Đi & Ở

Boston: Trong lâu đài và giữa đồng hoa, nghĩ về tự do 23. 04. 15 - 6:19 am

Phó Đức Tùng

(Tiếp theo các bài trước, về Philadelphia, về trục đại lộ Parkways. về ấn tượng khi vào Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia, và về tranh tường ở Philadelphia)

Boston 12. 4. 2015

Tại khu downtown của Boston. Ảnh từ Internet

Boston – logic của giới tinh hoa

Boston là một trong những đô thị cổ nhất nước Mỹ, từng thịnh vượng trước Philadelphia, rồi phải nhường bước cho Philadelphia, nhưng nay thì có vẻ ổn hơn.

Nếu Philadelphia là một đô thị của sự bình đẳng, của dân lao động, thì Boston lại đặc trưng của một đô thị được dẫn dắt bởi tầng lớp tinh hoa, với những danh gia vọng tộc lâu đời, nổi tiếng. Chỉ nhìn vào bản đồ khu trung tâm Boston, ta có thể nhận ra ngay sự khác biệt. Nếu như Philadelphia có dạng bàn cờ trải khắp, thì trung tâm Boston có hình như một trái tim, rất hữu cơ, với các ngăn, các mạch chủ, mạch nhánh rõ ràng. Hiện nay, Boston là một trong những thành phố có mật độ cao nhất, đắt đỏ nhất, nhưng cũng được coi là thuộc loại tiềm lực nhất và đáng sống nhất, hấp dẫn nhất ở nước Mỹ.

Ngày đầu tiên tới Boston, tôi tham quan nhạc viện, vì có cậu em họ học sáng tác ở đây sẽ trình bày các tác phẩm giao hưởng tốt nghiệp của cậu.

Khu vực nhạc viện nằm ở phía Tây của trung tâm. Vừa lên khỏi bến tầu điện ngầm, trước mắt đã mở ra một cảnh quan đô thị khác hẳn Philadelphia. Những dãy phố sang trọng kiểu như Paris của Haussmann, với nhà cửa đồng đều ở mức 4-5 tầng. Kiến trúc tân cổ điển, không quá rườm rà, nhưng mạch lạc, chắc chắn, và vẫn còn một số chi tiết trang trí riềm mái, cửa sổ, ban công, cửa chính nổi bật sự xa hoa. Tầng trệt có nhiều cửa hàng cửa hiệu, không liên tục như một cái chợ mà xen lẫn nhà ở, nhưng đủ mật độ, độ đa dạng để hấp dẫn. Ngân Hàng Mỹ (Bank of America) cũng nằm trong một tòa nhà cổ kính, xây gạch đỏ để trần. Một góc phố thấy đề biển siêu thị, nằm ở tầng trệt một tòa nhà cổ, trông không khác gì một tiệm tạp hóa nhỏ trong phố, nhưng bước qua cửa thì mở rộng ra thành một siêu thị rộng mênh mông. Tòa nhà Apple cũng bốn tầng, tối giản, mặt kính trong suốt, như một cái cầu nhiều tầng nối giữa hai ngôi nhà cổ hai bên; không gian bên trong hòa lẫn với bên ngoài, tấp nập người như là một mảng vỉa hè mở rộng.

Tòa nhà Apple Store ở Boston với bãi cỏ trồng trên nóc. Ảnh từ trang này.

Đi mấy bước thấy mở ra một quảng trường rộng, với tòa nhà thờ mái tròn romanic bề thế ngự ở chính giữa. Phố xá có đường thẳng đường chéo, đi vài bước lại nhìn xuyên được qua những ngõ hẻm vào những sân rộng, yên tĩnh, ngập tràn ánh nắng. Dạo một đoạn nữa là ra tới mặt nước, để tự nhiên, lau sậy mùa đông vàng rực, còn chưa ra lại màu xanh. Dõi mắt ra xa hơn, là một vòm cầu thấp, xây đá tảng chắc nịch mà thơ mộng như La Mã cổ. Một góc phố khác, quán nhậu bày bày ghế kín vỉa hè, khách đông nghịt, cười nói rộn ràng…

Nhìn chung, có cảm nhận ta rơi vào một đô thị rất chau chuốt, giàu có, ổn định, như là ở Zuerich, Bern hay Muenchen. Cấu trúc đô thị chặt chẽ, hữu cơ như một bức tranh Cezanne, như bàn tay nắm chặt, không có những lỗ trống phải vá víu, cũng không có chỗ cho nhưng công trình đương đại quá khổ, nhảy bật ra khỏi bối cảnh như ở nhiều đô thị xộc xệch khác. Người đi lại trên phố không quá đông, nhưng đủ độ sầm uất, và dáng đi sinh động, nhanh nhẹn chứ không phờ phạc, dặt dẹo như ở những khu ngoại vi Philadelphia. Và đặc biệt rất ít người béo phì.

Nói chung, từ nhà cửa, hàng hiệu, cho tới xe cộ, con người, đều cho ta cảm giác như rơi vào giới thượng lưu, toàn người giàu có, thanh lịch. Đến đây, ta có cảm giác đầy đủ, và chỉ muốn ngồi xuống một chỗ, nghỉ ngơi sưởi nắng, ngắm cảnh phố phường, bởi vì không gian xung quanh, nhịp điệu xung quanh cung cấp đủ độ đa dạng, độ trù phú cho một nhu cầu tinh thần đói khát. Trong khi đó, ở Philadelphia, chân ta không muốn dừng, mắt ta không muốn dừng, vì những thứ ta thấy ở xung quanh một chỗ vẫn chưa đủ đô, cần phải đi rạc cẳng để có thể lượm lặt đủ những ấn tượng, những trải nghiệm cho ta đỡ cơn khát. Còn nếu chân ta lười, ta sẽ ngồi một chỗ, buồn chán và trở nên béo phì.

Một con phố ở Boston. Ảnh từ Internet

Nhà hát Boston nổi tiếng thế giới, nằm một bên quảng trường. Nhưng nếu không để ý, chưa chắc đã nhận ra là nhà hát. Kiến trúc nhà hát nhỏ bé, giản dị. Trước mặt nhà hát chẳng có cột trụ hoành tráng, mà chỉ là một mái hiên mỏng thấp che mưa nắng cho người xếp hàng mua vé. Đi vào sát tận nơi mới thấy dán giấy chương trình biểu diễn ở trước cửa. Có cảm giác đây là một câu lạc bộ bi-da ấm cúng của một cụm dân cư hơn là một nhà hát tầm cỡ thế giới.

Nhà hát Shubert ở Boston. Ảnh: Tim Pierce

Tương tự, nhạc viện Boston và đại học nhạc Berklee – những cái tên danh giá hàng đầu thế giới về âm nhạc – cũng nằm trong những tòa nhà khiêm nhường như tất cả các nhà khác trong dãy phố, chỉ khác mỗi một cái băng rôn hẹp chạy dọc ghi tên phía trước. Ngay cạnh tòa nhà chính nhạc viện là những tòa nhà dân cư khác, sang trọng và cổ kính tương đương. Trước cửa một số nhà có treo một lá cờ xanh của nhạc viện, thì đó là ký túc xác sinh viên của nhạc viện, để phân biệt với những nhà dân bình thường.

Trường nhạc Berklee. Ảnh từ Wikipedia

Thế mới biết, nếu ở Philadelphia, âm nhạc, nghệ thuật được tôn sùng tuyệt đối, đặt vào thánh đường Acropolis, trong những lâu đài hoành tráng, khiến dân thường phải khiếp hãi tôn thờ thì ở Boston, âm nhạc, nghệ thuật đỉnh cao lại ăn vào từng tế bào, từng thớ thịt đô thị, trở thành sinh hoạt câu lạc bộ hàng ngày, bình dị như những sự hiển nhiên.

Thế người nghèo, người thường thì ở đâu? Tất nhiên cũng trong những tòa nhà sang trọng, lộng lẫy đó, như những sinh viện nhạc viện Boston. Nếu như Philadelphia ép danh nhân cũng phải ở bàn cờ, ăn cheesesteak thì Boston giấu những người nghèo, người thường trong những lâu đài. Ở đâu ta cũng ít thấy sự chênh lệch, phân biệt một cách thô thiển đẳng cấp. Ở đâu, sự bình đẳng cũng tương đối, đủ giữ thể diện, nhân phẩm cho tất cả mọi người cũng được đảm bảo. Nhưng ở Philadelphia, thước đo là của bình dân, còn ở Boston, thước đo là của quý tộc.

Câu hỏi đặt ra: Boston sang trọng như thế, đắt đỏ như thế, liệu người nghèo có sống được không? Hãy xem cậu em họ tôi, một sinh viên Việt Nam, đến từ gia đình bình thường của một nước nghèo loại nhất thế giới, phải đóng một phần tiền học, tự túc tiền sống, tiền nhà, mà vẫn sống được, và chẳng muốn về, thì hiểu rằng người nghèo cũng có thể sống. Nhưng họ sống thế nào?
Bước qua cửa căn nhà 75 Westlane, một ngôi nhà phố bề thế, hoành tráng và cổ kính như tất cả những ngôi nhà quý phái khái trong dãy phố, tôi leo lên thang tới tầng 3, nơi cậu em thuê phòng trọ. Bước qua cửa vào tầng 3, quang cảnh thay đổi hẳn. Từ không gian cầu thang cổ điển, cao vút, tương đối rộng rãi, ta vào một hành lang nhỏ xíu, ngoắt ngoéo. Cậu em ở trong một căn phòng, bé hơn tất cả những căn phòng cho công nhân và sinh viên thuê ở Việt Nam mà tôi từng thấy, chắc chỉ khoảng 5-6m2. Cậu thanh niên to lớn, ngồi thu lu giữa đống vali, chăn chiếu, quần áo, sách vở ngổn ngang, hôi hám, nhưng cũng ấm cúng, như một cái ổ chuột của người vô gia cư góc phố, chỉ thiếu con chó và cái bát xin tiền. Tầng này có 5-6 căn phòng, cho sinh viên các nước thuê, chủ yếu sinh viên âm nhạc. Toilet nhà tắm chung cả tầng, cũng nhỏ hẹp như hành lang. Bếp ăn chung ở cuối hành lang, xộc xệch lộn xộn như một góc kho, có vẻ chẳng mấy ai dùng. Cậu em mượn cho tôi phòng bên cạnh của một cậu sinh viên Hong Kong đang về nghỉ phép, phòng vẫn mở cửa, vào ở được. Phòng này to gấp đôi phòng cậu em, có cử sổ lớn hơn, thoáng hơn hẳn. Tôi hỏi giá thuê phòng, nó bảo phòng nó 820 USD một tháng, còn phòng này hơn 900. Tôi bảo chênh nhau có một ít, sao không thuê phòng to mà ở. Nó tròn mắt ngạc nhiên: ở thế đủ rồi mà, sao phải rộng hơn?

Sáng hôm sau, bà mẹ ở Việt Nam sang hì hục nấu cho cậu con trai đủ thứ món, từ cơm, gà rán, trứng rán, rau xào, thịt bò bít tết v.v. để cậu lấy sức cho buổi biểu diễn quyết định của cả 4 năm học. Cu cậu ngồi vào bàn, chỉ nhúng đũa mỗi thứ một miếng, rồi ngồi thừ ra, vì bao nhiêu năm chỉ ăn sáng ngũ cốc đạm bạc, không thể nuốt được từng ấy thứ vào buổi sáng.
Một lát, cậu vào thay đồ để đến trường, sơ mi đen, complet đen, giày da bóng lộn, dáng cao ráo thẳng thớm, tay cầm đũa chỉ huy, nom bảnh bao lộng lẫy như một quý tộc thực thụ.

Khu Back Bay ở Boston. Ảnh: Rick Berk

Freedom và Nostalgia

Buổi biểu diễn của cậu em có 5 tác phẩm. Bắt đầu bằng một độc tấu piano, với nhan đề “Minimalist freedom”. Trong lời giới thiệu cậu tự viết, có nói đại khái: “Tự do đâu cần rườm rà. Muốn có tự do thật, cần bỏ hết mọi rác rưởi.” Ô, ở đâu ra mà một thằng cu rất thật thà, tồ tệch lại có được cái triết lý cao siêu kiểu Diogenes đến vậy. Nhưng rõ ràng xem cách nó sống, nghe bản nhạc nó biểu diễn, thì thấy đó là cảm xúc thực chứ không phải làm hàng. Ngẫm lại mới thấy lẽ này: nếu ta sống trong một kho vàng bạc châu báu, chắc hẳn chẳng ai có nhu cầu đắp một ít trang sức đó lên người cho nặng, hay đang đi giữa một đồng hoa, ai lại nghĩ ngắt một ôm cắm đầy người để làm đẹp? Nếu một không gian đô thị từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài đầy ắp sự sang trọng, tiện nghi, văn hóa, thì ta cần đắp làm gì các loại của nả quanh người, cứ chắp tay sau đít mà đi trong lâu đài thênh thang đó chẳng là tự do hơn là gì? Chỉ cần một cái kén, và khi chui ra, ta khoác tấm cánh bướm lộng lẫy, là có thể góp vui với đời, nhơ nhởn trên cánh đồng hoa.

Đã hiểu cái cách người nghèo cũng sống trong lâu đài, và cũng lập tức hiểu rằng thằng em thế là tuyệt đường về nước rồi. Bởi lẽ khi không còn cánh đồng hoa rực rỡ, mà là bãi rác lầm than, chen cướp, thì con nhộng trần trụi, con bướm mỏng manh kia làm gì có chỗ sống. Cần phải có áo giáp nhiều tầng cơ, mà áo này phải đúc dần dần mới được.

Bài biểu diễn cuối cùng mang tên Nostalgia, khiến tôi hơi lo cho cậu bé. Có thật cậu đã thành người Mỹ, đã thành người Boston và sẽ hoàn toàn hòa nhập với không gian nơi đây không? Tại sao còn vương vấn, tại sao lại chốt bằng nostalgia? Phải chăng trong lòng cậu vẫn nhớ nhung về miền quê hương nghèo khổ, nhọc nhằn, nếu vậy thì tương lai cậu sẽ đầy mâu thuẫn, như số phận biết bao người Việt tha hương.

Nhưng khi nghe bản nhạc, một bản giao hưởng rực rỡ, huy hoàng mà đầy tình cảm dịu êm, tôi hiểu rằng đó không phải là nỗi đau nhớ nhà, nhớ xứ Việt Nam, mà là hồi ức về một thế giới tươi sáng, lý tưởng ở đâu đó ngoài thế giới này. Có lẽ Platon đã có lý. Lại nhớ tới câu hát: “Những đứa trẻ được sinh ra qua ta, chứ không phải từ chúng ta.” Đúng là so với cái kết thúc này, thì Minimalist Freedom mới chỉ là bước khởi đầu. Một chương trình biểu diễn trọn vẹn và chặt chẽ!

Chúng ta đến từ đâu, đâu mới thực là quê hương, hãy nghe giao hưởng của Phó Đức Hoàng, đủ độ thuyết phục cho một hoài nghi.

Ý kiến - Thảo luận

9:14 Sunday,26.4.2015 Đăng bởi:  lc
bài này anh Tùng viết đã chạm vào trái tim nhiều người đó. Không cần là elite hay là bình dân, mà là cần Sống , mà sống thế nào là cả một cơ may nữa.
Còn xin bàn thêm với bác Lùi, rằng gallery42 ở rạp Công Nhân là chưa thực sự có đầu tư đúng mức, vẫn tập trung vào công tác thúc đẩy và xây dựng các bộ sưu tập tư nhân, chứ mục tiêu của mình không phải là
...xem tiếp
9:14 Sunday,26.4.2015 Đăng bởi:  lc
bài này anh Tùng viết đã chạm vào trái tim nhiều người đó. Không cần là elite hay là bình dân, mà là cần Sống , mà sống thế nào là cả một cơ may nữa.
Còn xin bàn thêm với bác Lùi, rằng gallery42 ở rạp Công Nhân là chưa thực sự có đầu tư đúng mức, vẫn tập trung vào công tác thúc đẩy và xây dựng các bộ sưu tập tư nhân, chứ mục tiêu của mình không phải là hơn thua hay cạnh tranh với các gallery xung quanh, đặc biệt là bạn hữu và là đàn anh đàn chị Hanoi Studio. 42 to đùng và vô danh, vi đơn giản là mình cũng chưa tìm được nhà đầu tư để thường xuyên mở show đình đám cho bà con vui chơi. Nhưng nay đã có Phiên Art và rất nhiều bạn yêu nghề như Cuci hay chị Nga maison des Art... 
1:46 Sunday,26.4.2015 Đăng bởi:  Thu Lan
Mình không nói chuyện không hòa nhập được với trời Tây mà là ở đó cũng có những khó khăn và những cái hay đẹp, có cái giống, có cái khác. Hòa nhập thì ban đầu khó khăn là đương nhiên, dần dần rồi cũng ổn hơn, như mình nhớ lại hồi bé từ quê chuyển nhà ra Hà Nội, hay các bạn sinh viên rời quê lên Hà Nội học cũng có những khó khăn về hòa nhập vậy. Nhưng khó
...xem tiếp
1:46 Sunday,26.4.2015 Đăng bởi:  Thu Lan
Mình không nói chuyện không hòa nhập được với trời Tây mà là ở đó cũng có những khó khăn và những cái hay đẹp, có cái giống, có cái khác. Hòa nhập thì ban đầu khó khăn là đương nhiên, dần dần rồi cũng ổn hơn, như mình nhớ lại hồi bé từ quê chuyển nhà ra Hà Nội, hay các bạn sinh viên rời quê lên Hà Nội học cũng có những khó khăn về hòa nhập vậy. Nhưng khó khăn mà mình nói ở đây là về cuộc sống thường nhật, kể cả với người đã ở lâu, hay với người bản địa; họ có thể có những ưu thế về điểm này nhưng có những điểm kém ưu thế về mặt khác, mặc dù nhìn chung theo mình thấy thì chúng ta vẫn đánh giá cuộc sống Tây là văn minh, tiến bộ hơn, và mức sống chung của họ giàu hơn thì các con số đã nói lên không phải bàn cãi. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

7. 10 tại Eight Gallery:
Đặng Xuân Hòa - Tranh Trừu Tượng

Trần Hậu Tuấn - Thông tin từ Eight Gallery

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả