Trường phái

Trường phái Ấn tượng: Ngày ấy người ta dùng màu gì?29. 09. 15 - 7:54 am

Karin H. Grimme - Thúy Anh dịch

Yếu tố sáng tạo trong lối vẽ Ấn tượng là việc xử lý màu sắc và ánh sáng. Hình khối, đường nét bị cho đóng vai trò thứ yếu và người thưởng lãm thời đó (thế kỷ 19) nghĩ điều này là không hay, thậm chí lố bịch. Ingres đã khuyên cậu trai 20 tuổi Edgar Degas – người ngưỡng mộ bậc thầy cổ điển Ingres – rằng: “Hãy tập vẽ nhiều đường thẳng vào, chàng trai ạ, các đường thẳng mà cậu thấy trong tâm trí và thấy ngoài đời, rồi thì cậu sẽ thành một hoạ sỹ giỏi.” Không như những người bạn của mình, Degas đã tin tưởng mạnh mẽ lời khuyên này.

Edgar Degas, “Tại cuộc đua – Trước lúc xuất phát”, 1892, sơn dầu trên canvas

Trái với Degas, đa số các họa sỹ Ấn tượng yêu chuộng việc thông qua màu sắc, ánh sáng ghi lại những khoảnh khắc ngắn ngủi của nhịp sống. Đối với Bazille và Monet, chủ đề không còn quan trọng. Những gì được xem là “bình thường” với người xem ngày nay thì vào thế kỷ 19 chúng là những rung cảm chưa-từng-nghe-nói-đến – một cuộc cách mạng về cách nhìn.

Frederic Bazille, “Saint-Saveur”

Pierre-Auguste Renoir khi vẽ bức “Người phụ nữ khỏa thân dưới ánh mặt trời” (năm 1875/76) đã dùng màu xanh lá, xanh dương, đỏ, và những mảng màu trắng cho da thịt nhân vật. “Tôi nhìn cơ thể khỏa thân và thấy không đếm xuể các bóng nắng nhỏ xíu. Tôi phải tìm ra những bóng nắng thật nhất sinh động nhất để thể hiện chúng trên toan.” Cách nhìn sự vật lạ lùng này được nhà phê bình nghệ thuật Albert Wolff đề cập trong một bài viết trên tờ Le Figaro về cuộc triển lãm Ấn tượng lần thứ hai năm 1876. Ông gọi những điểm nắng trên da thịt ấy là “thịt ôi thiu”.

Pierre-Auguste Renoir, “Torse, effet de soleil”, khoảng 1875-1876. Sơn dầu trên canvas

Việc sáng tác thiên về màu sắc của hội họa Ấn tượng là do trong đời thật màu sắc đã trở nên đa dạng, vải vóc quần áo đã trở nên nhiều màu hơn. Nhiều hóa chất và kỹ thuật được phát minh đầu thế kỷ 19 đã tạo ra nhiều loại chất nhuộm, thị trường tràn ngập các màu nhân tạo như màu hoa cà (từ 1856) và đỏ alizarin (từ 1868). Chúng bền hơn các màu tự nhiên và rẻ hơn nhờ sản xuất hàng loạt. Một vị khách đi xem triển lãm Ấn tượng lần đầu tổ chức vào năm 1874 đã nói nửa đùa nửa thật rằng chắc các họa sỹ có súng bắn màu, chỉ cần nạp màu vào đó, bắn lên toan rồi ký tên.

Pierre-Auguste Renoir,“Garden in the rue Cortot, Montmartre”, 1876

Các hoạ sỹ Ấn tượng rất thích vẽ ngoài trời. Công nghệ sản xuất sơn cũng khuyến khích việc này: đó là vào năm 1841 lần đầu tiên sơn được cung cấp dưới dạng tuýp kim loại có nắp đậy. Bột màu không còn bị bay khi gió thổi và cũng không cần được khuấy nữa. Tuy nhiên không có nghĩa các hoạ sỹ Ấn tượng bỏ hẳn kiểu vẽ bằng bột màu truyền thống.

Trước đó vẫn có quy tắc là các hoạ sỹ đừng bao giờ nên vẽ phong cảnh vào lúc xế chiều vì bột màu không lên màu được, cũng không thể vẽ mặt trời một cách trực tiếp. Nhưng giờ đã làm được, để vẽ ánh nắng chói lòa xế chiều trên cầu Pont Neuf, Paris, Pháp, Renoir đã dùng sắc trắng, xám và vàng.

Pierre-Auguste Renoir, “Pont Neuf, Paris” 1872

Ngoài chuyện có chủ đề và kỹ thuật vẽ giống nhau, các hoạ sỹ Ấn tượng Pháp còn chia nhau một ông bán hoạ phẩm tên là Julien Tanguy – hay còn gọi là Père Tanguy – người đi khắp đây kia kinh doanh trước khi mở cửa hàng cố định ở Paris năm 1871. Tanguy giúp đỡ hoạ sỹ trẻ – những người luôn gặp khó khăn tài chính – bằng cách nhận tranh của hoạ sỹ và đưa họ sơn, màu, toan. Bằng cách này ông không chỉ là nhà cung cấp hoạ phẩm mà còn là nhà sưu tập. Không có ông, nhiều tác phẩm đã không ra đời bởi các hoạ sỹ rất thiếu thốn, Renoir đã phải gom nhặt các tuýp sơn mà các sinh viên khác vất đi, hay Monet và Pissarro đã phải cạo sơn của tác phẩm hoàn thiện để dùng lại toan vẽ bức khác.

Vincent Van Gogh, “Père Tanguy”, 1887, sơn dầu trên canvas

Màu xanh crôm và màu tím hoa cà Monet dùng vẽ bức La Grenouillère (1869) là cũng mới có mặt trên thị trường thời đó.

Claude Monet,“La Grenouillère”, 1869, sơn dầu trên canvas

 

*

Bài tương tự:

- Về phong trào Biểu hiện (Expressionism) Đức, thế kỷ 20

- Trường phái Ấn tượng: Ngày ấy người ta dùng màu gì?

- Về bức “Buổi họp mặt gia đình” của Frédéric Bazille

- Về những bức tĩnh vật vẽ cá

- Về hai bức chân dung mẹ và con theo trường phái Ấn tượng

- Tranh phụ nữ trong nhà hát của Mary Cassatt

- Hội họa Ấn tượng: Van Gogh vẽ Père Tanguy

- “Hoàng hôn ở Ivry” của Guilaumin: Những gì vất vả thường bị lãng quên

- Tranh Kandinsky: Như nghe được âm nhạc trong màu sắc

- Tranh vẽ người uống rượu Áp-xanh

- Sống cùng thời đại: Monet vẽ xe lửa

- Vì sao Claude Monet không thích vẽ trong xưởng?

- “Cầu Pont Marie, Quai Sully”: Guillaumin vẽ cái thô tháp của cuộc sống

- Lý giải chuyện tình dục qua “Cơn ác mộng” của Henry Fuseli

- “No Woman, No Cry” của Chris Ofili

Ý kiến - Thảo luận

6:17 Wednesday,30.9.2015 Đăng bởi:  Trinh Lữ
Thực ra Alizarin Crimson không hề bền màu, mà còn được gọi là fugitive, nghĩa là hơi tí là biến mất. Những màu hồng cánh sen trong tranh của Van Gogh, do dùng Alizarin Crimson, nên đều bị bạc trắng cả. Những bức hoa súng của Monet cũng vậy. Bây giờ mới có nhiều hãng làm màu quảng cáo rằng họ đã tổng hợp được "Permanent Alizarin Crimson" - nghĩa là bền màu hơn. Những màu nà
...xem tiếp
6:17 Wednesday,30.9.2015 Đăng bởi:  Trinh Lữ
Thực ra Alizarin Crimson không hề bền màu, mà còn được gọi là fugitive, nghĩa là hơi tí là biến mất. Những màu hồng cánh sen trong tranh của Van Gogh, do dùng Alizarin Crimson, nên đều bị bạc trắng cả. Những bức hoa súng của Monet cũng vậy. Bây giờ mới có nhiều hãng làm màu quảng cáo rằng họ đã tổng hợp được "Permanent Alizarin Crimson" - nghĩa là bền màu hơn. Những màu này lại không thể trong sáng đẹp đẽ như Alizarin Crimson chóng phai. Thực ra các cụ Impressionists dùng màu công nghiệp vì chúng được đóng tuýp dễ dàng mang theo đi vẽ ngoài trời là chính, và màu công nghiệp có nhiều thứ "nguyên chất" sặc sỡ rực rỡ hơn. Hoàn toàn không phải do chúng bền màu hơn những màu tự nhiên mài từ đất đá như của các họa sỹ cổ điển. Thực tế cho thấy là tranh cổ điển bền màu gấp nhiều lần tranh các cụ Impressionists. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp