Kiến trúc

Sắp đặt ma mị của Yinka Shonibare MBE trong ngôi nhà ma ám 15. 05. 15 - 7:00 am

Phạm Phong tổng hợp và dịch

 

Dinh thự Morris-Jumel

Dinh thự Morris-Jumel, tòa nhà cổ nhất ở Manhattan, mang theo nó một lịch sử ly kỳ, với hai lần George Washington lưu trú: một trong thời kỳ ông còn là tướng trong quân đội, và một lần khi ông đã thành tổng thống.

Nhưng tòa nhà này nổi tiếng nhất với những chuyện ma, từ những năm 1960 khi một nhóm học trò nói là thấy bóng ma Eliza Jumel, chủ nhân hồi thế kỷ 19 của dinh thự này, mặc đồ cổ lỗ sĩ và sùy bọn trẻ đi vì quá om sòm.

Nữ chủ nhân Eliza Jumel

Rồi có thầy giáo kể đã thấy một chiến binh người Hess (được cho là từng sống tại đây trong thời quân Hess chiếm vùng Bắc Manhattan và tự ngã lên lưỡi lê mình mà chết) bước ra khỏi một bức tranh.

Lại có một câu chuyện về một cô hầu gái của Jumel, tự tử bằng cách nhảy khỏi ban công lầu hai do bị bội tình, cũng hiện hồn về…

Nhưng đặc biệt nhất vẫn là hồn ma của chủ nhân Eliza Jumel, mặc váy dài tha thướt, khẽ khàng bước trên sàn nhà cót két. Trong “Colonial Arrangements” – một triển lãm sắp đặt diễn ra tại dinh thự này, nghệ sĩ Anh gốc Nigeria – Yinka Shonibare MBE – gợi lại bóng ma của Eliza bằng những mannequin không đầu, mặc trang phục may bằng vải phi bóng Hà Lan lẩn trong những phòng trưng bày các giai đoạn sống.

Poster triển lãm

Một vài tác phẩm trong triển lãm này là thuộc series “Mother and Father Worked Hard So I Can Play” (Bố mẹ làm việc chăm chỉ nên tôi có thể ăn chơi) của Shonibare, từng bày ở Bảo tàng Brooklyn hồi 2009.

Trong phòng ngủ kiêm phòng làm việc từng được George Washington dùng hồi 1776 là tác phẩm “Boy Doing Headstand” (Cậu bé trồng cây chuối, 2009), đứng từ dưới sảnh nhìn lên trông ma mị phù thủy rùng cả mình với cái thân không đầu.

Yinka Shonibare MBE, “Boy Doing Headstand” (2009), fiberglass mannequin, vài phi bóng Hà Lan in, chất liệu tổng hợp, sắp đặt trong phòng làm việc kiêm phòng ngủ thời 1776 của George Washington.

Dưới nhà là một tác phẩm hồi 2011, “Planets In My Head, Arts” (Những hành tinh trong đầu tôi, 2011), với một hình nhân chơi violin, có cái đầu là quả cầu bằng chất fiberglass đen. Bóng của tác phẩm đổ từ phòng ăn hồi 1790 sang cánh cửa che lối đi của người phục vụ, đứng thăng bằng giữa ranh giới của hai giai cấp trong chỉ một căn phòng.

Yinka Shonibare MBE, “Planets In My Head, Arts” (2011), fiberglass mannequin, vài phi bóng Hà Lan in, quả cầu bằng fiberglass, đàn violin, da, sắp đặt trong phòng ăn thời 1790.

 

Yinka Shonibare MBE, “Planets In My Head, Arts” (2011), chi tiết

Từ lâu Shonibare đã dùng vải phi bóng Hà Lan vì nguồn gốc mang tính toàn cầu của nó, cũng vì những vấn đề liên quan đến chân tính của nó: loại vải này hiện được gắn với Tây Phi, nhưng thực ra là “tiếp đoạt” từ vải batik của Indonesia, rồi được sản xuất ở châu Âu. Những căn phòng trong những ngôi nhà lịch sử cũng vậy, cũng có những vấn đề về chân tính: những cảnh cổ được phục dựng lại trong đó có tính xác thực tương đối, thường là phải phỏng đoán. Vì thế loại vải này được bày trong những căn phòng phục dựng này là rất hợp.

Tác phẩm nổi bật nhất được làm ra là để hòa lẫn và tận dụng bối cảnh của dinh thự này. “Ghost of Eliza Jumel” (Hồn ma của Eliza Jumel) thỉnh thoảng lại xuất hiện ở tầng dưới, trong một chiếc gương cổ được chế theo hiệu ứng bóng ma Pepper hồi 1862, và một mannequin to bằng người thực ở trên lầu lẩn lút trong phòng ngủ hồi 1826–30 của Eliza, được phản chiếu trong một cái gương cao ngất khác.

Yinka Shonibare MBE, “The Ghost of Eliza Jumel” (2015), sắp đặt trong sảnh tiếp khách.

Eliza Jumel là một nhân vật “lắm chuyện”. Trong một số tài liệu, cô là con của một gái điếm, trong khi đó cô lại phao tin George Washington là cha mình, và thuyết phục được ông nhà giàu Stephen Jumel cưới mình, nhờ giả bộ ốm nặng sắp chết và chỉ có một ước mơ duy nhất là được làm đám cưới trước khi chết hẳn. Khi Stephen Jumel qua đời năm 1832 sau một cú ngã khỏi xe kéo rất đáng ngờ, vợ ông trở thành người đàn bà giàu nhất nước. Bà bèn cưới luôn phó tổng thống Aaron Burr (sau vụ ông này đọ súng giết chết đối thủ Alexander Hamilton). Họ ly dị năm 1836, và Eliza – ngày càng lập dị – sống tại dinh thự Washington Heights cho đến lúc mất vào năm 1865. 

Phó tổng thống Aaron Burr bắn bị thương nặng Alexander Hamilton. Hamilton sau đó chết vì vết thương.

Trong sắp đặt của Shonibare, bóng ma vô diện của Eliza Jumel vươn ra dưới một tấm vải liệm đỏ trang trí bằng những con bướm vàng. Dinh thự Morris-Jumel như đã nói, có một lịch sử đậm đặc: chủ nhân đầu tiên của nó là Roger Morris phải bỏ trốn trong cuộc Cách mạng Mỹ do quá trung thành với Anh Quốc, sau đó đến George Washington chuyển đến sống tạm một thời gian, rồi ông nhà giàu Stephen Jumel chạy trốn cuộc nổi dậy của người nô lệ ở Haiti mà tới đây, cưới bà Jumel tai tiếng. Với người New York, tòa nhà đã được biến thành một loại bảo tàng lịch sử hồi 1904, với bóng ma của Eliza Jumel lởn vởn giữa hư-thực. Vậy là, với bối cảnh triển lãm ấy, nghệ sĩ Shonibare dường như đã tìm được một hiện thân hoàn hảo nhất của cái phức hợp “giai cấp + lịch sử +bản sắc”.

Yinka Shonibare MBE, “The Ghost of Eliza Jumel (Sculpture)” (2015)

 

Yinka Shonibare MBE, “Seated Girl” (2009), sắp đặt trong phòng thay đồ thời 1826-30 của Eliza Jumel.

 

Yinka Shonibare MBE, “Girl On Scooter” (2009), sắp đặt trong phòng ngủ thời 1820-30 của Mary Bowen.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả