hợp và phỏng dịch

 

Max Ernst (1891 – 1976): họa sĩ, nhà đồ họa, điêu khắc gia, thi sĩ người Đức; một trong những nhà sáng lập của chủ nghĩa Dada và chủ nghĩa Siêu thực; một trong những nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20. Trong hình: Max Ernst, ảnh từ Catherinepayton.info

 

Năm 1909, 18 tuổi, Ernst ghi danh vào Đại học Bonn, học triết học, lịch sử nghệ thuật, văn học, tâm lý học và tâm thần học. Ông thường đến thăm các nhà thương và bị nghệ thuật của các bệnh nhân bị bệnh tâm thần cuốn hút; ông cũng bắt đầu vẽ năm đó: các tranh ký họa trong vườn của lâu đài Brühl, chân dung em gái và chân dung tự họa. Trong hình là bức “Hai chị em gái”, 1906 của Max Ernst

 

Năm 1911 Ernst kết bạn với August Macke (1887-1914) và gia nhập nhóm Die Rheinischen Expressionisten (Các họa sĩ Biểu hiện vùng sông Rhein) của Macke, với quyết tâm trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp.

 

Năm 1912, Ernst đến thăm triển lãm Sonderbund tại Cologne, nơi có trưng bày các tác phẩm của Pablo Picasso và các họa sĩ Hậu ấn tượng như Van Gogh và Paul Gauguin. Chuyến tham quan này có ảnh hưởng sâu sắc tới phong cách nghệ thuật của ông. Năm 1914, Ernst gặp Hans Arp ở Cologne. Hai người nhanh chóng trở thành bạn bè và mối quan hệ của họ đã kéo dài suốt 50 năm. Trong ảnh, hai ông bạn ở Cologne năm 1928. Ảnh từ trang này

 

Sau khi tốt nghiệp đại học vào mùa hè, cuộc sống của Ernst đã bị gián đoạn bởi Chiến tranh thế giới I. Ernst đã nhập ngũ và phục vụ trên cả mặt trận phía Tây và phía Đông. Một số họa sĩ biểu hiện Đức đã chết trong cuộc chiến tranh này, trong đó có Macke và Franz Marc. Ernst xuất ngũ năm 1918 và trở về Cologne, rồi kết hôn với nữ sinh viên lịch sử nghệ thuật Luise Straus (hình), người ông đã gặp năm 1914.

 

Năm 1919, Ernst tới thăm Paul Klee ở Munich và nghiên cứu các bức tranh của Giorgio de Chirico. Cùng năm đó, có cảm hứng một phần từ de Chirico và một phần từ những tài liệu tự nghiên cứu đặt mua qua bưu điện (vựng tập, sách dạy vẽ,…) ông bắt đầu sáng tác những bức tranh cắt dán đầu tiên của mình. Cũng năm này, ông đứng ra thành lập nhóm Dada ở Cologne, Đức, cùng với các nghệ sĩ tiền phong khác. Những tác phẩm thời kỳ này được ông ký dưới bút danh “Dadamax”. Trong ảnh là bức “”Wein, Weib, Greis und Blume” của Ernst, 1923

 

Không chỉ là người có rất nhiều ý tưởng cách tân cho các phương pháp cắt dán (collage) và ghép ảnh (photomontage) theo nhu cầu phát triển nghệ thuật Siêu thực, ông còn là nhà tiên phong trong họa pháp “chà xát” (frottage, đặt giấy lên bề mặt của một đối tượng rồi dùng bút chì cà lên trên cho đến khi các kết cấu của bề mặt đối tượng được ‘chuyển giao’ sang mặt tấm giấy; họa sĩ Nguyễn Gia Trí có thời kỳ cũng rất thích áp dụng lối này để thực hiện các bức khảo họa trừu tượng). Trong hình là một bức frottage của Max Ernst.

 

Năm 1922, Max Ernst tới Paris cùng các thủ pháp cách tân của mình và là một trong những người gia nhập phong trào Siêu thực ngay từ ngày nó ra đời tại đây năm 1924 (mặc dù tác phẩm ‘Con voi Célèbes’ (hình) ông sáng tác ngay từ năm 1921 vẫn được lịch sử mỹ thuật xem là một trong những tác phẩm lớn nhất của hội họa Siêu thực). Và năm 1925, Ernst công bố tác phẩm của mình tại cuộc Triển lãm Hội họa Siêu thực Lần thứ nhất ở Paris.

 

Trong những năm 1930, Max Ernst bắt đầu quan tâm nhiều tới điêu khắc. Trong hình là “Mẹ và con gái”, tượng của Ernst, 1959

 

Năm 1937, khi Đức quốc xã tiến hành cuộc thanh trừng chưa từng có đối với nghệ thuật hiện đại bằng việc tổ chức một cuộc triển lãm bêu riếu có tên là ‘Nghệ thuật suy đồi” (Entartete Kunst), đồng thời cho tịch thu và phá hủy hàng nghìn tác phẩm nghệ thuật hiện đại (như Biểu hiện, Lập Thể, Dã Thú, Ấn Tượng, Siêu Thực, Dada, trường phái Bauhaus, chủ nghĩa Khách quan Mới), nhiều nghệ sĩ đã phải trốn khỏi nước Đức, trong đó có Max Ernst. Khi Đức quốc xã xâm lăng nước Pháp, Max Ernst bị bắt tạm giam một thời gian ngắn. Trong ảnh: Bộ trưởng bộ 4T (Thông tin Tuyên truyền) của Đức Quốc Xã J. Goebbels thăm triển lãm Entartete Kunst

 

Năm 1938, Ernst chia tay với phong trào Siêu thực, song sự kiện này cũng không có ảnh hưởng nào tới phong cách của ông. Trong hình là bức “Vườn Pháp”, 1940 của Ernst

 

Qua năm 1941, ông sang Mỹ và ở lại đây cho tới năm 1948. Thời kỳ này, ông cộng tác với thi sĩ siêu thực Breton và họa sĩ Duchamp trong việc xuất bản tờ tạp chí VVV và vẫn tiếp tục sáng tác. Ở Mỹ, ông kết hôn với Peggy Guggenheim (ảnh – thương gia nghệ thuật khét tiếng) và chia tay nàng sau 4 năm chung sống. (Trong đời mình, ông đã kết hôn 4 lần).

 

Từ năm 1949, Ernst lại trở về Pháp và sống ở đây cho đến cuối đời. Trong hơn 20 năm cuối đời, nghệ thuật của ông ngày càng trữ tình và trừu tượng. Trong hình: “Composition en ocre”, 1975 của Max Ernst

 

Max Ernst mất năm 1976. Những bức tranh đậm tính phi lý và siêu tưởng vô song của Ernst có nhiều điểm tương đồng kỳ lạ với các trò chơi máy tính và văn học giả tưởng của thời hiện đại và số hóa toàn cầu – nơi luôn hiện hành nhiều thực tại song song – do đó, đã có ảnh hưởng tới nhiều thế hệ họa sĩ đương đại. Các tác phẩm của ông tiếp tục mê hoặc và truyền cảm hứng cho người xem đến tận ngày hôm nay. Trong hình là bức “Chim, cá, rắn và bù nhìn”, 1921, của Ernst.–

 

Trong hình là tác phẩm nổi tiếng ‘Petales et jardin de la nymphe Ancolie’ (1934) của Max Ernst được giới thiệu trong một cuộc họp báo trước hôm khai mạc triển lãm “Max Ernst- In The Garden Of Nymph Ancolie” tại Bảo tàng Tinguely, Basel, Thụy Sĩ ngày 11/9/2007. Những nhân vật chủ chốt của cuộc họp báo (từ trái qua phải): Werner Spies, chuyên gia về Max Ernst (lưu ý: xem phần kể thêm bên dưới hehe), Guido Magnaguagno, giám đốc bảo tàng và Annja Mueller-Alsbach, curator của triển lãm.

Kể thêm:

Thuộc hàng các danh họa có tranh được săn lùng nhất thế giới, Max Ernst cũng không thoát khỏi số phận trở thành nạn nhân của những vụ làm tranh giả. Trong vụ bê bối nghệ thuật được xem vào hàng lớn nhất nước Đức bị phát hiện ra năm 2010, ‘nhái sĩ’ thượng hạng Wolfgang Beltracchi cùng với vợ khai báo từng làm giả tranh của hàng chục họa sĩ, bỏ túi hàng chục triệu đô la, trong số đó có tới 25 tranh giả mạo Max Ernst 🙂
 

Hai vợ chồng nhái sĩ. Ảnh: CBS

Cũng theo Beltracchi, hắn đắc ý nhất là được ‘sáng tác’ những bức giả tranh của Max Ernst, và còn tự hào là mình vẽ Ernst ‘còn đẹp hơn cả chính Ernst vẽ’ 🙁

Trong số các bức tranh sau này được nhà điều tra xác định có xuất xứ từ lò nhà Beltracchi đã bán qua sàn đấu giá Christie’s ở London, bức tranh “Đám đông” ký tên Max Ernst đã được ‘quát’ tới 3,5 triệu bảng Anh và rốt cục bán được cho bảo tàng tư nhân Reynold Wurth của Đức. Một em hàng giả khác cũng do Beltracchi chế với bút danh ‘Max Ernst’ được nhái sĩ gắn biển “Khu rừng” tài tình đến mức nữ họa sĩ Dorothea Tanning – người vợ góa của danh họa – phải nắc nỏm rằng đây là bức ‘đẹp chưa từng thấy’ của cố nhân.
 

Wolfgang Beltracchi đang ‘biểu diễn tài năng’ vẽ giả tranh Max Ernst, đặt tên là “Khu rừng”. Ảnh của CBS

Thậm chí, một chuyên gia về Max Ernst là sử gia mỹ thuật Werner Spies, nguyên giám đốc Bảo tàng mỹ thuật hiện đại Pompidou ở Paris, cũng từng xem bức tranh “Khu rừng” này tại một gallery ở Berlin và hết lời khen ngợi. (Spies từng ‘chứng thực’ cho bảy bức tranh Max Ernst giả do Beltracchi chế). Bức này sau đó thậm chí còn được trưng bày trong một cuộc triển lãm vinh danh Max Ernst tổ chức tại Bảo tàng Metropolitan ở New York.

 *
Từ FB của Bop Lavender

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả