Trường phái

12. 6. 1890: Kẻ nổi loạn Egon Schiele chào đời14. 06. 15 - 4:20 pm

Bop Lavender tổng hợp và biên dịch

 

Egon Schiele, “Tự họa”, 1912

Egon Schiele (1890 – 1918), người Áo, là một trong những họa sĩ biểu hình quan trọng nhất của những năm đầu thế kỷ 20.

Hội họa của Schiele cực kỳ ấn tượng bởi lối thể hiện vô cùng bạo liệt. Các dáng vẻ cơ thể xoắn vặn và những đường nét biểu cảm là đặc điểm nổi bật trong tranh ông.

Schiele là nhân vật đầu đàn của chủ nghĩa biểu hiện Áo, mặc dù hội họa của ông vẫn có sự kết nối với phong trào nghệ thuật mới (Jugendstil).

Với cái nhìn độc đáo, lối miêu tả cơ thể tự nhiên và kỹ thuật tạo hình cực kỳ điêu luyện, hội họa của Schiele đã có những đóng góp vô cùng quan trọng cho sự phát triển của nghệ thuật hiện đại.

Egon Schiele, “Weiblicher Akt mit gelbem Handtuch”, 1917

Bộ sưu tập quan trọng nhất của Schiele hiện nằm ở Bảo tàng Leopold, Vienna.

Tiểu sử của ông không hề xa lạ với những người yêu hội họa.

Nhưng 5 BÍ MẬT dưới đây của đời Egon Schiele không phải ai cũng biết:

1. Egon Schiele là kẻ đã bỏ trường nghệ thuật

Là một tài năng sớm phát lộ, Schiele thi đỗ vào Học viện Mỹ thuật Vienna ngay từ năm 16 tuổi. Tuy nhiên, ông không thích lối đào tạo mỹ thuật cứng nhắc của học viện, mà luôn hướng tới những lối tiếp cận tiên phong hơn, tìm kiếm cảm hứng trong các tác phẩm của Oskar Kokoschka và Gustav Klimt – người sau này trở thành thầy dạy vẽ của ông. Schiele công khai đả phá các nguyên tắc giảng dạy của các giáo sư và rời bỏ học viện vào năm 1909. Sau khi biết được quyết định bỏ học của Schiele, vị giáo viên dạy môn hình họa của ông đã nói: “Cậu chớ có nói với bất kỳ ai là tôi từng dạy dỗ cậu đấy, rõ chửa.”
 

Egon Schiele, “Mẹ và hai con”, 1915

 

2. Egon Schiele từng là một nhà thơ

Schiele đã sáng tác một số bài thơ trong cuộc đời ngắn ngủi của mình; Tuy không có những bài tầm cỡ các thi phẩm xuất sắc của các thi sĩ biểu hiện nổi tiếng thời bấy giờ như Georg Heym, Gottfried Benn, song một số bài thơ của ông là những thi khúc thể hiện sinh động tầm nhìn của người họa sĩ thiên tài. Nhiều thi khúc của ông có tiêu đề liên quan tới màu sắc hoặc phương pháp tiếp cận của họa sĩ, chẳng hạn như “Phác thảo cho một bức chân dung tự họa” hoặc “Chân dung tự họa”. Trong một bài thơ tên “Viễn cảnh” có câu: “Những thiếu nữ xanh xao lộ ra những cẳng chân đen đúa đi vớ đỏ; họ ra hiệu bằng những ngón tay thâm tím…” gợi lên một bức tranh sống động như thể được ông vẽ ra trước mắt.

”Chân dung tự họa nam khỏa thân mặt nghiêng trái” 1910

 

3. Egon Schiele là kẻ trăng hoa

Schiele là một người đàn ông trăng hoa khét tiếng; cách ông bố trí người mẫu và lối phục trang của họ cho thấy rõ niềm đam mê và sự thèm khát thân hình đàn bà của ông. Ông ghi nhận có không dưới 180 “khách” nữ từng đến thăm xưởng họa của mình trong một khoảng thời gian tám tháng.
 

Người mẫu của bức này là Wally Neuzil (sinh 1894, chết trẻ 1917), vốn là người mẫu của Klimt, sau thành người mẫu của Shiele và cũng là nàng thơ, người tình của ông

Không có gì ngạc nhiên khi ông kết hôn với Edith Harms vào năm 1915, người vợ mới này đã luôn bày tỏ sự ghê rợn cái thói quen “dùng” các cô người mẫu của chồng, và bản thân cô cũng cảm thấy khó xử khi làm mẫu khỏa thân cho ông vẽ – bởi cô xuất thân là người theo đạo Tin lành. Trong năm đầu tiên sau ngày cưới, Schiele vẫn trung thành với Edith, và trong thời gian đó, họ đã “quấn chặt lấy nhau” (như cách Harms nói), “càng nhiều càng ít để quên đi thế giới xung quanh”. Nhưng khi Harms bắt đầu tăng cân, không còn phù hợp với mẫu người gầy gò mảnh mai của Schiele, họa sĩ đã quay lại với những cô người mẫu khác.
 

”Nằm nghiêng với tất xanh, hay AdeleHarms”. Adele Harms chính là chị/em gái của Edith Harms, vợ Schiele, về sau cũng mê hoạ sĩ 🙂

 

4. Egon Schiele từng bị bỏ tù một thời gian ngắn

Năm 1912, Schiele bị buộc tội dụ dỗ trẻ vị thành niên. Mặc dù về sau được chứng minh là không phạm pháp, và sau đó được giảm án, song Schiele vẫn bị tạm giam 24 ngày vì một “tội trạng” khác: “sỗ sàng trưng bày tranh khiêu dâm trước mặt trẻ vị thành niên”. Trong lúc ở tù, Schiele đã vẽ một loạt 12 bức tranh (màu và bút ở đâu ra ? sao lại cho tù nhân vẽ vời tự do như ở nhà thế nhỉ?) mô tả những chấn thương tâm lý và sự bức bối của một người sống trong cảnh giam cầm.
 

“Cô gái quỳ, chống hai khủy”, 1917

 

5. Egon Schiele là một họa sĩ phân tâm học

Schiele là người sống cùng thời với Sigmund Freud và cũng là nhà phân tâm học, và, giống như Freud, ông đã tìm cách khai quật cái vô thức – như là nguồn gốc của tâm lý và những tính khí bất thường của con người: trong các bức chân dung của mình, Schiele khám phá những chiều sâu tâm linh của các đối tượng thông qua cuộc đối đầu triền miên với thể xác, tình dục và cái chết.
 

Egon Schiele,”Tình bạn”, 1913

Nhiều học giả cho rằng hội họa của Schiele, đặc biệt là những bức chân dung tự họa, là những thực hành nghệ thuật hướng nội, nhằm phản ánh một trạng thái tâm lý của đời sống. Những nhân vật gầy gò, hốc hác, góc cạnh của ông thường có bộ dạng của những người có nội tâm luôn căng thẳng, dằn vặt và như “bị tra tấn”.

**

Trong suốt cuộc đời ngắn ngủi vỏn vẹn 28 năm bị cắt đứt thật bi kịch bởi dịch cúm Tây Ban Nha, Schiele đã từng gây nên nhiều cơn bão dư luận bởi cách tiếp cận hội họa khỏa thân đầy thô ráp và phi lý tưởng hóa. Những bức tranh mô tả cơ thể con người vô cùng chân thực, cấp tiến, biểu cảm và hoàn toàn không khoan nhượng đã bộc lộ thật tuyệt mỹ, đầy bản năng và hấp dẫn những yếu tố của sự tự biểu hiện, sự sinh sản, tình dục, sự khêu gợi và cái chết – những mối quan tâm chính trong bầu không khí tâm lý và xã hội đầy biến động, căng thẳng của thành Vienna trước cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
 

“Hai cô gái nằm quấn lấy nhau”, 1915

Dù Schiele đã từng có một tuyên bố rất nổi tiếng rằng “nghệ thuật gợi tình cũng thiêng liêng lắm”, song nhiều bức tranh của ông đã bị công chúng và giới phê bình la ó và gắn mác “rác rưởi”, “khiêu dâm”.

Tuy nhiên, giờ đây, các bức tranh màu nước phi phàm của ông với những hình thể nam nữ khỏa thân đã được cả thể giới ca ngợi là những kiệt tác, còn sự nghiệp ngắn ngủi của ông được lịch sử nghệ thuật thế kỷ 20 ghi nhận là đã có những đóng góp vô song về lối mô tả sáng tạo các chủ thể, nhất là CƠ THỂ CON NGƯỜI.

*

Một số bức… không phải vẽ người của Schiele:

”Cửa sổ” (Mặt tiền nhà)

 

Egon Schiele, “Cây cầu”

 

”Đồng hoa”

 

“Phòng khách ở Neulengbach”, 1911

 

“Nhà giặt khô”, 1917

*

Nguồn: Từ FB của Bop Lavender

Ý kiến - Thảo luận

8:41 Monday,15.6.2015 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Egon Schiele nghịch thật. Trong bức ”Chân dung tự họa nam khỏa thân mặt nghiêng trái” 1910, đồng chí ấy buông bỏ không vẽ cẳng tay và bàn tay trái, cốt để tạo hình toàn bộ phần người còn lại thẳng băng như một khúc dương cụ.
...xem tiếp
8:41 Monday,15.6.2015 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Egon Schiele nghịch thật. Trong bức ”Chân dung tự họa nam khỏa thân mặt nghiêng trái” 1910, đồng chí ấy buông bỏ không vẽ cẳng tay và bàn tay trái, cốt để tạo hình toàn bộ phần người còn lại thẳng băng như một khúc dương cụ. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp