Đi & Ở

Đến bảo tàng nghệ thuật, nghĩ tới hai chữ “thiên tài” 15. 04. 15 - 7:14 am

Phó Đức Tùng

(Tiếp theo các bài trước, về Philadelphia, về trục đại lộ Parkways)

Philadelphia, 8. 4. 2015 

Bậc cấp dẫn lên Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia với hình Salvador Dalí trong một triển lãm của ông tại đây. Ảnh: Max Buten

Bước chân vào Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia, phần đầu tiên ở tầng 1 là triển lãm nghệ thuật Mỹ. Ngay khúc đầu là các tác phẩm của các nghệ sỹ ngoài luồng. Đây là những nghệ sỹ nghiệp dư, không bằng cấp, không tên tuổi. Họ có thể là người điên, đồ tể, làm bánh, tù nhân v.v. Tác phẩm của họ thường ngẫu hứng, làm từ những vật liệu linh tinh xung quanh, và có lẽ sẽ biến mất không sủi tăm nếu không có con mắt tinh tường nào phát hiện ra kịp thời. Nhưng bảo tàng nghệ thuật Philadelphia đã có chiến lược sưu tầm những tác phẩm này từ hàng trăm năm trước, và đã có những thứ mang tính tiên tri cho cả dòng nghệ thuật “mainstream” (chủ lưu). Việc đưa ra được chiến lược này, lại có năng lực sưu tầm được những thứ khó khăn đó, và nay trưng bày ở vị trí then chốt của bảo tàng, cho thấy cái tầm, cái tâm của người ta ghê gớm đến đâu.

Jacob Lawrence, “The Libraries Are Appreciated” (1943), thuộc Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia

 

Tiếp theo đó là nghệ thuật Mỹ thời thế kỷ 18, 19. Chủ yếu là nghệ thuật ứng dụng, như trong các sản phẩm nội thất, gỗ, đá, sành sứ, thủy tinh, kim loại, vải vóc v.v. Mục tiêu ban đầu của bảo tàng nghệ thuật Philadelphia là trưng bày những kiệt tác nghệ thuật ứng dụng, để làm mẫu cho việc đào tạo thẩm mỹ, tay nghề thủ công mỹ nghệ cho cả nước. Trường mỹ thuật công nghiệp được lập ở ngay gần bảo tàng, và sinh viên sẽ trực tiếp học hàng ngày tại đây. Đây cũng là một chiến lược cao quý và thiết thực biết bao. Xem khoang này, mới thấy vào thế kỷ 18,19, nước Mỹ đã thừa hưởng được tất cả những tay nghề tinh xảo nhất về thủ công mỹ nghệ của châu Âu, và họ biết cách bảo tồn, phát huy những hạt giống quý này một cách rất có bài bản.

Trang sức đá quý của Judith Kinghorn, bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia

Sau khu vực thủ công mỹ nghệ đó, đến một khu đặc sản của Mỹ, đó là giới thiệu văn hóa và sản phẩm gia dụng của giáo phái Shaker. Nếu ở phòng trước, ta đã chứng kiến năng lực làm ra những sản phẩm xa hoa, cầu kỳ, lộng lẫy và tinh xảo nhất, thì ở đây, đa được chứng kiến một triết lý sống khác hẳn, triết lý tối giản. Người Shaker sống trong những cộng đồng nhỏ, khiêm nhường, tự cung tự cấp, gần như không giao lưu với thị trường. Bài toán đưa ra là làm thế nào để không có bất kỳ một chi tiết nào thừa. Những thứ còn lại, tối giản, thiết yếu thì được xử lý với kỹ thuật điêu luyện, tình yêu và lòng kiên nhẫn vô biên. Đặc biệt, người Shaker rất quan tâm đến gia súc và đối xử với chúng như người thân. Thiết kế, xây dựng chuồng trại và các đồ cho gia súc kỹ lưỡng, đẹp đẽ không khác gì nhà cho người. Ngay đầu tiên vào phòng, ta được đọc dòng chữ: “Người tử tế thì đối với súc vật cũng tử tế. Mọi hành động thô lỗ đều thể hiện tâm hồn độc ác.” Hỡi ôi, mấy trăm năm trước, người ta đã nhận thức đến vậy, và thực hiện được triệt để vào đời sống. Vậy mà chúng ta ngày nay còn đi tranh luận những việc hiển nhiên như chém lợn Ném Thượng, thật là xấu hổ. Với triết lý tối giản và đạo đức vượt bực này, không trách người Mỹ có thể đi đầu trong thời kỳ hiện đại, vượt qua được cả những thành tựu đã rất hoành tráng của những thời Phục hưng, Barock châu Âu. Ta có thể cảm thấy cái protestant ethics của Max Weber, cái được ông cho là nền móng của chủ nghĩa tư bản, đã hiển thị sờ sờ ở đây, không phải nói ngoa.

Đồ đạc trong nhà của người Shaker. Ảnh của Dami, từ trang này 

 

Qua khu vực nghệ thuật Mỹ truyền thống, ta bước sang những gian trưng bày nghệ thuật ứng dụng thế giới, từ châu Á tới châu Âu. Cơ man là tuyệt phẩm của thủ công mỹ nghệ. Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Ả Rập, Ấn Độ, châu Âu v.v. đều được trưng bày đầy trân trọng, với những mái đình, nhà uống trà được mang về dựng lại nguyên trạng. Ta càng thán phục những nền văn minh khổng lồ về mỹ nghệ, kỹ nghệ trên thế giới kia, lại càng ngấm ngầm kinh hãi trước chiến lược thu giữ tinh hoa và học hỏi toàn cầu một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng của nước Mỹ.

Tranh vẽ Phật, trong triển lãm về Hàn Quốc, tại Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia. Ảnh của bảo tàng.

Sang tới phần mỹ thuật thuần túy, tranh tượng, thì cũng cơ man là tuyệt phẩm bốn phương, với những tên tuổi ghê gớm nhất trong vòng 200 năm trở lại. Trong phạm vi vài giờ cưỡi ngựa xem hoa, tôi cũng chẳng thể chú mục được vào tác phẩm nào, mà chỉ có thể nói rằng tinh hoa lớp lớp, nhiều không kể xiết. Chỉ đến phòng trưng bày tác phẩm của Cy Twombly thì tôi mới bị giật ra khỏi trạng thái mê sảng vì bội thực hình ảnh. Cả một căn phòng lớn, trưng bày năm tác phẩm lớn như bức tường của Twombly. Những mảng mầu lớn, những mớ nguệch ngoạc như đà điểu vẽ có tác dụng như một cái gõ vào đầu trong công án thiền khiến ta chợt tỉnh. Vẫn không hiểu gì, nhưng rõ ràng cảm nhận được có luồng năng lượng gớm ghê trong không gian đó. Những thứ thiên tài hẳn phải thiên tài mới hiểu hay cảm thụ, và tôi thì không phải thiên tài nên không thể hiểu. Nhưng rõ ràng qua đó, có cảm nhận rằng nước Mỹ có thiên tài, nhận ra và biết trọng dụng thiên tài, và hiện tượng nước Mỹ có những yếu tố thiên tài dẫn đến, không thể suy xét theo logic thông thường.

Gian trưng bày tác phẩm của Cy Twombly. Ảnh từ trang này.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả