Nghệ sĩ thế giới

EVA & ADELE: “Chúng tôi tự tạo ra giới tính của riêng mình”13. 06. 15 - 7:34 am

Adrian Searle, Hoàng Lan dịch

Nếu bạn từng đi dự buổi khai mạc của một triển lãm lớn nào đó trong 20 năm qua, có khả năng bạn đã bắt gặp một cặp đôi rất ấn tượng, thậm chí trong cái thế giới nghệ thuật mà ai nấy đều cố đi tìm sự chú ý thì họ vẫn nổi bật một cách khác người. Đầu trọc lóc, trang điểm lòe loẹt như chim vẹt, ăn vận như các cô đào trong mấy vở kịch câm siêu thực, cặp đôi này quét qua các buổi khai mạc, giành ánh hào quang bằng dáng vẻ lạ đời và những bộ cách kì quái của họ.

EVA & ADELE (tên bắt buộc phải viết in hoa và dùng kí hiệu “&”) có thể không nằm trong phần nào của buổi triển lãm, nhưng điều ấy chẳng quan trọng. Họ luôn luôn phô diễn. “Chúng tôi ở đâu thì ở đó là bảo tàng”, đây là câu nói quen thuộc cặp của đôi người Áo-Đức này. Một từ mà họ hay nhắc tới nữa là “futuring”, vì họ bảo rằng họ đến từ tương lai, “cỗ máy thời gian” của họ hạ cánh tại thủ đô Đức ngay trước khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989.

Cặp EVA & ADELE

“Chúng tôi là một tác phẩm nghệ thuật”, Adele nói với giọng lảnh lót, khi tôi gặp cả hai tại căn hộ kiêm studio kỳ lạ của họ ở Berlin – nó nằm trong tòa nhà sang trọng của khu Charlottenburg, bao gồm bốn căn hộ sơn màu hồng và trắng. Adele là người với dáng dấp nhỏ nhắn hơn, nữ tính hơn. Kể từ đầu năm nay, luật pháp đã công nhận rằng họ là hai phụ nữ. Thông tin cá nhân của họ khá mơ hồ: tất cả những gì họ công khai trong phần tiểu sử trên trang web là các số đo cơ thể mà họ luyện tập chăm chỉ để duy trì, vì mục tiêu của họ là giữ dáng. Đây cũng là lý do tại sao mấy chiếc bánh quy hình thú cả hai mời tôi ở studio đều không đường, và mỗi sáng của họ đều bắt đầu bằng một bài tập thể dục. Làm một tác phẩm nghệ thuật sống thật khổ.

Tuổi của họ cũng là ẩn số: họ đến từ tương lai mà. Nhưng tôi đoán họ chừng hơn 50. Chân họ đặc biệt đẹp. Cả hai không chỉ mặc y chang nhau, mà còn ăn cùng một thứ. Khi chúng tôi đến một nhà hàng Đức, Adele gọi món cho cả hai; cô chọn nước lọc có gas, Eva cũng uống theo. Ở nhà, Adele lo chuyện bếp núc, cô nói: “Eva lo giặt giũ. Tất cả quần áo lót và tất lụa của chúng tôi đều phải giặt tay”.

Hai cô. Ảnh của Julien, từ trang này 

Từ khi hai người gặp và yêu nhau, họ nói rằng cả hai chưa hề cách xa nhau đêm nào. Họ cũng khẳng định rằng mình chưa bao giờ rời khỏi nhà hay tiếp khách mà không trang điểm đầy đủ. Hành lang nhà họ có treo một bức ảnh trắng đen mờ mờ, do máy ảnh đo tốc độ (đặt ngoài đường để tóm kẻ chạy xe nhanh) chụp cô Eva đang ăn vận lộng lẫy khi lái xe ẩu. “Cảnh sát gửi bức ảnh ấy cho tôi”, Eva nói. Một chủ khách sạn người Áo đã gật đầu xác nhận rằng hai cô còn trang điểm khi đi bơi trong khách sạn 5 sao Arlberg Hospiz của ông vào hồi đầu năm nay.

Tuy nhiên, Eva và Adele không thích khi người khác đem họ ra so sánh với cặp Gilbert và George của Anh. “Chúng tôi không chỉ diễn tại một gallery để rồi lúc về nhà thì chẳng còn là EVA & ADELE nữa”, Adele cho biết. Còn về Grayson Perry – nghệ sĩ nổi tiếng là thích hóa trang thành phụ nữ – Adele nói rằng hành động hóa trang của anh là “Schauspiel” – tức diễn xuất. “Người ta cảm thấy anh chàng không có gì nguy hiểm” (vì Grayson Perry không phải người chuyển giới thật).

Tại Anh, EVA & ADELE trở nên nổi tiếng sau khi đóng vai cặp đôi Eggheads trên chương trình Eurotrash của kênh Channel 4. Từ năm 1997 đến 2002, họ tự thực hiện vài màn trình diễn nhỏ với lắm trò lạ lùng, ví dụ như đặt vỏ chuối hay để cá lên đầu. “Đó là video art”, Eva nói. “Video art cho 6 triệu người xem. Chẳng ai hiểu chúng tôi đang làm gì, thậm chí cả những người trả tiền để xem chúng tôi diễn”.

Họ nói rằng người ta từng nhờ họ dẫn chương trình thay cho Antoine de Caunes (một người dẫn chương trình nổi tiếng người Pháp). “Họ nài nỉ dữ lắm”, Adele nói. “Nhưng việc ấy tốn công sức quá. Chúng tôi vẫn muốn làm nghệ sĩ, vẫn thích vẽ tranh hơn, dù rằng họ trả cho chúng tôi rất hậu hĩnh nếu chúng tôi chịu dẫn chương trình”. Tuy nhiên, xuất hiện trên truyền hình cũng có cái lợi của nó, Adele cho biết thêm: “Có những lần chúng tôi đi đổ xăng ở những khu hơi phức tạp và bị dân ở đó chọc ghẹo, rồi bỗng nhiên sẽ có một cậu trai nói, ‘Thôi đi! Họ nổi tiếng đấy! Tôi có thấy họ trên TV!’ Và thế là họ để cho chúng tôi yên”.

EVA & ADELE. Ảnh từ trang này

Hôm chúng tôi gặp, EVA & ADELE đang tiếp một cặp vợ chồng (theo nghĩa truyền thống của từ vợ chồng) đến từ Frankfurt. Chả là có một giải sổ xố, ai thắng sẽ được gặp lẫn trò chuyện với EVA & ADELE  trong một ngày, và cặp vợ chồng trên đã trúng giải. Anh chồng Hans – một nhân viên sở thuế – tò mò hỏi về lối sống của hai cô. Anh hỏi họ phân chia kinh phí dành cho công việc với chi tiêu cá nhân ra sao. Eva giải thích rằng cái hay của chuyện trở thành tác phẩm nghệ thuật sống là mọi khoản tiền dùng cho bản thân đều là một khoản chi hợp pháp: “Sơn móng, son môi, trang phục…”

Tủ quần áo của họ – ẩn sau tấm rèm lụa màu hồng có in hình khuôn mặt của cả hai – treo đầy những bộ trang phục lòe loẹt. Theo lời Adele, chuẩn bị tóc tai quần áo là một quá trình dài ba giờ. Hôm nay, Eva diện một chấm bindi (chấm đỏ người Ấn hay bôi giữa trán) màu xanh lam, đánh phấn mắt màu xanh biển và tô son môi đỏ, trong khi Adele chọn sắc tím để trang điểm mắt. Cả hai đều mặc áo khoác lửng màu đen, đeo vòng cổ ngọc trai đen, diện váy chiffon màu hồng phấn, mang tất bó màu sáng và giày đế xuồng trắng. Mọi thứ được tô điểm thêm bằng nụ cười tươi. “Đó là một phần của công việc”, Eva nói. “Nhưng chúng tôi không bao giờ giả vờ. Chúng tôi không bao giờ diêm dúa. Nếu cảm thấy rằng mình sẽ không cười nổi ngày hôm đó, chúng tôi sẽ không ra ngoài”.
 

EVA & ADELE trước tủ quần áo

Họ mặc áo khoác và đeo ngọc trai màu đen vì cả hai đều đang để tang người thân. Tôi cũng mới biết rằng bộ váy hồng từng là trang phục cưới của họ: hai cô cưới nhau hồi đầu năm 2011 khi Eva thắng vụ kiện tụng kéo dài ba năm để giành quyền thay đổi trên giấy khai sinh.

Chiếc váy hồng EVA & ADELE mặc trong đám cưới, và áo khoác với vòng ngọc đen để tang

Vì sinh ra họ là một nam một nữ, cặp đôi có thể cưới nhau dễ dàng trong thời gian 22 năm quen nhau. Nhưng cưới với tư cách của hai phụ nữ đối với họ là rất quan trọng. Chính phủ Đức đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính từ năm 2001, nhưng phải đến năm 2011, sau khi hiến pháp chấp thuận thì người chuyển giới mới có thể đăng ký thay đổi giới tính mà không cần giải phẫu cơ thể. Eva – vốn có giọng trầm và bờ vai rộng – đã ra tòa tranh luận rằng mặc dù cơ thể cô là nam, nhưng tâm hồn cô không phải thế. Sau khi đọc rất nhiều báo cáo tâm thần cũng như tâm lý, quan tòa cuối cùng đồng ý cấp lại giấy khai sinh cho Eva, giới tính trên giấy tờ đề là nữ. “Tôi không phải nam cũng chẳng phải nữ”, cô giải thích. “Và Adele cũng thế. Chúng tôi tự tạo ra giới tính riêng của mình”.

Eva không chịu tiết lộ tên thật hay quê quán của mình. Khi tôi bảo rằng giọng cô nghe rất giống người Áo, cô đáp lại: “Chúng tôi đến từ tương lai, nhưng tôi học tiếng Đức ở Vienna”. Tuy nhiên, cô có giải thích vì sao cô chọn tên Eva khi bắt đầu sự nghiệp nghệ sĩ. “Nó có ý nghĩa sâu xa, theo Thiên Chúa giáo thì Eve – người phụ nữ đầu tiên – sinh ra từ xương sườn của Adam – người đàn ông đầu tiên. Giờ đây Eva là tên chính thức trên giấy tờ của tôi và tôi rất tự hào về điều này”.

Giới tính vẫn luôn là phần chủ chốt trong các tác phẩm cũng như diện mạo của họ. Khi mới gặp nhau (hai cô nói với tôi đó là khi họ “đang nhảy múa trên một sân bóng ở Ý, dù vài nguồn tin tôi đọc nói rằng họ gặp nhau kiểu khác), cả hai đều đang thực hiện các tác phẩm nghệ thuật liên quan đến giới tính. Họ tự tạo cho mình hình tượng lưỡng tính khi họ quyết định trở thành tác phẩm nghệ thuật sống. “Vì tên chúng tôi là tên của phụ nữ”, Eva nói, “nên nữ tính luôn áp đảo. Chúng tôi mặc các kiểu quần áo cực kỳ nữ tính. Không bao giờ mặc quần dài, luôn đi cao gót. Điều đó rất quan trọng. Nhưng chúng tôi lại để đầu trọc giống như đầu dương vật”.

Dù bản thân cả hai là tác phẩm nghệ thuật, họ còn là nghệ sĩ nữa. Trong studio của họ chồng chất hàng tá tranh chân dung tự họa. Loạt tranh này có tên MEDIAPLASTIC, chúng vẽ dựa theo những bức ảnh chụp hai cô trên các báo. Một bức tranh lớn có giá 35,000 euro (30,026 bảng Anh), Eva nói, “nhưng khi bạn cân nhắc xem làm nghệ thuật như chúng tôi tốn kém như thế nào, tính luôn chi phí phục trang, phí đi lại và tiền lương cho trợ lý, chúng tôi thực sự cũng chỉ đủ thu bù chi thôi”.

Một bức vẽ của EVA & ADELE

Bước đột phá của họ đến vào năm 1991 tại bảo tàng Martin Gropius Bau ở Berlin: cả hai xuất hiện ở triển lãm Đông–Tây Đức đầu tiên sau khi nước Đức thống nhất hai miền, EVA & ADELE đã tự dựng nên lễ cưới của chính họ và biểu diễn nó tại bảo tàng. Ảnh chụp màn trình diễn này lan khắp thế giới, và cặp đôi trở nên nổi tiếng trong giới nghệ thuật từ đó. Song cũng có những người tức giận vì hai cô dám cướp hào quang của triển lãm, nói rằng hai mụ này dám cũng chườn mặt đến cho dù chỉ là một buổi mở bao thư. “Đó là mấy lời xì xầm ác ôn”, Eva phì cười khi chúng tôi tới xem Anschlüssel – một triển lãm tại gallery Fruehsorge – triển lãm có bày các bức tranh họ vẽ, và họ vẽ đủ thứ ,từ đầu sọ đến lịch ăn mặc của mình. Triển lãm sẽ đến London vào năm mới.

Liệu việc người ta không chịu công nhận rằng các cô vừa tạo ra nghệ thuật vừa là hiện thân của nghệ thuật có làm các cô khó chịu? “Sự nông cạn luôn làm chúng tôi khó chịu”, Adele nói. “Tất cả các nghệ sĩ đương đại đều chung cảnh ngộ với chúng tôi – ban đầu không ai nhìn nhận chúng tôi một cách nghiêm túc. Nhưng riêng trường hợp của chúng tôi thì sự tự do về tính dục còn khiến mọi người cau có hơn nữa. Họ đã rất bực nên chúng tôi lại càng phải vẽ đẹp hơn, phải đặt nhiều tâm huyết vào tác phẩm hơn so với nghệ sĩ bình thường”.
 

EVA & ADELE trước tác phẩm của chính mình

Tất nhiên, EVA & ADELE tạo ảnh hưởng mạnh nhất khi họ là chính mình. Hai cô hào hứng khoe với tôi rằng quyển sách giáo khoa về tôn giáo mà các trường Đức dùng có dành cả trang để viết về họ. “Cả trang đấy! Cô tin nổi không?” Adele hô lên và nắm chặt hai bàn tay nhỏ nhắn của mình lại. Bài tập trong sách (dành cho trang viết về EVA & ADELE) yêu cầu học sinh cân nhắc những cách khác nhau hòng sống tốt. Eva cho biết rằng khi họ tổ chức triển lãm ở Tallinn – thủ đô Estonia, có người nói với cô rằng họ mang một ý nghĩa đặc biệt với người dân đất nước ấy. “Sau 50 năm phụ thuộc Liên Xô, chúng tôi là biểu tượng của sự tự do”, Eva kể.

EVA & ADELE chỉ ra rằng thế giới đã thay đổi thế nào sau màn trình diễn đám cưới đầu tiên của họ vào năm 1991. “Bạn nên nhớ rằng vào thời thế kỷ 20, thiên hạ hiếm khi nào xem phụ nữ là nghệ sĩ”, Eva nhận xét. “Chỉ đến những năm 90 thì người ta mới bắt đầu nhìn nhận phụ nữ một cách nghiêm túc. Đó là kỷ nguyên duy nhất chúng tôi có thể đáp cỗ máy thời gian của mình xuống”

Tôi từng bắt gặp EVA & ADELE qua năm tháng. Bất cứ khi nào đi dự Venice Biennale, Documenta, Manifesta… là tôi luôn thấy họ có mặt ở đấy, như nhân vật Zelig và Zeliga trong phim Zelig của Woody Allen. Tôi ngạc nhiên là hai cô không xuất hiện giữa đám đông trong tranh của Brueghel, trong một góc tranh của Watteau, hay trở thành một vết hồng trong tác phẩm vẽ cảnh đường phố của phái ấn tượng. Tôi tưởng tượng họ hiện ra giữa dòng người đi dạo trong các bức ảnh thời thế kỷ 19, hoặc nhìn như hai đóa mẫu đơn nở rộ giữa loạt mũ chóp cao và váy phồng trong các đoạn phim câm.

Cặp đôi. Ảnh từ trang này 

Tôi thích ngắm họ từ khoảng cách xa. Họ tô điểm chút màu sắc cho các triển lãm, tôi thích cách họ bỡn cợt với giới tính, cũng như niềm vui thú họ có được từ việc ăn mặc cho nhau xem và cho chúng ta xem. Sự hiện diện của họ khiến tôi vui. Tôi đã luôn tò mò về lối sống của họ, muốn biết suy nghĩ của cả hai về việc họ đang làm. Dù gì đi nữa, tất cả các bộ cánh chúng ta mặc luôn là một công cụ hóa trang, và hầu hết mọi người đều là những kẻ chuyên đi giả trang mà thôi. Tôi thích sự lưỡng tính của EVA & ADELE, cũng như ý nghĩa của nó.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp