Kiến trúc

Boston và Chicago ở tầm nhìn chim bay 05. 05. 15 - 5:40 am

Phó Đức Tùng

(Các bạn xem thêm danh sách các bài của loạt này ở cuối bài)

Boston 15. 4. 2015

Máy bay cất cánh từ Boston và hạ cánh ở Chicago Ohare.

Trời rất đẹp, nắng rực rỡ, khí quyển trong veo, tầm nhìn đến vài chục km. Máy bay nhỏ, bay rất thấp, rất chậm, lượn vòng vèo sau khi lên và trước khi xuống, thành ra được ngắm cảnh cả vùng rộng của hai thành phố này, bao quát được toàn bộ từ bên ngoài vào tới lõi, thật là ấn tượng khó quên, như bay trực thăng khảo sát địa hình.

Boston nhìn từ máy bay

Từ máy bay nhìn xuống, có thể thấy rất rõ vùng đô thị Boston (Metro-Boston) được chia làm mấy vòng: lõi trong cùng là khu downtown, có mật độ dày, chủ yếu là nhà dạng apartment. Trong lõi có một số nhà cao tầng, tập trung thành vài cụm. Tra lại bản đồ và Wiki thì lõi này chính là nội đô Boston, với diện tích khoảng 120km2 (bằng ½ diện tích các quận nội thành Hà Nội) và dân số khoảng 650 ngàn (bằng ¼ tổng dân số các quận nội thành Hà Nội) Mấy hôm đi bộ trong vùng lõi này, thấy có vẻ rất rộng, đi mỏi chân không hết từ đầu này đến đầu kia. Nhưng khi nhìn trực tiếp trên máy bay, mới thấy khu vực mật độ cao vô cùng nhỏ, so với vùng ngoại ô rộng lớn mênh mông.
 

Downtown của Boston nhìn từ trên cao. Ảnh từ trang này

Vùng ngoại ô này có cấu trúc khác hẳn lõi đô thị. Nó gồm toàn một loại nhà biệt thự thấp tầng, trải đều thành lớp mỏng trên mặt đất, gần như không có sự phân hóa, không tầng bậc, không tạo thành từng cụm, từng tiểu khu. Hình dung ở những khu vực ngoại ô này, người ta gần như không có bất kỳ một dịch vụ đô thị nào trong bán kính đi bộ. Có thể nói đây chỉ là công năng ở thuần túy.Theo như Wiki thì dân số ở khu vực ngoại ô này tới gần 4 triệu người, gấp nhiều lần số dân trong lõi. Những con đường chính nối với nhau như kết mạng, rồi đều đổ hết về khu trung tâm, như những mạch máu trong quả thận vậy. Nhìn từ máy bay xuống, rồi sau này xem lại bản đồ, ảnh vệ tinh, ta có thể hình dung rất rõ cấu trúc tập trung, hướng tâm của Boston. Cả một vùng rộng mênh mông, dồn hết năng lượng vào một lõi rất nhỏ.Chả trách cái lõi đó đậm đặc, hấp dẫn đến thế.
 

Nội đô Boston (phần trên của ảnh) và phần ngoại ô. Ảnh của Steve Dunwell

Nhìn sự tương phản mãnh liệt giữa nội đô và ngoại ô, về lượng cũng như về chất, khiến ta phải đặt mấy câu hỏi:

1. Có thể tách rời hai phần này được không, và khi đó có thể coi cả hai là đô thị được chăng, khi nó khác nhau đến vậy?

2. Hay phải coi cả hai là hai phần không thể tách rời, cũng không thể thiếu của một đô thị, như lòng đỏ, lòng trắng trong một quả trứng gà?

Với cấu trúc ngoại ô như ở Boston, tôi nghiêng về hướng thứ hai, bởi lẽ với cấu trúc như vậy, phần ngoại ô khi tách riêng khó có thể được coi là mô hình đô thị, vì nó quá què quặt, quá đơn điệu. Mặt khác lại không thể coi đó là nông thôn, vì gần như cấu trúc nhà ở dàn đều, không hề có đất nông nghiệp xen lẫn. Nhưng cũng không thể đơn giản coi đó là một mô hình sai lầm, vì nó quá lớn, quá nhiều, quá rộng. Mặt khác, người ta có thể cảm thấy rõ ràng luồng năng lượng được trút từ tất cả những vùng ngoại ô này vào trung tâm, và nếu không có chúng, khu trung tâm không thể đạt được mật độ và độ hấp dẫn như vậy.

Một khu ngoại ô Boston nhìn từ trên cao. Ảnh của Grant Spencer. từ trang này

Và từ đó nảy sinh câu hỏi tiếp theo: liệu trường phái hậu hiện đại, với quan điểm và những nghiên cứu chủ yếu về compact city, tức là dạng như lõi trung tâm Boston, có phải đang chỉ đề cập tới một vùng rất nhỏ, một lượng người rất nhỏ, cái đỉnh núi băng mà bỏ qua phần chân đế to lớn hay không?

Chicago nhìn từ máy bay

Từ xa, khu trung tâm Chicago đã nổi bật, vì nó rất cao, rất đặc, lại vô cùng nhỏ so với vùng đô thị xung quanh. Khác với Boston, nơi mà mọi luồng năng lượng đều chảy dồn về trung tâm một cách rõ rệt thì ở Chicago, mạng ô cờ tít tắp ở khu vực ngoại ô không cho phép hình dung sức mạnh nào khiến cho những block nhà trong trung tâm bỗng nhiên cao vút lên như vậy. Ranh giới rõ ràng giữa khu nhà chọc trời và hồ Michigan mênh mông như biển cho ta cảm giác bờ nước mới là lý do khiến các ngôi nhà mọc vọt lên cao, như ở nhiều đô thị ven biển khác, chứ không phải do lực từ ngoại ô dồn về. Mặc dù sau này khi xem bản đồ, cũng có thấy nhiều đường giao thông chính, đường sắt, đường thủy có dạng cắt chéo qua lưới ô cờ để tập trung vào trung tâm, nhưng khi nhìn từ máy bay, rõ ràng ấn tượng về sự chia dọc ngang theo mạng ô cờ vẫn là chủ đạo.

Chicago với mạng ô cờ. Khu nhà cao tầng với hồ Michigan bên phải hình. Ảnh từ trang này

Vùng ngoại ô cận đô của Chicago cũng giống với ngoại ô Boston, gồm những nhà biệt thự thấp tầng xếp thành hàng mỏng, bám theo hệ bàn cờ không có cấu trúc tầng bậc. Nhưng tiếp theo lớp này là một lớp công nghiệp cũng trải rộng mênh mông, thành vành đai quanh thành phố, gồm toàn cấu trúc nhà xưởng to lớn, thấp, trải rộng. Phía ngoài cùng là cấu trúc định cư dạng chòm xóm, hay kiểu làng hay đô thị vườn. Một cụm biệt thự được bố trí vây quanh một mảng xanh nhỏ. Nhiều cụm như vậy lại vây quanh một công viên xanh lớn hơn, như là một khoảnh rừng, sân golf v.v.

Chicago nhìn từ trên cao, với khu nhà xưởng thấp ở vành đai. Ảnh của vxla, từ trang này

 

Một khu đô thị vườn với từng cụm nhỏ quay quanh mảng xanh trung tâm. Ảnh của airphoto

Nếu vùng ngoại ô cận đô còn có vẻ có liên hệ với lõi trung tâm một chút, thì những lớp đô thị vườn này gần như không liên quan gì đến trung tâm nữa, vì bị ngăn cách bởi một lớp công nghiệp quá rộng. Những dịch vụ đô thị, thực ra đa số là mua sắm, ăn uống, một ít vui chơi giải trí, được bố trí thành từng cụm nhỏ kiểu outlet, với những tòa nhà thấp rộng như các siêu thị hay kho hàng, dọc theo những tuyến quốc lộ chính. Nhìn chung, so với Boston, cảm giác giữa lõi đô thị và ngoại ô Chicago không có liên quan đến nhau lắm. Do đó, nếu ở Boston, phải coi phần lõi và ngoại ô như lòng trắng và lòng đỏ của một quả trứng thì đối với Chicago, có lẽ nên coi đây là những hình thái đô thị khác nhau, nằm cạnh nhau, mặc dù về logic, chắc chắn những ngành công nghiệp nằm ở vành đai thứ hai bên ngoài ngoại ô cũng như mảng dân cư ngoại ô quanh nó, phục vụ nó sẽ phải góp phần tạo nên cái trung tâm sầm uất, hoành tráng chọc trời kia.

*

Tóm lại, sau khi nhìn từ máy bay xuống hai thành phố, tôi có nhận định sau:

Một đô thị Mỹ có hai phần rất rõ, phần lõi đô thị và phần ngoại ô. Ngoại ô là một cấu trúc định cư rất rộng lớn, không giống đô thị lắm, do gần như không có các cấu trúc và công năng đa dạng của đô thị, nhưng không thể coi là nông thôn, vì hoàn toàn không có diện tích nông nghiệp. Trong khi đó, đô thị Việt Nam có thể nói không có ngoại ô, mà chỉ có lõi đô thị trải dài theo các tuyến quốc lộ và nông thôn. Như vậy, cho dù mối quan hệ giữa ngoại ô và lõi ở Mỹ có như thế nào đi nữa, thì một đô thị Mỹ cũng khác hẳn đô thị Việt Nam, không chỉ về hình thức bên ngoài, mà về bản chất vận hành. Mọi học thuyết đô thị của Mỹ do đó rất cần có cân nhắc khi áp dụng trong đô thị Việt Nam.

Ý kiến - Thảo luận

10:53 Saturday,16.5.2015 Đăng bởi:  Đào Huy Kiên
Bài viết hay. Hi vọng Việt Nam sẽ sớm có những khu ngoại ô như thế này. Mà sao Soi không có nút Like nhỉ, nhiều bài viết chỉ muốn like chứ không muốn share mặc dù nó cũng không khác nhau nhiều
...xem tiếp
10:53 Saturday,16.5.2015 Đăng bởi:  Đào Huy Kiên
Bài viết hay. Hi vọng Việt Nam sẽ sớm có những khu ngoại ô như thế này. Mà sao Soi không có nút Like nhỉ, nhiều bài viết chỉ muốn like chứ không muốn share mặc dù nó cũng không khác nhau nhiều 
14:47 Wednesday,6.5.2015 Đăng bởi:  Nghiêm Toàn
"Mặt khác, người ta có thể cảm thấy rõ ràng luồng năng lượng được trút từ tất cả những vùng ngoại ô này vào trung tâm, và nếu không có chúng, khu trung tâm không thể đạt được mật độ và độ hấp dẫn như vậy."

Em thì nghĩ ngược lại anh, năng lượng là từ vùng lõi trung tâm, sức lan tỏa như thế nào là tùy thuộc vào cường độ của nguồn năng lượng ấy và
...xem tiếp
14:47 Wednesday,6.5.2015 Đăng bởi:  Nghiêm Toàn
"Mặt khác, người ta có thể cảm thấy rõ ràng luồng năng lượng được trút từ tất cả những vùng ngoại ô này vào trung tâm, và nếu không có chúng, khu trung tâm không thể đạt được mật độ và độ hấp dẫn như vậy."

Em thì nghĩ ngược lại anh, năng lượng là từ vùng lõi trung tâm, sức lan tỏa như thế nào là tùy thuộc vào cường độ của nguồn năng lượng ấy và tốc độ đường truyền của nguồn năng lượng, ở đây là mức độ đáp ứng của hạ tầng. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Mỹ học vị quan hệ (phần 2)

Nicolas Bourriaud - Như Huy dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả