Điện ảnh

Dead Poets Society: chán lắm, hy vọng đại văn hào không trở mình dưới mộ29. 11. 15 - 6:21 am

Pha Lê

(Bài có tiết lộ nội dung, dù không nhiều, ai muốn xem nên tránh đọc, nhưng nói trước là phim dở tệ hại)

*

Poster phim “Dead Poets Society”

Việc một tác giả lấy bộ môn gì đó làm trung gian cho tác phẩm của mình khá phổ biến mà cũng chẳng có gì sai. Nhớ hồi còn đi học, bọn bạn trong lớp cứ thế mê mẩn với truyện trang manga Touch, dù rằng yếu tố bóng chày trong truyện hơi bị viển vông. Làm gì có cậu học sinh nào vừa là tay ném chủ lực, giữ sạch bảng trong suốt 9 lượt innings, vừa là tay đánh clean up hitter cho nổi. Đã thực sực thích bóng chày thì xem Ace of Diamond cho nó sát thực tế hơn. Nhưng Touch mượn bóng chày để nói về tình cảm giữa ba cô cậu Minami, Tatsuya và Kazuya. Nó chẳng cần phải bám sát bóng chày quá, nhân vật đáng yêu là đủ, bởi vậy nhiều học sinh rất mê Touch, và tôi thấy điều này không có gì hại.

Cái hại đối với tôi là những tác phẩm kiểu Dead Poets Society, lấy thơ văn ra làm trung gian cho sự tự do, hệ thống giáo dục, cách giảng dạy chi đó. Nhưng kết quả là thơ không ra thơ, học không ra học, sự tự do, tự suy nghĩ đâu chả thấy.

Bộ phim quay vào năm 1989, kể về thời cuối những năm 50s, nếu xét mặt kỹ thuật thì phim có nhiều điểm tốt. Câu chuyện bắt đầu ở trường nam sinh Welton, nơi Todd (Ethan Hawke), Neil (Robert Sean Leonard), Knox (Josh Charles)… theo học. Todd có một ông anh nổi tiếng học giỏi, nên cậu luôn cảm thấy mình lép vế, bị bố mẹ bỏ không quan tâm. Neil bản chất nghệ sĩ, mộng làm diễn viên nhưng có ông bố khó tính là người cố làm việc kiếm tiền để ép cậu học thành luật sư, bác sĩ. Knox đi mê một cô gái, nhưng cô này là bồ của chàng khác, và Knox quá nhát, không dám tỏ tình. Lúc năm học bắt đầu, trường Welton tuyển thầy John Keating về làm giáo viên dạy văn thơ cho các học sinh trong lớp của Todd, Neil, và Knox. Xuyên xuốt phim, thầy Keating từ từ chiếm tình cảm của các cậu học sinh qua cách dạy phóng khoáng không theo sách vở của mình.

Phim có thế nào thì Robin Williams diễn cũng rất tuyệt, gần như chưa bao giờ thấy ông đóng dở.

 

Tuyệt vời không kém là Ethan Hawke trong vai Todd, thật dễ hiểu vì sao sau này Ethan trở thành ngôi sao hạng A. Vai Todd nói không nhiều nhưng cảm xúc luôn đầy đặn trên khuôn mặt

Câu chuyện nghe hơi bị hấp dẫn, và ngay khúc dạo đầu, đạo diễn Peter Weir đã xây dựng hai thế giới đối lập. Một bên là trường lớp cứng nhắc, các bậc phu huynh áp đặt, ông thầy hiệu trưởng ngay hôm khai giảng đã đứng lên làm một bài về truyền thống, kỷ cương nọ kia, sau đó khoe rằng nhiều cựu học sinh của trường này đã đậu vào đại học danh tiếng A, B, C, D… lời nói của thầy nghe loáng thoáng chất gian ác. Bên còn lại là thầy John Keating.

Thầy hiệu trưởng cổ hủ, khó tính của trường Welton

Dead Poets Society may mắn quay ở cái thời chuộng sự từ tốn, cảnh quay đa số là cảnh dài, ít cắt xén, ít cử động lung tung, và được biên tập tốt, trơn tru. Đạo diễn cho người xem thấy cuộc sống của các cậu nam sinh trước, và nhờ những cảnh dài chậm rãi mà chúng ta có thể tập trung quan sát từng nhân vật, từ từ hiểu được tính cách, hoàn cảnh của từng người. Sự gò bó của ngôi trường cứ thế thấm dần, đến khi thầy John Keating bước vào lớp, kêu học sinh xé sách với đứng lên bàn, người xem bắt đầu thở phào vì họ hít được chút không khí của sự tự do.

Thầy John đứng lên bàn trong giờ giảng

Và cái tự do ấy có thể trở thành bộ phim hay, nếu thầy dạy thơ cho nó ra dạy thơ.

John Keating – hẳn là lấy theo tên của nhà thơ vĩ đại John Keats – nhưng sự giống nhau giữa hai người chắc chỉ dừng ở cái tên. Thầy quả là phá cách, kêu học sinh đứng lên bàn thay vì ngồi, cho các cậu ra ngoài học thay vì ở trong lớp – tức thầy cũng biết cách giúp mấy em thoát ra môi trường gò bó. Nhưng cuối cùng học thơ văn thì vẫn phải học chứ, dù cho bọn nhỏ đứng ngồi kiểu gì ở đâu. Vậy mà thầy John dạy các học trò của mình “cảm nhận” là chính: kiểu đứng lên đọc vài trích đoạn, kêu chúng “cảm nhận”, thế là xong. Tới đây khán giả đành cau mày tự hỏi chẳng biết kịch tác gia có đang lấy sự cảm nhận thơ văn để che giấu cái sự… không biết gì.

Thầy John và các em học sinh trong sân trường

Tâm điểm giảng dạy của thầy John là nhà thơ Henry David Thoreau, thầy kêu học trò lên đọc vài câu trích đoạn của cuốn Walden – tác phẩm tuyệt nhất của Thoreau – rồi kêu mấy đứa cảm nhận đi, sống tự do như Thoreau viết đi, thế là… xong. Đám học sinh sau đấy cũng chui vào hang đọc lại cho nhau nghe cái trích đoạn đó, Walden vô tư hiện lên màn ảnh với vài câu cụt ngủn. Nếu bảo đây là một người thầy tốt, dạy dỗ học sinh tự do hành động, suy nghĩ theo ý mình qua thơ văn thì quả không ngửi nổi. Nhà thơ Thoreau từng bỏ hết tất cả, chui vào rừng sống trong một cái chòi theo kiểu tự cung tự cấp, ông lấy sự cô đơn làm bạn, sống nhờ vào thiên nhiên, quyết không thèm… trả thuế vì ông cho rằng mình chẳng nhờ vả nhà nước bất cứ điều gì hết. Thức ăn ông tự tìm, nhà cửa ông tự lo. Tác phẩm Walden của ông thuật lại thời gian sống theo ý muốn của bản thân đó, sách chứa vô vàn thứ hay để nghiền ngẫm, nhất là nếu thầy John muốn dạy về tự do này kia. Nhưng cuối cùng cái mà các học sinh lẫn khán giả nhận được là vài câu trích. Xem cảnh này, khán giả chỉ còn nước thầm vái rằng Thoreau làm ơn đừng bực mình mà trằn trọc dưới mộ.

Tượng nhà thơ Thoreau và bản sao mô phỏng cái chòi ông từng ở

Thầy John muốn dạy sao thì dạy đã đành, bọn học sinh muốn đạo văn ai thì đạo. Thật suýt ngất khi xem cảnh một cậu học trò chỉ vì muốn cưa cẩm đàn bà con gái, mà thản nhiên đọc vài dòng thơ trong bài She Walks in Beauty của Byron rồi nói rằng đó là thơ mình… tự làm cho nàng. Vào thế kỷ 18, Byron là nhà thơ nổi tiếng giỏi nhưng cũng nổi tiếng lăng nhăng, yêu đương theo ý thích, yêu cả nam lẫn nữ. Lúc nhận nhiều điều tiếng quá ông bèn bỏ Anh sang Ý, sang Hy Lạp, sang Bỉ để sống theo ý muốn. Nếu muốn nói về tự do, không cần đọc thơ Byron, nhìn vào cuộc đời của ông thôi cũng đủ. Nhưng tất nhiên Dead Poet Society chẳng động gì đến điều này, vỏn vẹn vài câu thơ trong cả bài hay nhất của Byron xuất hiện dưới hình thức ăn cắp, với mục đích tán tỉnh phụ nữ. Khán giả vừa xem vừa tự hỏi chẳng biết thầy John có dạy đám học trò của mình tự do là trơ trẽn, không tôn trọng tác phẩm của người khác, muốn đạo gì cứ đạo không.

Tranh “Ngài Byron trong trang phục Albany” của Thomas Phillips vẽ năm 1835

Chuyện nhân vật lợi dụng, vớt váng thơ văn chứ không đếm xỉa tới phần chìm cũng dễ hiểu thôi, do chính đạo diễn và kịch tác gia cũng thế, toàn hớt phần bọt ở trên nhằm mục đích lợi dụng, hỏi sao nhân vật khá hơn được. Điều này rõ mười mươi khi phim tiến tới đoạn diễn kịch Shakespears.

Thầy John có dạy Shakespears, nhưng cũng chán y như cách thầy dạy Thoreau với không dạy Byron thôi, bàn nữa nó mệt. Vấn đề nằm ở chỗ: nhân vật Neil ôm mộng làm diễn viên, nhưng có ông bố bà mẹ áp đặt muốn cậu làm luật sư, bác sĩ. Cậu đành nói dối bố mẹ và nhà trường, lén đi thử vai, rồi lén đóng kịch. Ông bố biết được đâm giận dữ, cấm đoán, nhưng cuối cùng có cảnh ông đến rạp xem con trai diễn.

Robert Sean Leonard trong vai Neil. Nhìn quen không? Sau này Robert đóng vai bác sĩ Wilson trong show truyền hình House M.D đấy.

Neil có thể đóng tỷ vai trong tỷ vở kịch có mặt trên đời, nhưng kịch bản bắt cậu đóng Puck trong Giấc mộng đem hè. Biết tại sao không? Tại vì cuối vở Puck có đoạn độc thoại về dối trá, về giấc mơ chi đó. Ý của phim là với ông bố đang đứng xem kịch, Neil muốn bày tỏ – qua nhân vật mình đang đóng – rằng anh xin lỗi vì nói dối bố, rằng làm diễn viên là ước mơ của anh. Đoạn này sặc mùi lợi dụng, chủ yếu bám vào phần nổi của lời thoại để Neil giãi bày tâm sự, càng xem càng tức lộn ruột.

Neil và ông bố hay áp đặt.

Thứ nhất, có khoái Robert Sean Leonard cỡ nào đi nữa, có ngồi xem hết 8 phần của series House M.D vì anh diễn viên này đi nữa, cũng phải công nhận rằng anh chẳng thể đóng nổi kịch Shakespears. Ai cũng biết, kịch Shakespears chơi chữ rất nhiều, nên phải hiểu – chứ không phải “cảm nhận” suông – mới nói thoại, ngắt nhịp cho đúng. Kịch của đại văn hào còn nổi tiếng là “lyrical” – tức trữ tình, mang âm sắc du dương – nên người đóng phải biết kiểm soát giọng đọc thoại, lên xuống thế nào. Thoại Shakespears không phải thứ nhét mồm ai cũng được, diễn viên của hội Shakespears luôn có đài từ cực tốt, và nằm ở đẳng cấp khác. Bắt Ian McKellen đóng kịch Shakespears rồi bảo ông giỏi tôi còn tin, chứ kêu Robert Sean Leonard đóng vai Neil rồi lấy chàng Neil đó đi đóng kịch Shakespears, tôi mà là bố cậu ấy thì xem xong tôi cũng ép cậu làm luật sư. Báo hại nhân vật Neil bỗng dưng hiện thân thành một diễn viên tồi.

Neil trên sân khấu, trong vai Puck – một trong những Puck lèo nhèo nhất của kịch Shakespears.

Thứ hai, Puck là một nhân vật tinh nghịch, hay bày trò quậy phá, nhưng tâm địa nhìn chung là tốt – Giấc mộng đêm hè là vở hài mà. Chính vì quậy nên Puck gây hiểu lầm giữa Hermia, Helena, Lysander, và Demetrius. Tất nhiên hiểu lầm vui thôi, qua nhầm lẫn chết cười ấy các nhân vật mới phát hiện ra rằng mình thật sự yêu ai. Thế nên cuối vở kịch Puck mới xin lỗi mọi người vì trò đùa của mình, và bảo mọi người cứ xem những nhầm lẫn, lừa dối ấy như giấc mơ – tất cả trên tinh thần vui vẻ, nghịch ngợm. Khổ nỗi, nhân vật Neil đang muốn bố chấp nhận ước muốn nghề nghiệp của mình, nên thay vì diễn theo tinh thần vui tươi của Puck, Neil đọc thoại cứ như van nài, xin xỏ. Kịch bản cứ thế lợi dụng, hớt bọt câu cú của đại văn hào như thế này, người xem chỉ còn nước tiếp tục vái Shakespears làm ơn đừng trằn trọc dưới mồ. 

Nhiều người có thể bảo “gớm, chi mà nghiêm trọng thế, phim mượn thơ để nói về sự tự do, tự suy nghĩ, về cách dạy học không theo khuôn khổ cơ mà”. Ờ, Touch cũng vậy, mượn bóng chày nói chuyện tình cảm. Yếu tố bóng chày vô cùng xạo xịa, được cái chuyện tình cảm làm rất hay. Còn Dead Poets Society ấy hả, tự suy nghĩ, tự do đâu chẳng thấy, chỉ thấy một lũ học sinh hèn nhát.

Cuối phim, sau nhiều chuyện không vui xảy ra, cộng với kiểu dạy phóng khoáng “nhìn thấy ghét” đã khiến trường Welton âm mưu đuổi việc thầy John. Hiệu trưởng cùng các bậc cha mẹ ép mấy cậu học sinh khai man và ký tên xác nhận vào bản tố cáo, viết rằng thầy John đã sai phạm, đã hành xử trái đạo lý thế nọ thế kia. Học sinh phải ký thì trường mới có cớ đuổi thầy. Kết quả: trừ một cậu giải quyết bằng bạo lực và bị tống cổ khỏi Welton, còn lại toàn thể các học sinh mà thầy John cất công dạy dỗ đồng loạt ký tên vào văn bản đuổi việc thầy.

Nếu tạm theo hướng thầy John là người thầy tốt mà phim cố nêu ra, thì chuyện đám học sinh yêu thầy nhưng vẫn để nhà trường và gia đình “bắt ký tên” đuổi thầy đi là chuyện khó chấp nhận. Phim có nhiều khẩu hiệu hay, khổ nỗi chúng toàn dừng ở mức khẩu hiệu, chẳng có gì để chứng minh cho khẩu hiệu ấy. Văn thơ làm không tới, dạy không trọn, đã vậy bọn nam sinh sau khi học thầy John cũng chẳng dũng cảm được gì hơn.

Lý lẽ mấy nam sinh đưa ra là “Họ ép chúng em làm” (!) Bao nhiêu tự do, tự suy nghĩ mà thầy dạy bay đâu mất rồi? Những năm 50s thì nước Mỹ còn nhiều bất cập, cổ hủ, nhưng trợ cấp xã hội vẫn còn tốt chán, và kiểu gì cũng tốt hơn thời Thoreau chui vào rừng tự sống hay thời Byron bỏ xứ để được làm điều mình muốn. Vậy mà một đám thanh niên khỏe mạnh, cơ thể lành lặn, đầu óc thông minh, được thầy dạy hãy tự do suy nghĩ và làm những gì mình cho là đúng, lại đành lòng đứng lên bàn nhìn thầy mình xách cặp ra đi – tất cả chỉ vì họ sợ nhà trường (đuổi không cho học tại nơi này nữa?) với sợ bố mẹ (không nuôi nữa?) Chứ có ma nào bắt mấy đứa vô tù do không chịu ký tên vào bản tố cáo (sai) ông thầy đâu nhỉ.

Cảnh mấy học sinh đứng nhìn thầy giáo xách cặp ra đi

Tóm lại phim này kỹ thuật không tệ nhưng nội dung chán quá chán, nếu ai muốn xem cái gì có chút tình thầy trò hay tình văn thơ nên tránh xa cho đỡ phí thời giờ.

Ý kiến - Thảo luận

5:25 Sunday,13.6.2021 Đăng bởi:  :>
Xin phép được xưng cháu, vì có lẽ kém người viết review này rất nhiều tuổi rồi.
Bộ phim chính là một sự ngổn ngang suy nghĩ về giáo dục của con người trong thời đó. Bộ phim rất thành công gây được một sự đồng cảm sâu sắc cho người xem. Bởi bản thân bộ phim nêu ra được vấn đề về giáo dục không chỉ là của nước Mỹ mà còn rất nhiều quốc gia khác, đó
...xem tiếp
5:25 Sunday,13.6.2021 Đăng bởi:  :>
Xin phép được xưng cháu, vì có lẽ kém người viết review này rất nhiều tuổi rồi.
Bộ phim chính là một sự ngổn ngang suy nghĩ về giáo dục của con người trong thời đó. Bộ phim rất thành công gây được một sự đồng cảm sâu sắc cho người xem. Bởi bản thân bộ phim nêu ra được vấn đề về giáo dục không chỉ là của nước Mỹ mà còn rất nhiều quốc gia khác, đó là về tính quy tắc quá mức cần thiết trong việc dạy và học của nhiều nền giáo dục. Một môi trường học tập (như trong phim) quá độc hại cho một đứa trẻ. Môi trường này giết chết giấc mơ của một đứa trẻ theo đúng cách. Bản thân những giá trị vượt thời đại mà bộ phim truyền tải cho người đọc rất nhân văn, tuy bộ phim đã hơn 30 năm tuổi.
Về cái dạy học sinh của Keating, ông đã từng là một học sinh ở chính cái ngôi trường đó. Ông yêu việc dạy học, nên ông trở lại, thổi một luồng tư tưởng mới về cách học văn. Mọi trích dẫn hơn cả chỉ "trích dẫn" cho xong. Ông nói học sinh hãy tự cảm nhận những câu thơ đó, và những cậu học sinh đó không đơn giản là chỉ đọc cho xong ở trong Dead Poets Society.
Và thật sự còn rất nhiều vấn đề trong bài review của anh/chị/cô/chú mà người bình luận ở trên đã viết. Viết ra được những dòng này thì anh/chị/cô/chú chưa hiểu được thông điệp của đạo diễn truyền tải cho người xem rồi. Hoàn toàn phiến diện!
(Btw em/cháu cũng chỉ vừa bước qua tuổi 18, và thực sự thế giới quan hoàn toàn khác khi xem bộ phim này)
  
22:45 Tuesday,26.12.2017 Đăng bởi:  Vũ Minh Hiếu
Ngày 26/12/2017

Vừa xem xong phim này. Không biết bác làm bài review này từ khi nào, cơ mà đến bây giờ em mới được đọc bài của bác.

Thật hay ho khi thấy có người đánh giá một bộ phim qua góc nhìn thơ văn chứ không phải qua góc nhìn điện ảnh như bác. Phải nói là quan điểm của bác với em có kha khá mâu thuẫn đấy.

Bác gọi những người trẻ trong phim là h
...xem tiếp
22:45 Tuesday,26.12.2017 Đăng bởi:  Vũ Minh Hiếu
Ngày 26/12/2017

Vừa xem xong phim này. Không biết bác làm bài review này từ khi nào, cơ mà đến bây giờ em mới được đọc bài của bác.

Thật hay ho khi thấy có người đánh giá một bộ phim qua góc nhìn thơ văn chứ không phải qua góc nhìn điện ảnh như bác. Phải nói là quan điểm của bác với em có kha khá mâu thuẫn đấy.

Bác gọi những người trẻ trong phim là hèn nhát? Hẳn phụ huynh  của bác phải tốt hơn phụ huynh những bạn trẻ kia rất rất rất RẤT nhiều thì bác mới có đủ sự tự do và phóng khoáng trong tâm trí mà phát biểu được như vậy. Riêng việc cho con đi học trường công giáo đã thể hiện sự bảo thủ cực độ và sự áp đặt lối suy nghĩ ấy của các vị phụ huynh kia lên đầu những đứa con của họ. Em khá chắc là bác chưa từng  học trường công giáo; bác chưa từng có bố mẹ như những người bố người mẹ trong phim; vì nếu đặt mình vào hoàn cảnh tương tự em chắc chắn còn lâu bác mới phát biểu được những lời trên.

"Lý lẽ mấy nam sinh đưa ra là “Họ ép chúng em làm” (!) Bao nhiêu tự do, tự suy nghĩ mà thầy dạy bay đâu mất rồi? Những năm 50s thì nước Mỹ còn nhiều bất cập, cổ hủ, nhưng trợ cấp xã hội vẫn còn tốt chán, và kiểu gì cũng tốt hơn thời Thoreau chui vào rừng tự sống hay thời Byron bỏ xứ để được làm điều mình muốn. Vậy mà một đám thanh niên khỏe mạnh, cơ thể lành lặn, đầu óc thông minh, được thầy dạy hãy tự do suy nghĩ và làm những gì mình cho là đúng, lại đành lòng đứng lên bàn nhìn thầy mình xách cặp ra đi – tất cả chỉ vì họ sợ nhà trường (đuổi không cho học tại nơi này nữa?) với sợ bố mẹ (không nuôi nữa?) Chứ có ma nào bắt mấy đứa vô tù do không chịu ký tên vào bản tố cáo (sai) ông thầy đâu nhỉ."

Lại lần nữa, bác lại không đặt mình vào hoàn cảnh của những đứa trẻ trong phim - những đứa trẻ sống trong sự đùm bọc và khắt khe đến cực độ. Nên nhớ chúng còn chẳng được tiếp cận với ti vi (hay internet - tất nhiên rồi!) để mà tự do tư tưởng được như ta. Và không thể so sánh một đám trẻ chưa đến tuổi học đại học với những tư tưởng như Thoreau hay Byron được. Chả hiểu sao bác đào ra được kiểu so sánh khập khiễng như vậy.

"Còn Dead Poets Society ấy hả, tự suy nghĩ, tự do đâu chẳng thấy, chỉ thấy một lũ học sinh hèn nhát."

Điều phim muốn thể hiện đó là một năm trời (chưa đến một năm trời) học với Mr.Keating không thể nào lấn át và làm thay đổi được chục khối óc đã chịu gò ép hàng chục năm trời. Tuy nhiên chi tiết đứng lên bàn lúc cuối phim - mà theo em thấy rất ý nghĩa - là một mình chứng cho thấy sự vận động đầu tiên trong suy nghĩ của lũ trẻ. Theo em thấy, nếu như bác nghĩ rằng chỉ qua một khoảng thời gian ngắn như vậy đủ để tạo ra sự thay đổi thần kì không gặp mấy khó khăn thì chính bác mới là người thiếu thực tế.

Bác chê vở kịch trong phim dở?
Bác à, chúng là HỌC SINH mà, đâu phải diễn viên chuyên nghiệp hay kinh nghiệm gì đâu? đây là phim xoay quanh vấn đề VẬN ĐỘNG THOÁT KHỎI SỰ KÌM HÃM, và phim cũng nhiều tuyến nhân vật nữa nên không tránh khỏi việc đi không sâu vào chuyên môn văn học, vì làm vậy đồng nghĩa với việc tăng độ dài phim lên tới... 3,4 tiếng. Nhưng cũng không thể trách hay đòi hỏi gì hơn được.

Bác bảo: "Nhưng cuối cùng học thơ văn thì vẫn phải học chứ, dù cho bọn nhỏ đứng ngồi kiểu gì ở đâu. Vậy mà thầy John dạy các học trò của mình “cảm nhận” là chính: kiểu đứng lên đọc vài trích đoạn, kêu chúng “cảm nhận”, thế là xong. Tới đây khán giả đành cau mày tự hỏi chẳng biết kịch tác gia có đang lấy sự cảm nhận thơ văn để che giấu cái sự… không biết gì."

Thế theo bác thế nào mới là học văn??  Thế nào mới là cảm nhận?? Lại tác giả tác phẩm, lại phân tích ra cho học sinh học theo ý trong sách với ý của giáo viên?? Đó quả là đi ngược lại với tinh thần chống sự áp đặt của phim - mà hành động xé sách đã nêu bật. Cái phim muốn nói là bước đầu hãy cảm nhận theo ý của mình.

"Cái hại đối với tôi là những tác phẩm kiểu Dead Poets Society, lấy thơ văn ra làm trung gian cho sự tự do, hệ thống giáo dục, cách giảng dạy chi đó. Nhưng kết quả là thơ không ra thơ, học không ra học, sự tự do, tự suy nghĩ đâu chả thấy."

Lại một lần nữa, bác vẫn lấy sự học do bác định nghĩa để áp đặt cho lối suy nghĩ về sự học do tác giả định nghĩa.

Mới luận ra được nấy thôi. Mong bác Pha Lê còn sống mà đoc được cmt này thì xin hãy rep lại. Ủng hộ nhiệt tình những ý kiến trái chiều.

Thân. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp