Đi & Ở

MOBA: Chuông khánh lại chẳng ăn ai
Phải là mảnh chĩnh ở ngoài bờ tre29. 11. 15 - 7:17 am

Đặng Thái

Các bảo tàng mỹ thuật trên khắp thế giới đều có chung một sứ mệnh cao cả, đó là gìn giữ và trưng bày cho công chúng các tác phẩm nghệ thuật tạo hình đẹp đẽ và giá trị, nhằm tôn vinh người nghệ sĩ trong công cuộc sáng tạo của họ như một phần quan trọng của nền văn minh nhân loại. Tuy nhiên không phải là không có ngoại lệ. Trường hợp chúng ta sẽ tìm hiểu trong bài này là ngoại lệ đó và cả hành tinh này cũng chỉ có duy nhất mình nó mà thôi: Museum of Bad Art – Bảo tàng các tác phẩm mỹ thuật xấu xí.

Logo của Bảo tàng với khẩu hiệu: “Nghệ thuật xấu đến mức không thể bỏ qua”. Mục tiêu của bảo tàng là “Tán dương công sức lao động của những nghệ sĩ khi tác phẩm của họ không được công nhận và triển lãm ở bất kì một phòng trưng bày nào khác”.

Chuyện tưởng như đùa mà lại có thật. Sự sáng tạo của người Mỹ quả thật không ở đâu so sánh được. MOBA là một bảo tàng tư nhân, có trụ sở tại Boston – “Thành Athens” của nước Mỹ, hiện nay đã có đến ba chi nhánh trên toàn bang Massachusetts. Ý tưởng này của một nhà buôn đồ cổ tên là Scott Wilson. Vào năm 1994, khi Wilson đi trên phố, ông nhìn thấy một bức tranh đang nhô ra giữa hai cái thùng rác trên vỉa hè, xung quanh là rất nhiều bao rác chờ được thu gom. Ban đầu ông chỉ ấn tượng với cái khung tranh và đem khoe với một người bạn tên là Jerry Reilly. Ông Reilly này thích cả bức tranh lẫn cái khung và liền đem treo trong nhà để khoe với bạn bè, đồng thời ông nhắn nhủ tất cả là nếu ai tìm thấy tranh nào xấu giống thế thì nhớ mang đến. Và rồi khi Wilson tìm được thêm một bức cũng “dễ thương y như vậy” (dùng từ của Wilson), hai ông bạn đã quyết định cùng nhau thành lập một bộ sưu tập. Vào một ngày đẹp trời, Reilly và vợ ông là Marie Jackson đã tổ chức một buổi tiệc dưới tầng hầm nhà mình với bạn bè đông đủ để cùng chứng kiến lễ khai trương “Bảo tàng tranh xấu”.

Bức tranh đầu tiên trong bộ sưu tập của bảo tàng: Lucy trên cánh đồng hoa, sơn dầu trên vải với khung nguyên bản (sáng tác khoảng 1969 -1970). Đây là nguồn cảm hứng và tiêu chuẩn cho tất cả những tác phẩm được lựa chọn về sau khiến chính những nhà sáng lập băn khoăn không biết Wilson đã tìm thấy Lucy hay Lucy tìm thấy Wilson. Bức tranh được rất nhiều báo chí ca ngợi. Tờ The Montreal Gazette của Canada mô tả: “Một người phụ nữ lớn tuổi đang nhảy múa trên cánh đồng hoa mùa xuân căng tràn nhựa sống, với bộ ngực chảy xệ nảy lên nảy xuống vô thức và một cách không thể lý giải, tay phải bà ấy đang giữ một cái ghế đỏ trong khi tay còn lại nắm một bó hoa cúc dại”, Báo The Times của Anh cho rằng bức tranh chứa “tầng tầng lớp lớp bí ẩn”: “Tại sao đầu của Norman Mailer (nhà văn Mỹ nổi tiếng) lại gắn trên thân thể vô tội của bà nội trong khi máy bay F-16 thì đang quần đảo những ngọn đồi?”. Về sau, chủ nhân của bức tranh này đã nhận ra nó trên báo và đến bảo tàng để cung cấp một câu chuyện dài về việc thuê họa sĩ vẽ bức này, người trong tranh là bà nội của cô.

Tên của bảo tàng MOBA – Museum of Bad Art là một sự chơi chữ rất thông minh. Trong tiếng Anh, fine art nghĩa là mỹ thuật, chỉ loại nghệ thuật thuần túy cho mục đích thẩm mỹ, tôn vinh cái đẹp, nhằm phân biệt với applied art nghĩa là nghệ thuật ứng dụng (như mỹ thuật công nghiệp chẳng hạn). Cái người chơi chữ đã lợi dụng là chữ fine đặt riêng lại có nghĩa đẹp, tốt, khỏe trái nghĩa với bad (xấu, tồi, yếu). Lại còn công thức đặt tên museum of … art rất phổ biến ở các nước nói tiếng Anh, nên cái tên này còn nhái theo các bảo tàng nổi tiếng khác như MoMA (Museum Of Modern Art‎) ở New York chẳng hạn.

Sau khi rất nhiều tranh được nhặt nhạnh và đóng góp từ khắp các bạn bè thì căn hầm chật chội ở nhà riêng vợ chồng Reilly không còn đủ chỗ nữa. Hàng trăm người hiếu kỳ kéo đến để chiêm ngưỡng bộ sưu tập. Những người sáng lập định tạo ra một bảo tàng ảo, quay phim và lập trình phần mềm, in ra đĩa để mọi người có thể xem được tại nhà. Nhưng đến khi một đoàn khách du lịch quyết định ghé thăm “bảo tàng” thì ý tưởng này đã tiêu tan hoàn toàn. Năm 1995, bảo tàng quyết định chuyển đến trụ sở mới là tầng hầm một rạp hát tồi tàn của phường Dedham. Vì ở dưới hầm nên giờ mở cửa của nó phụ thuộc vào rạp hát bên trên, khi nào rạp có khách, có vở diễn thì bảo tàng cũng mở cửa, khách có vé xem hát được miễn phí vé vào cửa. Bị động như thế nên bảo tàng không có giờ mở cửa cố định mà chỉ tổ chức các tour tham quan được đặt trước. Nhiều báo đã đến đưa tin viết bài, bảo tàng được mô tả là “nằm ngay cạnh khu nhà vệ sinh nam, ngoài tiếng xả nước liên tục và mùi đưa ra thì có lẽ vị trí này duy trì được độ ẩm hợp lý để bảo quản tranh”.

Rạp hát phường Dedham(1), cơ sở đầu tiên của Bảo tàng. Ảnh: Katy, Blog Bay State Roadrunner


Tiêu chuẩn và tuyển chọn

Như lời giới thiệu trên trang web chính thức của bảo tàng, tôn chỉ hoạt động của nó từ khi thành lập đến nay là “Mang những tác phẩm tồi tệ nhất đến với đông đảo quần chúng nhất”. Hiện bộ sưu tập đã lên đến 600 tác phẩm với khoảng 70 trong số đó được trưng bày thường xuyên. 600 không phải là nhiều so với quãng thời gian 20 năm hoạt động và hàng nghìn tác phẩm được quyên góp mỗi năm. Bởi lẽ những tiêu chuẩn lựa chọn của bảo tàng cực kỳ nghiêm ngặt và khắt khe. Bà Marie Jackson nay là Giám đốc phân tích mỹ học (Director of Aesthetic Interpretation) cho biết:”Chín trên mười tác phẩm gửi đến không được bảo tàng chấp nhận. Những gì các họa sĩ cho là xấu chưa chắc đã chạm được tới tiêu chuẩn vô cùng thấp của chúng tôi”. Giám tuyển Michael Frank của bảo tàng cho biết các tác phẩm được lưu giữ ở đây đều thể hiện sự làm việc nghiêm túc của người sáng tác, mang theo tuyên ngôn nghệ thuật của họ và phải thực sự bắt mắt, nói ngắn gọn là chất lượng phải khiến mỗi người xem kêu lên: “Ôi trời ơi!”. Frank là một nhạc sĩ chuyên nghiệp kiêm nghệ sĩ tạo hình bóng bay nên ông cho rằng quan trọng nhất là tác phẩm không được tẻ nhạt, “nó phải được tác giả chú tâm làm ra nhưng cuối cùng thất bại hoặc trong quá trình sáng tác hoặc ngay từ trong khâu lên ý tưởng”.

Bảo tàng không chấp nhận các sản phẩm của trẻ em, các loại tranh sản xuất hàng loạt bán cho khách du lịch, các loại thủ công mỹ nghệ nói chung… Rất nhiều tác phẩm của bảo tàng được gửi tặng bởi những người thực sự muốn trở thành nghệ sĩ. Khoảng mười lăm người trong số họ qua phản ứng của khách tham quan đã nhận ra được thực tế, dũng cảm bước ra khỏi quá khứ và hiện tại đã có tác phẩm treo tại các gallery thực thụ. Các tác phẩm của bảo tàng hầu như được thu nhận miễn phí, nhưng đôi khi với những bức xấu đặc biệt thì phải bỏ tiền ra mua, tuy nhiên nguyên tắc là không được quá $6.5, vậy mà cũng có những bức ngoại lệ phải bỏ ra gấp hai, gấp ba.

Mana Lisa, 12×16 inch, mô tả của bảo tàng: “Một sự tái diễn giải phi giới tính tác phẩm cổ điển của danh họa daVinci. Mũi của Mana Lisa thẳng một cách ấn tượng, chia cắt dòng đối thoại giữa tiền cảnh và phần hậu cảnh được tô vẽ kỹ lưỡng. Ngoài ra, nếu giải mã tiêu đề tác phẩm, ta có thể nhận ra mật mã đảo chữ cái bí ẩn của Leonardo với rất nhiều trường hợp như: Man alias, I am nasal, a sail man, as animal, am a snail, mail nasa” (dành cho bạn nào biết tiếng Anh tự đọc).

Triển lãm và phản ứng của công chúng

Buổi triển lãm ngoài trời đầu tiên của bảo tàng tiến hành treo tranh trên các cành cây với tên gọi: “Những tác phẩm đi ra ngoài cửa sổ – Phòng tranh trong rừng”. Các bài nhạc dở tệ được bật lên để tạo một bầu không khí thưởng lãm trọn vẹn.  Một buổi triển lãm khác với tên gọi “Awash in Bar Art” (Trôi nổi trong biển tranh xấu)(2) với 18 tác phẩm được bọc nilông trong suốt, treo dọc tường của một hiệu rửa xe tự động – “bảo tàng drive-thru đầu tiên trên thế giới kết hợp với rửa xe”. Hoặc năm 2006, sau khi triển lãm của họa sĩ nổi tiếng David Hockney kết thúc tại Bảo tàng Mỹ thuật Boston, ngay lập tức MOBA đã khai mạc triển lãm “Hackneyed Portraits” (Những chân dung buồn tẻ)(3) để lấp đầy “cảm giác trống trải của công chúng yêu nghệ thuật”.

Khách tham quan bảo tàng thường ghi lại cảm nghĩ của mình vào sổ lưu niệm. Một số nhận xét trong quyển sổ này như sau: “Những bức tranh này gây cảm giác cực kì khó chịu nhưng tôi lại không làm sao rời mắt được chúng, nó giống như một vụ tai nạn giao thông gớm guốc vậy”, “Cặp núm vú của cô ta cứ ám ảnh tôi mãi, bám theo tâm trí tôi khi đi quanh căn phòng, thật là đáng sợ”. Ngay cả nhân viên của bảo tàng nhiều khi vẫn cười phá lên trong phòng trưng bày chứ đừng nói là khách.

“George ngồi bô ngày Chủ nhật”, 22×37 inch, sơn dầu trên vải, mô tả:”Liệu những dòng xoáy kia có thể làm tan chảy khối lượng cơ thể khổng lồ của George? Bức tranh điểm màu này cho thấy sự tỉ mỉ của tác giả đến từng chi tiết như từng đường chỉ may trên khăn tắm, hoàn toàn đối lập với sự bất cẩn đến không ngờ khi vẽ cái chân của chủ thể”. Giám tuyển bổ sung: “Nhân vật có thể đang mặc tã, bỉm, quần lót hoặc khố của sumo”.

Bảo tàng từng bị buộc tội là phản nghệ thuật, giễu nhại các tác phẩm mỹ thuật. Tuy nhiên, bà Louise Reilly Sacco (em gái Jerry Reilly), chức danh “Quyền giám đốc lâm thời điều hành vĩnh viễn” (Permanent Acting Interim Executive Director), cho biết: “Nếu chúng tôi có chế giễu thì đối tượng là cả thị trường nghệ thuật chứ không phải người nghệ sĩ. Nhiều người muốn vẽ nhưng bị kìm lại bởi nỗi sợ, khi họ nhìn thấy những tác phẩm của chúng tôi thì họ được động viên và cứ thế thẳng tiến. Đây là một bảo tàng thực sự. Sự công nhận của nó ở phạm vi toàn thế giới”. Giáo sư Dean Nimmer của Học viện nghệ thuật Massachusettes (kiêm Giám đốc thẩm mỹ của MOBA) cho rằng bảo tàng này thực sự chuyên nghiệp vì “nó áp dụng mô hình của các bảo tàng mỹ thuật và có bộ tiêu chuẩn đánh giá hoàn chỉnh”. Nhiều giáo viên cấp ba đưa học sinh đến MOBA trước rồi mới đến Bảo tàng Mỹ thuật Boston sau để học sinh có sự cảm nhận rõ rệt, “các em được giải phỏng khỏi những luật lệ hà khắc của mỹ thuật, nếu dẫn chúng vào bảo tàng mỹ thuật trước, chúng như bị hăm dọa phủ đầu, còn dẫn vào MOBA trước thì chúng được cười đùa, chỉ trỏ, bày tỏ quan điểm và tranh luận với nhau.” 

Ngoài ra các tác phẩm của bảo tàng còn được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học: tâm lý học, xã hội học, mỹ học với những kết luận bất ngờ. Một dự án cho người tham gia xem các tác phẩm từ cả MoMA và MOBA rồi yêu cầu họ đánh giá mỗi bức là “Rất hấp dẫn” hoặc “Rất phản cảm”. Người đánh giá được chia làm hai nhóm: một là đánh giá ngẫu nhiên, quyết định nhanh chóng hai là được cho thời gian phân tích kỹ lưỡng, có lý luận biện chứng. Kết quả cho thấy về mặt tổng quát, tranh của MoMA được đánh giá cao hơn nhưng riêng nhóm được cho thời gian suy nghĩ và tìm chứng cứ lập luận vừa đánh giá không chuẩn, vừa không đồng nhất trước sau trong các ý kiến. Những người này không thấy toàn bộ tranh của MoMA hấp dẫn hơn và cũng không hề thấy tranh của MOBA phản cảm hơn. Kết luận của nhóm nghiên cứu là người lựa chọn ngẫu nhiên, quyết định nhanh luôn cho ra kết quả đồng đều và không có nhiều sai lệch về độ chính xác so với người đã có thời gian suy nghĩ.

Trộm tranh

Các chi nhánh của bảo tàng luôn mở cửa miễn phí và thưởng chẳng có ai ở đấy trực cả. Người xem nào hảo tâm thì để lại ít tiền hỗ trợ bảo tàng, hoặc khi có nhân viên ở đấy bán thức ăn, nước uống thì mua ủng hộ. Vậy mà vẫn có kẻ… nhẫn tâm ăn cắp tranh đòi tiền chuộc. Đã có hai vụ trộm tranh của bảo tàng khiến cho danh tiếng của nó càng vang dội. Năm 1996, một bức tranh của bảo tàng biến mất, cảnh sát Boston xếp vụ việc vào mục “trộm cắp tài sản”. Bảo tàng ra giá $6,5 tiền thưởng cho ai trả lại bức tranh, về sau tăng lên $36,73 nhưng vẫn bặt vô âm tín. Bẵng đi mười năm, vào năm 2006, tên trộm gọi điện đến bảo tàng để đòi tiền chuộc $5000, bảo tàng kiên quyết không trả nhưng cuối cùng tên trộm vẫn trả lại bức tranh.

Đây chính là bức Eileen huyền thoại được trả lại sau mười năm mất tích. Scott Wilson tìm thấy nó trong một bãi rác với một vết rách lớn trên vải, ai đó đã dùng dao đâm thủng bức tranh trước cả khi bảo tàng tiếp nhận nó “càng tăng thêm phần kịch tính cho một tác phẩm vốn đã đầy sức mạnh”.

Vào năm 2004 lại xảy ra một vụ trộm tranh khác. Lần này tên trộm để lại một tờ giấy yêu cầu $10 tiền chuộc nhưng lại sơ ý không cung cấp bất kì thông tin liên lạc nào. Vài ngày sau đó tên trộm trả lại bức tranh vào chỗ cũ và gửi thêm $10 ủng hộ bảo tàng. Giám tuyển của bảo tàng tự hào trả lời báo chí: “Bọn trộm nghệ thuật luôn luôn gặp khó khăn trong việc tàng trữ các tác phẩm chúng ăn cắp được, bởi lẽ các bảo tàng danh tiếng không bao giờ mặc cả với lũ tội phạm”.

Sau đó bảo tàng đã tiến hành lắp đặt một camera theo dõi (không hoạt động) kèm theo ghi chú dán bên dưới: “Cảnh báo! Tòa nhà này được bảo vệ bởi một camera an ninh giả”.

Hi vọng câu chuyện dí dỏm này cung cấp thêm cho độc giả một cái nhìn thú vị về cuộc sống muôn màu quanh ta. Ai có dịp đi thăm Boston có lẽ không nên bỏ qua điểm đến thú vị này. Biết đâu lại có họa sĩ nào nhà ta đem tranh gửi tặng không chừng!

Trang web chính thức của bảo tàng tại đây.

Còn đây là một video bình tranh trên kênh Youtube của Giám tuyển bảo tàng theo phong cách của các nhà đấu giá chuyên nghiệp như Sotheby’s hay Christie’s.

 *

Bài đã đăng trên Nhân dân hằng tháng, số tháng 10. 2015.
Các hình ảnh trong bài (nếu không ghi tên tác giả) đều đã được chính tác giả cho phép sử dụng với mọi mục đích, gỡ bỏ hoàn toàn điều kiện bản quyền

*

(1) Chữ Dedham đọc là Đét-đầm, những địa danh tiếng Anh có phần cuối là “ham” thường bị người Việt phát âm sai nhiều nhất, kể cả những người sinh sống và học tập lâu năm tại các nước nói tiếng Anh. Chữ “h” ở đây là âm câm nghĩa là không đọc, nói cách khác Tottenham phải đọc là Tốt-từn-nầm, Birmingham phải đọc là Bơ-minh-gầm.

(2) A wash viết rời nghĩa là một lần giặt, rửa

(3) Hackneyed là nhại tên Hockney

Ý kiến - Thảo luận

5:42 Tuesday,8.12.2015 Đăng bởi:  Mi Nhgọc
Các hoạ sĩ ở đây đều thành thật, dại khờ và quyết tâm một cách lạ lùng ! Mà nghệ thuật lại cần điều này.
...xem tiếp
5:42 Tuesday,8.12.2015 Đăng bởi:  Mi Nhgọc
Các hoạ sĩ ở đây đều thành thật, dại khờ và quyết tâm một cách lạ lùng ! Mà nghệ thuật lại cần điều này. 
12:59 Sunday,29.11.2015 Đăng bởi:  Candid
Đăng báo Nhân dân thật sâu xa. :D
...xem tiếp
12:59 Sunday,29.11.2015 Đăng bởi:  Candid
Đăng báo Nhân dân thật sâu xa. :D 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Cuối cùng không nhịn được nữa, tôi phải nói ra tên những kẻ đốt tôi đây…

Bài phỏng vấn độc quyền ông Cột Nhà Cháy của phóng viên Đen Nhẻm, báo Bồ Hóng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp