Bàn luận

Hội họa cũng có thể thay đổi cách người ta nhìn nhận cái gì là quan trọng ở đời10. 05. 15 - 7:22 am

Alain de Botton - Hồ Như Mai st và dịch

 

Jean-Baptiste Chardin. “Bữa ăn cho người ốm”

Jean-Baptiste Chardin vẽ bức Bữa ăn cho người ốm năm 1746. Một phụ nữ ăn vận đơn giản đứng trong căn phòng ít đồ đạc, kiên nhẫn bóc vỏ trứng cho một người bệnh khuất mặt. Một khoảnh khắc bình thường trong đời của một người bình thường. Tại sao lại vẽ cảnh đấy? Trong suốt sự nghiệp của Chardin những nhà phê bình thường đồng ý với cái tông nghi ngờ của câu hỏi nêu trên. Chardin là một họa sĩ tài năng, không hiểu vì lý do gì cả đời quyết định chỉ vẽ những ổ bánh mì, đĩa sứt, dao nĩa, táo lê, và các nhân vật giới lao động hoặc thuộc tầng lớp hạ trung lưu quanh quẩn làm việc trong phòng khách hay bếp núc tầm thường.

Theo Viện Hội họa Pháp, nghệ sĩ vĩ đại thường không vẽ những món như vậy. Được vua Louis XIV thành lập năm 1648, Viện đặt ra tôn ti trật tự cho các thể loại tranh khác nhau. Đứng đầu là tranh lịch sử: những tác phẩm thể hiện sự quyền quý của Hi Lạp, La Mã cổ đại hoặc mô tả những câu chuyện đạo đức trong Kinh Thánh. Thứ hai là chân dung, đặc biệt là chân dung các vua và nữ hoàng. Thứ ba là phong cảnh, rồi cuối cùng mới đến thứ thường được rẻ rúng mô tả là “các cảnh bình dân,” tức cuộc sống thường nhật của những người không tước hiệu. Thứ trật tự nghệ thuật này cũng tương ứng với thứ trật tự xã hội của thế giới bên ngoài xưởng vẽ của họa sĩ, nơi ông vua cưỡi ngựa đi thị sát đất đai thì rõ là đẳng cấp hơn một phụ nữ ăn vận bình thường đang bóc trứng.

Nhưng trong nghệ thuật của Chardin đã có một sự nổi loạn ngầm, đi ngược lại cái thái độ khinh khi trước cảnh tượng công việc nội trợ của phụ nữ, hay một mảnh sành cũ bắt nắng chiều (“Chardin đã dạy chúng ta rằng một trái lê cũng có thể đầy sức sống như một người đàn bà, một cái bình nước cũng có thể đẹp như một viên đá quý,” Marcel Proust).

Trong lịch sử hội họa Chardin cũng có vài tri âm, đấy là những tiếng nói hiếm hoi góp phần điều chỉnh quan điểm của chúng ta về cái gì quan trọng ở đời. Chẳng hạn họa sĩ người xứ Wales Thomas Jones, từng làm việc ở Ý, đầu tiên là Rome rồi Naples từ năm 1776 đến năm 1783. Ở Naples đầu tháng Tư năm 1782, Jones hoàn thành hai tác phẩm có lẽ là vĩ đại nhất trong lịch sử tranh sơn dầu châu Âu, Rooftops, Naples (Mái nhà, Naples) (treo ở Bảo tàng Ashmolean, Oxford) và Buildings in Naples (Nhà cửa ở Naples) (treo ở Bảo tàng Quốc gia xứ Wales, Cardiff).

Chardin, “Rooftops, Naples “

Cảnh mà Jones mô tả hết sức quen thuộc ở các thị trấn Địa Trung Hải, nơi nhà cửa nép sát vào nhau dọc theo những con đường hẹp, để lộ ra phần hông trần trụi của những ngôi nhà lân lận. Trong nắng chiều ấm nóng, đường phố thường im ắng, cửa sổ chớp đóng một cánh. Ta có thể thoáng thấy bóng một phụ nữ đi lại trong phòng, hay một người đàn ông ngủ ở phòng khác. Thi thoảng, có tiếng trẻ con khóc, hay tiếng sột soạt của một bà lão treo áo quần trên ban công có tay vịn đã rỉ sét.

Jones cho ta thấy được ánh nắng phương Nam mạnh mẽ chiếu lên những bức tường bằng vữa stucco đã sờn cũ và sứt mẻ, thứ ánh sáng ấy làm lộ rõ những chỗ lồi lõm, nứt nẻ và gợi nhắc đến bước đi của thời gian, cũng hiệu quả như hình ảnh đôi tay thô ráp, dãi dầu mưa nắng của một ngư dân. Xuân hạ thu đông tuần tự đến rồi đi, sức nóng mùa hè dữ dội bao trùm rồi đến những cơn bão mùa đông cuồng nộ, cứ tưởng như không bao giờ dứt, nhưng cuối cùng cũng chịu nhường chỗ cho nắng xuân ngập ngừng. Đá và vữa stucco trong tranh của Jones để lộ họ hàng với đất sét, thạch cao và những mảnh đá sứt mẻ trên sườn đồi Địa Trung Hải. Sự rối rắm giữa các ngôi nhà cho ta một ấn tượng về một thị trấn nơi muôn trạng đời sống đang diễn tiến – trong mỗi cửa sổ, những đời sống không hề kém phức tạp hơn trong các tiểu thuyết vĩ đại, những đời sống có đam mê, có buồn chán, có nghịch ngợm đùa vui và có cả tuyệt vọng.

Chardin, “Buildings in Naples”

Ta thường hiếm khi để ý đến mái nhà; mắt ta dễ bị hút vào những cảnh tượng hoành tráng hơn, như một đền thờ La Mã hay một nhà thờ Phục Hưng chẳng hạn. Jones cho ta chiêm nghiệm những quanh cảnh đã bị bỏ quên; họa sĩ đã làm cho vẻ đẹp tiềm ẩn của quanh cảnh ấy lộ ra, để rồi những mái nhà phương nam sẽ không bao giờ là vô nghĩa trong cách ta hiểu về hạnh phúc.
Christen Købke, họa sĩ người Đan Mạch thế kỷ mười chín là nghệ sĩ thứ ba đi theo con đường ấy. Từ năm 1832 đến năm 1838, Købke quanh quẩn những vùng ngoại ô, những khu phố và khu vườn ở quê nhà Copenhagen. Họa sĩ vẽ vài con bò nhẩn nhơ gặm cỏ trên đồng trong một buổi chiều hè. Købke từng nắm bắt được hai người đàn ông và vợ trên bờ sông, vừa bước xuống từ chiếc thuyền con trong một buổi chiều tà, màn đêm dường như không vội buông xuống, tiếng vọng của nắng ban ngày như còn lơ lửng mãi trên bầu trời mênh mông (hình như trăng cũng vừa lên), thứ ánh sáng ấy mang linh cảm về một đêm mát trời, người ta có thể để mở cửa sổ hay trải chăn ra cỏ mà ngủ luôn ngoài trời. 

Købke, “Quang cảnh từ bờ hồ Sortedam”

Họa sĩ từng đứng ở mái lâu đài Frederiksborg, nhìn ra khung cảnh như tấm chăn ghép từ những cánh đồng, khu vườn và nông trại; một hình ảnh về một cộng đồng nề nếp, thỏa lòng với những niềm vui thú thường nhật.

Købke. “Mái nhà của lâu đài Frederiksborg”

Cũng như trong tác phẩm của Chardin và Jones, nghệ thuật của Købke cũng mang thông điệp đi ngược lại những quan điểm thịnh hành về cái gì quan trọng ở đời. Ba nghệ sĩ này dường như cho rằng nếu bầu trời trong một đêm hè, bức tường sứt mẻ nung nắng hay người đàn bà không tên tuổi đang bóc trứng cho người ốm thực sự là những cảnh tượng đẹp đẽ nhất mà ta có thể thấy được, thì ta phải nghi ngờ những giá trị thông thường mà mình đã được dạy, những thứ mà người đời vẫn cho là mình phải trân trọng hay phải phấn đấu đạt được.

Có thể sẽ là hơi khiên cưỡng khi gán ghép một thứ thông điệp mang tính chính trị lên cái bình nước đặt trên tủ hay con bò trên đồng cỏ, nhưng bài học từ tác phẩm của Købke, Jones hay Chardin có thể vượt xa khỏi những thứ ta thường gán cho tranh vẽ. Cũng như Jane Austen hay George Eliot, những nghệ sĩ vĩ đại của đời thường có thể giúp ta điều chỉnh những ý niệm có phần đua đòi, trưởng giả về cái gì đáng để ta kính trọng và nâng niu trên đời.

*

Trích Status Anxiety (Tạm dịch: Nỗi lo địa vị) của Alain de Botton

Ý kiến - Thảo luận

0:03 Wednesday,13.5.2015 Đăng bởi:  Raumuong Noigian
Dưng mà động đến chân dung giáo hoàng của Vê lát xờ ki ê hoặc của Bây cừn vẽ lại cái tranh giáo hoàng đó theo kiểu kinh dị thì là chuyện khác đấy. Tỷ phú đào mỏ dầu của đạo Hồi cũng chẳng động đến được (nếu thích)
...xem tiếp
0:03 Wednesday,13.5.2015 Đăng bởi:  Raumuong Noigian
Dưng mà động đến chân dung giáo hoàng của Vê lát xờ ki ê hoặc của Bây cừn vẽ lại cái tranh giáo hoàng đó theo kiểu kinh dị thì là chuyện khác đấy. Tỷ phú đào mỏ dầu của đạo Hồi cũng chẳng động đến được (nếu thích) 
9:59 Tuesday,12.5.2015 Đăng bởi:  candid
Hôm trước em có đọc 1 bài có một ý nói tại sao tranh của các họa sĩ Ấn tượng đắt là vì các tỷ phú dầu lửa đạo Hồi thích. Các khách hàng sộp này dĩ nhiên không mua chân dung Giáo hoàng. :)
...xem tiếp
9:59 Tuesday,12.5.2015 Đăng bởi:  candid
Hôm trước em có đọc 1 bài có một ý nói tại sao tranh của các họa sĩ Ấn tượng đắt là vì các tỷ phú dầu lửa đạo Hồi thích. Các khách hàng sộp này dĩ nhiên không mua chân dung Giáo hoàng. :) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp