|
|
|
|||||||||||||
Ăn uốngĂn gì cho không độc hại (phần 3): Sinh ra để mà ăn tạp 23. 12. 15 - 6:10 amPha Lê(Tiếp theo bài trước) Mỗi lần rộ mốt “ăn cái này khỏe” – như mốt ăn không đường, không cơm gạo, không thịt, hoặc ăn… toàn thịt – tôi thường lầm bầm rủa rằng sao không ai chịu tự hỏi xem loài người là loài ăn gì. Lý do là ăn trái với cấu tạo cơ thể thường đem lại những điều không tốt; nếu không tin, cứ nhìn vô con gấu trúc. Khi nanh vuốt ăn lá Cách đây khá lâu, lúc lòng vòng trên mạng, tôi mới phát hiện ra rằng có một bộ phận nhà báo và nhà khoa học tẩy chay hoạt động bảo tồn gấu trúc. Theo họ, gấu trúc ban đầu là loài ăn thịt, lâu lâu có ăn tạp, nhưng hiện nay loài gấu này tự biến chúng thành động vật ăn cỏ, gần như bo xì thịt để măm lá trúc, lá tre. Cho dù gấu trúc tiến hóa thêm một ngón tay để tước lá trúc, toàn bộ cơ thể của nó không hề phù hợp với việc ăn lá. Răng của chúng là răng nanh nhọn, không nhai lá tốt như răng bò. Bao tử, và thậm chí là vi khuẩn với enzyme ngụ trong bao tử của chúng sẽ không giúp chúng tiêu hóa cũng như hấp thụ chất dinh dưỡng vốn đã ít ỏi trong lá tre. Khi xem mẫu phân, kết quả cho thấy gấu trúc chỉ hấp thụ nổi 17 phần trăm dưỡng chất từ lá tre trúc. Kết quả là: do không lấy đủ dưỡng chất từ lá trong một lần ăn, gấu trúc bắt đầu dành gần như toàn bộ thời gian trong ngày chỉ để nhai, ăn, và thải. Đầu óc chúng bắt đầu lơ ngơ, đần thối hết cả ra. Gấu mải ăn, một năm động dục có… vài ngày, đến mức các cơ sở bảo tồn gấu đành dùng hạ sách cho chúng uống viagra với xem phim “gấu cấp 3” để kích thích sinh sản, nhưng cũng không thành công. Gấu mẹ sinh con đã ít, vậy mà một số gấu mẹ lại còn chẳng nhớ rằng mình đã sinh con, quay sang giết chết hoặc đuổi đánh con mình. Hiện giờ, cho dù loài người đảm bảo được môi trường sống sạch sẽ, không bị săn trộm, việc thả gấu trúc lại với tự nhiên là điều khó khăn. Lu Zhi – chuyên gia gấu trúc ở Bắc Kinh – còn nói việc đưa loài gấu này về với thiên nhiên hoang dã vô bổ y như chuyện “cởi quần để đánh rắm”. Vấn đề nữa: gấu trúc nom rất dễ thương, loài người có tính xấu xem mặt mà bắt hình dong, nên đổ rất nhiều tiền vào công tác bảo tồn gấu trúc. Trong khi đó, nhiều giống loài xấu xí, vô cùng quan trọng với hệ sinh thái thì chúng ta bỏ mặc. Đến nỗi các nhà khoa học phải lập hội “bảo tồn động vật xấu” để tìm kinh phí cứu giúp các con có vẻ ngoài í ẹ như cá blob hoặc ếch mũi heo.
Trong tình hình môi trường ngày càng xấu, ngân sách bảo tồn thiên nhiên có hạn, vài nhà khoa học đã lên tiếng rằng thôi đừng bỏ quá nhiều tiền như thế vào gấu trúc nữa. Dành số tiền ấy đi bảo vệ những con bị bỏ rơi vì xấu, hoặc ít nhất những con biết tự cứu mình nhờ ăn uống đúng với cấu tạo cơ thể. Gấu trúc ấy hả, lo cứu môi trường sống của bọn nó vất vả đã đành, cứu bọn nó còn vất vả nữa mà chưa chắc thành công với cái thói ăn lá kia. Cuối cùng bao nhiêu tiền chỉ để dẫn tới chuyện ruồi bu. Nghe hơi bị cực đoan. Tất nhiên cũng có nhà khoa học phản bác lại ý kiến này. Gấu trúc nói cho cùng cũng là một loài, nếu chúng biến mất sẽ tác động xấu đến thiên nhiên. Nhưng dù cho ủng hộ việc bảo tồn hay không bảo tồn gấu trúc, chúng ta bắt buộc phải công nhận rằng vì quay lưng với ăn thịt mà bọn gấu ấy trở nên khó chiều, khó nuôi, khó cứu, lại tốn tiền. Chờ cho chúng tiến hóa để phù hợp với việc ăn lá tre lá trúc chắc phải đến độ chục ngàn hoặc triệu năm. Nếu loài người cũng trái khoáy như vậy, ai sẽ cứu chúng ta đây? Không ai cả. Loài người nói thế chứ ăn bậy là cũng tốn tiền trị bệnh chẳng kém gấu trúc. Do đó chúng ta không nên đi ăn ngược ngạo với cơ thể của mình. Sinh ra để ăn đủ thứ Mai An Tiêm nghĩ “Chim ăn được chắc người cũng ăn được” – trích Sự tích quả dưa hấu Loài người là loài ăn tạp, dù muốn dù không. Răng, bao tử, hệ tiêu hóa, enzyme… trong cơ thể người đã tiến hóa để phục vụ cho mục đích ăn tạp. Loài ăn tạp như người hoặc chuột luôn có lợi thế riêng và bất lợi riêng so với loài ăn một thứ như ăn cỏ hoặc ăn thịt. Lợi thế của loài ăn một thứ: chúng tự biết mình phải ăn gì, bản năng ăn uống rất cao nếu loài người không nhúng tay can thiệp, bắt bớ. Thả bò ra đồng chúng tự biết gặm cỏ, cọp beo tự biết bắt mồi ăn thịt, không cần suy nghĩ chi cho mệt mỏi. Bất lợi của loài ăn một thứ: gần như phụ thuộc vào môi trường sống, khó “du hí” quá xa khỏi nguồn thức ăn. Bò, dê, hay cọp, beo, sư tử không phải là loài sống đâu cũng được. Nếu nguồn thức ăn của chúng cạn là chúng rất dễ chết vì không thể ăn thứ khác bù vào, và dù đi ăn thứ khác, chúng cũng sẽ thiếu chất rất nhanh. Một số con đặc biệt như mèo – loài ăn thịt hoàn toàn, đã biết thu nhỏ cơ thể, mon men cạnh người và săn bắt nguồn thức ăn dồi dào là chuột – sẽ sống được ở nhiều nơi hơn. Tuy nhiên đại đa số những con ăn một thứ thường có địa bàn riêng.
Lợi thế của loài ăn tạp: có mặt ở khắp nơi, sống trong đủ loại môi trường. Vùng lạnh thật lạnh vẫn có người ở, vùng nóng, vùng ẩm ướt, nơi đảo hoang… cũng có nốt. Chỗ biển đảo nhiều cá, chúng ta lấy cá làm chủ đạo; nơi thảo nguyên sẽ có thịt bò thịt cừu; vùng sông núi có dê có vịt; đồng bằng thì lắm rau, gà ngóe, cá tôm. Chúng ta lấy dinh dưỡng từ nhiều thứ chứ không phải một thứ, và có khả năng thích nghi cao. Bất lợi của loài ăn tạp: cái bản năng “biết mình nên ăn gì” hơi bị cùn, và rất dễ… trúng độc. Loài ăn tạp sống dựa vào quan sát và khả năng rỉ tai nhau xem “ăn món mô sẽ không chết”. Chuột là loài ăn tạp giống ta, nên các nhà khoa học đã lôi chuột đi thí nghiệm để hiểu về cái sự ăn tạp này. Họ nhận thấy rằng lúc chuột vớ phải một món chúng không biết, chưa từng ăn qua bao giờ, chúng sẽ cắn thử một miếng rất nhỏ, và chờ. Nếu sau một thời gian chúng vẫn khỏe, cơ thể không phản ứng tiêu cực, chúng sẽ bắt đầu ăn no và báo cho đồng loại rằng món kia ăn được. Nếu bị trúng độc, chúng sẽ truyền lại là món ấy ăn không được. Vì vậy đánh bả chuột trong thời gian dài với mỗi một loại thuốc hơi bị khó, không giết được nhiều, nên dùng keo dán vẫn dễ hơn. Loài người cũng thế, quá trình ăn uống từ thuở sơ khai đã phụ thuộc vào việc quan sát, rỉ tai nhau. Mai An Tiêm thấy chim ăn dưa hấu không chết, suy ra rằng người ăn dưa hấu cũng sẽ không chết. Mắm tôm thối um, dù vậy người không ăn được mắm tôm cũng hiểu rằng nó chẳng hại gì do chúng ta xơi mắm hơn ngàn năm nay. Bản năng cùn của loài người vốn không ưa vị đắng – thứ khiến ta liên tưởng tới độc dược – đặc biệt bà bầu và trẻ em thường ghét đắng do bản năng tự bảo vệ mình của hai thành phần này hơi cao. Nhưng nhờ chúng ta biết khổ qua ăn không chết, lại mát nữa nên ta vẫn dẹp bỏ bản năng để ăn khổ qua. Tất nhiên người lớn dễ làm chuyện này hơn, bảo con nít ăn khổ qua thì thường mặt chúng sẽ mếu như bị tra tấn. Nhưng từ từ thấy ông bà cha mẹ ăn được, chúng nó ăn một tí và thấy mình không chết chóc gì, là nhiều cơ hội chúng sẽ ăn khổ qua khi lớn. Khổ một nỗi, trong thời đại thông tin nhiễu nhương, kẻ này phán ăn cái nọ bổ cái kia hại, cộng với bản năng cùn hay tin vào những điều rỉ tai đã khiến chúng ta hoang mang không biết mình nên ăn như thế nào cho phù hợp với bộ não lo âu. Trong khi sự thật lù lù rằng đối với loài ăn tạp, ta phải ăn đủ thứ mới khỏe nổi. Do đó, trước lúc bới sâu vô chuyện ăn gì, loài người nên nhớ một điều: các món tổ tiên ta ăn cả trăm cả ngàn năm nay, thực phẩm nuôi trồng sạch sẽ, không phun xịt vô tội vạ, không đi ngược thiên nhiên, không sản xuất xằng bậy… đều là thứ chúng ta ăn được. Trong mớ thực phẩm ấy, chẳng cái nào là quá hại. Và chẳng cái nào là quá bổ, như khổ qua có bổ tới đâu đi nữa, ăn mỗi khổ qua vẫn sẽ thiếu chất như ăn mỗi thịt bò. Muốn khỏe mạnh, ta phải gạt phăng những lời tung hô về một thứ nguyên liệu. Tạp nham thế đi cho lành.
Ý kiến - Thảo luận
22:47
Tuesday,29.12.2015
Đăng bởi:
phale
22:47
Tuesday,29.12.2015
Đăng bởi:
phale
@Gà: Lên kế hoạch rồi bạn, sẽ có, nhưng phải qua nhiều bài cơ bản nữa thì mới hiểu được ngọn ngành nên bạn chịu khó chờ.
22:30
Tuesday,29.12.2015
Đăng bởi:
Gà
Mong rằng chị sẽ sớm ra bài nói về cách ăn thịt đỏ :(
...xem tiếp
22:30
Tuesday,29.12.2015
Đăng bởi:
Gà
Mong rằng chị sẽ sớm ra bài nói về cách ăn thịt đỏ :(
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp