Khác

Open Academy: cái gì
cũng cần thời gian 17. 11. 10 - 6:59 am

Nam Sơn

 

Tối ngày 13 tháng 11, tại Viện Goethe Hà Nội đã diễn ra hai sự kiện văn hóa nằm trong chuỗi sự kiện trong khuôn khổ dự án Open Academy – Học viện mở: một dự án giao lưu văn hóa nhân năm Đức tại Việt Nam 2010.

Một chương trình nhạc thể nghiệm đã được lên chương trình trước và một workshop được cho là mang tính ngẫu hứng giữa các họa sỹ Đức và họa sỹ Việt Nam, diễn ra trước trương chương trình nhạc.

Các họa sỹ cho biết cuộc trình diễn/trình bày này chỉ diễn ra trong 8 phút, là một thể nghiệm với đa thể loại: từ sắp đặt, trình diễn cho đến video art; là kết quả của sự hợp tác sáng tạo và ứng biến; là sản phẩm sau 4 ngày thảo luận giữa các họa sỹ Việt Nam cùng hai Nghệ Sĩ Đức là: Veronika Wite và nghệ sĩ Bertold Sneider – vốn là hai nghệ sĩ chuyên làm các dự án nghệ thuật thể nghiệm.

Các họa sỹ Việt Nam gồm có: Phạm Huy Thông, Doãn Hoàng Kiên, Phạm Văn Trường,Võ Ngọc Huế và Nguyễn Hường. Âm nhạc được dùng làm chất liệu cảm hứng là vở Tristan và Isolde, một vở nhạc kịch về tình yêu.

Cả không gian của workshop được treo những tấm polime trắng, một đống ghế được xếp chồng lẫn lộn cũng được bọc vải trắng: có lẽ đây là ý tưởng minh họa cho cái chủ đề bi thương trong vở opera.

Họa sỹ Phạm Huy Thông đã tự trói mình rất sớm vào một bức tường. Trong lúc chờ đợi đến giờ khai mạc, họa sỹ tán chuyện vui vẻ với những ai đã đến. Cuối cùng thì giờ khai mạc cũng bị muộn mất 30 phút. Không sao. Ai cũng hiểu thế là tốt rồi, giữa một Hà Nội kẹt xe và khói bụi.

Có khá đông người đến, mặc dù các họa sỹ đã nói là không thông báo rộng workshop này (sao thế nhỉ?), mọi người đến chắc là do chương trình âm nhạc thể nghiệm đã được thông báo từ trước. Và cũng vì đông người nên phòng triển lãm trở nên khá chật chội.

Họa sĩ Trần Lương, thứ 2, từ phải sang

 

Nghệ sĩ Kim Ngọc – chị sẽ tham dự phần âm nhạc thử nghiệm ngay sau phần trình diễn 8 phút của các họa sĩ.

Buổi khai mạc bắt đầu bằng lời giới thiệu ngắn của họa sỹ người Đức. Rồi âm nhạc trong trích đoạn của vở opera vang lên, có hai máy chiếu, một máy chiếu cố định được chiếu lên mảng tường lớn, một máy chiếu di động được ẩn cho chạy tới chạy lui để hình ảnh được chiếu nhấp nhoáng lên những tấm vải trắng. Đó là những clip được các họa sỹ quay tùy hứng trong vài ngày trước. Thực ra nếu có được quay với chủ đề cẩn thận thì cũng chẳng ai có thể xem được nó là cái gì. Âu cũng chỉ là một ánh sáng nhấp nhoáng lấy không khí là chính. Vậy là một loại hình nghệ thuật trong worshop này – video art – đã hoàn thành sứ mệnh.

Một số nghệ sỹ bắt đầu chuyển động và làm một số đông tác, ví dụ như họa sỹ Doãn Hoàng Kiên thì vừa đi vừa đấm ngực, Trường Art (Phạm Văn Trường) thì xếp những miếng vải tròn thành những dấu chấm trên sàn nhà (và mãi về sau, khi thắc mắc những miếng vải đó là gì thì được biết chúng được cắt ra từ loại khẩu trang đang thịnh hành của cư dân Hà Nội đang lưu thông trên những con đường đầy bụi). Tuy nhiên tại đó, người xem nghĩ nát óc cũng không hiểu mối liên hệ những miếng vải tròn đó với giọng hát opera trong cao trào bi thương nhất của tình yêu.

Và sau đó:
 
Vẫn trong tiếng nhạc, Phạm Huy Thông đã thay đổi một vài tư thế như thế này cho đến hết cuộc trình diễn. Khi được hỏi, họa sỹ cho biết đó là những gì mà họa sỹ nhận thấy khi nghe bản nhạc và dùng các cử động này để diễn tả cảm xúc.

Trong khi ấy, họa sĩ Võ Ngọc Huế đọc to những lời được viết trong một mảnh giấy, nghe lõm bõm vì chìm trong tiếng hát, đoán có lẽ là lời bài hát được dịch ra vì tính ca từ của nó. Sau đó họa sỹ đứng trước mặt một số người xem, dùng tay làm loa và nói với họ điều gì đó. Một vài vị khách có vẻ hơi bối rối với hành động này.

Đứng đối diện nhau qua bức vải là Trường Art và họa sỹ Nguyễn Hường. Là chia li hay ngăn cách? Khúc opera vẫn dang tiếp tục…

Cuối cùng thì 8 phút đã trôi qua, chắc chắn người xem còn bỏ sót rất nhiều hành động nữa. Thực ra không thể quan sát hết nổi từng ấy hành động, từng ấy ý tưởng đầy khái niệm khá mơ hồ, trong một không gian đầy âm nhạc, một thể loại âm nhạc mà bình thường phải chuẩn bị tâm lí khá kĩ để nghe nó, và đầy các hình chớp lóe của các clip video chồng chéo lên nhau. Quả thực, thế cũng xong. Mọi người vỗ tay hồ hởi và cùng nhau chụp hình lưu niệm. Ngoài sân chương trình nhạc thể nghiệm đang chờ đợi.

 Michael Vorfeld sống và làm việc tại Berlin. Ông là nhạc sĩ và nghệ sĩ tạo hình, chơi nhạc gõ và thực hiện các tác phẩm âm thanh điện tử. Trong một trả lời phỏng vấn của truyền hình Việt Nam trước giờ biểu diễn, ông đã nói về dự án hợp tác trong âm nhạc với các nghệ sỹ Việt Nam. Ông nói ông “đã rất nhanh chóng tìm được tiếng nói chung với các nghệ sỹ Việt Nam”, và đánh giá họ “đã có một sự am hiểu khá tốt về thể loại âm nhạc này”.

Ông cũng nói, trong dự án chung về âm nhạc này, “không phải bắt đầu bằng một bài ca, hay một tác phẩm âm nhạc, hay một nốt nhạc nào cụ thể, mà là cả nhóm bắt đầu bằng những chất liệu âm thanh qua các thiết bị công nghệ cao. Thông điệp mà chúng tôi định gửi gắm đến các bạn khán giả là: âm nhạc với chúng tôi không chỉ là những bài hát, những giai điệu, mà chính là những không gian âm nhạc thoải mái,đa dạng, mà ở đó người ta có thể thể hiện những cảm xúc của mình một cách tự do hơn. Ở trong đó, có thể nói còn có sự giao lưu, giao thoa giữa con người và xã hội”.

Suốt một tiếng đồng hồ sống trong âm nhạc với phần trình bày đầu tiên là của Michael Vorfeld (bộ gõ) và Nguyễn Mạnh Hùng (guitar điện), khán giả ngồi chật sân sau của Viện Goethe lắng nghe những âm thanh thể nghiệm được phát ra theo những lối phi truyền thống có thể làm ai đó thắc mắc “liệu đây có phải là âm nhạc?”

Rồi khoảng 15 phút sau, Vũ Nhật Tân nhập cuộc với các dụng cụ điện tử. Sẽ không còn hình ảnh chàng nhạc sỹ ôm đàn mơ màng; mà là hình ảnh gần giống một ông thợ sửa chữa tivi cần mẫn với một đống những nút vặn, chỉnh, ấn, từ đó phát ra những âm thanh thật khó xác định đó là tiếng gì, thể loại gì…

Cuối cùng, nghệ sỹ Kim Ngọc bước vào với cây đàn tranh, nhưng một lần nữa, cách làm cho nó phát ra âm thanh cũng khác với cách truyền thống.

Quả thực, với những người chưa quen nghe các thể loại âm nhạc thể nghiệm như thế này thì để bắt đầu nghe quả là một cuộc thử sự kiên nhẫn với đôi tai. Những tổ hợp âm thanh đều đặn được nhắc đi nhắc lại dài hơn sức bình thường, hoặc những âm thanh lạ tai, những lớp âm thanh với những màu sắc mạnh, thỉnh thoảng lại tạo các tương phản đến trái ngược. Tất cả những thứ đó tạo nên một đêm nhạc, mặc dù phá cách, mặc dù nhiều lúc cho ta cảm giác lộn xộn, không trật tự và có thể gọi đó đích thực chỉ là tiếng ồn, thì vẫn cho thấy rõ bốn nghệ sỹ đã giữ chân được từng ấy khán giả bởi chính cái liều lượng và sự nhuần nhuyễn khi đưa các lớp không gian, một chút tiết tấu vừa đủ để tạo ra sự cân bằng mong manh.

Nhưng rồi khi ra về, có một cuộc tranh luận nho nhỏ giữa người viết với vài người bạn, lại về phần âm nhạc chứ không phải phần trình diễn, khi người viết sực tỉnh, nhớ là đã nghe cũng chính các nghệ sĩ này thể nghiệm từ rất lâu rồi, loại âm thanh này. Dễ đến cả chục năm và mức độ thể nghiệm có vẻ vẫn thế. Vẫn lùng nhùng chiếc áo thể nghiệm của hoàng đế vừa sang trọng vừa không buộc phải đi đến đâu. Câu hỏi ở đây là có nên trông chờ nhiều hơn vào các nghệ sĩ, thí dụ sự thể nghiệm qua thời gian thì cũng phải đi đến một kết luận khả dĩ, hoặc giả mức độ thể nghiệm cao hơn, ra tấm ra món hơn là những màn ngẫu hứng nho nhỏ, diễn ra trong những không gian sang trọng và ít người biết để mà tới xem?

Hai người bạn kia cho rằng không nên khắt khe như vậy. Đây là một cuộc thử nghiệm có thể kéo dài mãi, đến một “chân lý”: âm thanh nào cũng có thể thành âm nhạc. Đồng ý hoàn toàn. Nhưng nếu có một độ vênh giữa người nghệ sĩ với người nghe về “thế nào là âm nhạc” thì sao? Ở đây có hai trường hợp, hai nghịch lý:

1. Người nghe bảo chưa phải âm nhạc. Nghệ sĩ bảo đã là âm nhạc: Như vậy cuộc thể nghiệm đã kết thúc? Và lần diễn sau sẽ không còn gọi là thể nghiệm?

2. Người nghe bảo chưa phải âm nhạc. Nghệ sĩ bảo cũng chưa phải âm nhạc, tôi đang còn thể nghiệm: Vậy là hai bên “đồng thuận”, nhưng sao vẫn có cãi nhau? Nghệ sĩ vẫn có cảm giác “chưa được người ta hiểu mình?”

Cãi quanh co một hồi mới thấy một Open Academy này thật có ích, “open” đây là “open” với nhau, cả từ người xem lẫn người làm thể nghiệm. Nghệ sĩ sẽ phải cởi mở với những người xem “mãi không chịu hiểu” cho việc thể nghiệm lâu dài của mình, và người xem cũng phải biết cởi mở với những bước thể nghiệm chưa thành công, “chưa đúng ý mình” của nghệ sĩ.

Open Academy, cả đám đứng dậy trả tiền nước chè kết luận, đó là tập một thái độ. Mà đã gọi là tập một thái độ thì ai cũng cần thời gian.

Ý kiến - Thảo luận

0:02 Saturday,20.11.2010 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Soi ơi, hôm nay 19/11, tớ quay lại Viện Goeth xem workshop của chị Nazekat Ickichi(học trò của Maria Abramovic) và các bạn trẻ khác, thấy hay lắm. Có tầm đâu 9 bạn, hơn nửa số đó là phụ nữ, có cả 2 mẹ con cùng diễn. Các tác phẩm độc lập và đa dạng, lại có anh Trần Lương đứng chỉ đạo (he he). Soi có ở đó đăng bài cho bà con xem nhé.
...xem tiếp
0:02 Saturday,20.11.2010 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Soi ơi, hôm nay 19/11, tớ quay lại Viện Goeth xem workshop của chị Nazekat Ickichi(học trò của Maria Abramovic) và các bạn trẻ khác, thấy hay lắm. Có tầm đâu 9 bạn, hơn nửa số đó là phụ nữ, có cả 2 mẹ con cùng diễn. Các tác phẩm độc lập và đa dạng, lại có anh Trần Lương đứng chỉ đạo (he he). Soi có ở đó đăng bài cho bà con xem nhé. 
22:21 Thursday,18.11.2010 Đăng bởi:  Vũ Nhật Tân
tớ là người trong cuộc trực tiếp chơi nhạc đêm hôm đó nên còm men tí thôi, thực tế đây là đêm nhạc ngẫu hứng mặc dù trước đó cả nhóm có chút chuẩn bị và làm quen với phong cách của nhau, nhưng ngay cả sự "chuẩn bị" và làm quen đó cũng dựa trên ngẫu hứng nốt, và là một lối chơi nhạc hiện nay được gọi là "real time music" (âm nhạc trực tiếp) khá phổ biến
...xem tiếp
22:21 Thursday,18.11.2010 Đăng bởi:  Vũ Nhật Tân
tớ là người trong cuộc trực tiếp chơi nhạc đêm hôm đó nên còm men tí thôi, thực tế đây là đêm nhạc ngẫu hứng mặc dù trước đó cả nhóm có chút chuẩn bị và làm quen với phong cách của nhau, nhưng ngay cả sự "chuẩn bị" và làm quen đó cũng dựa trên ngẫu hứng nốt, và là một lối chơi nhạc hiện nay được gọi là "real time music" (âm nhạc trực tiếp) khá phổ biến khắp nơi trên thế giới (trừ Việt Nam ta), vì vậy xin update chút xíu cho bạn đọc có thêm thông tin 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả