Nghệ sĩ Việt Nam

Chuyện cũ (bài 5): Giảng dạy không phải là việc trao đổi văn kiện 04. 11. 15 - 7:41 am

Trịnh Lữ chép lại

(Tiếp theo các bài trước)

Một thư nữa thầy viết cho trò, mà tôi muốn đặt tiêu đề là:

GIẢNG DẠY KHÔNG PHẢI LÀ VIỆC TRAO ĐỔI VĂN KIỆN

Em M,

Thày rất khen tinh thần học tập rất nghiêm túc của em.

Em có đề nghị in sẵn bài giảng để các em khỏi mất thì giờ chép lại.

Riêng với kinh nghiệm giảng dạy của thày thì thấy rằng làm như thế không có lợi cho các em. Đã có những trường hợp lấy bản in bài học đi gói xôi và làm vệ sinh. Còn tình trạng có sẵn bài nhưng không đọc không học là phổ biến. Thêm vào đấy cái việc yên trí có bài in sẵn, khi giảng thì không nghe, ỷ y sẽ về nghiên cứu sau cũng được, đến khi về nhà nằm ngả ngốn đọc được 3 dòng là ngủ…

Vậy, em cứ chịu khó nghe, chịu khó ghi chép đầy đủ rồi chịu khó đúc kết cho có hệ thống, việc gì cũng vậy, có công nhiều mới có quả tốt.

Việc giảng dạy vốn là một việc giao cảm trực tiếp giữa thày và trò, cần có tình cảm tốt, có sự chăm sóc âu yếm tận tình, không phải là việc trao đổi văn kiện. Bao giờ em phải học hàm thụ em sẽ thấy tiếc việc được thày trực tiếp giảng bài.

Năm 1940, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc về số 78 Hàng Bông Nhuộm ngày nay, vay tiền ngân hàng dựng xưởng mộc lớn hơn với đầy đủ máy móc nhập từ Pháp sang và gần hai chục người thợ tinh tuyển. Đặt tên xưởng là MEMO Ébénisterie – “MEMO là ở chữ mémoire, muốn nói rằng ai đã dùng đồ của mình là sẽ nhớ mãi…”. Trong ảnh là thợ mộc MEMO chụp ở ở 78 Hàng Bông Nhuộm, 1953. Ảnh do Trịnh Lữ cung cấp

Em có ý tốt muốn đem nghệ thuật vào từng gia đình công nông để thay đổi khung cảnh sống tươi vui cho bà con. Nhưng em cũng thấy ngại về cái cũ cái xấu đã mọc rễ quá sâu ở mọi nơi. Em nghĩ đến một cuộc cách mạng sâu rộng, nhưng lại ngại bản thân tài hèn sức mọn…

Em cứ yên tâm. Con em nông dân ngày nay lớp 7 lớp 8 là trung bình. Kỹ sư bác sỹ kể có số hàng nghìn. Khi văn hóa đã cao tự nhiên có yêu cầu mới. Em cứ cố gắng học tập để có khả năng làm được cái mới, đẹp, tốt, tiện dùng, rẻ hơn cái cũ, là đâu sẽ có đấy. Cách mạng nào cũng phải là Cách mạng của quần chúng. Không ai ban bố được Cách mạng cả.

Em cần kiểm điểm lại thái độ của em khi nghĩ đến bà con công nông. Em và “họ” có vẻ còn cách biệt xa trùng lắm. Nếu từ ông cấp cao đi ô tô đến cậu sinh viên như em, ai cũng quên rằng xăng để chạy xe, nhà bốn tầng để ngồi ăn học, đều do bà mẹ nông dân chổng mông chổng khu hai sương một nắng cung cấp cho cả, thì chẳng mấy chốc mà quan Cách mạng vẫn ăn trên ngồi trốc, dân ngu khu đen vẫn đói khổ lầm than.

Em cũng như nhiều bạn em đều bị ảnh hưởng từ đâu không biết, đều bị băn khoăn về vế lai căng, thiếu dân tộc tính, vân vân, của đồ đạc hiện nay; và đều ao ước có những đồ đạc kết hợp. Nhưng sự thật phũ phàng đã cho biết rằng những đồ kết hợp thì thường nhiều công đắt tiền nên chỉ cấp cao mới có khả năng mua. Hơn nữa đố kết hợp thường chỉ là mơ ước của thanh niên sống một mình, không thích hợp với cảnh gia đình đông con của phần đông bà con… Vấn đề này em sẽ có dịp được học và nghiên cứu đến nơi.

Một phác thảo ý tưởng một kiểu “sạp gụ” thời mới của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc. Ảnh: Trịnh Lữ cung cấp

Em nên cố gắng tập về mộc với thày Nguyệt để làm được bén sát sạch sẽ. Về vẽ, em cố gắng khai thác đến nơi lối vẽ trên ô chéo.

Thày mong cho con cái được học hành như thế nào thì cũng mong cho em được chăm sóc uốn nắn đến nơi như thế, do đó thày không ngại nhắc nhở em ngay mỗi khi có vấn đề gì cần phải uốn nắn. Mong em thông cảm.

6-1963

*

(Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Hà Nội: bạn cần biết địch biết ta...

Lê Thị Liên Hoan (đạo diễn Lê Hoàng)

Vì sao đại gia ta chưa bỏ tiền mua tranh ta?

Phạm Huy Thông - Nguyễn Hồng Sơn - Phạm Quốc Trung

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả