Bàn luận

“Xà bần” gửi Ngô Lực 16. 10. 10 - 2:41 pm

Nguyễn Ngọc (tức Xà bần)

Thưa Ngô Lực, 

Bài của Ngô Lực có hai vấn đề. Vấn đề 1 tôi sẽ không bàn đến vì tôi thấy bạn hiểu sai ý tôi hoàn toàn, hoặc là một sự cố tình hiểu sai, nên tôi cho rằng mình không nên sa đà vào cuộc tranh cãi giải thích vô bổ đó. Nếu Ngô Lực hiểu đúng ý tôi nói (mà tôi cho rằng tôi, vì trình độ có hạn, đã nói rất nôm na dễ hiểu) thì khi đó cuộc tranh luận của chúng ta mới hòng mang lại gì đó cho người đọc.

Nhưng tôi chỉ nói thêm một chút: cho vấn đề đó, ai đọc bài tôi chắc cũng hiểu (chỉ trừ một người?), rằng tôi không coi thường lý thuyết, nhưng vận dụng lý thuyết ở mức độ nào là tùy ở trình độ nào. Các anh chị lớn ở các web lớn vận dụng lý thuyết nhuần nhuyễn vì họ có những đặc điểm (kinh nghiệm, tuổi tác, nghề đặc thù) để có thể nhuần nhuyễn. Độc giả của Soi và cụ thể là các bạn họa sĩ trẻ trong/theo dõi dự án Xà Bần, theo tôi, thì nên dùng lý thuyết ở một mức độ khác, gần gũi hơn và “vừa miệng” hơn để cho việc bàn luận về Xà Bần được dễ hiểu, vui vẻ.

Sang vấn đề thứ 2, khi tôi giải thích những lý do khiến tôi thích lý thuyết của Khoan cắt bê tông mà lại không thích thực hành của Xà Bần, Ngô Lực đã có phần đối lại khá gay gắt.

Tôi không có gì để giận Ngô Lực hết, tuy nhiên thấy đó là một thái độ chỉ kéo lùi chứ không giúp phát triển.

Tôi đọc bài và có cảm giác các bạn đã bị làm hỏng rồi. Ai làm hỏng các bạn, thôi để khi khác ta bàn. Các bạn chỉ thích nghe khen thôi. Ai khen thì các bạn thích đến mức không cần hỏi vì sao anh khen tôi? Anh khen có tỉnh táo không? Anh hiểu tôi đến mức nào mà anh khen? Nhưng nếu người ta chê, các bạn sẽ vặn vẹo anh biết gì mà chê? Và các bạn đặt ra một loạt câu hỏi như 19 câu hỏi bạn đặt ra với tôi trước khi ban cho tôi một thẩm quyền chê Xà Bần.

Tôi tự hỏi, những vị khách mà các bạn trân quý – các cô bác anh chị nhặt xà bần mà các bạn mời đến – họ có phải trả lời 19 câu hỏi này trước khi buông lời khen không?

Nghệ thuật là vắng lời ta” – ai đó đã nói. Nhưng nghệ thuật ở đây, ở Việt Nam này, tôi thấy “lắm lời” vô cùng. Nào tuyên ngôn, nào thông điệp, nào họp báo giải thích, nào chất vấn (khi bị chê). Tôi tự hỏi sao các bạn không chuẩn bị một đĩa CD ghi lại lời giải thích luôn, phát rỉ rả trong phòng triển lãm cho thuận tiện, tránh cho những người khách dốt nát như tôi đưa ra những lời chê “thiếu ý thức”.

Nếu xem tác phẩm mà phải vượt qua 19 bức tường lửa như Ngô Lực đưa ra, tôi sẽ có cảm giác ngán ngẩm như đọc một cuốn sách có quá chừng lời chú thích hoặc lời nói đầu. Thói quen của tôi khi đọc sách là: bỏ qua lời nói đầu, đọc ngay vào tác phẩm, sau khi đọc xong, nếu có hứng thú tôi mới vào đọc lời nói đầu. Một là để xem họ đọc khác mình thế nào, hai là được tìm hiểu thêm về tác giả, tác phẩm. Tôi cho rằng vấn đề ở đây là hai cách khác nhau của hai lối giáo dục khác nhau thôi. Tôi được dạy một quy trình xem tác phẩm khác. Ngô Lực được dạy một quy trình khác. Quy trình của tôi là lời đi sau hoặc “vắng lời”. Quy trình của Ngô Lực thì “khởi thủy là lời”. Không sai hay đúng ở đây. Chúng ta khác nhau thôi. Ngô Lực không phải cáu nữa.

Ngoài ra, tôi chỉ thấy buồn (và hơi buồn cười) khi Ngô Lực nói tôi ẩu tả, thiếu suy nghĩ, ngụy biện, xảo ngôn… Có cần phải quăng những từ đó ra thành một nắm làm mọi người tối tăm mặt mũi không? Tôi tự hỏi điều gì đưa đẩy khiến vốn từ của bạn lại lắm từ chua chát thế? Sao không chứng minh là tôi ẩu tả, thiếu suy nghĩ, xảo ngôn… thay vì “đi tắt, nói nhanh” kết luận luôn tôi là thù địch? Ngộ nhỡ tôi là một người vẫn ái mộ Ngô Lực nhưng lần này vì ngu tối mà chê Xà Bần thì sao? Khi đó tôi là “thù” hay là “bạn” đây? Và lối viết bài đầy những từ quy chụp như thế sẽ đưa việc bình luận tác phẩm đi về đâu? Hay lâu nay ở Việt Nam việc phê bình mỹ thuật đã là một thứ quá ngọt ngào rồi, thuộc thẩm quyền của những người “thuộc bài” cất những tiếng nói hàn lâm với vốn từ vựng hàn lâm rồi? khiến những tiếng nói bình dân và “không khéo nói” sẽ thành “thiếu suy nghĩ, vô văn hóa”?

Cuối cùng, tôi vẫn không thay đổi thiện cảm của mình với nhóm Khoan cắt bê tông. Giữa một rừng họa sĩ hoạt động riêng lẻ mạnh ai nấy sống, một nhóm như thế là nên có và lành mạnh về mặt hoạt động. Lần Xà Bần 2, nếu có tôi cũng sẽ đến xem, nhưng dù thích Khoan cắt bê tông đến thế nào, giờ đây tôi đã hoàn toàn không tin rằng sẽ có thêm một lần như thế.

*

Bài liên quan:

– Chớ dại bắt tay với cái già
– Nếu… thì tư cách gì để bình phẩm?

– Xà bần gửi Ngô Lực

Ý kiến - Thảo luận

21:05 Tuesday,19.10.2010 Đăng bởi:  ninh ninh
nói như anh Nguyễn Ngọc thì những cuộc hội thảo đối thoại với nghệ sĩ cũng chỉ là nhảm nhí. Xem ra Việt Nam mình có quá nhiều nhảm nhí vì nghệ sĩ thì lo cầy bừa để sản xuất ra tác phẩm hay sản phẩm cũng được, ý niệm ý niếc làm quái gì cho mệt là lại còn bị chửi nữa!!! bán tranh dẫu sao cũng có tiền ăn chơi, ai mà rả
...xem tiếp
21:05 Tuesday,19.10.2010 Đăng bởi:  ninh ninh
nói như anh Nguyễn Ngọc thì những cuộc hội thảo đối thoại với nghệ sĩ cũng chỉ là nhảm nhí. Xem ra Việt Nam mình có quá nhiều nhảm nhí vì nghệ sĩ thì lo cầy bừa để sản xuất ra tác phẩm hay sản phẩm cũng được, ý niệm ý niếc làm quái gì cho mệt là lại còn bị chửi nữa!!! bán tranh dẫu sao cũng có tiền ăn chơi, ai mà rảnh rỗi đi hỏi mấy ông 19 câu hỏi cho nhức đầu !!! 
21:54 Monday,18.10.2010 Đăng bởi:  thau thau
"Nếu xem tác phẩm mà phải vượt qua 19 bức tường lửa như Ngô Lực đưa ra, tôi sẽ có cảm giác ngán ngẩm như đọc một cuốn sách có quá chừng lời chú thích hoặc lời nói đầu. Thói quen của tôi khi đọc sách là: bỏ qua lời nói đầu, đọc ngay vào tác phẩm, sau khi đọc xong, nếu có hứng thú tôi mới vào đọc lời nói đầu. Một là để xem họ đọc khác mình thế nào,
...xem tiếp
21:54 Monday,18.10.2010 Đăng bởi:  thau thau
"Nếu xem tác phẩm mà phải vượt qua 19 bức tường lửa như Ngô Lực đưa ra, tôi sẽ có cảm giác ngán ngẩm như đọc một cuốn sách có quá chừng lời chú thích hoặc lời nói đầu. Thói quen của tôi khi đọc sách là: bỏ qua lời nói đầu, đọc ngay vào tác phẩm, sau khi đọc xong, nếu có hứng thú tôi mới vào đọc lời nói đầu. Một là để xem họ đọc khác mình thế nào, hai là được tìm hiểu thêm về tác giả, tác phẩm. Tôi cho rằng vấn đề ở đây là hai cách khác nhau của hai lối giáo dục khác nhau thôi. Tôi được dạy một quy trình xem tác phẩm khác. Ngô Lực được dạy một quy trình khác. Quy trình của tôi là lời đi sau hoặc “vắng lời”. Quy trình của Ngô Lực thì “khởi thủy là lời”. Không sai hay đúng ở đây. Chúng ta khác nhau thôi."

(Xem như này thì những tác phẩm ý niệm chỉ có nước khóc dở chết dở mà thôi!! Tội nghiệp những hoạ sĩ ý niệm họ sẽ không có đất sống trong một môi trường của những công chúng yêu chủ nghĩa bề ngoài!) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Đi xam xám giữa copy và biến cải

Daniel Grant - Ngọc Trà dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả